Đã nghèo lại còn là nạn nhân 

LÊ THANH HẢI 21/08/2014 17:08 GMT+7

TTCT - Khi Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình thì cái nghèo lại được nhắc đến nhiều hơn lúc còn là nước nghèo.

Minh họa: Đức Trí

​Đơn giản vì có ra khỏi cảnh nghèo, người ta mới nhìn trở lại được cuộc sống nghèo khổ của chính mình trước đây và dấy lên nỗi sợ sẽ rơi trở lại vào hoàn cảnh đó. 

Khi xã hội phân cấp giàu nghèo cũng là lúc tầng lớp khá giả hơn sẽ có những hành động để thể hiện mình đối với người nghèo. Từ thiện là hành động dễ dàng nhất, từ móc túi ra cho người ăn mày đến vung tiền ra cho cả xóm, hay phát gạo, tặng quà...

Nhưng thật sự đã có mấy ai trong chúng ta suy nghĩ sâu xa về cái nghèo, và chuyện xóa đói giảm nghèo trong xã hội?

Mảnh đất nào cho... poverty porn?

Thế giới bắt đầu tránh khai thác hình ảnh nghèo khổ để tuyên truyền vận động, mà chú ý nhiều hơn đến những cơ chế hoạt động đặc thù của từng xã hội, từng cộng đồng để hoạch định chính sách phù hợp. 

Brazil là một nơi mà có thể trải nghiệm sự cách biệt giữa người giàu và người nghèo trong xã hội vô cùng rõ rệt, khi khoảng cách giữa họ là 32 lần. Người giàu đi làm bằng máy bay trực thăng mà phí hạ cánh ở Sao Paulo bằng tiền lương cả tháng của những người sáng sáng cuốc bộ ven đường cao tốc từ các khu ổ chuột vào thành phố, cầm đôi giày và bộ quần áo trên tay cho khỏi mòn cũ.

Phát triển đất nước từ lâu đã cho thấy nó không có nghĩa là tất cả người dân sẽ giàu có, mà khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng gia tăng. Trong lúc những người giàu và khá giả ở Brazil tự hào có thể tổ chức giải bóng đá thế giới, thì người nghèo biểu tình vì mất nhà và mất cơ hội sinh sống qua ngày.

Do vậy, xóa đói giảm nghèo thật ra là công việc điều phối nguồn lợi tức trong xã hội và phân phối cơ hội đồng đều cho tất cả dân chúng. Đó là điều mà nhiều quốc gia châu Âu đang theo đuổi thông qua xây dựng một mạng lưới các chính sách an sinh và điều phối, người nghèo được tạo điều kiện hết mức để truy cập miễn phí vào nguồn thông tin và giáo dục để có cơ hội thoát nghèo.

Đó cũng chính là cốt lõi của những dự án xóa đói giảm nghèo mà quốc tế đã bền bỉ cùng làm với Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua, nổi bật nhất là chương trình 134 và 135, hay chỉ số phát triển cộng đồng PCI mà giáo sư Edmund Malesky từng xây dựng thông qua chương trình viện trợ phát triển của Hoa Kỳ cho Việt Nam.

Thực tế đúng là ta có thể “xóa đói” nhưng chỉ có thể “giảm nghèo” trong quá trình phát triển đất nước, bởi người nghèo trong xã hội liên tiếp xuất hiện do khoảng cách xã hội gia tăng. Vấn đề cần quan tâm chính là điều phối nguồn lợi để khống chế con số người nghèo ở mức thấp nhất có thể.

Tuy nhiên, đó không phải là điều dễ hiểu đối với đa số đại chúng, nhất là trong thời đại truyền thông xã hội - social media - ai cũng có thể làm nhà báo và ai cũng có thể đứng ra kêu gọi quyên góp cho một cá nhân hay một cơ sở nào đó. Đó là mảnh đất cho điều mà giới chuyên môn gọi là poverty porn  (tạm dịch là cái nghèo trần trụi, hay rẻ tiền).

Chụp ảnh một cụ già khổ sở bán hàng để kêu gọi lòng trắc ẩn của dân mạng, hay chia sẻ ảnh một em bé trông dễ thương nhưng lại mắc bệnh hiểm nghèo để quyên tiền giải phẫu, thường kỳ tường thuật những câu chuyện về một gia đình nọ nhiều tai ương, một trường hợp kia bất hạnh để kêu gọi bạn đọc gửi tiền quyên góp.

Đây là việc dễ làm nhất và hiệu quả trước mắt rất cao, là những gì chúng ta làm trong suốt hàng chục năm qua, khi chưa thật sự hiểu hết về cái nghèo và cơ chế kiểm soát để con số người nghèo không lên đến mức báo động.

Khi thế giới bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về công việc từ thiện, thậm chí có những ngành học và đào tạo chuyên nghiệp lên đến bậc thạc sĩ  tìm hiểu bản chất loại việc này, người ta bắt đầu nhìn thấy nhiều vấn đề sâu xa hơn và ý thức được sự cần thay đổi.

Thế giới bắt đầu tránh khai thác hình ảnh nghèo khổ để tuyên truyền vận động, mà chú ý nhiều hơn đến những cơ chế hoạt động đặc thù của từng xã hội, từng cộng đồng để hoạch định chính sách phù hợp. 

Để có thể xóa đói giảm nghèo hiệu quả, chuyên viên trong ngành cần có kỹ năng nghiên cứu xã hội và tìm hiểu địa bàn, nắm rõ thông tin về các định chế địa phương, quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực mình quan tâm, biết cách lập dự án và vận động để tìm nguồn tài trợ tạo đòn bẩy thoát nghèo cho khu vực mình phụ trách.

Từ thiện là một công việc và làm từ thiện trước hết để nuôi sống chính bản thân người làm công tác này. Không ít người dựa vào cơ chế này và lấy việc từ thiện làm công việc kiếm tiền hằng ngày, theo đúng những nguyên tắc được chính phủ ban hành.

Ở các nước châu Âu, quỹ từ thiện có thể xin 1% thuế doanh nghiệp thay vì đóng cho nhà nước sẽ chuyển thẳng sang cho hoạt động của quỹ. Nhiều cơ sở từ thiện đi xin đồ cũ tại các gia đình để bày ra cửa hàng bán gây quỹ tạo ngân sách… 

Điều truyền thông cần làm: Định nghĩa cái nghèo

Giúp người nghèo không phải là cho tiền họ mà thật ra nhằm điều chỉnh lại hệ thống phân phối lợi tức trong xã hội để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo. Cho tiền người nghèo giúp rất ít cho họ thoát nghèo, mà còn có thể có tác dụng ngược, khuyến khích họ ở mãi trên danh sách nghèo để ăn trợ cấp.

Đấy là điều xảy ra ở Việt Nam, khi nhiều trường hợp các hộ nhận gạo cứu trợ không muốn bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo trong xã. Ở nước Anh cũng vậy, nhiều gia đình ăn trợ cấp xã hội nhất quyết không chịu đi làm vì như vậy sẽ thu nhập kém hơn khi ngồi nhà ăn trợ cấp. 

Cái nghèo nhiều lúc còn do các nước giàu đem đến cho các nước nghèo nữa. Nông dân Pháp nuôi bò được hưởng trợ cấp giá để xuất khẩu sữa, khiến nông dân nuôi bò ở các nước nghèo như Việt Nam gặp rào cản không thể vượt qua.

Nông dân châu Phi đã nghèo lại còn phải giảm giá sản phẩm thêm nữa để có thể đưa được rau củ quả vào siêu thị nước giàu như Anh.

Đô thị hóa, số hóa, toàn cầu hóa đem thêm nguồn lợi về cho các nước đã phát triển và vét thêm tiền từ túi dân nghèo ở các nước đang phát triển có nhu cầu mua sắm thiết bị cho ngang bằng với cuộc sống “nhà giàu”.

Ta có thể thấy trong quá trình này cái nghèo sẽ còn tiếp tục duy trì tại nhiều nơi, kể cả ở những “nước giàu” như Anh, nơi mỗi buổi sáng ở thủ đô London có vô số trẻ em nhịn ăn để đi học, vô số người vô gia cư chờ đến bữa ăn từ thiện - những con số đang gia tăng theo ghi nhận của báo chí và các tổ chức từ thiện.

Vấn đề đang ngày càng gia tăng khiến người ta phải đặt lại câu hỏi về chính khái niệm đạo đức và công bằng, như loạt bài giảng nổi tiếng của giáo sư Michael Sandel trong bộ giáo trình mở của Đại học Harvard.

Câu chuyện tại Việt Nam không đơn giản là câu chuyện ở Việt Nam mà là câu chuyện Việt Nam trong bối cảnh thế giới ngày hôm nay.

Cùng một số tiền bỏ ra, nhưng do câu chuyện không được hiểu thấu đáo nên kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực. Khai thác hình ảnh một người có vẻ nghèo khổ để kêu gọi quyên góp còn khiến chính người đó trở thành nạn nhân của sự chỉ trích, họ nhận tiền không biết làm gì khác ngoài việc... mua vàng rồi lại bị kẻ xấu ăn cắp hoặc cướp giật.

Có vô số người sẵn sàng kéo đến xếp hàng trước cửa nhà một ca sĩ tuyên bố phát gạo, hay một người nhân ái vừa trúng vé số. Nhưng bao nhiêu người trong số họ thật sự nghèo khó và bao nhiêu người nghèo khó trong số đó sẽ vượt qua được cảnh nghèo?

Phản ứng của mỗi chúng ta trong xã hội là tập hợp của các mối quan hệ trong xã hội đó, cho nên nỗ lực của người nghèo thoát khỏi cảnh nghèo chính là kết quả từ các hành động của tất cả những người còn lại, bắt đầu trực tiếp từ người đến giúp họ cho đến gián tiếp là suy nghĩ chung của xã hội được tạo hình qua truyền thông.

Ta cùng người nghèo cười vui để tìm đường “vượt lên chính mình” như trong một số chương trình truyền hình giải trí giáo dục có tác động tích cực làm thay đổi xã hội, hay nhìn họ bằng ánh mắt ái ngại thương hại để chính bản thân họ xấu hổ và tủi nhục với hoàn cảnh không lối thoát?

Hơn ai hết, truyền thông chính là nơi định hướng dư luận và các nhà báo chính là người đầu tiên phải định nghĩa thế nào là nghèo, điều gì là nguyên nhân cốt lõi, thật sự của cái nghèo này.

Ở nước Anh hiện nay, không có điều kiện truy cập vào Internet cũng bị coi là nghèo, các cấp chính quyền địa phương phải cung cấp đường truyền Internet miễn phí cùng máy tính cho thư viện địa phương để người không có điều kiện đến truy cập.

Thiếu kiến thức cũng bị coi là nghèo nên các địa phương phải dành ngân sách cho trung tâm giáo dục thường xuyên, giúp người lớn tuổi biết đọc biết viết, hoàn tất chương trình phổ thông cơ sở. Ngân hàng cũng cho sinh viên vay để vào đại học và trả dần khi tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Thiếu điều kiện để đi làm khi có con nhỏ cũng được chỉ ra như yếu tố tạo ra cảnh nghèo khổ nên các bà mẹ đi làm sẽ được chính phủ hoàn lại tiền giữ con, và từ trước độ tuổi mẫu giáo đã có tiêu chuẩn một số giờ trông trẻ miễn phí trong tháng để phụ nữ có cơ hội ra đường cập nhật cuộc sống và công việc.

Việc phụ huynh không biết nuôi dạy con cũng được xếp vào danh sách yếu tố gây nghèo cho nên một số trường học cũng xin ngân sách để tổ chức các lớp dạy phụ huynh biết cách dạy con sao cho mau khôn lớn, bên cạnh các buổi tư vấn về chế độ và thủ tục giấy tờ.

Nước Anh là nơi có nhiều dân nhập cư nên kém tiếng Anh cũng là yếu tố gây nghèo, và các thư viện hay trung tâm giáo dục thường xuyên duy trì các lớp tiếng Anh miễn phí để người tham gia có thể thi lấy bằng ESOL nhằm có cơ hội học cao hơn.

Hằng tuần thư viện cũng có giờ đọc sách và dạy hát bằng tiếng Anh cho các em, cũng như giúp học sinh làm bài tập ở trường.

Bàn về cái nghèo thật ra là còn bàn về nghĩa vụ và hành động của người giàu cho xã hội, bởi vì cái giàu không thể đo bằng số tiền cướp được, tham nhũng được, hay mánh khóe lừa lọc được mà bằng số của cải làm ra cho xã hội, số chỗ việc làm trong doanh nghiệp và số cửa thoát tạo ra cho người nghèo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận