Chơi game để kiếm sống

TỊNH ANH 16/04/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Chơi điện tử (play) và kiếm sống (earn) tưởng là hai khái niệm không thể đi cùng nhau nhưng lại là cốt lõi của một hình thức game mới trong thời crypto và NFT. Hay chí ít là giấc mơ tươi đẹp mà những người theo đuổi thể loại play-to-earn muốn công chúng cùng tin vào.

 
 Những sinh vật ảo trong game mang đến thu nhập thật cho người chơi. Ảnh: Axie Infinity

Play-to-earn là thể loại trò chơi cho phép người chơi thu thập tiền mã hóa, NFT và đầu tư kinh doanh với các tài sản số này bằng cách thi đấu hay hoàn thành các nhiệm vụ trong game. Khi nói đến hình thức mới này, cái tên luôn được nhắc chính là Axie Infinity.

Sau vụ cầu nối Ronin bị tấn công, mặc dù số tiền trong ví của người chơi không bị ảnh hưởng nhưng giao dịch nạp/rút thông qua Ronin tạm thời bị phong tỏa, chờ khắc phục sự cố. Điều này có nghĩa một số người sẽ bỏ lỡ cơ hội mua vật phẩm đang có giá tốt trong game hoặc kẹt tiền mà không thể rút số tiền đã vất vả “cày” được. Đây chính là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong vụ hack trăm triệu đô này.

Theo tạp chí Fortune, vụ hack làm lộ ra các lỗ hổng bảo mật của Axie Infinity, làm mất uy tín của nhà phát triển Sky Mavis và khiến một bộ phận người chơi không khỏi lo lắng bởi thu nhập chính của họ là từ chơi game và việc kiếm tiền từ thế giới trò chơi này đang ngày một khó.

Dominic Lumabi là một thanh niên Philippines 26 tuổi đang sống cùng bố mẹ và 4 chị em gái ở Manila. Mỗi ngày Lumabi ngồi chơi game 2 tiếng bằng máy tính trong phòng ngủ, kiếm được 8.000 - 10.000 peso (3,5 - 4,4 triệu đồng) mỗi tháng. Số tiền này gần bằng một nửa tiền lương công việc chính thức, làm ca 9 tiếng bắt đầu từ nửa đêm của Lumabi.

Axie Infinity ra mắt hồi tháng 10-2018. Lượng người chơi mỗi ngày tăng vọt từ 38.000 vào tháng 4-2021 lên 1,9 triệu vào tháng 9-2021 và đạt đỉnh 2,5 triệu vào cuối năm ngoái. 55% người chơi đến từ Philippines - nơi thu nhập từ game cao hơn tiền công ngoài đời thực, theo Fortune. Tạp chí này kể một ví dụ khác: Pablo, một giáo viên cũng người Philippines, bắt đầu thử “chơi game để kiếm sống” khi mất việc vì COVID-19. Sau 2 tháng “cày”, anh kiếm được 80 USD/tuần, gấp đôi đồng lương hồi còn đi dạy.

Chơi ra tiền, nhưng không có bữa trưa miễn phí. Người chơi ban đầu phải bỏ tiền ra mua ít nhất 3 con thú ảo trong game. Trong giai đoạn đỉnh, mức đầu tư ban đầu lên đến hàng trăm USD, nhưng hiện chỉ vào khoảng 110 USD. Tất nhiên, số tiền bỏ ra càng nhiều thì càng có thú mạnh, dễ thắng và kiếm thêm sau này. Không phải ai cũng đáp ứng điều kiện đầu tiên này, từ đó sinh ra hệ thống “phường hội”: các cá nhân hay tổ chức lo hết mọi vấn đề về chi phí và giao đội hình cho người “chơi hộ”, rồi ăn chia số tiền kiếm được.

Phường hội lớn nhất thế giới là Yield Guild Games (YGG), thành lập vào tháng 10-2020, với 20.000 người chơi bằng đội hình họ đầu tư ở khắp châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. YGG có các huấn luyện viên, người sẽ được chia 20% từ thu nhập của người chơi hộ, và công ty thu 10%. Đại diện YGG nói với Euronews đa số thành viên của họ đang ở tuổi đầu 20, đến từ các hộ gia đình có thu nhập hằng tháng dưới 350 euro (8,8 triệu đồng), vì thế khoảng thu 172 euro (4,3 triệu đồng) từ việc chơi game mỗi tháng đúng là “đổi đời”. Chính Pablo không có đủ số vốn ban đầu (767 USD, tháng 6-2021) nên phải chơi thuê với tỉ lệ ăn chia 6/4.

 
 Hai người chơi Axie Infinity. Ảnh: Jam Sta Rosa/AFP/Getty Images

Những “thợ cày” game như Lumabi hay Pablo là hiện thân cho giấc mơ của nhà phát hành Axie Infinity, rằng play-to-earn game có thể tạo ra tiền thật cho người thật, nhất là ở nơi có mức lương tối thiểu thấp và người bình thường không có cơ hội tiếp cận những công nghệ mới như blockchain.

Tuy nhiên, đường sinh kế này càng khó khăn vì “nền kinh tế" trong game cũng gặp lạm phát như trong đời sống thực: càng nhiều người chơi thì càng sinh ra nhiều SLP (đồng tiền trong game), và giá trị chắc chắn sẽ giảm. SLP từ đỉnh 0,3645 USD/đơn vị ngày 2-5-2021 đã rơi xuống đáy 0,0094 vào ngày 3-2-2022. Giả sử một người chơi ở Manila mỗi ngày vẫn kiếm được 150 SLP, từ chỗ đổi được 55 USD giờ chỉ còn 1,41 USD. Tỉ giá SLP/USD sau vụ hack là dưới 2 cent.

Những “cú sốc kinh tế” này khiến nhà phát hành game đưa ra những điều chỉnh như cách ngân hàng trung ương của các quốc gia hành động để chống lạm phát trong đời thực. Các thay đổi về “chính sách tiền tệ” khiến việc kiếm SLP khó hơn, cộng thêm tỉ giá trồi sụt, chưa kể ngành thuế Philippines dự kiến sẽ đánh thuế thu nhập từ game... khiến nhiều người chơi phẫn nộ, thậm chí dừng cuộc chơi. Dữ liệu từ Sky Mavis cho thấy số người chơi Axie Infinity mỗi ngày hồi tháng 2 là 1,7 triệu, giảm 33% so với đầu năm. Công ty ước tính doanh thu 3 tháng đầu năm 2022 vào khoảng 27,2 triệu USD. Với đà này, doanh thu cả năm có thể chỉ bằng 1/10 năm ngoái.

Nhưng cũng như giới chuyên gia tin vào khả năng hồi phục sau vụ hack của Ronin, nhiều người chơi vẫn giữ niềm tin bất biến với cần câu cơm của họ. Lumabi nói dù 100 peso hay hàng ngàn peso mỗi tháng thì chơi game “vẫn là một nguồn kiếm thêm”, còn Pablo giờ đã có đủ sinh vật ảo để cho người khác thuê. Dù Axie Infinity không còn là nguồn thu nhập chính, Pablo vẫn quả quyết: “Game còn thì tôi còn chơi”.■

Giới đầu tư mạo hiểm cũng quan tâm đến play-to-earn. Các game blockchain nói chung nhận tổng cộng 4 tỉ USD tiền đầu tư mạo hiểm trong năm 2021, tăng 88 triệu USD so với năm 2020. Năm 2021, Sky Mavis được định giá 3 tỉ USD sau khi được rót 160 triệu USD từ Thung lũng Silicon và đạt doanh thu 1,3 tỉ USD từ phí các giao dịch trong game.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận