Đi thăm đồng lúa "bờ đê ca hát"

DƯƠNG THẾ HÙNG 14/02/2012 22:02 GMT+7

TTCT - Các kỹ sư huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) gọi là lúa “biến đổi khí hậu”, còn theo cách nói của nông dân là “bờ đê ca hát”, có người lại diễn dịch là “bắt đầu khá hơn”.

Vụ thu hoạch đầu tiên trên 7ha ở Hồng Dân đạt năng suất bình quân 4-4,5 tấn/ha, đặc biệt khả năng chịu mặn của lúa lên tới 9-10‰.


Tiến sĩ Võ Công Thành (phải) giới thiệu giống lúa CTUS - Ảnh: H.T.V.


Mới sáng mồng 3 tết, tiến sĩ Võ Công Thành (Đại học Cần Thơ) đã gọi điện hối: “Lúa gặt gần hết rồi, ông không xuống nhanh là hết hình để chụp đó. Nó sống được, sống rất khỏe, bông nào bông nấy cong oằn như trái me”. Tôi hiểu tâm trạng của ông, cả cuộc đời nghiên cứu nay vừa mới đơm hoa kết trái, nếu lỡ cơ hội thì phải đợi sang năm mới có lại. Không cần suy nghĩ thêm, chúng tôi tức tốc lên đường.

Lúa trên đồng mặn

Từ trung tâm huyện Hồng Dân mất 3 giờ ngồi tắc ráng để vô đồng nước mặn, lúc vừa đủ mỏi lưng thì cũng vừa cập bến. Trên bờ, trước sân nhà anh Trần Hoàng Văn (ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lợi A) đã tấp nập người. Cả nhà anh Văn và ba cán bộ phòng nông nghiệp đang hối hả gom lúa vô bao để tránh cơn mưa trái mùa.

Ngoài cánh đồng sau nhà, hơn chục nhân công cắt lúa gom vô chỗ máy suốt gần đó. Lúa chín vàng rực, bông lúa nặng trĩu tới nỗi thân lúa dù mập bằng ngón tay cái vẫn phải oằn mình ngã rạp xuống đất. 

Nếu là đồng lúa bình thường thì không có gì để nói, đằng này đây là cánh đồng nước mặn, mùa khô nước biển theo sông Cái Lớn từ hướng biển Tây (Rạch Giá, Kiên Giang) đâm vô. Cây cối chỉ có năn, lác và bình bát (mãng cầu rừng).

Trên bờ, đất bạc màu xám xịt chứng tỏ bị nhiễm mặn triền miên; dưới chân ruộng đất nứt nẻ, khô cằn không có vẻ gì màu mỡ. Nhìn quanh vùng, ai cũng nghĩ “đất này cỏ còn chết huống gì lúa”, nhưng riêng 5ha đất của anh Văn thì như có phép mầu: cây lúa lên xanh, rồi trổ, và bây giờ là thu hoạch.

Trong lúc mọi người làm phần việc của mình, anh Văn cặm cụi đi mót từng bông lúa rơi rớt trên mặt ruộng, kể cả vài hạt lẻ nằm trên đất. Thấy tôi ngạc nhiên, anh giải thích: “Giống này thuộc loại quý hiếm nên không thể để rơi rớt. Hồi bữa mới chín, người ta tới tham quan rần rần, từ miệt Cà Mau, Kiên Giang kéo qua. Ai cũng hỏi mua một bông về làm giống, tui vừa từ chối vừa năn nỉ họ đừng ngắt...”.

Trời kéo mây chuyển mưa, cả nhà anh Văn và nhóm thợ gặt đều chạy táo tác lấy nilông đậy lúa. Mấy anh cán bộ nông nghiệp huyện cũng bở hơi tai chuyển lúa vô góc nhà. Cả xóm nhà anh Văn mấy ngày này đông vui như có đám cưới. “Ban ngày lo thu hoạch, tối lại thức canh như canh vợ đẻ. Cả tuần nay tui bị “quần” bầm giập như trái chuối” - anh Văn phấn khởi “than thở”.


Gặt lúa chịu mặn trên cánh đồng thử nghiệm của anh Trần Hoàng Văn - Ảnh: H.T.V.


4kg lúa giống = 10 lượng vàng

Là nông dân sản xuất giỏi, anh Văn được huyện Hồng Dân chọn làm thí điểm mô hình trồng lúa trên đất mặn. Anh trực tiếp làm trên diện tích 5ha (2ha còn lại do bốn nông dân khác ở ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A thực hiện), dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của nhóm kỹ sư thuộc phòng nông nghiệp huyện.

Mô hình được thực hiện theo hợp đồng giữa huyện Hồng Dân và Trường đại học Cần Thơ (do tiến sĩ Võ Công Thành, trưởng bộ môn di truyền giống nông nghiệp - khoa nông nghiệp, phụ trách). Theo đó trường sẽ hỗ trợ lúa giống, phương pháp canh tác và chuyển giao kỹ thuật cho huyện; huyện cử kỹ sư và chọn nông dân, địa điểm tiếp nhận, triển khai mô hình.

Kỹ sư Nguyễn Trung Hiếu, phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, kể: “Lúc đó bà con nói tụi tui là những kỹ sư khùng. Hồi giữa tháng 4-2011, nhận 4kg lúa giống từ tiến sĩ Thành về, tụi tui kết hợp với anh Văn làm đất gieo liền trên diện tích 200m2. Đất được xới kỹ, bơm nước vô đầy đủ, có điều lúc đó nước đang ở độ mặn 6,6‰.

Giữa trời nắng chang chang, nước mặn như vậy, đất đai quanh vùng đều nứt nẻ mà dám cả gan xuống giống thì hổng “khùng” cũng lạ, bởi từ xưa tới nay có ai làm chuyện kỳ cục vậy đâu. 

Giống này mua 4kg với giá 450 triệu đồng, nếu thất bại coi như đi đứt hơn 10 lượng vàng. Lúc đó tụi tui ai cũng run, hổng dám chắc lúa sống nổi. Đó là chưa kể gieo xuống rồi còn phải canh chừng chuột, vịt, cua... xơi một lát cũng mất sạch”.

Trong bốn ngày đầu tiên cả nhóm ai cũng mất ăn mất ngủ. Họ chia ca trực 24/24 giờ, canh chừng từng hạt giống, từ lúc lúa lên mạ rồi lại hồi hộp đo độ mặn từng giờ, có lúc lên tới 7,3‰, thậm chí tới 10‰. Họ như nín thở khi có vài cọng mạ hơi bị vàng, rồi lên “tăngxông” khi một số bị cháy rụi lá.

Kỹ sư Lương Trung Tính, thành viên trong nhóm, nhớ lại: “Nửa đêm tui lo lắng gọi điện hỏi tiến sĩ Thành liên tục, rồi lại xin ý của anh Út Nhỏ (ông Võ Văn Út, bí thư Huyện ủy Hồng Dân)... Thầy Thành thì nói “sống mà, không sao đâu”, anh Út thì chọc quê “tụi bây nhát quá, cứ làm theo lời thầy Thành dặn. Có gì tao chịu cho”. Nhờ vậy tụi tui mới yên tâm”.

Rồi những ngày căng thẳng cũng qua. Thật kỳ diệu, những cây mạ non cứ lên nhanh, thẳng đứng giữa trời nắng đổ lửa, “ngâm chân” trong nước mặn tới 10‰. Qua ngày thứ 36 thì đám mạ cao bằng đầu gối, anh Văn cho người nhổ mạ, đem cấy nhân ra trên diện tích 8.200m2. Tới ngày thứ 67 lại nhân ra cấy trên 5ha.

Lúc này đã bước qua đầu tháng 7, trời đã có mưa, độ mặn đã giảm. Cây lúa tiếp tục tăng trưởng cho tới ngày thu hoạch. Thế là mọi người mới thở phào, còn mấy bác nông dân trong xóm thì sửng sốt: “Trời ơi, mấy ông kỹ sư làm được thiệt hả. Đúng là kỹ sư thứ thiệt rồi!”.

Cánh đồng bất tận cỏ năn

Đó là cánh đồng hoang hóa, phèn mặn, chỉ cỏ năn sống nổi, chạy dài từ xã Ninh Thạnh Lợi A tới xã Phó Sinh (huyện Phước Long), diện tích gần 5.000ha. Từ xưa tới nay, ở vùng đất này nước mặn kéo dài tới 8-9 tháng/năm, lúa không sống được, tôm chịu không nổi, cây trái thì tiêu điều. 

Đã có nhiều dự án cải tạo đất, làm thủy lợi, cống ngăn mặn, tiêu xổ phèn... nhưng đều chưa có kết quả. Đây cũng là nỗi lo của lãnh đạo huyện Hồng Dân, bởi cuộc sống người dân trong vùng còn bấp bênh.

Nhưng hi vọng bắt đầu nhen nhóm khi giống lúa chịu mặn của tiến sĩ Thành đưa về đây, bước đầu thử nghiệm trên diện tích 2ha, tại bảy mô hình của bốn hộ nông dân. Khi chúng tôi đến, thửa ruộng thử nghiệm của nông dân Quách Xinh Em (ấp Nhà Lầu 2, xã Ninh Thạnh Lợi A) lúa đang trổ, bông chín vàng. Anh nói: “Tui nhận 20 bó mạ của thầy Thành, cấy nhân ra trên 700m2 rồi bỏ thí đại cho nước mặn tràn vô, không chăm sóc gì cả. Vậy mà nó sống rồi trổ bông chắc nịch. Thiệt hổng biết giống lúa gì mà mạnh quá trời”.

Tại nhà ông Út Bình cách đó vài ruộng năn, hạt lúa còn chắc hơn, cong trái me ngó thấy ham. Ông Út ước chừng đạt 5 giạ/500m2, tức 2 tấn/ha: “Cỡ này là tốt lắm rồi, bởi xưa nay có cây gì sống được đâu! Cứ đà này năm tới tụi tui chăm sóc kỹ hơn, chắc chắn sẽ đạt ít nhất 4-5 tấn/ha. Ngoài ra, con tôm cũng sẽ nương ruộng lúa mà mau lớn hơn”.

Chúng tôi đưa mắt nhìn khắp “cánh đồng bất tận cỏ năn” và hình dung mai sau nó được thay đổi thành “cánh đồng lúa bất tận” cho bà con nhờ. 

Ông bí thư Võ Văn Út bộc bạch: “Tui tin tưởng thầy Thành làm được và quyết chí bắt tay cùng làm. Nay đã có kết quả bước đầu, trước mắt chúng tôi sẽ dùng giống lúa chịu mặn này lấp đầy 5.000ha hoang hóa phục vụ bà con trong huyện, sau đó nhân rộng mô hình tới các tỉnh vùng ven biển có nhu cầu. Giả dụ mai sau nước biển có dâng thì cũng có giống lúa phù hợp để canh tác”.


Giống lúa chịu mặn này có tên là CTUS (CTU là viết tắt Đại học Cần Thơ, S tiếng Anh là Salinity, có nghĩa “chịu mặn”), do tiến sĩ Võ Công Thành phục tráng từ giống lúa Sỏi và Một Bụi Đỏ mà thành. Hai giống này được ông cất công sưu tầm, lưu giữ từ 13 năm qua, sau những chuyến đi thực địa khắp vùng biển duyên hải.

Trong hai năm 2000-2001, ông đã gầy dựng được một “tập đoàn giống” gồm 34 giống lúa ven biển ĐBSCL, trong đó nhiều giống có khả năng chịu mặn cao như: Nếp Ruồi, Trắng Tép, Lem Bụi, Lúa Sỏi, Lúa Cà Mau... Sau đó, ông dùng kỹ thuật “điện di protein” cải thiện các giống này.

Năm 2005, ông cho công bố trên tập san Nghiên Cứu Khoa Học của Trường đại học Cần Thơ đề tài “Khả năng chịu mặn và đa dạng di truyền protein dự trữ của một số giống lúa trồng ven biển vùng ĐBSCL”. Năm 2009, huyện Hồng Dân đặt vấn đề với Trường đại học Cần Thơ cải thiện giống Một Bụi Đỏ, có khả năng chịu mặn để lấp đầy 5.000ha đồng cỏ năn hoang hóa.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận