Đời sống văn hóa

VŨ TOÀN 31/10/2011 22:10 GMT+7

TTCT - Tới nhà ông Ngô Khắc Duy ở làng Phượng Lịch thuộc xóm 3, xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An), thấy ba đứa trẻ đang ngồi chơi giữa mảnh sân con.

Hỏi thăm ông Duy “cháu bé chơi đàn bầu ở đâu?” thì ông chỉ tay ra sân bảo: “Cháu là Hoàng Anh. Nó đang chơi với bạn ngoài sân đấy”. Ngoảnh nhìn, ngạc nhiên khi thấy Hoàng Anh bé tẹo, đang chạy nhảy tung tăng ngoài sân.

Phóng to
Hoàng Anh biểu diễn bài Giận mà thương - Ảnh: Vũ Toàn

Cứ thích thì cháu chơi

Trò chuyện với ông Duy mới hay ông đã 74 tuổi, vốn là thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Nhờ biết thổi sáo, chơi violon và đàn bầu nên ông được tổng đội điều đi phục vụ bộ đội ở các trận địa pháo cao xạ suốt ba năm liền. Hết nghĩa vụ, trước khi về quê ông được một người bạn tặng cây đàn bầu làm kỷ niệm. Nói xong, ông vào buồng lấy cây đàn “cổ lai hi” sờn màu ra giới thiệu.

Tuổi già, thi thoảng ông lấy cây đàn này ra chơi. Thấy ông nội lúc thổi sáo lúc gảy đàn bầu, Hoàng Anh sà vào người ông, hỏi: “Mần răng cháu chơi đàn hay như ông được?”. Ông Duy vỗ về: “Cháu tập là chơi được, thậm chí còn gảy hay hơn ông đấy”. Thế là ông Duy đi mua cây đàn bầu mới rồi thi thoảng bày cho Hoàng Anh từng nốt nhạc.

Khi đã biết vị trí từng nốt đồ, rê, mi, Hoàng Anh hỏi ông: “Thế nốt fa ở đâu ông”. Ông Duy ngạc nhiên rồi uốn cần đàn bầu, giải thích: “Vừa uốn vừa kéo cần vào phía mình, dây đàn sẽ phát ra nốt fa, đẩy ra là nốt rê”.

Một tháng sau, Hoàng Anh đánh được bài hát Việt Nam quê hương tôi. Tiếng đàn của Hoàng Anh làm cả nhà hết sức bất ngờ, nhất là khi chuẩn bị rời mẫu giáo lên lớp 1, Hoàng Anh được cô giáo dắt ra biểu diễn cho cả lớp nghe. Vài tháng sau, Hoàng Anh chơi thành thạo các bài dân ca Lý chiều chiều, Lý từ đại, Làng quan họ Bắc Ninh.

Ông Duy tâm sự: “Tháng 9, Hoàng Anh vào lớp 1. Biết cháu có năng khiếu chơi đàn bầu nhưng tôi không thúc ép. Cứ thích thì cháu chơi, kiểu vừa chơi vừa học”.

Phóng to
Hoàng Anh (bìa phải) nô đùa với bạn - Ảnh: Vũ Toàn

Vì một dây mà phát nhiều tiếng lạ!

Ngày 23-9, Hoàng Anh được Câu lạc bộ văn nghệ xã Diễn Hoa tiến cử vào TP Vinh dự thi Liên hoan câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ lần 1. Thấy một bé gái tí tẹo được ông nội dắt từng bước lên sân khấu, ngồi trước cây đàn bầu đơn sơ, ai cũng lộ vẻ hồi hộp.

Đến khi chiếc đàn rung lên thánh thót lời bài dân ca Nghệ An Giận mà thương thì hội trường lặng phắc bỗng vang lên tiếng vỗ tay không ngớt. Riêng ban giám khảo vỗ tay đến tám lần. Đang chơi, bỗng Hoàng Anh đưa tay lên quẹt mũi. Cử chỉ trẻ con ấy khiến ban giám khảo vừa vỗ tay vừa cười. Cuộc thi ấy, Hoàng Anh đoạt giải đặc biệt “Nghệ nhân nhỏ tuổi sử dụng nhạc cụ hay nhất”.

Ông Duy gọi Hoàng Anh vào chơi đàn cho khách nghe. Bà nội và hai người bạn tí hon của Hoàng Anh cũng rời sân phơi lúa vào chăm chú xem. Tôi như không tin vào tai mình, mắt mình khi thấy mười ngón tay con như nét vẽ của bé Hoàng Anh làm rung lên dây đàn tha thiết.

Lời dân ca xứ Nghệ Giận mà thương giàu vẻ đẹp, tình cảm như vậy lại “thốt” lên dịu dàng từ hai bàn tay nhỏ xíu của cháu bé chưa tròn 6 tuổi. Khi Hoàng Anh chuẩn bị rời chiếc đàn, tôi hỏi sao cháu thích chơi đàn bầu, Hoàng Anh hồn nhiên: “Cháu thích vì khi cháu gảy, một dây đàn mà có nhiều tiếng lạ lắm”.

Ông Duy kể: “Bố mẹ cháu đang làm công ở bên Lào không biết chuyện nó chơi được đàn bầu đâu. Hôm vừa rồi tôi gọi điện sang kể, cả hai vợ chồng hết sức ngạc nhiên”.

“Hôm xem cháu Hoàng Anh biểu diễn, tôi cảm được âm thanh ngọt ngào từ độ rung của cần đàn và dây đàn bầu. Nhịp phách của Hoàng Anh cũng rất chắc chắn. Một số người học bảy, tám năm trong trường nghệ thuật, trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng khi chơi đàn bầu vẫn có lúc để lộ tiếng que gảy. Biểu diễn một tiết mục dân ca Nghệ Tĩnh rất khó. Người lớn tuổi có độ thẩm thấu mới biểu diễn thành công. Riêng cháu bé này đã bắt được hồn vía của dân ca xứ Nghệ mới tạo nên âm thanh ngọt ngào của tiếng đàn như vậy. Hoàng Anh là một năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc lại say mê nữa”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận