Đến nơi "được trả lương vào cuối tháng"

QUANG THÁI CHUYỂN NGỮ 21/05/2013 23:05 GMT+7

TTCT - Khó khăn kinh tế khiến nhiều người Tây Ban Nha trôi dạt khắp nơi, trong đó Việt Nam cũng là một lựa chọn. Ghi nhận từ CTV người Tây Ban Nha của TTCT.


Kiến trúc sư Pep Vich trong văn phòng Công ty CMV ở TP.HCM - Ảnh: Eric San Juan

Trong thời gian dài, người dân Tây Ban Nha (TBN) không biết nhiều về Việt Nam, trong khi nhiều người Việt biết đến TBN qua các đội bóng mà họ có thể kể vanh vách tên các cầu thủ: Xavi, Iniesta, Ronaldo, Casillas… Nay người TBN đang thu hẹp dần khoảng cách hiểu biết về Việt Nam.

Đối với những người thích đi du lịch tìm kiếm những gì độc đáo, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn. Họ gắn hình ảnh Việt Nam với vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, tính thân thiện của Hội An, đồi cát Mũi Né, ruộng bậc thang ở Sa Pa, sức sống của Sài Gòn… 

Ngoài ra, kinh tế phát triển 15 năm qua và sức quyến rũ của cuộc sống ở Việt Nam đã thu hút nhiều công dân TBN đến đây “xây” mái ấm mới. 

Theo số liệu của Đại sứ quán TBN, hiện có 293 công dân nước này sống ở Việt Nam, trong đó 148 người ở TP.HCM và 109 người ở Hà Nội. Trong thực tế, con số có thể cao hơn vì nhiều người không đăng ký chính thức.

Thích nghi nhanh dù học tiếng khó

Ngay tại trung tâm Sài Gòn, phía sau Nhà hát thành phố, nhà hàng Pacharan là “tổng hành dinh” của người TBN sống tại TP.HCM. Một buổi tối tôi ghé vào đây, không ít đồng hương tìm đến uống ly rượu vang hoặc vài chai bia, ăn tapas và tán gẫu sau một ngày làm việc. Trong số đó có những doanh nhân thuộc lĩnh vực dệt may, du lịch… 

Kiến trúc sư Pep Vich là một trong những khách quen của Pacharan từ khi anh đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên cách nay năm năm. “Chính Việt Nam đã chọn chúng tôi và thu hút chúng tôi đến lập nghiệp tại đây” - anh nói.

Năm 2008, Vich làm việc cho CMV Architects, một công ty kiến trúc tại Mallorca, hòn đảo quê hương của nhà vô địch quần vợt Rafael Nadal. Anh cùng các đồng nghiệp quyết định tham gia cuộc thi quốc tế cho một dự án của Vietnam Airlines. “Có đến 50 ứng viên quốc tế, chúng tôi vào đến chung kết và vài tháng sau thì đoạt giải” - Vich nhớ lại.

Một tháng sau, CMV đoạt giải một cuộc thi khác ở Việt Nam, rồi thêm một cuộc thi nữa vài tuần sau đó. “Chúng tôi có ba dự án lớn nên quyết định mở văn phòng tại Việt Nam. Thế là tôi đến đây làm việc” - Vich giải thích cơ duyên đưa anh đến Việt Nam đúng vào thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản ở TBN sau những năm thành công. 

Nhưng Vich cho rằng đó không phải là lý do khiến anh phải vượt hàng ngàn cây số, mà chính vì những cơ hội phát hiện tại thị trường Việt Nam.

Thành công mang tính tiên phong của CMV thu hút khoảng một chục công ty TBN trong cùng lĩnh vực đến Việt Nam vào năm 2010. Nhưng vài tháng sau đó, thị trường bất động sản gặp khó khăn đã làm sụp đổ nhiều giấc mơ. Khả năng chịu đựng của kiến trúc sư Vich được thử thách vì từ một năm nay, khoảng một chục khách hàng không thanh toán tiền, buộc CMV phải cắt giảm số nhân viên. 

“Tôi thậm chí còn không có lương cho chính mình suốt bảy tháng qua vì phải ưu tiên trả lương cho nhân viên. Những tháng vừa qua là thời điểm khó khăn nhất trong đời tôi ở Việt Nam. Giờ chúng tôi gượng dậy dần dần” - anh tâm sự và cho biết sau TP.HCM, công ty đã mở thêm văn phòng ở Hà Nội và Đà Nẵng.

Trong cuộc sống cá nhân, Pep Vich thích nghi nhanh nhờ nói tiếng Việt tốt chỉ sau một năm sinh sống và dành 90 phút/ngày để học tiếng. “Tôi gặp chút vấn đề ngữ âm, nhưng có thể giao tiếp tốt” - anh giải thích. 

Việc học tiếng giúp anh gặp được những người bạn tốt và mở rộng danh sách giao tiếp. “Lúc đầu tôi bị sốc khi biết rằng ở Việt Nam các quan hệ cá nhân quan trọng hơn hợp đồng. Tôi đã học và thích ứng với điều đó” - Vich khẳng định.

Cách nhà hàng Pacharan vài bước chân là Caravelle, một trong những khách sạn nổi tiếng nhất ở Sài Gòn. Phó giám đốc khách sạn này là Juan Costa, một trong những công dân TBN đầu tiên đến Việt Nam từ năm 1996. “Khi tôi đến đây chỉ có vài người đồng hương. Lúc đầu tôi làm ở khách sạn New World, rồi từ năm 2002 chuyển về Caravelle” - Costa kể.

Trong giai đoạn đó, anh trở thành nhân chứng về sự thay đổi của TP.HCM. “Tòa nhà cao nhất lúc đó là Saigon Trade Center. Nhưng không gì sánh được với hiện nay khi cứ mỗi sáu tháng lại xuất hiện những cao ốc mới” - anh quả quyết. 

Dù thỉnh thoảng gặp vấn đề về giao tiếp, Costa vẫn thích tính tình người Việt. Anh đã kết hôn với cô vợ Việt và có một con gái 6 tuổi nói thạo tiếng Anh, TBN và tiếng Việt. Costa vẫn cố gắng học tiếng Việt nhưng thú thật là “khó quá”.

Cô Sara Gonzalez (trái) và cô Marina Cruz dự định sẽ mở trường dạy tiếng Tây Ban Nha trong vài tuần nữa - Ảnh: Eric San Juan

Thử vận may

Từ năm 2010, số người TBN tăng nhanh với sự xuất hiện của khoảng 60 phi công làm việc cho Vietnam Airlines. Iván Ollé là người tiên phong vào tháng 10-2009. Lĩnh vực hàng không khủng hoảng khiến anh khó tìm việc làm tốt. Ollé đã nộp đơn xin việc ở nhiều quốc gia châu Á và Vietnam Airlines là doanh nghiệp đầu tiên trả lời anh.

Khi mới đến, Ollé đã thuật lại kinh nghiệm với các phi công đồng hương và họ đã quyết định thử vận may. Cung và cầu gặp nhau khi lúc đó Vietnam Airlines cần những phi công có kinh nghiệm. 

“Bạn bè đồng nghiệp của tôi bắt đầu hỏi về kinh nghiệm của tôi tại đây. Tôi bảo rằng mọi thứ đều tốt và nhất là được trả lương vào cuối tháng, điều không phải lúc nào cũng có ở châu Âu trong thời gian qua!” - anh nói hóm hỉnh.

Nhờ sợ giúp đỡ của Ollé, đã có 15 phi công TBN đến Việt Nam, rồi người đi trước giúp người đến sau. “Nay chúng tôi có gần 60 người đang lái thuê cho Vietnam Airlines, khoảng chục người làm việc cho VietJetAir, một vài người bay cho Air Mekong nhưng công ty này đã đóng cửa” - Ollé tổng kết. Kinh nghiệm của anh rất bổ ích cho các đồng nghiệp Việt Nam, nhất là những phi công trẻ.

Ollé nhận xét: “Người Việt Nam có kiến thức cần thiết, nhưng lại không có nhiều phi công. Các giáo viên giảng dạy rất chuyên nghiệp nên tôi nghĩ rằng trong tương lai họ sẽ không cần nhiều phi công nước ngoài như bây giờ”.

Trong cuộc sống tại xứ người, thời kỳ khó khăn nhất của Ollé là những tháng đầu sống xa vợ và ba con. Nay họ đã sum vầy dưới mái ấm mới và mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp. Những đứa con trước đây không biết tiếng Anh nay đang là học sinh giỏi ở trường. Sau bốn năm sống và làm việc tại Việt Nam, Iván Ollé không có ý định ra đi dù anh cho rằng rất khó học tiếng Việt.

Tây Ban Nha không chỉ có bóng đá

Về phần mình, hai cô Marina Cruz và Sara Gonzalez đã học vài từ tiếng Việt phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, nhưng mục đích chính của họ là giúp người Việt học tiếng TBN. 

Trong vài tuần nữa, họ sẽ mở El Jaleo, trường dạy tiếng TBN đầu tiên ở Việt Nam và TP.HCM. Cô Gonzalez, 33 tuổi, cho biết: “Chúng tôi dự tính mở đủ lớp dạy tiếng TBN phổ cập và cả cho chuyên ngành du lịch, kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, khiêu vũ, làm bếp…”.

Đến Việt Nam với tư cách giáo viên (Cruz năm 2008 và Gonzalez năm 2010), lẽ ra cả hai phải về nước sau khi chương trình do Madrid tài trợ đã kết thúc. Nhưng cuộc sống ở đất khách đã níu chân họ. Nhờ sự giúp đỡ của một cô bạn người Việt, cả hai quyết định ở lại và mở trường.

Đối với cô Cruz, người từng dạy tiếng TBN tại Pháp và Scotland, kinh nghiệm giảng dạy trong ba năm tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM là không thể nào quên. “Sinh viên Việt Nam chuyên cần và kỷ luật hơn sinh viên châu Âu. Một số người chẳng biết gì lúc vào trường năm 2008, nhưng giờ họ có trình độ rất khá” - cô giải thích. Giảng dạy ba năm, từ 2010-2012, tại Đại học Mở, cô Gonzalez chỉ gặp chút trở ngại lúc đầu vì sinh viên Việt Nam quá rụt rè.

“Ở châu Âu, sinh viên tham gia tranh luận trong lớp học. Khi mới đến, tôi bị sốc khi thấy sinh viên Việt Nam chẳng nói gì cả. Nhưng sau vài tuần, các em bắt đầu tham gia tích cực và tôi cũng quen với tính tình của họ” - cô nói.

Cả hai đều lạc quan về tương lai của trường sắp mở và mơ đạt con số 80 học viên sau vài tháng. Tiếng TBN, theo họ, cùng với văn hóa đang là mốt ở Việt Nam: “Chúng tôi thấy người Việt ngày càng thích khiêu vũ và âm nhạc Latin. Chúng tôi muốn hai nền văn hóa gần nhau hơn và cho thấy rằng TBN không chỉ có bóng đá”.

Từ khi khủng hoảng kinh tế nổ ra năm 2008, TBN không còn là quốc gia từng đón nhận hàng triệu người di cư. Trái lại, có hơn 800.000 người TBN ra nước ngoài tìm việc, theo số liệu của Adecco - một công ty nguồn nhân lực. 

Theo Trung tâm nghiên cứu Real Instituto Elcano, những người ra đi phần lớn dưới 35 tuổi, bị ảnh hưởng nặng nhất bởi tình trạng thất nghiệp không ngừng gia tăng từ năm năm nay, hiện chiếm hơn 26% dân số. Đa số nán lại châu Âu, nhưng không ít người quyết định đến Nam Mỹ và châu Á.

Bi kịch cho tương lai của TBN là hầu hết thanh niên đi thử vận may ở xứ người đều có trình độ đại học. Có đến hơn 50% số người dưới 35 tuổi nghĩ đến việc rời quê hương và nhiều người trên 40 tuổi đã có gia đình cũng muốn gia nhập đội quân này.

 


ERIC SAN JUAN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận