Donald Trump: Giữa khủng hoảng chất chồng

THANH TUẤN 05/07/2017 04:07 GMT+7

TTCT - Việc đếm các vụ kiện và bê bối pháp lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Từ trái sang: ông Comey, ông Barack Obama (người tiền nhiệm của ông Trump) và ông Mueller-japantimes.co.jp
Từ trái sang: ông Comey, ông Barack Obama (người tiền nhiệm của ông Trump) và ông Mueller-japantimes.co.jp

 

Trong 30 năm gần đây, ông Trump đã có mặt ở khoảng 4.000 vụ kiện tụng. Cho đến thời điểm 30-4-2017, ông đang đối đầu với ít nhất 134 vụ kiện tại các tòa án liên bang. Tính đến cùng thời điểm trong nhiệm kỳ, ông là tổng thống bị kiện nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo tờ Boston Globe, số các vụ kiện ông Trump là bị đơn hiện nhiều gấp 3 lần so với cả 3 tổng thống tiền nhiệm gộp lại vào cùng thời điểm (khoảng 4/10 các vụ kiện lúc này liên quan tới sắc lệnh cấm nhập cư).

Vô phúc đáo tụng đình

Hầu hết các tổng thống Mỹ đều thường xuyên đóng vai trò bị đơn khi họ đưa ra những chính sách tranh cãi. Điểm khác biệt ở ông Trump là tần suất và quy mô.

Các vụ kiện ông đủ loại: những người có thẻ xanh kiện lệnh cấm nhập cư; các thành phố như San Francisco, Richmond và Seattle kiện chuyện ông không chịu chia sẻ ngân sách liên bang cho họ nếu không cứng rắn với người nhập cư; hay một phụ nữ từ Boston kiện vì những hành động của ông Trump khiến bà “mất đi niềm vui cuộc sống” (!).

Một quán bar gần khách sạn Trump ở Washington thì đệ đơn ra tòa vì cho rằng ông Trump có lợi thế cạnh tranh không lành mạnh với việc các nhà ngoại giao và giới lobby liên tục đặt phòng ở khách sạn mang tên ông.

Một tù nhân ở Oregon thậm chí đang kiện kết quả cuộc bầu cử vì “sức khỏe tôi đã suy giảm, giờ tôi luôn lo lắng, trầm cảm và không ngủ được buổi tối”. Tay tù nhân đòi 1 tỉ USD để “ngăn chặn những hành vi tương tự từ những người giống ông Trump, những kẻ muốn nhạo báng nước Mỹ, hiến pháp, luật lệ và tiến trình chính trị của Mỹ”.

Một nhóm luật sư kiện tổng thống vì cho rằng ông vi phạm hiến pháp khi tiếp tục giữ liên hệ với các hoạt động kinh doanh của gia đình.

Tuần trước, 200 dân biểu phe Dân chủ cũng kiện Tổng thống Trump vi phạm hiến pháp khi kiếm lời từ các hoạt động kinh doanh với nước ngoài. Do tính chất “thượng vàng hạ cám”, không ít vụ kiện Tổng thống Trump quả thật chỉ là trò đùa và sẽ bị tòa bác đơn không thụ lý. Thật ra, tới nay thì 69/134 vụ như thế đã bị bác.

Tuy nhiên, vụ đau đầu nhất với ông thì đang ngày càng có dấu hiệu trở nên nghiêm trọng: cuộc điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử 2016. Tướng Michael Flynn, một trong những nhân vật thân cận nhất của ông Trump, đã buộc phải rời chức cố vấn an ninh quốc gia chỉ sau 24 ngày.

Một loạt trợ lý và giám đốc tranh cử cũ của ông Trump hiện cũng đang bị điều tra. Và cáo buộc quan trọng nhất mà phe ông Trump có thể phải đối mặt là cấu kết với Nga trong cuộc bầu cử và cản trở tư pháp đối với cuộc điều tra, liên quan tới vụ việc sa thải giám đốc FBI James B. Comey đầy tranh cãi.

Hai tuần trước, Tổng thống Donald Trump chính thức tìm đến một luật sư được coi là huyền thoại ở Washington, John Dowd, để nhờ giúp đỡ.

Cả cuộc đời kinh doanh, ông Trump không lạ gì những lần phải ra tòa: ông nổi tiếng bởi hay kiện các đối tác và thường là người thắng kiện. Nhưng đội ngũ luật sư quen thuộc của ông Trump phần lớn chỉ có kinh nghiệm tranh cãi thương mại thay vì những vấn đề ngóc ngách của chính trường và đụng chạm tới tính hiến pháp như ở Washington.

Sự xuất hiện của ông Dowd vì vậy rất cần, đặc biệt khi chưa tổng thống Mỹ mới nhậm chức nào trong lịch sử nhanh chóng rơi vào khủng hoảng như ông Trump.

Luật sư John Dowd ở Tòa án liên bang Manhattan, New York năm 2011. Reuters.
Luật sư John Dowd ở Tòa án liên bang Manhattan, New York năm 2011. Reuters.

 

Luật sư huyền thoại

Ông Dowd, 76 tuổi, một cựu công tố viên, từng thực hiện những cuộc điều tra lớn hồi những năm 1980. Chuyển sang làm luật sư, ông nổi tiếng bởi vụ đại diện cho thượng nghị sĩ John McCain trong bê bối “Keating Five” giai đoạn cuối những năm 1980 đầu 1990, khi ông McCain bị cáo buộc gặp gỡ trái phép các nhà quản lý của ngân hàng liên bang.

Một phần nhờ ông Dowd, ông McCain sau được tuyên vô tội. Trong quá khứ, ông Dowd từng đại diện Bộ Tư pháp Mỹ năm 2007 và biện hộ thành công trong một bê bối ở cấp cao nhất khác, khi tổng thống George W. Bush loại bỏ 8 công tố viên liên bang.

Vụ việc khi đó bị chỉ trích là cú trả đũa chính trị của phe Bush. “Ông ta là huyền thoại đối với cả hai phía, công tố viên và luật sư biện hộ - Mark Corallo, người phát ngôn của đội ngũ luật sư ông Trump, nói với báo chí - Khi John Dowd nói, mọi người đều lắng nghe”.

Ông Trump vẫn có thể kiếm thêm luật sư cho đội ngũ của mình nhưng đến lúc này ông Dowd là nhân vật quyền lực và hiểu Washington nhất có mặt trong nhóm.

Ngoài ra, cả hai nhân vật thân cận ông nhất là con rể Jared Kushner và Phó tổng thống Mike Pence trong tuần rồi cũng đều đã tự mình tìm những luật sư tốt ở Washington để chuẩn bị cho cuộc điều tra có thể mở rộng.

Họ đều sẽ cần những thầy cãi giỏi, nhất là khi phải đối mặt với công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller, cựu giám đốc FBI, một tay điều tra kỳ cựu và là người đang phụ trách tìm hiểu mối liên hệ giữa Nga với chiến dịch của ông Trump.

Đầu tháng này, trong phiên điều trần tại thượng viện, ông Comey đã khai việc ông Trump 3 lần đề nghị ông hủy cuộc điều tra đối với ông Flynn, và đó sẽ là tâm điểm trong những tìm hiểu của Mueller sắp tới.

Câu chuyện thêm phần gay cấn khi vào đầu tuần có tin đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak sẽ sớm bị Matxcơva triệu hồi.

Báo Mỹ USA Today nói ông Kislyak, 66 tuổi, được coi là một nhân vật then chốt trong các mối liên hệ với chính quyền Trump và những cáo buộc về can thiệp vào kỳ bầu cử 2016, sẽ rời Washington tháng tới, sau một buổi tiệc chia tay ông ở khách sạn St. Regis, chỉ cách Nhà Trắng hai ngã tư.

Nếu đúng như thế, ông Kislyak sẽ kết thúc 10 năm làm đại sứ tại Mỹ và người thay thế ông sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý trong bối cảnh cuộc điều tra của Mueller được xúc tiến mạnh hơn.

Công tố viên đặc biệt Robert S. Mueller, cựu giám đốc FBI. Ảnh: NYT

 

Cáo buộc chưa rõ ràng

Tuy nhiên, giới chuyên gia luật cũng nhìn nhận cáo buộc lớn nhất trong vụ này: khả năng cấu kết giữa phe ông Trump với Nga, trên thực tế chưa có bằng chứng rõ ràng.

Đội ngũ của tổng thống trước bầu cử đã nhiều lần tiếp xúc với phía Nga, cụ thể là với ông Kislyak, bao gồm con rể Kushner của ông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy là họ hưởng lợi trong cuộc bầu cử từ những tiếp xúc đó.

Điều trớ trêu là các cuộc khủng hoảng cứ nối đuôi nhau lại xuất phát từ chính những dòng tin nhắn Twitter và những quyết định vội vàng của ông Trump. Ông Mueller, hiện đã yêu cầu phỏng vấn ba quan chức và cựu quan chức tình báo, chỉ dấu cho thấy ông đang điều tra theo hướng Trump cản trở công lý.

Những người Mueller muốn “hỏi chuyện” là Dan Coats - giám đốc lực lượng tình báo quốc gia, Michael Rogers - giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA), và ông Richard Ledgett - cựu phó giám đốc NSA. Trong lần điều trần ở quốc hội tuần trước, cả hai ông Coats và Rogers đều từ chối bàn thảo công khai vấn đề này.

Hiện tại, đội ngũ luật sư của ông Trump đang xây dựng hình ảnh giống thân chủ: luôn sẵn sàng đối đầu. Thông điệp của ông là chiến đấu tới cùng.

Trong những phát biểu rất cứng rắn trên truyền hình, các luật sư và những người đại diện mới của ông Trump cho thấy họ sẽ tiếp tục cách đã giúp tổng thống đắc cử: những lý lẽ đậm màu dân túy và bác bỏ mọi cáo buộc từ phía công tố viên.

Cách thức của đội luật sư này khác rất nhiều so với đội ngũ công tố viên của ông Mueller, cựu giám đốc FBI vốn kín tiếng, cẩn trọng, và là một người rất được kính trọng ở Washington.

Nhưng điều trớ trêu là chính những tuyên bố của ông Trump có thể gây khó khăn hơn cho công việc biện hộ. “Tôi không quan tâm ông Trump thuê ai.

Chẳng có lý gì ông ta nghe đội luật sư cả - luật sư biện hộ Peter Zeidenberg nói với AP - Chúc may mắn mà biện hộ cho ông ta”. Điều này thể hiện rõ qua những phát biểu lộn xộn hồi đầu tuần.

Hôm 16-6, ông dường như xác nhận mình đã bị điều tra khi viết trên Twitter: “Tôi đang bị điều tra vì vụ sa thải giám đốc FBI bởi chính người đề xuất tôi làm điều đó! Trò săn phù thủy”.

Tuy nhiên, suốt tuần trước, luật sư Jay Sekulow của ông lại tuyên bố “Tổng thống chưa bị điều tra”, để rồi sau tin nhắn trên Twitter, ông Sekulow sửa lại rằng ông “không rõ” có thể xác quyết chuyện đó chưa. “Đội ngũ luật sư chưa được thông báo” - ông nói trên CNN.

Trong những ngày gần đây, ông Trump được cho là có cân nhắc việc sa thải cả ông Mueller, nhưng đã bị các cố vấn ngăn cản. Nixon đã không tại vị được lâu sau khi quyết định sa thải công tố viên đặc biệt hồi năm 1974.

Lần cuối cùng một tổng thống bị cáo buộc cản trở tư pháp là ông Bill Clinton, liên quan tới vụ bê bối tình ái với cô thực tập sinh Monica Lewinsky vào năm 1998. Ông Clinton bị luận tội nhưng không bị lật đổ trong cuộc điều tra đó.

Với ông Trump, như từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông đến giờ, mọi chuyện sẽ rất khó đoán, với nhiều bất trắc cũng như những gì ông sẽ viết trên Twitter vậy!■

Để luận tội một tổng thống

Khả năng ông Trump bị đưa ra luận tội vẫn còn rất xa vời. Thực ra, chưa tổng thống nào trong lịch sử Mỹ buộc phải thôi chức vì bị luận tội.

Vấn đề luận tội tổng thống mới được 4 lần nêu ra nghiêm túc ở Quốc hội Mỹ. Ông Andrew Johnson (tổng thống thứ 17, 1865-1869) bị luận tội liên quan tới một số vấn đề sau nội chiến Mỹ nhưng được tuyên vô tội.

Ông John Tyler (tổng thống thứ 10, 1841-1845) liên quan tới quyền của các bang, nhưng quốc hội không thông qua nghị quyết đưa ông ra luận tội.

Ông Richard Nixon (tổng thống thứ 37, 1969-1974) từ chức vì vụ Watergate. Cuối cùng là ông Bill Clinton (tổng thống thứ 42, 1993-2001) bị đưa ra luận tội nhưng được tuyên vô tội.

Đó là một quy trình cực kỳ phức tạp và mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý. Ở hạ viện, ủy ban tư pháp sẽ quyết định có đưa việc luận tội ra thảo luận hay không.

Nếu có, chủ tịch ủy ban này sẽ đề xuất một nghị quyết để chính thức mở thủ tục luận tội. Ủy ban sau đó sẽ đề xuất một nghị quyết luận tội với một hay nhiều điều khoản cho cả hạ viện thảo luận.

Cả hạ viện sau đó sẽ họp để tranh luận và bỏ khiếu về từng điều khoản một trong văn bản luận tội. Nếu giành được đa số phiếu, tổng thống sẽ bắt đầu bị “luận tội”, nhưng vẫn tại vị, chờ phiên phán xử cuối cùng ở thượng viện.

Tại thượng viện, một phiên xét xử sẽ được mở. Các luật sư của tổng thống sẽ bào chữa ở đây. Một nhóm thành viên hạ viện sẽ được chọn trong vai trò “công tố”. Chánh án tòa tối cao (hiện là John G. Roberts) và 100 thượng nghị sĩ sẽ vào vai trò ban hội thẩm. Thượng viện sau đó sẽ họp kín để đưa ra phán quyết.

Sau đó, trong phiên họp mở sẽ là bỏ phiếu với phán quyết. Sẽ cần đa số tuyệt đối 2/3 để “kết tội” tổng thống. Cuối cùng, thượng viện sẽ lại bỏ phiếu để phế truất tổng thống.

Chiêu Văn

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận