Cao huyết áp, đừng lười đi tái khám

TTCT - * Tôi bị cao huyết áp, bác sĩ khám cho thuốc và nói phải uống thuốc cả đời. Vậy tôi có thể sử dụng toa thuốc đó mà không cần tái khám?

Phóng to
Đo huyết áp bằng máy cơ chính xác hơn bằng máy điện tử - Ảnh: T.T.D.

Cao huyết áp là bệnh thường gặp, tuy nhiên xung quanh căn bệnh này vẫn còn nhiều ngộ nhận. Câu hỏi của ông Nguyễn Văn Hùng cũng là một trong những ngộ nhận khá phổ biến hiện nay.

Khi cao, khi không

Huyết áp rất dễ thay đổi, phụ thuộc nhiều yếu tố như: hormone, thần kinh, tư thế, thời điểm đo... nên không có gì ngạc nhiên khi kết quả huyết áp của hai lần đo là khác nhau, thậm chí khác nhau ở mức rất lớn. Huyết áp ở tư thế nằm cao hơn huyết áp ở tư thế đứng, lo lắng làm tăng tiết ra catecholamine làm tăng nhịp tim, tăng sức co bóp của cơ tim dẫn tới hậu quả là tăng huyết áp.

Cà phê và thuốc lá làm tăng nhịp tim và co các mạch máu ngoại vi dẫn đến làm tăng huyết áp. Để chẩn đoán cao huyết áp cần đo ít nhất hai lần vào buổi sáng, trước khi đo không dùng cà phê và thuốc lá, bệnh nhân cần được trấn an để họ không bị lo lắng và căng thẳng quá mức làm sai lệch huyết áp của họ.

Máy nào?

Có hai loại máy đo huyết áp: cơ và điện tử. Máy đo huyết áp loại cơ khó sử dụng hơn, cần phải huấn luyện mới sử dụng được, tuy nhiên cho ra kết quả chính xác hơn. Máy đo huyết áp điện tử dễ sử dụng hơn nhưng kết quả có sai số lớn hơn. Máy đo huyết áp điện tử có hai loại: loại đo ở cổ tay và loại đo ở cánh tay. Loại đo ở cánh tay có độ chính xác cao hơn loại đo ở cổ tay.

Thường thì người bệnh chỉ nhớ đến trị số huyết áp cao nhất của mình mà quên trị số dưới của huyết áp. Huyết áp có hai số, số trên tương ứng với huyết áp tâm thu (thời kỳ tim co bóp để tống máu vào hệ tuần hoàn) và số dưới liên quan đến áp suất tâm trương (thời kỳ tim giãn ra để rút máu về tim). Về mặt bệnh học, cao huyết áp số nào cũng nguy hiểm nhưng về nguyên nhân gây ra chúng có thể khác nhau. Do vậy, cần ghi nhận đầy đủ cả hai trị số huyết áp để có những trị liệu phù hợp.

Chỉ cần dùng một đơn thuốc?

Trong quá trình khám và chữa bệnh, tôi chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân khai rằng uống thuốc điều trị cao huyết áp theo toa của bác sĩ đã kê cách đây... vài năm. Gần đây, một bệnh nhân cho biết đang uống thuốc điều trị cao huyết áp theo toa được kê cách đây năm năm, từ đó đến nay sử dụng thuốc đều đặn theo đúng trong toa mà không đi tái khám. Vì không tái khám nên tình trạng suy thận không được đánh giá, do vậy liều lượng thuốc hạ huyết áp cũng không được điều chỉnh giảm, dẫn tới tình trạng hạ huyết áp quá mức trên một bệnh nhân có xơ vữa động mạch làm xuất hiện tình trạng thiếu máu cơ tim.

Cao huyết áp cần phải sử dụng thuốc hạ huyết áp suốt cả đời. Trong quá trình điều trị, tùy thuộc vào tiến triển của bệnh cần phải có sự điều chỉnh liều lượng, thay đổi nhóm thuốc (có sáu nhóm thuốc điều trị cao huyết áp, mỗi nhóm có hàng chục thuốc), phối hợp nhiều nhóm thuốc hạ huyết áp nhằm tạo ra hiệu quả cao trong việc khống chế huyết áp ở mức gần với bình thường nhất.

Trong điều trị cao huyết áp không có thuốc tốt nhất mà chỉ có chọn lựa phù hợp nhất cho từng giai đoạn cụ thể. Lựa chọn phù hợp nhất dựa trên các thông số: mức độ cao huyết áp, nhịp tim, tình trạng co bóp của cơ tim, những bệnh đi kèm khác… Liều lượng của các thuốc trị cao huyết áp phụ thuộc mức độ cao huyết áp và chức năng của thận, thận càng suy thì liều lượng thuốc càng phải giảm.

Cho nên điều trị cao huyết áp, bệnh nhân cần phải tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị. Không nên tự ý sử dụng một toa thuốc quá lâu dù đó là toa của bác sĩ, để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận