“Cho” và “nhận”

PHẠM THỊ LY 14/10/2015 18:10 GMT+7

TTCT - Hầu hết chúng ta đều mong được sống hạnh phúc. Nhưng quan niệm về cái gì mang lại hạnh phúc có lẽ rất khác nhau.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Người xem đó là tiền bạc, địa vị; người tin rằng đó là sự nghiệp, công danh; lại có người xem việc hi sinh cho con cái hay cho tha nhân là hạnh phúc. Chúng ta theo đuổi những thứ ấy vì cái triển vọng hạnh phúc mà nó mang lại.

Mặc dù tiền được xem là quan trọng bậc nhất (có tiền mua tiên cũng được), sự thật là nhiều tiền hơn không mang lại hạnh phúc nhiều hơn. Đó là một kết luận được lặp đi lặp lại từ nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, năm này qua năm khác, nước này đến nước khác. Tất nhiên, khi nói tiền không mang lại thêm hạnh phúc, ta giả định rằng người ấy đã đủ tiền cho những nhu cầu cơ bản nhất: ăn no, mặc ấm, có chỗ ở.

Vậy cái gì mang lại hạnh phúc? Trong nhiều câu trả lời khác nhau, có một câu trả lời mà ít người phủ nhận: càng có nhiều mối quan hệ có chất lượng với người khác, chúng ta càng cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Thế mà lạ lùng thay, chúng ta rất ít đầu tư xây dựng những mối quan hệ có chất lượng. Nhiều người dùng những mối quan hệ trong xã hội như một phương tiện để đạt được tiền bạc và địa vị, quên bẵng không vun đắp những mối quan hệ gia đình, đến khi có vấn đề thì đã muộn.

Trong các mối quan hệ giữa người với người, quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ nhất và lâu dài nhất. Một đứa trẻ ra đời làm đảo lộn cuộc sống của một cặp vợ chồng về mọi mặt, không chỉ đời sống hằng ngày mà còn là những kế hoạch tương lai và cảm nhận về cuộc đời.

Trong 20 năm đầu đời của đứa trẻ, cha mẹ là nguồn cấp dưỡng cả vật chất lẫn tinh thần. Cha mẹ và con cái có chung một số phận: được mất của cha mẹ cũng là được mất của con cái và ngược lại.

Trong 60 năm tiếp theo, khi con cái đã rời nhà và có cuộc sống riêng, mối quan hệ đó vẫn tồn tại, dù mang lại hạnh phúc hay đau khổ cho hai bên vẫn là một phần quan trọng khó lòng phủ nhận trong cuộc đời của mỗi người. Đông cũng như Tây, có con bất hiếu là điều bất hạnh lớn nhất của đời người.

Vậy mà ngày nay ngày càng nhiều người phàn nàn về sự ích kỷ của con cái. Dường như ta đang tạo ra một thế hệ ngày càng vô cảm và thiếu trách nhiệm, trước hết là với chính cha mẹ họ. George Friedman trong cuốn 100 năm tới: một dự báo cho thế kỷ 21 đã nói về sự biến đổi sâu sắc trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái: Trong thế kỷ 18-19, con cái là nguồn lao động và mang lại lợi ích kinh tế.

Đến thế kỷ 21, công nghệ và kỹ thuật số ngày càng phổ biến, con người phải trải qua thời gian đào tạo ngày càng dài hơn để có thể bắt đầu cuộc đời lao động. Trẻ em chẳng những không tạo ra của cải mà còn ngày càng tiêu tốn nhiều tiền hơn để nuôi dạy. Hệ quả là người ta ngày càng ít con, thậm chí đã bắt đầu một trào lưu không con ở nhiều nước.

Giờ đây, người ta không sinh con để có thêm người lao động hay để nương tựa tuổi già, mà sinh con như một niềm vui. Điều này làm thay đổi một cách căn bản mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái so với cách đây vài thập kỷ. Vì có rất ít con và xem con như một niềm vui, hầu hết các bậc cha mẹ đã cho con tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình.

Kết quả là con cái xem những gì được nhận từ cha mẹ là đương nhiên mà không biết cho đi. Cán cân cho - nhận thiên lệch tạo ra một cuộc sống được bảo bọc đã khiến lớp trẻ lớn lên với rất ít ý thức trách nhiệm với bản thân, chưa nói tới trách nhiệm với người khác. Bước ra đời, họ ngỡ cuộc đời sẽ đối xử với họ như cha mẹ họ đã đối xử. Thực tế làm gì có chuyện đó.

1/6 thanh niên Mỹ tuổi từ 25-31 đang sống chung với cha mẹ, theo Pew Research. Theo thống kê mới đây của Ủy ban châu Âu (EC), ở Slovakia có tới 74% người ở độ tuổi 18-34, trong đó nhiều người đã đi làm hay lập gia đình, vẫn sống cùng cha mẹ. Một nửa trong số này thất nghiệp, ở với cha mẹ để không phải trả tiền thuê nhà, để có người nấu nướng, dọn dẹp cho.

Có một thế hệ được gọi tên là “boomerang”, tức những thanh niên sau khi ra đời vài năm lại quay về nhà sống cùng cha mẹ. Đáng lo ngại nhất là thái độ ích kỷ của một thế hệ đã được nuôi dạy theo lối được nhận quá nhiều mà không biết cho đi. Một số khác được bảo bọc quá kỹ, không được trải nghiệm thất bại, không đương đầu nổi với thử thách.

Ngày càng có nhiều lời than thở từ các bậc cha mẹ rằng dường như việc nuôi dạy con cái mỗi lúc một khó. Xưa kia cha mẹ nuôi dạy con chẳng khác nào một đàn gà, chỉ kiếm ăn đã hết thời gian, thế mà rồi con cái cũng thành người, những chuyện bất hiếu dường như rất hiếm gặp. Ngày nay con hư có đủ thể loại, có ở nhà giàu lẫn nhà nghèo, nhà có học lẫn nhà ít học, dưới vô vàn hình thức và mức độ.

Ừ thì “nước mắt chảy xuôi”. Yêu thương của cha mẹ với con cái là tình yêu thương vô điều kiện. Nhưng cứ cho đi vô điều kiện, cha mẹ đã làm cán cân cho và nhận với con cái trở nên nghiêng lệch. Việc “nhận” có khi làm tổn thất lòng tự trọng của một người vì nó đặt người ta vào thế yếu, bị động, khi lặp lại nhiều lần có thể làm tổn thương sâu sắc đến nỗi người ta quên luôn sự tự trọng.

Trái lại, việc “cho” khiến người ta thấy tự hào, thấy mình có giá trị, có ý nghĩa. Cha mẹ cho con không mong đợi nhận lại điều gì là một tình cảm đáng quý trọng, nhưng nếu họ không tạo điều kiện cho con cái cũng biết cho đi, thì đó sẽ có thể là một hạt đắng gieo xuống.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận