“Cận cảnh” yêu hay không yêu

V.HÙNG - P.QUANG - H.CƯỜNG 14/09/2014 04:09 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống “Rung động đầu đời của con tôi”, nhóm các giáo viên cấp III ở Phú Yên đã thử nghiên cứu để có cái nhìn về chuyện tình yêu của học trò mình.

Phiếu trả lời của học sinh tham gia cuộc “thăm dò bỏ túi” - Ảnh: P.H
Phiếu trả lời của học sinh tham gia cuộc “thăm dò bỏ túi” - Ảnh: P.H

​TTCT cảm ơn các tác giả và xin giới thiệu bài viết về cuộc “thăm dò bỏ túi” này.

Để quý phụ huynh có thêm cái nhìn cận cảnh về “rung động đầu đời” của con em mình, chúng tôi (giáo viên ở Phú Yên) tiếp xúc với nhiều nhóm học sinh lớp 11, tách riêng nam nữ, của các trường THPT Trần Quốc Tuấn, THPT Trần Bình Trọng, Trung tâm GDTX-HN Phú Hòa, nơi chỉ cách phố phường chừng 7km.

Chúng tôi đặt các câu hỏi trong không khí chuyện trò khá tự nhiên, cởi mở.

“Ba mẹ cấm yêu là đúng”

* Các em biết để ý, biết mắc cỡ trước bạn khác giới khi học lớp mấy?

Lúc đầu các em cho là biết “để ý” khi học lớp 9. Sau được khuyến khích “hãy nhớ lại coi và đừng ngại gì cả” thì các em khẳng định lớp 6 đã biết mắc cỡ với bạn khác giới, còn ở lớp dưới nữa thì vô tư không biết gì.

* Làm cách nào biết người mình để ý có để ý đến mình? Người mình để ý lại đi quen người khác thì mình tính sao?

- Coi bạn có liếc nhìn mình không, có quan tâm mình hay không, hay phải nhờ bạn hoặc anh chị đáng tin cậy trò chuyện thử xem bạn ấy có “mến” mình không.

- Nói chung là khó biết bạn ấy có để ý đến mình. Bó tay.

Vế sau của câu hỏi trên thì các em trả lời là buồn, ghen tức hoặc ghét không thèm quan tâm nữa.

* Mình và người bạn đó có thường rủ nhau đi chơi hay chủ yếu chuyện trò qua điện thoại, Facebook...?

- Khi đã thân nhau thì chuyện cùng đi chơi với liên lạc qua điện thoại, qua mạng ở mức độ tương đương nhau. 

- Rủ đi chơi riêng thì ngại lắm, thường chơi với nhóm bạn đông đông thôi. Khi đã quen thật thân thì sẽ đi riêng uống nước, ghế đá sân trường, thư viện, rạp phim... 

* Thấy các bạn có người yêu, mình chưa có, mình có buồn có nôn nao không?

- Không. Đời còn dài lo gì (cười).

- Đôi khi thấy mấy bạn cứ kè kè chăm sóc nhau, cùng nhau học tập cũng có đôi chút ganh tị nhưng rồi thôi, còn nhiều thứ phải quan tâm hơn mà.

* Khi yêu hoặc yêu thầm, các em có thấy mình học giỏi lên hoặc dở đi một chút?

Đa số các em thấy khá xao lãng chuyện học hành, kết quả học tập trồi sụt theo diễn biến chuyện tình. 

* Nếu người mình yêu có tính xấu như là không thật thà, lường gạt... thì mình làm sao? Tiếp tục yêu hay lo học hành trước đã?

Một nửa học sinh cho là mình phải uốn nắn bạn. Nửa còn lại nói bỏ.

- Em tin là tình yêu có thể thay đổi được bạn ấy.

- Người như vậy không đáng để yêu, lỡ sau này cưới nhau rồi làm sao sống hạnh phúc được, ly dị thì buồn chết (cười). 

* Các em có thấy phim ảnh, truyện... tác động đến suy nghĩ, tình cảm của mình hay không? 

Đa số câu trả lời đều thích hoặc đã từng mơ ước chuyện tình của mình như trên phim vậy.

- Những chuyện tình đẹp, lãng mạn trên truyền hình hay trong truyện không biết từ lúc nào đã trở thành mơ ước của tụi em.

- Ngày trước, xem những cảnh tình cảm em không hề thấy gì nhưng dạo gần đây khi những đôi lứa không thể đến với nhau họ khóc mà em ngồi xem cũng nức nở theo luôn.

- Nhờ xem phim tình cảm em biết rằng tình tay ba chẳng thể nào thành, dù mình có dùng cách nào chăng nữa.

- Người ta yêu mình thì tốt, không yêu thì nên chúc phúc ạ.

* Khi ba mẹ phát hiện, ba mẹ thu điện thoại, cấm tiệt gặp nhau, la rầy, theo dõi... Theo các em, ba mẹ làm vậy có đúng không? Có em nào dám chắc rằng ba mẹ không thể nào phát hiện được mình đang yêu? 

Gần như trăm phần trăm các em cho là ba mẹ la rầy, theo dõi, cấm yêu là đúng, ngay cả những em đang có người yêu. Một hai em không nói gì.

Vế thứ hai của câu hỏi các em cho là trước sau gì cũng bị ba mẹ phát hiện, không thể giấu được. Vài em nói được ba mẹ cho phép “quen” nhưng vẫn không cảm thấy tự do.

Yêu hay không yêu không quan trọng

Sau trò chuyện, chúng tôi phát cho các em phiếu trả lời dưới đây, khoảng hơn 100 học sinh:

Khi còn đi học, các bạn có nên yêu không?

Nên - Không nên - Ý kiến khác

(Gợi ý mục Ý kiến khác: Nên dừng ở mức cảm tình bạn khác giới hoặc yêu cũng được mà không yêu cũng chẳng quan trọng gì)

Chúng tôi thống kê được kết quả: 32% cho là nên yêu, 28% không nên yêu và 40% chọn ý kiến khác.

Tuy nhiên, nếu tính riêng nhóm học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn, trường chọn toàn học sinh khá giỏi từ lớp 9, thì chỉ có 18% chọn nên yêu, trong khi nhóm của Trường THPT Trần Bình Trọng có đến 47% chọn nên yêu.

Đặc biệt nhóm học sinh Trường Trần Quốc Tuấn chọn “ý kiến khác” khá cao đến 62%, tức yêu hay không yêu không quan trọng gì.

Qua phép thử, chúng tôi cũng nhận thấy học sinh khá giỏi thì ít yêu và ngược lại. Nếu thầy cô, quý phụ huynh có sự kiểm soát thì chuyện tình cảm của các em nếu có cũng không đến nỗi lo lắm. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận