Du lịch đi đôi với bảo tồn: Mô hình tốt, nhưng đừng là duy nhất

LÊ MY 14/04/2022 21:00 GMT+7

TTCT - Chiến lược tốt nhất cho du lịch dựa vào thiên nhiên là cần có nhiều đơn vị tham gia, nhân rộng các cách làm đúng.

Ông Jake Brunner, trưởng đại diện Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tại Việt Nam, trò chuyện với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những quan sát và nhận định cá nhân xoay quanh mô hình du lịch - bảo tồn vẫn còn mới mẻ này sau chuyến thám hiểm rừng sâu hang Ba.

Sau chuyến đi, ông đánh giá thế nào về hiện trạng của rừng và hang động ở đây?

- IUCN có mối quan hệ rất lâu bền với Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB), kể từ khi nơi này được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003. Chúng tôi thường xuyên thực hiện các hoạt động giám sát, vì thế chúng tôi đã quen thuộc với vẻ đẹp kỳ vĩ, tầm quan trọng về mặt sinh học cũng như một số mối đe dọa với nơi này.

Ấn tượng của tôi xin dành cho phong cảnh phi thường, lượng tri thức khoa học phi thường. Tôi nghĩ đây thực sự là báu vật của cả thế giới. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy doanh nghiệp và chính phủ bắt tay nhau để bảo tồn cái mà chúng tôi gọi là “Giá trị nổi bật toàn cầu” (Outstanding Universal Value) cho hôm nay và mai sau.

Đơn vị tổ chức tour hang Ba muốn thúc đẩy việc bảo tồn động vật hoang dã và giảm thiểu tác động của du lịch. Theo ông, họ đã đạt được mục tiêu này ở mức độ nào?

- Theo hiểu biết của tôi, những doanh nghiệp như Oxalis - tổ chức các tour du lịch sâu trong lòng các công viên, khu bảo tồn với sự hợp tác của cộng đồng địa phương để mang lại những lợi ích thiết thực - có thể hứa hẹn những cơ hội tốt nhất cho việc bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam. Có nhiều khu bảo tồn tương đối thiếu kinh phí và không được bảo vệ tốt. Vì vậy, đây là một mô hình tuyệt vời.

Dựa trên trải nghiệm của tôi trong mấy ngày qua, Oxalis đang làm rất tốt. Đây là một trải nghiệm gần như “không có rác” - một điều thực sự rất hiếm ở Việt Nam. Các hướng dẫn viên, những người được đào tạo bài bản, nhặt các mảnh rác nhựa trên đường đi. Nói cách khác, khi chúng tôi rời đi, vườn quốc gia sẽ sạch sẽ hơn so với khi chúng tôi đến.

Tôi ấn tượng về sự chu đáo trong cách Oxalis quản lý du khách: dừng lại ở đâu, ăn mặc thế nào, ăn uống ra sao, cách xử lý rác thải và cả việc sử dụng các bẫy ảnh. Các thước phim nhắc nhở chúng ta rằng các loài sinh vật ở vườn quốc gia này vẫn còn phong phú.

Theo ông, liệu du lịch động vật hoang dã sẽ hòa hợp với bối cảnh Việt Nam hiện nay?

- Thành thật mà nói, với du lịch động vật hoang dã, nếu bạn muốn nhìn thấy những loài thú rừng đặc biệt hoặc bị đe dọa trên toàn cầu thì việc đó rất khó thực hiện ở Việt Nam. Trên thực tế, có rất ít nơi ở Việt Nam đảm bảo cho bạn có thể nhìn thấy các loài động vật quý hiếm nơi hoang dã. Chẳng hạn, nếu bạn muốn gặp loài voọc đang bị đe dọa nghiêm trọng thì cơ hội tốt nhất của bạn chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long ở phía nam Hà Nội. Tuy nhiên, ở đây, PN-KB không đảm bảo điều đó, một phần vì nó quá rộng lớn và không thể tiếp cận. Nhưng nếu bạn không nhìn thấy các loài linh trưởng, ít nhất bạn vẫn có thể nghe thấy chúng.

 
 Ông Jake Brunner, trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Trung/Oxalis Adventure

Tại nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia, loại hình du lịch ngắm động vật hoang dã đang ngày càng phổ biến. Công viên quốc gia Kaziranga (Ấn Độ) cho phép du khách cưỡi voi và đuổi theo tê giác, hoặc Vườn quốc gia Cát Tiên với những chuyến xe jeep “soi thú đêm”. Ông nghĩ sao về những cách làm đó, đặt bên cạnh ý tưởng dùng bẫy ảnh? 

- Đó là hai lĩnh vực khác nhau, hai trải nghiệm khác nhau. Tôi nghĩ các bạn cần cả hai và không có vấn đề gì. Không nơi nào trong PN-KB đảm bảo bạn có thể nhìn thấy động vật hoang dã. Trong khi với đồng cỏ, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn. Hệ sinh thái sẽ quyết định cách thức khả thi nhất để ngắm nhìn động vật hoang dã.

Nhưng liệu nó có tạo thói quen ở các loài động vật hay không? Đó là một câu hỏi kỹ thuật và tôi không phải là chuyên gia. Nếu bạn chạy xe đến Sơn Trà vào một buổi tối hoặc buổi sáng, voọc chà vá chân nâu sẽ ngồi đó nhìn bạn, hoàn toàn không sợ hãi. Chúng vẫn ở trong môi trường sống của riêng chúng. Chúng rất hoang dã. Nhưng chúng cũng ở rất gần chúng ta. Tốt đấy chứ! Nhưng nếu con người bắt đầu săn bắt trở lại, mọi thứ sẽ khác.

Hiện tại, IUCN triển khai những hoạt động nào nhằm thúc đẩy du lịch dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam?

- Các hoạt động không ở PN-KB, mà ở Phú Quốc, không hẳn xoay quanh du lịch dựa vào thiên nhiên mà là để cải thiện hoạt động môi trường và giảm tác động môi trường của du lịch quy mô lớn.

Thành thật mà nói, tôi rất vui khi IUCN có thể giúp, nhưng chúng tôi sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào. Chiến lược tốt nhất cho du lịch dựa vào thiên nhiên ở Việt Nam là các doanh nghiệp như Oxalis: do người Việt lãnh đạo, người Việt điều hành, gắn kết trọn vẹn với cộng đồng và khả thi về mặt thương mại. Đó là tương lai. IUCN và cá nhân tôi rất muốn nhìn thấy những mô hình này được nhân rộng.

Chìa khóa để nhân rộng những mô hình như vậy sẽ là gì, thưa ông?

- Tôi đã tự hỏi về điều đó (cười). Trước hết, các bạn cần trưng ra một cái gì đó đặc biệt và khác thường. Không phải ở đâu cũng may mắn có được những “tài sản” đó. Nhưng chỉ thế thôi là không đủ.

Tôi nghĩ chìa khóa sẽ là sự lãnh đạo của người Việt Nam, họ không chỉ là một doanh nhân giỏi mà còn phải có tầm nhìn. Oxalis là một doanh nghiệp xuất sắc, nhưng tôi hy vọng họ không phải là duy nhất mà sẽ có những doanh nghiệp khác hiểu về mô hình này và nhân rộng nó, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Lào và Campuchia.

 
 Vịnh Dài. Ảnh: Oxalis Adventure

Trong tâm trạng của một trong những du khách đầu tiên tới đây thì ông có nhận xét gì?

- Tôi đã được đến nhiều hang động đá vôi trên khắp thế giới, ở Mỹ và châu Âu, và bây giờ là ở PN-KB. Những hang động ở đây chắc chắn đang ở trong tình trạng tốt nhất, về cơ bản vẫn còn nguyên sơ - không phải vì chưa từng có ai đến đây - mà vì chúng không bị ảnh hưởng bởi hoạt động du lịch đại trà.

Một khía cạnh của chuyến đi khiến tôi thấy thú vị nhất là cơ hội tìm hiểu về các hiện tượng tự nhiên đã tạo nên cảnh quan đặc biệt này. Chúng tôi may mắn có một chuyên gia có thể trả lời tất cả các loại câu hỏi, 24/7. Điều đó làm phong phú thêm trải nghiệm của tôi. Câu hỏi mà tôi dành cho Oxalis: Làm thế nào để tinh thần trao đổi thông tin này - đôi lúc khá học thuật - có thể trở thành một phần của chuyến tham quan?

Ông Christian Manhart (trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam):

"Đây là trải nghiệm để đời đối với bản thân tôi. Chuyến đi phô diễn mọi thứ: vườn quốc gia, rừng rậm, các hang động và sự đa dạng của các hoạt động du lịch, chúng tôi có thể bơi xuyên qua hang hoặc bên trong hang động. Đây là khu vực vô cùng ấn tượng của Phong Nha - Kẻ Bàng, một di sản thế giới! Tôi chưa được nhìn thấy tất cả mọi thứ, nhưng dựa trên những gì quan sát được, phải nói rằng cảnh quan đang được bảo tồn rất tốt.

Tôi đã đến thăm nhiều di sản thiên nhiên thế giới nằm trong các vườn quốc gia, vì thế tôi cho rằng đây là cách làm du lịch tinh tế nhất. Oxalis giảm thiểu bước chân của du khách bằng cách giới hạn số lượng tour và cả số lượng khách trong mỗi tour. Họ không đuổi theo những con thú, họ khoe động vật bằng các bẫy ảnh và dấu chân.

Tôi thực sự ấn tượng vì các hướng dẫn viên đã nhặt rác ở khắp mọi nơi. Bạn biết đấy, thực ra khu rừng này không có nhiều rác so với các di sản thế giới khác. Điều quan trọng là duy trì được cách quản lý rác thải đỉnh cao này. Tôi hy vọng cách làm này sẽ được lặp lại ở các công viên tự nhiên khác.

 
 Ông Christian Manhart, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Trung/Oxalis Adventure

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận