Chúng ta là những Cyborg?

TTCT - Một nhóm bạn trẻ ngồi với nhau trong quán cà phê nhưng không ai nói chuyện với ai. Họ mải mê dán mắt vào các loại điện thoại thông minh hay iPad, kiểm tra các cập nhật và tin báo trên mạng xã hội.

Một hình ảnh quá quen thuộc với chúng ta, đến nỗi đôi khi chúng ta không nhận ra nó đang nói lên điều gì...


Kết quả scan não của người nghiện Internet cũng tương tự não của người nghiện rượu hay ma túy - Ảnh: Newsweek

Internet là một kênh chuyển tải thông tin thế hệ mới bên cạnh các loại hình truyền thống như báo chí, truyền hình, truyền thanh... Nó giúp chuyển một thông điệp nhanh và mạnh mẽ tới mức chỉ cần vài ngày thôi, có thể gần 100 triệu người biết đến một đoạn phim ý nghĩa.

Từ ức chế tới loạn thần

Đó là trường hợp của Jason Russel và phim phóng sự ngắn Kony 2012. Mục đích của bộ phim là dùng mạng xã hội làm cho “chúa tể chiến tranh” Joseph Kony trở nên nổi tiếng để thế giới phải chú ý và ngăn chặn tội ác của ông ta, trong đó có việc bắt trẻ em ở châu Phi đi lính. 

Một phim của Jason và cộng sự được đưa lên hồi tháng 3 năm nay và chỉ trong vòng chưa đầy một tuần đã thu hút hơn 70 triệu lượt xem trên YouTube, chưa kể các kênh truyền thông khác như Vimeo, Facebook. Đây là một kỷ lục về tốc độ lan truyền trên Internet. 

Nhưng chính công cụ giúp Jason hoàn thành sứ mệnh lại là con dao đâm thẳng vào tâm trí anh, đem lại cho anh cả tiếng tăm và chỉ trích. Bốn ngày đầu lúc mới tung ra bộ phim, Jason chỉ ngủ hai tiếng một ngày, cập nhật thông tin liên tục trên Twitter. 

Nhiều ngày sau đó người ta thấy Jason trở nên điên loạn, cởi hết quần áo chạy ra đường, liên tục đập hai tay xuống đường và chửi rủa. Đoạn phim vô tình quay được cảnh này cũng lan truyền nhanh không kém.

Bác sĩ xác định Jason bị một dạng rối loạn tâm thần tạm thời. Triệu chứng này tuy có vẻ mới đối với chúng ta nhưng bác sĩ cho rằng đó là chuyện thường gặp khi một người như Jason chuyển từ tình trạng “vô danh tiểu tốt” sang môi trường được chú ý đặc biệt hoặc nổi tiếng quá nhanh. 

Có thể Jason đã không kịp làm quen với tất cả những phản ứng trên Internet về bộ phim của anh. Câu chuyện về Jason cũng là một ví dụ rõ nét về tác động của Internet đối với một người mà nếu không làm chủ được bản thân sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Câu hỏi về việc Internet có tác dụng độc hại như thế nào đối với chúng ta không mới. Nó có từ thuở ban đầu khi Internet xuất hiện. 

Tuy nhiên, ngay cả đối với những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì vấn đề một công nghệ mới có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta bị coi là ngớ ngẩn và ngờ nghệch. 

Thay vào đó, đa số nghĩ rằng Internet chỉ là một phương tiện mới, một hệ thống giúp truyền tải thông tin chứ không phải một cỗ máy ác quỷ. Nó giúp con người ta vui hơn và làm việc năng suất hơn.

Thế nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều bằng chứng Internet tác động xấu đến suy nghĩ và tâm trí con người? Internet ngày nay không chỉ làm chúng ta lầm lì và cô đơn hơn mà còn khiến chúng ta bị ức chế và lo âu, có xu hướng bị ám ảnh, mất tập trung và thậm chí là loạn tinh thần.

Ở một góc độ nào đó, đầu óc đã bị “số hóa” của chúng ta có thể được nhìn nhận như của những người bị nghiện ma túy.

Một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Tel Aviv hồi năm ngoái đã đưa ra một bản báo cáo mà họ cho là những trường hợp đầu tiên được ghi nhận về chứng loạn tinh thần do Internet. 

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những đặc tính của giao tiếp trên mạng có khả năng gây ra hiện tượng loạn tinh thần thật sự và lên tiếng cảnh báo cộng đồng y khoa thế giới.

“Việc sử dụng Internet với tốc độ phi mã và những hệ lụy tiềm tàng của nó đối với bệnh tâm thần là những hậu quả hoàn toàn mới trong thời đại chúng ta đang sống” - báo cáo viết.


Jason Russel từng nổi tiếng nhờ Internet - Ảnh: EnTV


Hiện tượng “rung bóng ma”

Theo Newsweek, vào mùa hè năm 1996, bảy nhà nghiên cứu trẻ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thử nghiệm sống một cuộc sống đồng thời giữa thế giới ảo và thực, xóa nhòa ranh giới giữa người và máy tính. 

Những người này luôn mang theo bàn phím trong túi, các bộ truyền sóng radio trong balô và trước mắt họ có gắn một màn hình nhỏ. 

Họ tự gọi mình là những “cyborg” hay những con người nửa người nửa máy chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Họ bị coi là những kẻ quái dị.

Tuy nhiên, nhà tâm lý thuộc MIT là Sherry Turkle chỉ ra rằng tất cả chúng ta hiện nay cũng chẳng khác gì các “cyborg”. Quả thật, hiện nay chúng ta cứ kè kè bên mình máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi thì xem ra chúng ta chẳng khác gì những nhà nghiên cứu tại MIT năm 1996. Những hành vi như vậy đã trở nên quá đỗi bình thường.

Chúng ta đang gắn kết với máy móc nhiều hơn, tốn nhiều thời gian hơn bên máy tính. Dân văn phòng dán chặt mắt vào máy tính tám tiếng một ngày. Học sinh sinh viên giờ đây cũng không tách rời khỏi Internet. 

Các bạn trẻ dùng Facebook hằng ngày cũng có thói quen kiểm tra “notification” (thông báo) một cách thường xuyên để xem có hoạt động gì mới liên quan đến mình trên mạng xã hội không. Việc không ngừng kiểm tra thông báo mới có thể khiến họ bị phân tâm và không tập trung vào việc chính như học tập hay làm việc.


Đoạn phim quay cảnh Jason điên loạn cũng lan truyền nhanh không kém trên Internet - Ảnh: Redalertlive.com

Vài năm trước, iPhone, iPad hay các loại máy tính bảng hiện đại còn chưa ra đời, chúng ta cứ ngỡ mình đang làm chủ được công nghệ. Giờ đây thì iPad, iPhone và các loại điện thoại thông minh khác đã đẩy lùi các loại điện thoại truyền thống. 

Công nghệ đã phát triển nhanh tới mức như một con ngựa bất kham mà chúng ta không thể làm chủ chúng được nữa. Thay vào đó, công nghệ và Internet đang trói buộc chúng ta. 

Nói cách khác, chúng ta đang bị lệ thuộc vào công nghệ và Internet. Newsweek dẫn thống kê cho thấy hơn 1/3 người dùng điện thoại ở Mỹ có thói quen lên mạng trước khi đi ngủ.

Ngày nay con người cũng nhắn tin nhiều hơn. Một người bất kể tuổi tác, nhắn và nhận 400 tin nhắn một tháng, gấp bốn lần năm 2007. Lứa tuổi thiếu niên gửi nhận tới 3.700 tin nhắn một tháng, gấp đôi số liệu năm 2007. 

Nghiêm trọng hơn, hơn 2/3 những “cyborg” hiện nay được nói là có cảm giác điện thoại rung mặc dù chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Các nhà nghiên cứu gọi đó là hiện tượng “rung bóng ma”.

Tờ Newsweek cho hay hiện Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đã bắt đầu coi việc sử dụng Internet sai lệch là một cuộc khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng. Ở những nơi này có tới hàng chục triệu người (30% trong số đó là thiếu niên) bị coi là nghiện Internet, chủ yếu là tiếp xúc quá nhiều với game trực tuyến hay mạng xã hội.

Không ít câu chuyện thương tâm đã xuất hiện trên trang nhất các tờ báo như chuyện một cặp vợ chồng trẻ bất cẩn để đứa bé sơ sinh con mình bị chết trong khi đam mê chơi trò nuôi em bé ảo trên mạng. 

Hay chuyện một thanh niên đánh chết mẹ mình vì người mẹ khuyên cậu nên tắt máy tính. Sau đó người này lấy thẻ tín dụng của mẹ để cố chơi nốt những giờ còn lại trên game trực tuyến. Ít nhất mười trường hợp người dùng Internet đã bị chết do tụ máu vì ngồi quá lâu.


Cân bằng chính là từ khóa!

“Việc nhìn thấy tất cả hoạt động, thông tin, hình ảnh, chuyện vui, chuyện buồn của bạn bè trên các trang mạng xã hội sẽ khiến con người có cảm giác mọi thông tin đang nằm trong tay mình, mối quan hệ liên kết giữa mọi người vẫn đang tốt. Từ đó có thể dần mất đi nhu cầu được gặp gỡ, giao lưu đời thực.

Từng tổ chức các buổi giao lưu ngoại tuyến (offline), tôi đã gặp nhiều trường hợp trên mạng xã hội thì tranh luận rất tốt nhưng bên ngoài các bạn này gần như không thể diễn đạt suy nghĩ của mình qua lời nói. Và nếu điều này kéo dài thật nguy hiểm nếu chúng ta chỉ giao tiếp với nhau qua bàn phím và con chuột.

Để thoát khỏi tình trạng này, cân bằng chính là từ khóa, biết chủ động và tự tin xây dựng cho mình một cuộc sống “offline” nhiều màu sắc và lành mạnh. Học thêm một ngoại ngữ mới, học những kỹ năng mới như vẽ, thể thao, tham gia các hội nhóm. Phải tỉnh để biết mình cần nhiều trong cuộc sống hơn là những thứ không chạm tay vào được”.

Đắm chìm vào thực tế ảo

“Theo quan sát của tôi, nhiều người trẻ hiện nay sống ảo vô cùng trên các mạng xã hội. Họ thoải mái phát ngôn hơn, đôi khi nói ra những điều thiếu suy nghĩ. Họ có người hâm mộ hùa theo, tự xây dựng cho mình những giá trị, những cách sống thái quá đến mức cực đoan. Lâu dần, họ tự kỷ ám thị, thoải mái trong cuộc sống ảo, thoải mái với con người ảo, không còn tự tin bước ra đời thật vì ở đấy danh tiếng và cái tự do họ có không tồn tại.

Những ai đắm chìm vào thế giới ảo mà quên mất đời thực thường cô đơn trong cái vỏ bọc tự xây. Họ sợ, họ ngại, họ lười không muốn ra ngoài giao lưu kết bạn”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận