Chỉ cần có ai ở nhà, đang đợi...

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (*) 28/06/2011 04:06 GMT+7

TTCT - Alvin Toffler là nhà tương lai học nổi tiếng thế giới với bộ ba tác phẩm: Thăng trầm quyền lực, Cú sốc tương lai và Làn sóng thứ ba. Khi bàn về xã hội phát triển, ông có đề cập đến gia đình và vai trò của gia đình trong bối cảnh xã hội nhiều biến động.

Theo ông, gia đình được gọi là “bộ giảm xóc khổng lồ” của xã hội, nơi mà cá nhân sẽ trở về sau khi “chiến đấu” với xã hội, điểm ổn định nhất trong một môi trường thay đổi liên tục.

Hãy thử hình dung, chúng ta sau một ngày làm việc với bao vất vả, căng thẳng, mệt mỏi, trở về nhà với tiếng con gái ríu rít kể chuyện lớp học, người vợ với ánh mắt yêu thương, bữa cơm chiều hương thơm lan tỏa. Trong bối cảnh gia đình đầm ấm như vậy, bao nhiêu mệt nhọc, băn khoăn gác lại bên ngoài bậc cửa...

Cho dù điều kiện sống, mức sống của gia đình mỗi người như thế nào, nhưng điều quan trọng là các thành viên gia đình yêu thương nhau, lo lắng cho nhau - Ảnh: Thuận Thắng

Hằng số lành mạnh

Hầu hết chúng ta đều sinh ra và lớn lên cùng với gia đình. Chu kỳ cuộc sống gia đình theo quy luật: sinh ra, trưởng thành, rời gia đình/thành lập gia đình mới và sinh con. Đến lượt con cái chúng ta lớn lên, ra đi và lại bắt đầu chu kỳ như thế. Chính sự nối tiếp này đã khiến mỗi cá nhân, dù ở xã hội nào, thời đại nào, cũng có ý thức về sự liên thế hệ, và chu kỳ gia đình, nói như A. Toffler, là “hằng số lành mạnh trong sự hiện hữu của con người”.

Xã hội hiện đại, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tác động đến đời sống gia đình. Điều dễ nhận thấy là chu kỳ cuộc sống gia đình đang tăng tốc. Cá nhân trưởng thành nhanh hơn, rời gia đình sớm hơn. Có thêm những cái mới xuất hiện trong lĩnh vực gia đình như hôn nhân thử nghiệm, sống chung ở giới trẻ, quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, hiện tượng sống độc thân...

Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình. Nhiều gia đình nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình.

Xu thế thu nhỏ gia đình trong xã hội công nghiệp nếu không được định hướng sẽ tiếp tục gây sức ép về nhà ở cũng như đặt việc chăm sóc trẻ em và người cao tuổi vào một thách thức mới.

Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm xã hội lo lắng. Nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp.

Tài sản vô giá

Tuy gia đình đang đối diện với những thách thức trong quá trình phát triển như vậy, tầm quan trọng của gia đình không vì thế mà giảm sút. Dù ở thời đại nào, gia đình vẫn là một giá trị cao quý, là niềm tin, nơi gửi gắm và chia sẻ tình cảm, ước mơ. Vai trò, chức năng của gia đình càng trở nên quan trọng mỗi khi có biến cố không mong đợi trong đời sống cá nhân (bệnh tật, tai nạn, vướng vào lao lý) hay sự thất bại trong cuộc sống (làm ăn thua lỗ, mất việc làm, thi trượt tốt nghiệp, lỡ bước vào đại học, thất tình...).

Không phải ngẫu nhiên trong khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, tỉ lệ ly hôn giảm nhưng tỉ lệ kết hôn lại gia tăng. Và giới trẻ ở Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận kết hôn “5 không” (không căn hộ, không ôtô, không nhẫn cưới, không lễ cưới, không tuần trăng mật).

Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng khủng hoảng kinh tế đã mang đến một xu hướng mới, người ta có nhu cầu kết hôn nhiều hơn để “dựa vào nhau” chống chọi với khó khăn và tìm kiếm sự an toàn, ổn định trong gia đình.

Dù điều kiện sống, mức sống của gia đình mỗi người như thế nào, điều quan trọng là các thành viên gia đình yêu thương nhau, lo lắng cho nhau. Cha mẹ lo lắng khi con đi học về trễ, người vợ mong ngóng chồng khi tan sở đã lâu... Đó là những dẫn chứng rất rõ nét về sự quan tâm lẫn nhau, điều hết sức phổ biến trong gia đình Việt Nam.

Nếu ai có được sự quan tâm đó của gia đình, người đó đã có một tài sản vô giá, thứ không thể mua được bằng vật chất, tiền bạc. Những năm 1990 tôi có đọc bài thơ Con người nói chung không cần nhiều của một tác giả người Nga, còn nhớ câu kết của bài là “Chỉ cần có ai, ở nhà, đang đợi (**)”.

Đúng, thế là đã quá đủ với cuộc sống của con người.

__________

(*): chủ nhiệm bộ môn giới và gia đình Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

(**): Thơ của Robert Rojdestvensky, lời Việt của Thái Bá Tân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận