Đến với lục địa thứ 8

NGUYỄN CHÍ LINH 14/04/2015 00:04 GMT+7

Tôi mê những con thú dễ thương trong bộ phim Madagascar, chúng thôi thúc tôi thực hiện chuyến đi đến đó. Sự đa dạng sinh học khiến các nhà khoa học đã phải thốt lên: Madagascar chính là lục địa thứ 8 của thế giới. Mọi thứ còn rất hoang sơ, kể cả cuộc sống của người dân bản địa…

Một góc Madagascar

Ngạc nhiên chưa?

Mới tìm hiểu thông tin cho chuyến đi đã phát hiện nhiều điều lý thú. Chưa có bất kỳ hãng hàng không nào ở châu Á bay đến Madagascar, còn hãng hàng không quốc gia Madagascar chỉ bay đến Bangkok và Quảng Châu. 

Khăn gói qua Bangkok làm thủ tục, lại biết Madagascar đang vào mùa mưa, Air Madagascar chỉ còn 2 tuần/chuyến thay vì 2 chuyến/tuần. Bù lại mua vé tại văn phòng Air Madagascar ở Bangkok rẻ hơn khoảng 300 USD so với mua trên mạng.

Cung điện hoàng gia - Ảnh: N.C.L.

Chuyến bay mất hơn tám tiếng, cũng không đến nỗi quá dài, nghĩ đến việc chiêm ngưỡng hàng cây baobap hơn 800 năm tuổi hay chui vào thung lũng núi đá kỳ lạ ở thành phố Morondava, hoặc ngắm nhìn tận mắt những con thú lemur kỳ lạ… là phấn chấn hẳn.

Madagascar miễn visa cho tất cả công dân các nước đi du lịch dưới 30 ngày, phí 65 USD nếu ở hai tháng và 85 USD nếu trên hai tháng. Rất rõ ràng. Vậy nhưng ở sân bay tôi được một người ghé tai: “10 USD tôi sẽ cho anh nhập cảnh sớm”. Từng đi qua nhiều quốc gia châu Phi, tôi thấy dường như tình trạng này không phải chuyện hiếm.

Hòn đảo Nosy Be - còn được gọi là “Hương Đảo” của Madagascar - Ảnh: N.C.L.

Nhưng đó chỉ là những chuyện nhỏ trong chuyến đi, Madagascar có rất nhiều điều cần khám phá đang chờ tôi phía trước.

Sắc màu riêng

Từ sân bay vào trung tâm thành phố chừng một tiếng đồng hồ. Thật khó mường tượng hình ảnh thủ đô Antananarivo như thế nào khi thành phố đang chìm trong giấc ngủ với những ánh đèn giăng giăng trên các triền đồi. Nhưng thành phố mang lại cho tôi cảm giác yên lòng.

Người bản địa gọi Antananarivo đơn giản là Tana trong sự quý mến và thân thương. Nằm ở độ cao 1.280m so với mực nước biển nên Tana như chiếc máy lạnh tự nhiên khổng lồ, nhiệt độ dao động từ 18-280C. Không giống bất kỳ thành phố nào thuộc châu Phi mà tôi đã đi qua, Antananarivo của Madagascar mang hơi thở của một thành phố Pháp hòa lẫn với sắc màu riêng biệt của người Bồ Đào Nha.

Taxi Renault tạo thương hiệu cho Antananarivo - Ảnh: N.C.L.

Cứ mỗi sáng, trong khí trời se lạnh, tôi và Nada - người bạn quen trên chuyến bay - rảo bước trên đại lộ Độc Lập đến các quán hàng cà phê nằm cuối con đường thưởng thức giọt cà phê espresso thơm ngon và những chiếc bánh ngọt mang hương vị rất riêng của người Pháp.

Âm điệu nhẹ nhàng của nhạc Pháp vang trên mỗi góc phố, những chiếc taxi Renault màu vàng được sản xuất từ những năm 1945 vẫn chạy vòng vèo tại Antananarivo không chỉ là hơi thở riêng cho thành phố, mà còn khiến tôi cảm giác lạc vào một thị trấn nhỏ nào đó ở Pháp.

Thật bất ngờ với nhà ga xe lửa cổ kính có tên gọi Tanarive, được giữ lại làm bảo tàng và bán đồ lưu niệm nép bên những dãy phố khắng khít với nhau chạy dài. Cũng cầu kỳ và lãng mạn như tính cách của người Pháp, nét kiến trúc của những con phố không lẫn vào đâu được. Dãy nhà phố luôn hướng về phía mặt trời mọc để đón nắng sớm, mỗi dãy nhà đều có bancông và đặt những chậu hoa rung rinh cánh dưới cánh cửa sổ. Phía sau đại lộ, không biết từ bao giờ người Trung Quốc đã đến Madagascar sinh sống, một “China town” đã hình thành như ở nhiều thành phố khác trên thế giới, buôn bán các mặt hàng điện tử vốn còn đang khan hiếm ở Madagascar.

Chiều đến, những tháp chuông nhà thờ như đậm màu hơn trong ánh nắng cuối ngày. Tôi và Nada cuốc bộ trên những bậc thang quanh co khắp các triền đồi, ngắm nhìn các góc cạnh khác nhau của thành phố ở phía đối diện.

Hàng cây baobap 800 năm tuổi ở Morondava - Ảnh: N.C.L.

Cứ mỗi khúc quanh trên từng con đường nhỏ trên đồi Analamanga, những trang sách lịch sử về thành phố Antananarivo lại được mở ra: Antananarivo được thành lập vào năm 1610 ở một ngôi làng trên đồi Analamanga bởi vua Andrianjaka với tên gọi Analamanga mà theo ngôn ngữ Malagasy có nghĩa là “khu rừng màu xanh”. Analamanga được đổi thành Antananarivo vào triều đại vua Andriamasinavalona (1675-1710), có nghĩa là “thành phố của 1.000 ngọn đồi”.

Những người Bồ Đào Nha và người Pháp đến sau đó, góp phần tạo dựng kiến trúc Tana đẹp như ngày hôm nay. Người Pháp đã để lại cho Tana những kiến trúc tuyệt đẹp, trong khi người Malagasy vẫn thích sử dụng màu sơn đỏ truyền thống của người Bồ Đào Nha, chính điều đó tạo cho Tana một lối kiến trúc rất riêng.

Chiều xuống, cả thành phố Tana như thu mình nhỏ hẹp xuống mặt hồ Anosy. Những gốc phượng tím quanh hồ rủ bóng. Nada dẫn tôi đến con đường chạy dài quanh bờ hồ ra khu đô thị mới, nơi ấy có con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nada cho biết Tổng thống Philibert Tsiranana đã đặt tên con đường này tại Antananarivo vào năm 1970 để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.      

Nhông xanh trong vườn quốc gia - Ảnh: N.C.L.

 

Madagascar, ngôi nhà của năm loài lemur - Ảnh: africagreenmedia.co.za

  

Chuyện dọc đường:

 

Đa dạng sinh học MadagascarCác nhà khoa học gọi Madagascar là lục địa thứ 8 bởi trên 85% các loài động thực vật của thế giới đều tìm thấy tại đây. Về thực vật, có khoảng 16.000 loài được tìm thấy ở Madagascar, trong đó 90% các loài này được tìm thấy ở các lục địa còn lại trên thế giới.

Cây baobap là sự điển hình về đa dạng thực vật của Madagascar khi các nhà khoa học tìm thấy có sáu loài sinh sống tại đây trong số tám loài của thế giới (một loài sinh trưởng tại lục địa châu Phi và một còn lại sinh trưởng tại vùng tây bắc nước Úc).

Có khoảng 300 loài chim được tìm thấy tại Madagascar và 60% trong số ấy được tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt, có khoảng 42 loài chim trong số 300 chỉ sinh sống tại các khu rừng ở Madagascar như các loài chim sả rừng với bộ lông đầy màu sắc.

Madagascar cũng đầy màu sắc về sự đa dạng các loài động vật. 90% trong số 150 loài động vật được tìm thấy tại Madagascar. Nhắc đến Madagascar, người ta thường nghĩ đến những chú lemur sinh sống trong rừng bạch đàn nguyên sinh. Có bảy loài lemur sống trên các hòn đảo thuộc khu vực Đông Phi: Seychelles, Mauritus, La Union và Madagascar thì ở Madagascar đã có năm loài.

Những chú lemur dễ thương thường làm các nhà khoa học bối rối khi phân loại bởi hình thù của chúng chẳng giống ai: đầu có hình dáng của một chú chó, mình là hình dáng của một chú khỉ và đuôi cong là hình dáng của một chú sóc nào đó.

Các nhà khoa học từng đưa ra giả thuyết về sự tiến hóa của lemur: chúng trôi dạt từ thềm lục địa Đông Phi sang Madagascar và tiến hóa chưa hoàn chỉnh từ một loài vượn hay một loài cáo nào đó. Không thể phân loại chúng, các nhà khoa học đành gọi tạm và đưa vào từ điển là lemur và tạm hiểu đó là loài vượn cáo. Trong số năm loài lemur, loài vượn cáo trắng thuộc loại quý hiếm nhất và chỉ sinh sống tại Madagascar.

Sự đa dạng và độc đáo ở Madagascar còn khiến tôi sững sờ với hình dáng kỳ lạ của trái dừa (ảnh).

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận