Để đừng "đẽo cày giữa đường"

LAN HƯƠNG 07/03/2014 04:03 GMT+7

TTCT - Không phải đến lúc Internet ra đời thì người ta mới có nhu cầu được tư vấn. Từ lâu, trên các tờ báo giấy luôn tồn tại một chuyên mục hấp dẫn bạn đọc là góc tư vấn. Những chị Hạnh Dung, anh Chánh Văn, anh Cỏ Cú, anh Bồ Câu... được sự tín nhiệm của những người có tâm sự cần giãi bày. Đến khi báo mạng hình thành...

Thế giới ảo & thực: Trào lưu tự thú
Lời một người già

Minh họa: Bích Khoa

Với sự phát triển của công nghệ thông tin, tương tác giữa người dùng với tờ báo không còn tính bằng ngày mà tính bằng phút, bằng giây thông qua vài cú nhấp chuột.

Thử dạo quanh chuyên mục tâm sự trên một số trang mạng lớn như vnexpress.net hay vn.yahoo.com, điều đập vào mắt người đọc là những tiêu đề tâm sự đầy chất 3T (tiền - tình - tội), kiểu như “Lấy vợ xấu còn trinh hay xinh mà mất”, hoặc “Chồng trầm cảm nặng vì không thể bỏ tôi để cưới bồ”. Lướt qua những đề tài được xem nhiều nhất, thấy đa số không nằm ngoài chuyện ngoại tình, sex...

Có thể hiểu khi các trang báo mạng dành đất cho chuyên mục tâm sự của độc giả, ban biên tập chỉ muốn tăng tính liên kết giữa tờ báo với độc giả của mình. Ở phía người đọc - những người chọn tờ báo để gửi gắm tâm tư của mình - khi câu chuyện của mình được đăng, họ dễ dàng gặp được sự sẻ chia và đồng điệu từ hàng ngàn người đọc khác.

Tuy nhiên, điều mà những nhà tổ chức và người trong cuộc không lường được chính là sự biến tướng sang tính chất lá cải khi cho phép người đọc được tham gia bình luận. Thế giới của những lời bình gồm đủ mọi cung bậc cảm xúc. Người cần tư vấn có thể đi từ trạng thái được an ủi đến phẫn nộ khi bỗng nhiên có người xa lạ nhảy bổ vào xỉ vả mình. Độc giả từ chỗ chia sẻ, đồng cảm với nhân vật bỗng thành những chuyên gia tư vấn mạnh mẽ.

Không biết thực hư của những câu chuyện tâm sự trên báo mạng đến đâu nhưng nếu có thật, hẳn chủ nhân những dòng tâm sự sẽ bối rối trước đủ loại sắc thái tình cảm mà bạn đọc trên mạng chia sẻ với mình.

Đơn cử như bài tâm sự ngày 20-8-2013 của cô gái tên Tâm trên trang vn... về việc “Thà làm single-mom (mẹ đơn thân) chứ không lấy chồng” nhận được 344 bình luận. Trong đó, không ít bình luận khuyên cô gái cân nhắc. Có người ủng hộ, lại có người bảo Tâm ích kỷ, thậm chí có người còn bảo Tâm “quá lứa thường không công nhận mình ế”, hay cay cú “đòi hỏi cao thế thì lấy cái tivi cho xong”... Đây là hậu quả tất yếu của tính ẩn danh trên Internet.

Những nickname thế thân trên mạng không đại diện cho con người xã hội bên ngoài, do đó người ta thoải mái đưa ra những bình luận bằng cảm xúc chủ quan của mình, lựa chọn những giải pháp mạnh mẽ như ly hôn, đánh ghen, vạch trần bộ mặt thật của nhau... để giải tỏa những cảm xúc dồn nén mà con người xã hội của họ không dám hoặc không thể làm được.

Cách hiệu quả nhất để giảm bớt sự can thiệp của người hoàn toàn xa lạ được người dùng Internet sử dụng nhiều nhất là tham gia các diễn đàn (forum). Diễn đàn là một cộng đồng mở gồm những người có cùng mục đích. Điểm chung gắn kết mọi người có lẽ duy nhất chỉ là tiêu chí thành viên của diễn đàn.

Các diễn đàn lớn tại Việt Nam như vn-zoom, webtretho, tinhte, genk... ban đầu chỉ chấp nhận những chủ đề thuộc về tiêu chí hẹp, chuyên ngành ban đầu để quy tụ các thành viên như công nghệ thông tin, chăm sóc trẻ em. Sau này, do số lượng thành viên tăng lên, nhu cầu mở rộng đề tài cần tư vấn được cho phép với mọi thành viên trong cộng đồng. Đủ các đề tài từ máy móc, kỹ thuật đến làm đẹp, mua sắm, hấp dẫn người khác...

Không ít thành viên cảm nhận sự tin tưởng từ những lời tư vấn của các thành viên khác. Những lời rủ rỉ kiểu “từ kinh nghiệm của mình...”, hay “sau bao lần thất bại, tớ đã phát hiện...” thường thu hút hơn lời khuyên “hãy tin vào điều bản thân bạn cho là đúng”. Bởi lẽ những lời khuyên đó đã đáp ứng được nhu cầu về thời gian và cảm xúc của người đăng.

Yếu tố ân cần đi cùng kịp thời nhanh chóng hạ gục người cần tư vấn. Lợi dụng đặc điểm này, nhiều cá nhân, tổ chức sử dụng diễn đàn để hạ thấp đối thủ và tranh thủ quảng cáo hàng hóa của mình một cách tinh vi.

Trong lĩnh vực quảng cáo truyền thông có thuật ngữ WOMM (Word of Mouth Marketing) hay còn gọi là quảng cáo truyền miệng sử dụng mối quan hệ giữa các thành viên, đánh vào tâm lý tò mò dẫn dắt họ nhận diện thương hiệu thông qua một nhân vật đáng tin cậy đã dùng sản phẩm và cho kết quả tốt.

Bởi thế, không bất ngờ khi thỉnh thoảng trong các dòng bình luận của một diễn đàn, bạn sẽ thấy thành viên nào đó “vô tình” cho biết (có báo trước cho ban quản trị biết) mình đã dùng sản phẩm ABC, DEF để đạt được kết quả mà người hỏi đang mong muốn. Không đủ tỉnh táo, người hỏi sẽ lạc vào mê hồn trận những lời tư vấn từ các thành viên thân thuộc của diễn đàn, và... “sập bẫy” quảng cáo.

Không phải tự nhiên mà một khảo sát được đăng trên trang web chuyên về truyền thông, marketing Wearesocial.net cho biết 67% người dùng Internet cho rằng các diễn đàn đặc biệt hữu ích với họ. Kết quả khảo sát này là cú nháy mắt ra hiệu cho những nhà quảng cáo tương lai thấy một thị trường tiềm năng từ những thành viên diễn đàn, những người cần tư vấn và sẽ được tư vấn một cách nhiệt tình và hiệu quả (tất nhiên theo mục đích của nhà quảng cáo).

Đổ lỗi cho nút “Bình luận” (Comment) hay đổ lỗi cho sự phát triển của Internet khiến ai cũng có thể trở thành “tư vấn viên bàn phím” là nguyên nhân gây tổn thương cho những trái tim non nớt e rằng vơ đũa cả nắm. Với 16,1 triệu người dùng Internet hằng tháng, người sử dụng Internet tại Việt Nam đang tham gia một không gian sống mới nhiều cạnh tranh hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn.

Trong một lĩnh vực mới mẻ và thay đổi liên tục như Internet, không thể trông chờ một môi trường Internet thuần cung cấp thông tin hữu ích. Cần nhất vẫn là cái đầu tỉnh táo của người dùng để chọn lọc thông tin cần thiết. Đồng thời, những cảm xúc bột phát cần suy xét kỹ trước khi đem ra xa lộ thông tin mà chia sẻ. Việc trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã thông chẳng tránh được cảnh “đẽo cày giữa đường”.

Tiết chế và kiểm soát

“Tiến trình thành nhân” của mỗi người kéo theo nhiều xung đột, buộc mỗi cá nhân phải học cách giải quyết các vấn đề, phát triển và trưởng thành. Những người bước qua lứa tuổi 14-24 có thể thở phào, tuy nhiên đây được xem là lứa tuổi khó khăn với những người còn trong cuộc.

Không còn nhỏ để từng chút phải hỏi ý kiến người lớn, nhưng đây cũng chưa là lứa tuổi thật sự chín chắn, bản lĩnh để ứng xử với mọi tình huống một mình. Tính ẩn danh là một công cụ đắc lực của thế giới mạng. Ai cũng có thể lập một nickname để đặt câu hỏi, và không ai biết nickname tên đó ở ngoài đời như thế nào. Điều này làm giảm lo lắng bị nói xấu hoặc cười nhạo hoặc chê bai ở ngoài đời thật.

Cùng với những phát triển về thể lý, các bạn trẻ quan tâm đến sự thể hiện và hình ảnh cá nhân trong mắt người khác. Các diễn đàn hoặc mạng xã hội cho phép các bạn chỉnh sửa thông tin trước khi để nó xuất hiện bên ngoài công chúng. Vì thế, người đưa thông tin có thể quyết định bạn muốn xây dựng hình ảnh của mình như thế nào, kết bạn với ai, lựa chọn giới tính và sở thích của chính mình ra sao.

Điều này một mặt giúp bạn trẻ trở nên tự tin với những phát ngôn của mình, vì họ nắm rõ họ sẽ xuất hiện dưới hình ảnh nào: người đưa thông tin, người phản biện ý kiến hay người tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc (Valkenburg, Jochen, 2011).

Lướt vào một diễn đàn hoặc nhóm Facebook của các bạn sinh viên du học ở nước ngoài chẳng hạn, sẽ thấy rất nhiều chủ đề được đặt ra: từ tình yêu, học hành, tìm việc, mua sắm cho đến những chuyện như chia sẻ phương pháp nấu ăn hoặc sửa toilet bị nghẹt. Mỗi câu hỏi đặt ra cứ vài phút là có câu trả lời.

Tuy nhiên, với số lượng những trả lời nhiều và nhanh như vậy, không phải lời đáp nào cũng nhằm cung cấp thông tin cho người hỏi. Cũng chính vì thế có thể đặt ra giả thuyết có người đặt câu hỏi không nhằm mục đích tìm thông tin.

Nhóm nghiên cứu của Pornsakulvanich (2008) phân tích những nhân tố con người mong muốn thỏa mãn khi tham gia thế giới ảo. Thứ nhất, có thể vì bạn muốn gia nhập một cộng đồng, được mọi người biết đến. Thứ hai, cũng có người muốn tạo sự ảnh hưởng, mong muốn kiểm soát và điều chỉnh ý kiến của người khác; và cũng có người chỉ đến để kết bạn và xây dựng mối quan hệ mới.

Điều đó cho thấy đa số cộng đồng trên thế giới ảo xuất phát từ nhu cầu liên kết giữa người với người hơn là nhằm vào tìm kiếm và chia sẻ thông tin. Vì lẽ đó, các thông tin trao đổi trên diễn đàn không đặt nặng tính khoa học và chính xác, hiếm khi bài viết trên diễn đàn có trích dẫn nguồn thông tin, và ít khi quản trị diễn đàn hiệu chỉnh nếu thông tin bị sai.

Mặt khác, hầu hết diễn đàn và trang mạng xã hội đều đưa ra quy định và điều kiện, trong đó một số nêu rõ họ không chịu trách nhiệm với những tư vấn từ các thành viên và cộng tác viên của diễn đàn.

Lý do: đơn giản vì những thông tin được trao đổi và tư vấn căn cứ vào hiểu biết của người trả lời, trong khi người tư vấn có thể ẩn danh nên rất khó xác thực mức độ tin cậy. Có vẻ như việc kiểm soát tính chính xác của thông tin giờ đây lại là trách nhiệm của chính người đọc!

Giải trí, ẩn danh, không tác giả, không có người liên hệ về tính khoa học và xác thực của nội dung là những tiêu chí bạn có thể tìm thấy ở tất cả diễn đàn và cộng đồng mạng. Cá biệt có một số diễn đàn hoặc trang mạng xã hội tạo ra nhằm mục đích lấy thông tin cá nhân của bạn trẻ cho mục đích riêng của họ. Vì thế, mức độ tin cậy thông tin, chừng mực thể hiện bản thân trên diễn đàn cần được các bạn trẻ tiết chế.

Kỳ tới: Internaut trong thế giới Internet

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận