​CHUYỆN CỦA CHÚNG TÔI - NHỮNG NGƯỜI ĐANG GIÀ!

KIM DUY 23/01/2015 21:01 GMT+7

LTS: Tiếp theo Những người già “mắc nợ” trên TTCT số 2-2015, xin giới thiệu cùng bạn đọc chia sẻ của hai tác giả Kim Duy và Minh Thư với những quan sát của họ về tình cảnh những người... đang già, ở Đông và Tây.

Minh họa: Bích Khoa

Nhiều người thuộc thế hệ tôi, từ 55-65 tuổi, hiện đang đối mặt với một “gánh nặng” cả... ba vai! Trên thì cha mẹ phải chăm sóc, kế đến là con cái cần sự giúp đỡ và dưới là cháu cần sự trông nom!

Những câu chuyện có thật và không lạ

Bạn tôi, một phụ nữ đơn thân, vừa về hưu, nhận được từ cơ quan số tiền hơn trăm triệu đồng, chị gom thêm tiền dành dụm lâu nay mua một chiếc ôtô Kia Morning cũ 300 triệu của người quen nhượng lại.

Một lần ngồi cà phê, chúng tôi đùa về hưu thế mới hoành tráng, hạ cánh an toàn, đi xe hơi giống... đại gia. Chị bảo mua xe để đưa đón cháu nội, cháu ngoại đi học khỏi nắng mưa, về thăm nom cha mẹ thường xuyên hơn mà không ngại bụi bặm, nắng gió, ngồi chơi với cha mẹ lâu hơn mà không sợ trời tối hay mưa...

Chị ở chung với con trai. Nếu ngày xưa, sáng chị chỉ việc dắt xe ra khỏi nhà, đến cơ quan, trưa về nhà ăn cơm con dâu nấu sẵn thì giờ đây chị đảm hết việc nhà từ khi con dâu chuyển cơ quan hơi xa nhà, trưa cô không về. Lo cho hai cháu nội ăn sáng xong, chị chạy xe qua nhà con gái đón thêm cháu ngoại rồi bốn bà cháu đến trường. Quay về nhà cất xe, chị đi bộ ra chợ mua các thứ rồi nấu cơm trưa chờ con trai về. Ăn xong, dọn dẹp, nghỉ ngơi chút xíu là đến giờ “gom” các cháu.

Bận rộn đến tối. Khi các cháu rút lên lầu với ba mẹ chúng, chị mới thật sự được nghỉ ngơi. Muốn coi tivi hay vào Facebook tán nhảm với bạn bè cũng không nổi vì buồn ngủ díp mắt. Đi nằm sớm để ngày mai tiếp tục chiến đấu!

Chị dù sao vẫn còn sướng là không phải chu cấp cho con, lương hưu chỉ dành biếu bố mẹ, đổ xăng chở cháu đi chơi, đi học. Khối người về hưu mà con vẫn chưa tốt nghiệp, đã không làm ra tiền thì chớ, còn phải chăm nom cháu, quà biếu bố mẹ.

Không chỉ thời gian, tiền bạc cũng là vấn đề với người già. Hai ông đi thể dục buổi sáng nói chuyện với nhau. Ông này bảo ông kia sướng vì có lương hưu hằng tháng, không phải cậy con. Ông kia liền nói tôi làm sao bằng ông, con cái ông làm ăn giàu có, nó cho tiền bằng mấy lương hưu. Ở trong chăn mới biết, ông này thở dài đánh sượt, ngửa tay xin tiền con cũng lắm ê chề!

Hai bà cháu ngồi chơi với nhau, cháu phụng phịu gì đấy, bà dỗ dành: “Thôi để bà mua đền...”. Nghe vậy cháu càng phụng phịu dữ: “Bà làm gì có tiền mà mua?”. Cháu nói thế bởi thỉnh thoảng vẫn nghe bà bảo: “Bà già rồi, không làm gì ra tiền”.

Việc cư xử, chăm sóc cha mẹ cũng là một vấn đề. Người xưa dặn, “phụ mẫu tồn, tử bất khả viễn du” (cha mẹ còn, con không được đi xa), là chuyện mà nhiều gia đình gặp phải. Nhiều bạn tôi cả đời không rời nhà quá... hai ngày vì còn cha mẹ phải chăm sóc.

Dù anh chị em đông nhưng mỗi người mỗi cảnh, ai có điều kiện chăm cha mẹ cứ như là hi sinh. Mỗi lần có việc đi đâu, các chị phải lập kế hoạch trước cả tháng để anh chị em sắp xếp đến trông nom cha mẹ. Nhiều lúc anh chị nạnh nhau, chị đành ở nhà!

Chuyện có thật và hơi lạ

Vợ chồng bạn tôi người Úc. Một lần, trong chuyến du lịch Việt Nam, chúng tôi đang ngồi nói chuyện thì anh nhận được tin mẹ qua đời. Nếu là người Việt thì tức tốc về ngay để lo hậu sự, đằng này tôi thấy anh gọi về nói là đang đi chơi, nhờ viện dưỡng lão gửi mẹ nơi lưu giữ, đợi vợ chồng anh hoàn tất chuyến du lịch (còn đi ba nước nữa) rồi về lo cho mẹ.

Quan điểm của họ là mẹ đã mất rồi, có về ngay lúc ấy hay lùi lại sau chuyến du lịch cũng không khác nhau, lại không bị lỡ việc của con. Có thể thấy họ quan niệm mọi thứ nhẹ nhàng. Không về ngay lo cho mẹ không phải là bất hiếu mà phù hợp với thực tế. Họ đã trả tiền tour du lịch, thời gian sắp xếp đâu vào đấy rồi.

Mẹ có đời của mẹ, họ sống đời của họ. Con người sống, làm việc, hưởng thụ và nhu cầu được hưởng thụ là nhu cầu chính đáng.

Lập kế hoạch hưu trí

Không muốn phải dựa vào con cái là tâm lý chung của đa số người chuẩn bị già và đang già. Cũng có thể xuất phát từ quan niệm “nước mắt chảy xuôi” và từ thực tế đã quen “nếp” lo lắng cho con cái.

Thử nhìn một cuộc đời (trong vô vàn cuộc đời bình thường) như sau: cha mẹ sinh ra, lớn lên, học hành, làm việc, lập gia đình, ra sức “cày” nuôi con và hỗ trợ một ít cho cha mẹ già gọi là phụng dưỡng (ở đây đặt vấn đề “một ít” thôi, vì cha mẹ đã biết nhìn xa, có một khoản phòng thân khi về già). “Cày” 30 năm, nghỉ hưu, có một khoản lương hằng tháng (để dành uống thuốc, chẳng hạn) không phải làm phiền đến con.

Kết luận gì? Đời người chỉ mong đạt hai điều khi về già: có sức khỏe và ít tiền phòng thân. Đơn giản thế nhưng sao mất đến mấy chục năm lao tâm khổ tứ, “cày cuốc” đến vậy? Đó là quy luật cuộc đời. Trong ba mươi năm ấy bao nhiêu sức lực đã dành hết cho gia đình, con cái, “chiến đấu với bên ngoài”... Cuối đời, chút lương hưu và lo tập luyện để sống khỏe, sống tiếp không phiền con là “kế hoạch hưu trí” thành công rồi!

Và học cách chăm sóc người già

Có vẻ đùa nhưng suy nghĩ kỹ một chút sẽ thấy: “sống vui + sống khỏe + sống có ích” là đặt gánh nặng (quá) lên vai người già. Đã vui, còn khỏe, lại có ích nữa, làm sao đạt được đây?

Trong chúng ta, ai rồi cũng sẽ già, là điều tất yếu, ai cũng biết. Thế nhưng, với nhịp điệu cuộc sống nhanh đến chóng mặt, quỹ thời gian eo hẹp tỉ lệ nghịch với công việc (làm và chơi) thì trong gia đình có người già cần phải chăm nom không đơn giản chút nào!

Chính vì nghĩ về người già một cách nặng nề như vậy nên việc chăm sóc người già luôn là... gánh nặng cho người trẻ! Một điều không thể phủ nhận là hiện nay ở nhà trường các em học sinh chưa được học cách chăm sóc người cao tuổi. Ngay chúng tôi, những người chưa già lắm và chuẩn bị già, cũng có thể chưa biết hay có kinh nghiệm chăm sóc người già. Đó là những chứng mà cha mẹ đang gặp phải rồi một ngày nào đó đến lượt chúng tôi!

Thật tình, tâm lý chung, trong chúng ta chẳng ai muốn làm gánh nặng cho con cái. Tuy nhiên, cần hiểu một điều rằng không phải muốn là được.

Mỗi người mỗi phần số, không ai có cái kết giống ai và biết cái kết của mình. Đòi hỏi con cái quan tâm đến mình khi mình còn không có thời gian dành cho cha mẹ là một đòi hỏi không công bằng. Chúng tôi luôn biết thế và cố gắng quan tâm đến cha mẹ với hi vọng làm gương cho con. Còn, con cái có biết nghĩ hay không thì hên - xui!

“Thế hệ sandwich”

Minh Thư

Cụm từ “thế hệ sandwich” này tôi đọc được trên trang web chăm sóc người già (agingcare.com). Nó được dùng để gọi những người bị “kẹt” giữa cha mẹ già và gia đình riêng của mình. Họ chưa quá già để được con cái quan tâm chăm sóc, nhưng đã đủ luống tuổi với gánh trách nhiệm của riêng mình.

Một câu hỏi thảng thốt của một phụ nữ “thế hệ sandwich” này, có nickname là 2trouble (hai rắc rối) xin được tư vấn như sau: “Đứa con tuổi teen của tôi đã hết sức giận ghét tôi do một quyết định của tôi dành nhiều thời gian cho người mẹ đã bị lẫn của mình. Tôi phải làm gì?”.

Trong những phản hồi cho người phụ nữ này, có thể đọc thấy những luồng ý kiến chính như sau: 1/ Nên dành nhiều thời gian hơn cho con cái vì “bạn có thể trả tiền cho ai đó chăm sóc mẹ mình, nhưng không thể trả tiền cho ai đó quan tâm tới con cái bạn, chỉ bạn và chồng bạn làm được điều đó”;

2/ Người mẹ ốm cần nhiều sự chăm sóc hơn đứa con trai đã lớn;

3/ Đứa con tuổi teen cần phải biết cuộc chiến của người mẹ. Có thể hiện tại đứa con không hài lòng nên hãy dành thêm chút thời gian cho con trai để đứa con hiểu là bạn cũng quan tâm đến nó. Sẽ có lúc nó hiểu ra điều đó;

4/Đứa con tuổi teen chưa được phép tự mình quyết định mọi thứ. Các bậc cha mẹ không thể để con cái muốn làm gì tùy ý. Cuộc sống còn nhiều thứ hơn laptop, điện thoại di động, iPad. Đứa con không thể có được tất cả những gì nó muốn cho đến khi nó ra đời và có việc làm, không thể gặp chuyện gì cũng trách giận hay đổ lên đầu ông chủ!

Có thể nói những ý kiến này đều đáng suy nghĩ, nhưng chắc chắn người mẹ chỉ có thể chọn lựa một cách xử sự tốt nhất: không phải hi sinh bất cứ ai trên đường đời, dù đó là cha mẹ mình, con cái mình, hay cả cuộc sống của mình!

Tìm được sự quân bình là cực khó, nhưng như một phụ nữ có nickname windytown tâm sự: “Mọi sự sẽ không như thế mãi, và tôi nghĩ con của bạn sẽ có lúc hồi tâm. Sự hi sinh của chúng ta cho mẹ mình một ngày nào đó sẽ được các con ta nhận ra như một bài học về sự quan tâm. Bởi chúng ta đâu sao nhãng con cái mình vì ta nghiện ma túy hay mê bài bạc?”.

Ở các nước phát triển, những tiện ích cho tuổi già như nhà dưỡng lão, trợ cấp xã hội đã trao cho người già một tay vịn giúp họ đi đến cuối đời, giúp giảm bớt áp lực cho “thế hệ sandwich” (có người đã khuyên 2trouble đưa người mẹ đã lẫn vào dưỡng đường cho người già).

Nhưng ở các nước đang phát triển, những dịch vụ hay hỗ trợ này vẫn ngoài tầm với nhiều người. Khi đó, chuẩn mực đạo lý được sử dụng để lấp đầy những thiếu hụt. Và đã là chuẩn mực tinh thần thì làm gì có sự sòng phẳng hoặc rạch ròi.

Nên cuối cùng, người già ở những xã hội này dường như càng dễ tổn thương hơn mà ta đã quen chấp nhận vì... “nước mắt chảy xuôi”...    

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận