Chợ người trong bệnh viện

ĐỨC HOÀNG 17/10/2015 02:10 GMT+7

TTCT - Dưới gốc cây bàng trước cửa nhà 2 của Bệnh viện Việt - Xô, trên những chiếc ghế đá luôn có một tốp người ngồi chờ đợi - một cái chợ người. Họ ở đây, 24 giờ mỗi ngày để chờ những bệnh nhân điều trị dài ngày. Đó là những người trông bệnh nhân thuê.

Gốc bàng nhỏ ngay cửa chính Bệnh viện Việt - Xô, nơi “chợ người” tụ họp-Đỗ Mạnh Cường
Gốc bàng nhỏ ngay cửa chính Bệnh viện Việt - Xô, nơi “chợ người” tụ họp-Đỗ Mạnh Cường

Ngưu lang, chức nữ vô gia cư

Ông Tấn sống cách vợ mình 5,5km trong thành phố Hà Nội. Ông Tấn “sống” trong Bệnh viện Việt - Xô, còn vợ ông “làm việc” tại Bệnh viện Đống Đa. Nhưng mỗi năm họ chỉ gặp nhau hai lần: một lần vào dịp tết và một lần ngày giỗ cha, ở quê nhà. Còn lại, vợ chồng ông không bao giờ gặp nhau tại Hà Nội.

Đôi “Ngưu Lang và Chức Nữ” ấy đã làm nghề trông bệnh nhân thuê tại các bệnh viện Hà Nội suốt hơn 10 năm qua. Họ là những thân phận điển hình của cái nghề đặc biệt này. Năm cây số và không bao giờ gặp nhau, bởi một lẽ đơn giản là họ phải sống toàn thời gian trong khuôn viên bệnh viện.

Khi có “khách hàng” - tức được thuê trông một bệnh nhân - phải túc trực 24/24 giờ và kê giường xếp trong hành lang bệnh viện ngủ như người nhà thì đã đành. Nhưng khi không có khách họ cũng phải túc trực ở cái “chợ người” trong khuôn viên.

Đó là những lao động tự do hiếm hoi mà suốt quãng đời tha hương của mình, không bao giờ nghĩ đến việc thuê một phòng trọ. Không gian của những bệnh viện đã được thiết kế hoàn chỉnh để những con người sống vạ vật trong ấy suốt ngày mà không cần ra ngoài nhiều - bất kỳ ai từng trông người nhà ốm đều biết. Nhưng có lẽ ít người biết rằng người ta có thể sống suốt đời trong ấy mà không cần bước chân đi đâu.

Ăn uống đã có những quán hàng bình dân quanh bệnh viện. Tắm giặt có nhà vệ sinh công cộng. Chỉ khó mỗi chuyện ngủ. Những người như ông Tấn, vào ban ngày giấu chăn chiếu vào một địa điểm cố định, rồi ban đêm lôi ra đi lang thang trong những góc khuất của bệnh viện. Một dãy nhà bỏ hoang, một góc cầu thang, tìm được đâu thì đặt lưng tạm xuống đấy. Nếu bảo vệ phát hiện và đuổi đi, họ lại chạy sang một bệnh viện gần đó.

Việt - Xô và Bệnh viện Quân đội T.Ư 108, những khối kết cấu khổng lồ và đầy góc khuất, trở thành chỗ trú ngụ cố định của những con người này. Ai tinh ý, đi qua cổng Bệnh viện Việt - Xô một chút sẽ nhìn thấy trên ngọn cây bàng lẻ loi ngay trên lối vào, giắt đôi ba cái chiếu cói. Đó là “tài sản” của những người trông bệnh nhân thuê. Họ giắt chiếu trên ngọn cây, lúc nào tiện chợp mắt thì lấy xuống.

Nhưng cái cộng đồng người “vô gia cư” ấy, khác hẳn so với nhiều cộng đồng lao động di cư khác, khi tụ tập thành cái chợ người luôn giữ cho mình dáng vẻ sạch sẽ và chỉn chu đặc biệt. Áo sơmi trắng bỏ trong quần, tóc tai gọn gàng, móng tay cắt sạch, gần như không thể phân biệt những ôsin bệnh viện này với chính người nhà bệnh nhân. Bởi họ được thuê để đóng thế vai trò của chính những người ấy.

300.000 đồng/ngày, ông Tấn làm việc như một hộ lý chuyên nghiệp. Ngoại trừ những việc liên quan đến chuyên môn y tế, thì từ ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cho bệnh nhân, ông đều làm cả. Có những bệnh nhân công việc cũng nhẹ nhàng, nhưng có người tình trạng bệnh và những vết thương thì ông còn không muốn kể lại vì “nghĩ đến kinh lắm”.

Những bệnh nhân tại Việt - Xô thường là người già, phần lớn đều có con cái đã đủ thành đạt để... thiếu thời gian chăm sóc cha mẹ và thừa tiền bạc thuê một người làm thay việc ấy cho mình.

Cộng đồng những người trông bệnh nhân giờ có hơn 200 người, rải rác khắp các bệnh viện. Đông đúc, công việc lại mang tính tình huống nên không phải ai cũng có việc thường xuyên. Có những người ngồi dưới gốc cây bàng ấy đến mười mấy ngày mới có bệnh nhân.

Chiếc chiếu nằm trên ngọn cây bàng  -Đỗ Mạnh Cường
Chiếc chiếu nằm trên ngọn cây bàng -Đỗ Mạnh Cường

Đồng không bóng ruộng

Một năm hai lần, vợ chồng ông Tấn gặp nhau ở quê - một ngôi làng nhỏ bên triền sông ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ.

Cánh đồng lớn xã Đồng Lương, mùa mưa tháng 7 biến thành một biển nước mênh mông màu bạc. Dưới cánh đồng ấy, dấu hiệu của sự sống chỉ có dăm ba cây dại và những đám trứng ốc bươu vàng hồng tươi lác đác. Cánh đồng trũng này chính là nơi đã tạo ra phần lớn cộng đồng người trông bệnh nhân thuê ở Hà Nội.

Cánh đồng xã Đồng Lương chìm trong biển nước -Đỗ Mạnh Cường
Cánh đồng xã Đồng Lương chìm trong biển nước -Đỗ Mạnh Cường

Cánh đồng ấy mỗi năm chỉ cấy được một vụ. Phần thời gian còn lại sông Hồng nhấn chìm nó trong nước. Khoảng 20 năm trước, một vụ lúa là đủ sống. Người làng như ông Tấn lên rừng kiếm măng, kiếm củi hoặc chèo thuyền ra sông bắt tôm cá phụ thêm vào bữa ăn.

Ra bãi sông nhìn thấy con thuyền, ông vẫn trèo lên bơi đi một vòng như nhớ những ngày đánh cá cũ. Nhưng rồi cuộc sống phát triển, cánh đồng vẫn thế, cá thì không còn, một vụ lúa không đủ ăn nữa, nghề phụ không có, người làng đành đi tha hương. Những thế hệ sau sinh ra bên cạnh cánh đồng ấy đã là người tha hương bẩm sinh.

Và không biết từ bao giờ, người làng rủ nhau đi Hà Nội làm một nghề “mới” là nghề trông bệnh nhân. Trong làng bây giờ có cả trăm người làm nghề ấy, tức xấp xỉ phân nửa toàn bộ cộng đồng của những “ôsin bệnh viện” giữa lòng Hà Nội.

Ông Tấn ban đầu đến Hà Nội cũng chỉ đi làm bốc vác trong cảng Phà Đen, nhưng rồi không chịu được sự phức tạp của môi trường này đành “dạt” vào Việt - Xô giờ đã được 11 năm. Người có sức lao động trong làng đi hết, chỉ còn người già và trẻ con ở lại. “Bây giờ trong làng có ai mất, sợ có khi không đủ người mà khiêng quan tài” - ông Tấn ngẫm ngợi.

Ở quê, ông Tấn chỉ còn một mẹ già. Bà cũng đã yếu. Có một nghịch cảnh là trong khi ông đi trông người nhà của thiên hạ tại thủ đô thì ở quê ông phải thuê một người trong làng đến trông mẹ mình. Người làm lâu năm và uy tín như ông, mỗi tháng có việc hơn 20 ngày. Hai vợ chồng cùng làm cũng nuôi được con cái trưởng thành, đứa lớn đi học lái máy, đứa út học hết đại học rồi giờ theo chồng lên mạn ngược. Nhưng giờ sức đã mỏi, vợ chồng ông không còn biết làm gì để chuẩn bị cho những ngày tháng già cả trước mắt.

Nhà ông Tấn với đống gạch chưa biết để xây thứ gì -Đỗ Mạnh Cường
Nhà ông Tấn với đống gạch chưa biết để xây thứ gì -Đỗ Mạnh Cường

Về đến nhà ông Tấn, thấy ngoài sân chất đầy gạch và ngói. Căn nhà vốn đã rộng, không có người ở, mà mỗi lần về quê ông lại bày ra sửa sửa sang sang, lát thêm cái này xây thêm cái kia. Tháng 8, về nhà chăm mẹ ốm, ông lại định xây thêm cái chuồng gà. Dường như ông cũng không còn biết cách nào khác để đảm bảo cho tương lai, ngoài cái cách làm cũ kỹ của người ở quê bao đời nay: xây nhà.

Sang nhà chị Lộc, một “đồng nghiệp” cùng làng của ông Tấn, cũng thấy cát sỏi đang đổ đống trong sân. Chị đang làm lại cả con ngõ trước nhà. Những người làm nghề như ông Tấn và chị Lộc thu nhập không quá tệ, cũng để dành được dăm ba đồng nhưng hoàn toàn không biết cách nào để dành.

Hỏi ông Tấn có biết đến bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho những người như mình không, ông lắc đầu bảo không. “Đi làm thế này mà có bảo hiểm, xong hưởng lương hưu thì cũng tốt quá” - ông ta thán. Nhưng mọi thứ đã quá muộn ở tuổi này. Hệ thống đó chưa bao giờ tiếp cận đủ nhiều với những lao động tự do như ông: chỉ 5% đối tượng thuộc nhóm mua bảo hiểm xã hội tự nguyện tham gia hệ thống này. Và cuối năm nay ông Tấn sẽ lại xây cái chuồng gà, xây cẩn thận bằng cả gạch chỉ với hi vọng mơ hồ rằng sau này sẽ có gì để đảm bảo tuổi già...■

Dọc bờ sông Hồng có rất nhiều cánh đồng trũng như thế. Gọi là “chiêm trũng” vì đồng thường chỉ cấy được vào vụ chiêm. Đi dọc tuyến quốc lộ 2 từ Phú Thọ về Nội Bài, Hà Nội, qua những cánh đồng trắng xóa nước, tấp vào đâu cũng sẽ tìm được một làng nơi người làng sinh ra đã phải tha hương vì không sống được bằng lúa nữa.

Và cứ rủ nhau, mỗi làng đều thành một “làng nghề” ở nơi khác. Hỏi một người bán ngô luộc bên vệ đường quốc lộ 2, một hình ảnh rất quen thuộc của tuyến đường này, chị bảo người làng bây giờ nếu không “đi làm công ty” (làm công nhân ở nhà máy có hợp đồng) thì cũng “đi làm môi trường” (lao công, công nhân vệ sinh).

Thậm chí, có làng đã dịch chuyển toàn bộ người lao động đến một địa phương khác định cư, lập thành cái “chi nhánh” của làng. Hầu hết người Hà Nội đều biết đến làng buôn gốm Tứ Liên ở quận Tây Hồ, với những túp lều lụp xụp dựng ven sông, ban ngày tản mát khắp thành phố bán gốm sứ rong. Nhưng ít ai biết rằng toàn bộ xóm ấy đều đến từ một ngôi làng ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc - và nguyên nhân chính để họ ra đi chỉ là cái đồng trũng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận