Để không còn những vụ trẻ bị bạo hành

QUẾ VIÊN 06/01/2014 22:01 GMT+7

TTCT - Những ngày qua dư luận sôi sục chuyện một số trẻ em bị các bảo mẫu hành hạ dã man tại điểm giữ trẻ Phương Anh, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Pháp luật sẽ làm công việc của mình, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để ngăn ngừa tình trạng này không tái diễn?

Ở Đan Mạch, bé biết ngồi là đến bữa ăn được đặt vào ghế, biết cầm đồ vật là tự xúc ăn. Bé từ 2 tuổi được tập rửa tay và lau mặt, 3 tuổi thì tự mang giày, mặc quần áo. Cha mẹ hoặc cô giáo chỉ giúp khi thật cần thiết…

Không có ý định so sánh thực trạng giáo dục mầm non tại Việt Nam hiện nay với Đan Mạch - một quốc gia có hệ thống giáo dục mầm non thuộc hàng tốt nhất trên thế giới - nhưng với hiểu biết và kiến thức nhất định về giáo dục mầm non tại Đan Mạch, tôi xin góp vài ý kiến về vấn đề này.

Sai lầm của người lớn, giá đắt

Đối với các bé bị bạo hành thì những tổn thương về thể xác và tinh thần thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sự phát triển tâm sinh lý, thậm chí sẽ có những tác động khôn lường đến hành vi của chúng sau này. Gia đình và xã hội sẽ phải trả giá đắt, thậm chí rất đắt, cho những sai lầm hiện nay của một số người.

Trong tình hình thực tế hiện nay tại Việt Nam, dân số đông, sinh suất cao, mức sống bình quân chưa cao, đầu tư cho giáo dục hằng năm thấp so với GDP... thì chuyện các điểm giữ trẻ tư nhân mọc lên tại các thành phố lớn, nơi nhiều bà mẹ phải tham gia lao động là chuyện không tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào tạo được môi trường tốt nhất, trong khả năng của chúng ta hiện nay, cho trẻ em được phát triển bình thường.

Một điểm giữ trẻ như Phương Anh với số lượng 22 cháu, thậm chí có lúc lên tới 40(!) thì với một hiệu trưởng kiêm bảo mẫu, một bảo mẫu tập sự, một cấp dưỡng là quá sức ít. Đây có lẽ cũng là tình trạng chung của nhiều điểm giữ trẻ tư nhân, thậm chí tại không ít nhà trẻ, mẫu giáo quốc doanh. Khi số cháu đông, thời gian có hạn thì chuyện thúc ép, quát nạt các bé khi cho ăn, dỗ ngủ, thậm chí đánh mắng là rất dễ xảy ra.

Khi chọn nơi gửi con, các bà mẹ thường nghĩ tới số tiền phải đóng, giờ giấc mở cửa, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cô bảo mẫu trông thế nào... hơn là tới số lượng công việc và thời gian chia cho từng cháu. Một khi chuyện cho ăn, dỗ ngủ, tắm rửa, vệ sinh cho trẻ đã ngốn hết thời gian tại trường thì còn đâu thời gian cho các cháu chơi trò chơi, nghe kể chuyện, tập thể dục...

Đối với sự phát triển của trẻ nhỏ thì những hoạt động này thật ra còn quan trọng hơn là ép chúng ăn thật nhiều để tăng cân.

Quan tâm mức nào?

Một điều quan trọng nữa là trách nhiệm của phụ huynh đối với con cái, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi. Không ít người ngạc nhiên trước những lời tự thú của một số bà mẹ như biết trên người con nhỏ có vết bầm, vết lở, hay nôn ói, đêm ngủ thường xuyên giật mình, tỏ ra sợ hãi... mà không để ý.

Nếu các bà mẹ quan tâm chăm sóc con cái mình hơn, để ý hỏi han bé lúc ở trường về khi bé đã biết nói, thì cũng phần nào ngăn chặn được tình trạng đối xử tệ với các bé tại trường.

Chuyện bà mẹ phải đi làm không phải là cá biệt tại nước ta. Tại Đan Mạch 90% phụ nữ phải đi làm do giá sinh hoạt quá đắt đỏ, lương của một người trong gia đình không đủ trang trải. Do vậy các nhà trẻ và mẫu giáo luôn nhắc nhở các ông bố, bà mẹ sau giờ làm việc phải dành thời gian chăm sóc, nói chuyện, cùng xem tivi, đọc truyện thiếu nhi cho các bé trước khi ngủ, dẫn đi dạo chơi trong những ngày cuối tuần… Hạn chế các hoạt động riêng khác để có thời gian cho con cái.

Các bậc cha mẹ cần tập cho các cháu một số thói quen cơ bản vì khi tới nhà trẻ, với số cô giáo, bảo mẫu có hạn thì chuyện chăm sóc sẽ không được như ở nhà, bé không thể quá ỷ lại vào người lớn.

Chẳng hạn, khi các bé biết nói thì cần tập cho cháu biết nói khi muốn đi vệ sinh. Cháu biết cầm thì nên tập cho bé tự ăn, có thể bé sẽ lấy tay bốc hay để thức ăn dây tèm lem trên mặt nhưng dần dà bé sẽ làm được. Điều này không chỉ tốt cho sự phát triển khả năng nắm bắt, phán đoán của bé mà còn giúp bé trở nên tự tin hơn, năng động hơn.

Ở Đan Mạch, bé biết ngồi là đến bữa ăn được đặt vào ghế, biết cầm đồ vật là tự uống nước, tự xúc ăn, ở nhà cũng vậy. Các bé từ 2 tuổi là được tập rửa tay, cầm khăn lau mặt, 3 tuổi tự mang giày, mặc quần áo, ông bà cha mẹ hoặc cô giáo chỉ giúp đỡ khi thật cần thiết…

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là vai trò của nhà nước trong việc phát triển hệ thống nhà trẻ cho các cháu từ 6 tháng tuổi để giúp đỡ các bà mẹ bận đi làm. Không thể viện lý do “chúng ta còn nghèo”, vấn đề là sử dụng ngân sách thế nào cho hợp lý.

Đầu tư tất nhiên sẽ tốn kém nhưng thiết thực và hiệu quả, hơn là xây những trụ sở nguy nga như lâu đài!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận