Chứng "nghiện bác sĩ"

BS ĐỖ MINH TUẤN 25/03/2014 03:03 GMT+7

TTCT - Có chứng “nghiện bác sĩ” không? Hẳn nhiều người sẽ gật đầu và phần lớn “mách có chứng” từ chính người thân cao tuổi của mình.

illustration.com

Nghiện từ khi nào?

Người già đa bệnh và cũng đa lo nên các bác sĩ thường cùng lúc mang đến cho các cụ hai chức trách “chữa trị” và “trấn an” với sức nặng không thua kém nhau. Nhiệm vụ đầu cần ống nghe, kim tiêm, thuốc men, còn sứ mệnh sau đơn giản chỉ cần... thấy mặt bác sĩ là các cụ đủ yên tâm.

Chứng “nghiện bác sĩ” chủ yếu đến từ cơ chế bệnh sinh thứ hai, bằng chứng là mới váng đầu, chóng mặt sơ sơ là nhiều cụ đã nằng nặc xin cái hẹn với bác sĩ, con cháu mà bàn ra, lần lữa... ăn mắng như chơi.

Siêng viếng bác sĩ là việc tốt cho các cụ, sao phải là vấn đề? Vấn đề là khi bụng sính bác sĩ đã thành “cơn nghiện” với con số các cuộc hẹn không thật sự cần thiết lên đến mức đáng ngại, và rõ nét hơn cả là cảnh cùng một triệu chứng y chang nhưng bệnh nhân vẫn nhất quyết trình bày với bác sĩ, dù trước đó ít hôm chính ông ta khẳng định nó không nguy hiểm, hay chỉ là một tác dụng phụ đã được tiên lượng và kiểm soát.

Tất nhiên không dễ dàng gì cho một người ngoại đạo nhận định dấu hiệu gì an, triệu chứng nào nguy, nhưng có một thuận lợi là quá trình chăm sóc căn bệnh mãn tính của người già, con cháu sẽ được củng cố nhiều kiến thức cùng kinh nghiệm. Họ nhận được sự chỉ dẫn của vị bác sĩ điều trị, với từng trường hợp, qua cuộc gọi tham vấn chẳng hạn.

Nghiện có hại gì?

Việc tới lui phòng khám quá nhặt sẽ lấy đi của các cụ không ít sức lực, thời gian. Những cuộc gặp liên hồi còn có thể làm hại chính bệnh tình gốc. Cao huyết áp, rối loạn tiền đình, thoái hóa khớp, đau nửa đầu... toàn “oan gia” của người già, hầu hết lại không ủng hộ việc các cụ đi lại quá nhiều (kèm theo khói bụi, giao thông...).

Trong các toa thuốc dành cho những căn bệnh này hẳn không thiếu nhắc nhở cuối dòng của bác sĩ: “nghỉ ngơi, tránh lo nghĩ”. Hóa ra việc nóng lòng tới thăm bác sĩ lại khiến bệnh nhân vi phạm chính y lệnh của bác sĩ.

Đã đến khám thì phải nhận toa mang về, có toa tất phải uống thuốc, tối thiểu cũng vài viên giảm đau, an thần dễ ngủ. Một “tác dụng phụ” không hoan nghênh nữa bởi dù chỉ là một viên paracetamol, vitamin C thì bộ gan, thận của các cụ đều phải một phen trần mình ra tiếp nhận, trong khi nhị vị công thần này của sức khỏe người già thường đã rêm mình trước đó với cả chương trình điều trị dài hơi đủ loại thuốc.

Một tác dụng ngoại ý đáng ngại khác là chứng “nghiện bác sĩ” vô tình gây ra hiện tượng “lờn thuốc”, mất cảnh giác cho các cụ và người chăm sóc. Sau nhiều lần đưa các cụ đến phòng khám để chỉ nhận về chẩn đoán “không có gì nghiêm trọng”, với những toa thuốc cốt giúp yên lòng các cụ, dần dà dễ nảy sinh tâm lý coi nhẹ bệnh tình.

Chứng hoa mắt, đau đầu của người già lúc này có thể là triệu chứng “không có gì phải ầm ĩ”, nhưng lúc khác lại là một tín hiệu nguy. Mọi chứng nghiện đều gây bất lợi và cần được cai.

Cai chứng “nghiện bác sĩ” không hề dễ vì con cháu sợ bị mang tiếng bỏ bê các cụ, đôi khi chìa khóa nằm ở các giải pháp “chữa mẹo”. Một cuộc gọi “khám bệnh từ xa” của chính ông bác sĩ mà các cụ gửi gắm có thể giúp giữ chân bệnh nhân ở nhà, thay vì cất công vượt hàng chục kilômet đi - về chỉ để nhận mấy viên sinh tố, giảm đau (tất nhiên để làm được phải ngoại giao tốt và vị bác sĩ cũng sẵn lòng đáp ứng).

Bác sĩ gia đình là giải pháp giúp các cụ bớt phần xê dịch cực nhọc với chứng “nghiện bác sĩ”. Những cuộc tiếp xúc kiến thức y học qua sách báo, truyền hình góp công không nhỏ giúp các cụ bình tâm hơn với các dấu hiệu khó ở thay vì xếp tất vào diện báo động... Tuy vậy, thực tế cho thấy hay nhất là ngăn chặn từ đầu, đừng để chứng nghiện kịp đứng chân bởi khi đó mọi can thiệp cũng chỉ là chữa ngọn.

Nhiều gia đình, người thân chủ quan không đánh giá đúng mức sức “hấp dẫn” của các bác sĩ với bụng lo các cụ nên đã bỏ qua thời khắc vàng chống lệ thuộc cho người thân. Người già lắm bệnh kéo theo tần suất và cường độ những cuộc viếng thăm bác sĩ cũng cao hơn một cái đầu so với người trẻ, nên nếu được đừng xem thường sức hút của chiếc áo blouse trắng với các cụ.

Đừng quên chứng “nghiện bác sĩ” hoàn toàn có khả năng gọi thêm... cả đàn “đục nước béo cò” khác như nghiện uống thuốc, nghiện vô nước biển, nghiện làm xét nghiệm, nghiện đo huyết áp, điện tim, đường huyết...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận