TTCT - Mỗi khi có người hỏi: “Bạn thích nơi nào khác ngoài nơi mình sinh ra?”, tôi luôn trả lời: “Đài Loan”. “Đài Loan? Tại sao lại là Đài Loan?” - người ta hỏi lại.

LTS: Thomas L. Friedman, một tên tuổi không xa lạ với nhiều người Việt, là tác giả các quyển sách best-seller về toàn cầu hóa. Ông cũng là một nhà báo đoạt ba giải Pulitzer và hiện giữ mục bình luận, xuất hiện một tuần hai lần trên The New York Times.

TTCT trích dịch bài viết nhan đề: “Pass the books, hold the oil” của ông, đăng trên The New York Times số đề ra ngày 10-3.

Đơn giản thôi: bởi vì Đài Loan là một mảnh đất cằn cỗi giữa vùng biển thường xảy ra bão tố và chẳng có tài nguyên gì hết. Thậm chí hòn đảo này phải mua cát và sỏi từ Trung Quốc đại lục để xây dựng. Nhưng Đài Loan là nơi có các nguồn dự trữ tài chính lớn thứ tư thế giới. Đó là do thay vì đào mỏ và khai thác bất cứ thứ gì có được, Đài Loan khai thác 23 triệu con người trên vùng lãnh thổ này...

Phóng to
Ảnh: thomas fuchs (NYTimes)

Tài nguyên - kiến thức: tỉ lệ nghịch

Một nhóm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã thực hiện một nghiên cứu nhỏ lý thú, vạch ra sự tương quan giữa điểm số kỳ thi Chương trình đánh giá sinh viên quốc tế (PISA - tổ chức hai năm một lần với các môn toán, khoa học, kỹ năng đọc hiểu của các em 15 tuổi ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ) với số tiền kiếm được từ tài nguyên thiên nhiên trong phần trăm GDP của mỗi nước tham gia. Nói tóm lại là tương quan giữa trình độ làm toán của học sinh và số tiền kiếm từ dầu mỏ, kim cương khai thác được.

Người phụ trách các kỳ thi PISA cho OECD, ông Andreas Schleicher, nói rằng các kết quả cho thấy có một tỉ lệ nghịch giữa số tiền các nước/vùng lãnh thổ có được từ tài nguyên với kiến thức, kỹ năng của học sinh nơi đó.

Vì vậy hãy giữ lại dầu và đầu tư cho sách vở. Theo ông Schleicher, trong kết quả PISA mới nhất, những học sinh ở Singapore, Phần Lan, Hàn Quốc, Hong Kong và Nhật Bản nổi trội với số điểm PISA cao. Những nước và vùng lãnh thổ này có ít tài nguyên. Trong khi đó, Qatar và Kazakhstan, những nước giàu có nhờ dầu mỏ thì học sinh ở đó lại có số điểm PISA thấp nhất.

Những nước như Canada, Úc, Na Uy giàu tài nguyên nhưng học sinh vẫn có số điểm PISA cao là vì, theo Schleicher, đã xây dựng những chính sách có tính toán về việc tiết kiệm các nguồn tài nguyên chứ không chỉ tiêu thụ chúng.

Tất cả dẫn chứng kể trên nói lên một điều rằng nếu bạn thật sự muốn biết một đất nước/vùng lãnh thổ sẽ vận hành như thế nào trong thế kỷ 21, đừng đong đếm trữ lượng dầu hay mỏ vàng. Hãy đếm những giáo viên làm việc hiệu quả, các vị phụ huynh tận tâm và những học sinh chăm chỉ. “Giờ đây thành quả học tập tại trường là một nhà tiên tri quyền lực cho các thành quả về xã hội và sự thịnh vượng mà nước đó sẽ gặt hái được trên bước đường dài phát triển” - ông Schleicher nói.

Kiến thức và kỹ năng: những đơn vị tiền tệ toàn cầu

Các nhà kinh tế từ lâu đã biết đến thuật ngữ “Căn bệnh Hà Lan”, theo đó, khi một nước trở nên quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên dẫn đến việc sản xuất trong nước bị ảnh hưởng khi hàng xuất khẩu giá rẻ đổ dồn vào và xuất khẩu trở nên đắt đỏ. Những gì mà nhóm nghiên cứu PISA đưa ra là một căn bệnh liên quan: những xã hội bị ám ảnh bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên có vẻ như đã làm các bậc phụ huynh và người trẻ đánh mất một số bản năng, thói quen, động cơ làm bài tập và rèn luyện các kỹ năng.

Ngược lại, theo ông Schleicher, ở các nước có ít tài nguyên thiên nhiên như Phần Lan, Singapore, Nhật Bản, giáo dục đã đạt được các thành tích tốt và vị thế cao. Một phần cũng do người dân nói chung hiểu rằng đất nước họ phải sống bằng kiến thức và kỹ năng. Và điều này dựa trên chất lượng giáo dục. Mỗi phụ huynh học sinh ở những nước này biết rằng các kỹ năng sẽ quyết định những cơ hội trong cuộc sống của đứa trẻ và không gì khác có thể cứu được chúng. Vì vậy, họ đã xây dựng cả một nền văn hóa và hệ thống giáo dục quanh họ...

Đó là lý do tại sao những quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều công ty được niêm yết nhất trên Nasdaq lại là Israel, Trung Quốc/Hong Kong, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore.

Tổng kết lại, ông Schleicher cho rằng: “Kiến thức và kỹ năng đã trở thành “đơn vị tiền tệ toàn cầu” trong các nền kinh tế ở thế kỷ 21. Nhưng không có một ngân hàng trung ương nào sẽ in loại tiền này. Mọi người phải tự quyết định họ sẽ in bao nhiêu”.

Dĩ nhiên rồi, thật tuyệt khi có dầu, khí đốt và kim cương. Những thứ này có thể mua được việc làm. Nhưng về lâu dài chúng sẽ làm xã hội yếu đi trừ khi những thứ tài nguyên này được dùng vào việc xây dựng trường lớp và một nền văn hóa học tập suốt đời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận