Con không thể vì “đã lỡ nhúng chàm”, mà…

LÂM MINH TRANG 16/05/2018 03:05 GMT+7

TTCT - Tôi là giáo viên, còn vài tháng nữa sẽ nghỉ hưu. Đi dạy hơn 33 năm, đến lúc nghỉ ngơi, nhìn lại quá trình dạy dỗ của mình thấy cũng có nhiều lúc sai trật.

Minh họa: Bảo
Minh họa: Bảo

 

Song, dù khi là giáo viên hay 15 năm sau này có làm cán bộ quản lý, trong những sai trật vô tình khó tránh vẫn luôn nghĩ về một bài học thuở nhỏ để không dám phạm những sai trật phẩm hạnh, tư cách và danh dự không chỉ của bản thân mà còn của gia đình.

Năm đó tôi độ chừng 9-10 tuổi. Nhà có 5 đứa con, tôi luôn học trái buổi với các anh chị em của mình. Buổi sáng, chỉ mình tôi tha thẩn chơi ngoài sân trước, tự nghĩ ra đủ trò. Trong một lần tha thẩn như thế, tôi phát hiện cái vách gỗ nhà bác hàng xóm giáp nhà tôi bị long đinh, chỉ cần lấy tay nạy ra là có thể chui lọt qua. Chỗ vách đó dẫn ngay vào nhà trong của bác hàng xóm. Từ đó, trò mới của tôi là... nạy vách chui ra chui vào nhà bác hàng xóm.

Một lần chuẩn bị chui qua, tôi bắt gặp bác gái mở tủ thờ lấy ra một cái hộp, đếm tiền đưa cho chị lớn đi chợ. Hôm sau lẻn qua, gian nhà trong chẳng có ai, tôi đi vòng qua bên hông tủ thờ và thấy chìa khóa vẫn cắm ở ổ. Máu tò mò con nít nổi lên, tôi nhìn quanh quất rồi mở khóa. Hộp tiền nằm ngay tầm với và tôi mở ra xem. Ôi chao là tiền, vì nhà bác vốn là tiệm cho mướn sách lớn nhất nhì thành phố lúc đó.

Tần ngần một lúc, tôi lấy hai tờ giấy bạc 5 đồng cho vào túi áo, cất hộp vào tủ, khóa lại cẩn thận rồi giở vách ra chui về. Bây giờ kể lại thì nhanh, chứ lúc đó tay chân tôi run lẩy bẩy vì cũng ý thức được hành động của mình “có gì xấu lắm!”.

Tôi leo lên cây sung trước nhà, giấu tiền vào một hốc cây rồi leo xuống. Nghe ngóng suốt ngày, thỉnh thoảng chạy sang chơi, không thấy động tĩnh gì bên nhà bác hàng xóm, mấy hôm sau tôi mới dám leo lên cây moi tiền xuống đi mua đồ chơi và ăn hàng. Vài tuần sau, cần mua bộ lính để chơi bật tường, tôi lại sang nhà bác hàng xóm lấy tiền rồi cứ thế, tôi lấy tiền của bác thêm hai lần thì... mọi chuyện vỡ lở.

Khi soạn cặp cho tôi đi học, mẹ tôi ngạc nhiên thấy mớ lính, mấy cây kiếm, bộ cung... mới toanh trong đó. Ngay tối đó, chờ các con học bài xong, bà bắt ngồi lại hết. Bà nhìn tôi, đột ngột buông một câu: “Con nói cho mẹ nghe, tiền đâu con mua lính, mua đồ chơi để trong cặp?”.

Giọng mẹ nhẹ nhàng mà lúc đó tôi như nghe tiếng sấm. Gương mặt nghiêm nghị của mẹ sao mà... dễ sợ, các anh chị tôi thảng thốt quay sang nhìn em. Mặt xanh như tàu lá, nước mắt tôi chảy ra, tôi bắt đầu nghĩ ra đủ lý do định thưa với mẹ. Mẹ không để tôi suy nghĩ lâu, bà nói: “Con đừng tìm cách nói dối. Đã lỡ sai rồi thì phải thưa thật, nếu còn nói dối là tội sẽ nặng thêm!”. Hết đường, tôi lắp bắp thưa thật với mẹ mọi chuyện, nhìn mặt mẹ tôi xanh tái đi theo những câu kể của mình, tôi càng sợ hãi. Thời gian kể chừng 5 phút mà tôi tưởng 50 năm.

Nghe tôi kể xong, cả nhà im lặng một cách khủng khiếp. Mẹ nói tôi đi rửa mặt rồi dẫn ngay sang nhà bác hàng xóm. Nghe hết chuyện mẹ thưa, nghe lời mẹ xin lỗi, bác hàng xóm hết ngạc nhiên thì cười xòa, chỉ nói con nít nghịch ngợm, chuyện không đáng gì. Mẹ tôi trả lời: “Dạ thưa không, hôm nay cháu lấy được 10 đồng thì ngày mai lớn hơn sẽ tìm cách lấy 20 đồng, 30 đồng, rồi cứ thế trượt dài”. Mẹ tôi xin phép gửi lại chỗ tiền tôi đã lấy rồi dắt tôi về.

Về đến nhà, bà bắt tôi nằm dài trước ông bà, trước bố tôi và các anh chị em, nghiêm khắc nói từng chữ: “Hôm nay vì mấy chục đồng bạc này, con đã làm cho ông bà, bố mẹ vô cùng xấu hổ với hàng xóm. Nhưng mẹ thấy con đã dũng cảm nhận lỗi, nên mẹ sẽ chỉ đánh con một roi để con phải luôn nhớ đến lỗi lầm ngày hôm nay với gia đình mình. Bản thân con sau này sẽ khó lòng sang chơi nhà bác T.V. nữa, có sang người ta cũng sẽ canh chừng... Con có thấy xấu hổ không?”. Nói xong, bà quất tôi một roi đau điếng.

Ông bà rồi bố mẹ tôi giờ đã mất cả, anh chị em trong nhà có nhắc lại cũng không ai còn nhớ chuyện đó. Nhưng giọng nói buồn bã, đôi mắt đầy lệ của mẹ khi dang tay quất tôi một roi ngày ấy luôn còn mãi trong tâm trí tôi.

Tôi mang nó hơn 40 năm để luôn nhắc mình không được tái phạm trong việc tơ hào đến những gì không phải do mình làm ra. Cho đến hôm nay sắp nghỉ hưu, hằng ngày, hằng giờ đọc tin tức về những sai phạm của các quan chức khi tham nhũng, thâm lạm của công, tôi luôn chạnh lòng nghĩ đến gia đình họ. Tôi biết không cha mẹ nào lại dạy con làm điều xấu.

Nhưng như mẹ tôi nói khi dặn dò anh chị em tôi sau sự việc tôi làm: “Em các con đã trót dại, lỗi chính là ở nó hư, nhưng bố mẹ và các con cũng có lỗi. Bố mẹ quá tin vào các con, còn các con thì lơ là với em mình nên nó mới làm bậy. Từ hôm nay, đừng để cho em con và ngay cả các con làm việc “tay trót nhúng chàm”. Con người ta làm xấu đã tệ, tệ nhất là biết xấu mà vẫn làm và làm hoài không sửa!”.

Tôi cứ nghĩ nếu từng gia đình khi thấy người thân mình mang về những nguồn thu... quá lạ, hay gia đình tự dưng giàu có lên mà không phải... trúng số mà đủ nghiêm khắc, đủ can đảm từ chối thì chắc có lẽ ta đã không phải vất vả điều chỉnh lại trật tự nhân sự và gầy dựng lại niềm tin cho nhân dân vào chính quyền.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận