Chàng tiến sĩ Pháp ở Sa Pa

UYÊN LY 12/10/2003 05:10 GMT+7

TTCN - Tiến sĩ Christian Culas sinh năm 1964, là chuyên gia nghiên cứu về văn hóa các dân tộc thiểu số và những ảnh hưởng của sự phát triển du lịch đến cuộc sống của người dân tộc ở những làng nhỏ vùng núi. Anh làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và Đại học Provence (TP Marseille), với các nghiên cứu tiến hành tại Thái Lan, Lào và VN.

Tiến sĩ Christian Culas 

Christian là chuyên gia của dự án hợp tác giữa vùng Aquitaine, Pháp (ký kết năm 2002) với tỉnh Lào Cai về phát triển du lịch Lào Cai, qui hoạch đô thị khu du lịch Sa Pa, trồng thử nghiệm cây nho và cây ăn quả ôn đới, giúp đào tạo cán bộ quản lý du lịch, qui hoạch và quản lý đô thị, đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ tỉnh. 

Christian Culas học tiếng Mông qua những người bạn trong cộng đồng người Mông sống tại Pháp và Thái Lan. Khi bắt đầu tham gia phụ trách phần qui hoạch du lịch trong dự án hợp tác với tỉnh Lào Cai, Christian bỏ ra hàng tháng trời để lang thang trong những vùng dân tộc thiểu số khắp các huyện Bát Xát, Mường Khương, Sa Pa, Bắc Hà... để tìm hiểu về đời sống, ngôn ngữ và phong tục tập quán của người Mông, Dao, Lào, Giáy... 

Với chiếc máy ảnh, cuốn sổ và cây bút không lúc nào rời khỏi tay, Christian không ngừng gặp gỡ, hỏi han, ghi chép và chụp ảnh những người dân tộc thiểu số mà anh mới gặp lần đầu, kết bạn với họ, tặng họ những tấm ảnh như những món quà kỷ niệm khiến họ rất thích thú.

Thị trấn SaPa

Mỗi lần xuống phố huyện Sa Pa hoặc vào chợ để bắt chuyện với những người dân tộc, Christian luôn gây ngạc nhiên cho mọi người xung quanh. Người Mông vây lấy anh, cười phá lên và hỏi chuyện không ngừng, tặng anh những chiếc vòng tay tết chỉ màu, cho phép anh thoải mái chụp ảnh họ.

Gặp Christian trong lễ hội 100 năm Sa Pa, anh bày tỏ nỗi băn khoăn về du lịch tại thị trấn du lịch nổi tiếng này.

* Nhưng theo anh, làm sao để khai thác tiềm năng du lịch Sa Pa, Lào Cai mà vẫn không làm ảnh hưởng đến cuộc sống tự nhiên của người dân tộc thiểu số?

- Theo tôi, phải tìm hiểu và duy trì được sự cân bằng tại chỗ cho cuộc sống của họ. Những rắc rối xảy đến là do có nhiều yếu tố quá mới mẻ đến cùng một lúc đã tác động đến cuộc sống tự nhiên hằng ngày của người dân tộc. 

Vì vậy, phải tiến hành khai thác du lịch từng bước và cố gắng tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa khách du lịch và người dân sở tại, tạo nên mối quan hệ tốt giữa họ. Một vấn đề quan trọng khác: hướng dẫn du lịch nên là người địa phương chứ không nên là người Hà Nội hay đâu khác, là người dân tộc thiểu số thì càng tốt, vì chỉ có họ mới có vốn kiến thức cặn kẽ về văn hóa các dân tộc của họ. 

Khách du lịch phương Tây đến đây không chỉ để chụp ảnh và chụp ảnh như nhiều năm về trước mà còn muốn tìm hiểu về cuộc sống của người dân tộc thiểu số bản địa. Để thỏa mãn những câu hỏi chi tiết kiểu tại sao, thế nào của khách đang ngày càng cao, cần phải có những hướng dẫn viên "chất lượng cao" về kiến thức và cả ngoại ngữ mới đáp ứng được.

Về địa điểm du lịch, cá nhân tôi cho rằng bản Hồ tại Sa Pa là một ví dụ rất đáng khuyến khích. Những người ở đây tiếp nhận khách du lịch tới thăm với những tiện nghi cần thiết và sạch sẽ. Họ biết cách làm nhà vệ sinh bằng ximăng, chuẩn bị sẵn chăn chiếu mới cho khách khi khách ngủ lại. 

Những tiện nghi này không tốn kém là mấy nhưng lại tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho du khách. Những du khách châu Âu mà tôi biết đều rất vui sướng khi được sống một hoặc hai đêm trong một ngôi nhà kiểu truyền thống khác lạ giữa núi rừng mà không phải băn khoăn về chuyện vệ sinh, được bắt chuyện với người dân địa phương, tìm hiểu phong tục tập quán, ăn những món ăn đặc trưng. 

* Vậy những yếu tố mới mẻ nào có thể ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của người dân tộc?

- Tôi cho rằng không khí tại những bản nhỏ, ít dân rẫt dễ bị phá vỡ nếu như xuất hiện một chiếu xe buýt to đùng đột ngột tiến vào bản, thả xuống 40, 50 khách du lịch một lúc. Những vị khách này đi lùng sục mọi chỗ, giơ máy ảnh lên chĩa vào những người dân và bấm lia lịa, đòi hỏi nhiều dịch vụ cùng thời điểm. 

Thêm vào đó, việc tổ chức ăn, nghỉ, tham quan cho số lượng khách đông như vậy là rất khó khăn. Theo tôi, nên tổ chức cho du khách đi theo từng nhóm nhỏ chỉ vài người, tạo điều kiện cho họ được hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn là đi theo kiểu đại trà với dịch vụ chất lượng thấp, vừa ảnh hưởng không tốt vừa đem lại ít lợi ích kinh tế cho người dân.

Ở Pháp và một số quốc gia khác, khách du lịch buộc phải tham gia một lớp học khoảng hai ngày về những điều nên và không nên khi đi du lịch. Họ được trang bị vốn kiến thức tối thiểu về phong tục tập quán, những phép xã giao đặc trưng, kể cả về cách ăn mặc đừng quá hở hang sao cho không gây sốc với người dân địa phương. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận