​“Đối tác tranh luận” ư? - Chưa đủ!

BẢO NHI 23/04/2015 05:04 GMT+7

Trong bài của tác giả Quế Viên (TTCT ra ngày 22-3-2015), tác giả cho rằng cha mẹ chỉ cần là “đối tác để tranh luận” hay chỉ cần “xây dựng sự tin tưởng khi cháu còn rất nhỏ” để con tìm đến khi “cần”. Tôi cho rằng thực tế phức tạp hơn nhiều, sự đối thoại giữa hai thế hệ khó khăn hơn nhiều. Theo tôi, nếu cha mẹ không thể trở thành người bạn lớn của con thì dường như không thể là người để chúng đối thoại và chia sẻ.

Làm bạn cùng con

Muốn làm bạn cùng con, chắc chắn một điều là các bậc cha mẹ phải dành thật nhiều thời gian cho con. Thời gian của cha mẹ chính là tuổi thơ của con... Khi cha mẹ biết dành thời gian cho con, chơi cùng con, cha mẹ đã trở thành người bạn của con, cùng tuân theo những luật chung, nguyên tắc chung của trò chơi, cùng bình đẳng và cùng chia sẻ.

Từ sự bình đẳng này, cha mẹ cũng hiểu được cái nhìn, cách suy nghĩ và cảm xúc của con. Từ cha mẹ, con thu được nhiều kinh nghiệm quý giá về ứng xử, về kiến thức, về thế giới xung quanh. Đây cũng là những kỷ niệm sâu sắc của con để khi con lớn lên có sức đề kháng mạnh mẽ với cái xấu, hồi phục nhanh chóng khi vấp ngã.

Trong thời gian cha mẹ gần gũi và chơi cùng con, con sẽ bộc lộ cá tính và khả năng tư duy qua trò chơi. Cha mẹ sẽ có thể hiểu con theo từng độ tuổi, nâng đỡ con khi cần thiết. Thậm chí, thông qua các trò chơi, cha mẹ ngầm đưa ra những tình huống, những nhiệm vụ, những thông điệp và định hướng con một cách khéo léo.

Việc cha mẹ dành thời gian chăm sóc và chơi đùa cùng con chính là bạn đã trao cho con yêu thông điệp “cha mẹ yêu thương và quý trọng con thật nhiều”. Con của bạn chắc chắn sẽ hiểu được giá trị bản thân, giá trị gia đình. Khi con lớn lên, cha mẹ trở thành người bạn lớn của con, con không ngại ngần chia sẻ những chuyện riêng tư nhất.

Tin tưởng, tôn trọng và lắng nghe

Cha mẹ đã là người bạn lớn của con, là người được con chọn để tâm sự, trao đổi thì người làm cha mẹ cần tôn trọng, tin tưởng và lắng nghe con.

Làm người bạn lớn của con, cha mẹ không nên vì sợ mất con mà kiểm soát con. Chúng ta không nên xúc phạm, chê bai bạn bè con, can thiệp vào quyền riêng tư của con như xem trộm nhật ký, lén kiểm tra tin nhắn, điện thoại, túi xách, kiểm tra Facebook và các chương trình video con đã xem...

Chúng ta nên đứng ở vai trò hướng dẫn, nêu vấn đề cho con lựa chọn khi nào con gặp khó khăn trong cuộc sống và có nhu cầu tư vấn từ cha mẹ. Càng kiểm tra, kiểm soát, con sẽ càng xem cha mẹ giống “cảnh sát” hơn là người bạn.

Con sẽ cảm thấy bị tổn thương và coi sự kiểm soát ấy như một sự xúc phạm lòng tin mà con từng trao cho cha mẹ. Con càng che giấu, khép chặt cửa phòng, trở về với không gian riêng tư và câm lặng. Sự đối thoại giữa con và cha mẹ xem như chấm dứt và khó nối lại được.

Là người bạn lớn của con, cha mẹ không nên chê bai con rồi so sánh con với người khác. Cha mẹ cần tin tưởng, lắng nghe con, tạo điều kiện cho con sống hạnh phúc, tạo điều kiện cho con thực hiện ước mơ của con. Cha mẹ không vùi dập suy nghĩ, sở thích, ước mơ của con và bắt con sống theo ước mơ, mong muốn của chính mình.

Khi con thất bại, cha mẹ chỉ cần khuyến khích con đứng dậy sau vấp ngã, khuyến khích con tiếp tục con đường mà con lựa chọn.

Sự chống đối của con cái ở lứa tuổi vị thành niên đối với cha mẹ xuất phát từ tâm lý là cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, xem mình là trẻ con, kiểm soát và ngăn cấm mình nhiều mặt theo cái nhìn chủ quan của người lớn.

Nếu cha mẹ biết dành nhiều thời gian cho con, biết cách làm bạn với con, lắng nghe con bằng thái độ tôn trọng thì con cái sẽ vứt bỏ tâm lý chống đối để có thể chia sẻ với cha mẹ những lo lắng, những vui buồn, những mơ ước, những hi vọng của tuổi mới lớn. Khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái khi ấy không còn là vấn đề lớn nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận