Cho trẻ học qua app, có hiệu quả như quảng cáo?

TRƯỜNG SƠN 23/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Trong thời đại mọi thứ đều có ứng dụng di động tương ứng thì giáo dục không là ngoại lệ. Đã xuất hiện một lớp cha mẹ sành công nghệ mới, được tiếp cận công nghệ ở tuổi trưởng thành, không bỏ qua việc cho trẻ học qua app.

mh
App có thật là công cụ học hành hữu hiệu ?

 

Nhưng liệu app giáo dục, chạy trên smartphone và máy tính bảng có thực sự là công cụ học hành hữu hiệu, khi chúng dường như xung đột với quan niệm để con trẻ tránh tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử càng nhiều càng tốt?

App giáo dục: nhiều lợi ích

App có ưu điểm là giúp việc học trở nên vui nhộn và cuốn hút hơn thông qua đồ họa, âm thanh đặc sắc thể hiện dưới dạng các trò “học mà chơi, chơi mà học”. Với học sinh lớn hơn, app giúp việc học không phải gắn với sách vở hay bảng đen phấn trắng, mà thông qua video bài học và các trò chơi tương tác. Và như mọi ứng dụng khác, ưu điểm của app giáo dục là “mọi lúc mọi nơi”, có thể học bất kỳ đâu mà không cần phải mang vác nặng.

Trẻ em sẽ say mê học các phép tính đơn giản hay từ vựng nếu các bài học được thiết kế dưới dạng game phiêu lưu vừa học vừa chơi trên điện thoại. Và trong khi cha mẹ từng lớn lên với việc dùng bút chì nối các dấu chấm hay con số thành hình trên báo Nhi Đồng thì con trẻ ngày nay sẽ làm điều đó trên app với hình ảnh, âm thanh màu sắc đa dạng hơn rất nhiều.

Viết trên Entrepreneur ngày 10-10, Cristobal Viedma, CEO của Lingokids, ứng dụng chuyên dạy ngôn ngữ cho trẻ, chỉ ra những lợi ích khác cho phụ huynh nếu cho con dùng app giáo dục. Theo đó, nhờ có app giáo dục mà giờ đây phụ huynh có thể tham gia quá trình học tập của con cái mình sâu và sát hơn bao giờ hết.

“Các phương pháp học tập độc lập được công nghệ trợ giúp mang đến trải nghiệm học tập được cá nhân hóa theo từng em, cũng như cho phép phụ huynh theo dõi quá trình tiến bộ của con và học cùng các em” - Viedma viết.

Tác giả chỉ ra nhiều lợi ích của công nghệ giáo dục đối với gia đình có con nhỏ. Đầu tiên là mọi người trong nhà có thể tham gia vào quá trình phát triển ban đầu của trẻ, thông qua việc cho trẻ dùng các app phát triển ngôn ngữ, số học, khoa học và tư duy logic. Phụ huynh hay người thân có thể theo dõi, giám sát quá trình học của trẻ, từ đó nhận biết được sở thích và khả năng của trẻ, cũng như xác định được các điểm yếu cần cải thiện.

Việc cả nhà cùng tham gia học với trẻ sẽ tăng gắn kết giữa các thành viên, và với các gia đình mà cha mẹ chưa “hiện đại” lắm, phụ huynh có thể thông qua việc học cùng app của con mà cập nhật kiến thức và kỹ năng công nghệ cho chính mình.

Đa số app giáo dục đều có tính năng lọc nội dung, đảm bảo chỉ hiển thị những gì thích hợp cho trẻ, chẳng hạn như chặn các video nội dung xấu trên YouTube, vì thế cha mẹ có thể yên tâm là con mình sẽ lướt mạng an toàn. Cuối cùng, học từ app cũng giúp tiết kiệm một khoản đáng kể so với việc gửi trẻ đến các lớp học hay trung tâm.

Nhưng băn khoăn lớn nhất khi dùng app, dù là app giáo dục, là trẻ làm quen với màn hình điện tử quá sớm? Giải pháp là phụ huynh phải chọn đúng app cho con và cho trẻ dùng có chừng mực.

Nhưng dành thời gian cho thiết bị di động bao nhiêu là quá nhiều dù là để chơi mà học? Theo tiến sĩ Ellen Wartella - giám đốc Trung tâm Truyền thông và phát triển con người Đại học Northwestern (Chicago, Mỹ), không có quy định cứng nhắc cho chuyện này.

“Vấn đề là phụ huynh phải biết cân bằng thời gian dùng thiết bị di động cho cả ngày - Wartella nói với New York Times - Chẳng hạn, có thể quy định các khoảng thời gian tuyệt đối không được dùng điện thoại hay máy tính bảng như vào giờ ăn hoặc trước khi ngủ”.

Theo Wartella, có bằng chứng cho thấy nếu phụ huynh và con trẻ cùng dùng chung một máy tính bảng thì sẽ được nhiều lợi ích hơn là để trẻ một mình một thiết bị. “Cha mẹ có thể cùng sử dụng app trên tablet chung với con để đảm bảo các ứng dụng đó phù hợp cho trẻ - tiến sĩ Wartella nói - Và sau đó phụ huynh có thể cùng trò chuyện với con về các ứng dụng giống như cùng bàn về một quyển sách”.

Christine Elgersma, biên tập viên cao cấp trang web chuyên đánh giá các chương trình giáo dục cho trẻ em Common Sense Media, cho rằng cha mẹ cùng dùng và cùng chơi với con là “cách mạnh mẽ nhất để app trở nên mang tính giáo dục”.

“Cha mẹ có thể là cầu nối để mang những gì học được từ app ra đời thực, vì thế học từ app không chỉ giới hạn trên màn hình tablet mà vẫn tiếp diễn khi đã tắt thiết bị” - Elgersma nói với New York Times.

mmh

Có thật là thế?

Tuy app giáo dục là một thị trường thực sự và có muôn vàn lựa chọn cho các phụ huynh, một nhóm nghiên cứu Đại học California, Irvine lại đặt vấn đề liệu các app cho trẻ trước tuổi đến trường có thực sự giúp trẻ học được gì không?

Cứ mỗi tháng trong vòng ba tháng, nhóm nghiên cứu khảo sát 10 app (cả miễn phí lẫn có trả tiền) dạy chữ và toán cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi được download nhiều nhất trên Apple, Amazon và Google Play và đánh giá chúng dựa trên các tiêu chí như cách nhận xét kết quả chơi, hướng dẫn chơi, độ khó có tăng dần không.

Theo kết quả đăng trên tập san Learning, Media and Technology, nhóm nghiên cứu kết luận các ứng dụng này “không được thiết kế để tăng trí thông minh cho trẻ”.

Nguyên nhân là vì trẻ em dưới 5 tuổi có cách học khác, mức độ chú ý của chúng thường ngắn so với trẻ lớn hơn, nhưng đa số app giáo dục lại không tính đến vấn đề này, vì thế không có tác dụng giúp trẻ tiếp thu và xử lý thông tin trong quá trình học với app.

“Hơn một nửa số ứng dụng giáo dục có trên thị trường là cho trẻ mầm non nhưng sau khi khảo sát, chúng tôi nhận thấy các ứng dụng này có sử dụng một số thủ thuật dạy học nhưng chúng không được tối ưu để giúp trẻ thực sự học được cái mới” - đồng tác giả của nghiên cứu, Stephanie Reich, nói.

Cụ thể, theo phó giáo sư giáo dục này, các app không có tính năng nhận xét kết quả chơi của trẻ là chưa đúng chỗ nào, cần cải thiện điều gì cũng như không phân chia độ khó hợp lý. “Thành ra trẻ có thể hoàn tất trò chơi chỉ bằng cách thử đi thử lại, hoặc chơi các game đơn giản mà không giúp tiến bộ bất kỳ kỹ năng nào” - Reich giải thích.

Reich cho rằng trong bối cảnh nhu cầu phát triển và sử dụng các app giáo dục dành cho trẻ mầm non đang cao, cần có thêm nhiều nghiên cứu về việc các app này nên được thiết kế như thế nào để thực sự đạt được mục tiêu dạy cho trẻ.

Một trong các gợi ý của nhóm nghiên cứu là app phải rõ ràng, yêu cầu trẻ đạt các mục tiêu đơn giản, có cơ chế thưởng phù hợp để khuyến khích trẻ tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trong trò chơi.

Ví dụ không chỉ thưởng điểm ảo mà có thể thiết kế để trẻ hoàn thành nhiệm vụ thì được mở khóa thêm các trò mới. Giao diện nên nhiều hình ảnh, biểu tượng, màu sắc bắt mắt, các hướng dẫn chơi nên dùng ngôn ngữ đơn giản hoặc bằng giọng nói vì trẻ dưới 5 tuổi chỉ mới bắt đầu phát triển kỹ năng đọc.

“App nên được thiết kế với độ khó tăng dần để dẫn dắt trẻ từ việc hiểu các khái niệm cơ bản cho đến nắm bắt các nội dung phức tạp hơn, cũng như biết tự giảm độ khó khi nhận thấy trẻ gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ” - Reich gợi ý.■

Chọn app thế nào?

Các bậc phụ huynh hiểu rằng họ phải dùng thử các app trước khi để con mình sử dụng nhưng có hàng ngàn ứng dụng thì phải làm thế nào?

Tiến sĩ Kathy Hirsh-Pasek, giáo sư tâm lý học Đại học Temple (Philadelphia, Mỹ), đã tiến hành nghiên cứu các app có trên thị trường và khuyến nghị phụ huynh nên chọn ứng dụng giáo dục khuyến khích trẻ tăng tương tác xã hội, khám phá và sáng tạo, không quá phức tạp khiến trẻ mau nản và đủ hấp dẫn để trẻ tập trung sử dụng.

Trong khi đó, New York Times khuyên phụ huynh nên chọn app được phát triển trên năm “trụ cột” sau:

1. Các hoạt động phải khiến trẻ không chỉ dùng tay và mắt mà phải tư duy, dự đoán, đặt câu hỏi để phát triển não bộ.

2. Giúp trẻ tập trung vào việc học cái mới mà không bị phân tâm, ví dụ như quảng cáo trong app hay có âm thanh, nhạc quá nhiều và âm lượng quá to.

3. Ứng dụng giúp trẻ kết nối được kiến thức mới với hiểu biết sẵn có và ứng dụng được kiến thức học được từ app vào đời sống thật.

4. Các hoạt động học mà chơi trong app phải khuyến khích giao tiếp xã hội, ví dụ hỏi và thảo luận với thầy cô, cha mẹ.

5. Các hoạt động phải được thiết kế với mục tiêu rõ ràng, bắt đầu từ xây dựng các kỹ năng cơ bản và phát triển dần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận