​Đừng giam hãm người trẻ bằng sự “kính già”

MINH HƯƠNG ( HÀ NỘI) 05/08/2015 02:08 GMT+7

LTS: Sau bốn tuần diễn đàn, “Tôn trọng người trẻ” đã giới thiệu một số ý kiến cho rằng không “kính già” làm sao đòi “trọng trẻ”, và muốn được tôn trọng thì phải là “người trẻ nào”. Trong tuần này là ý kiến phản biện của một độc giả đang làm việc cho một đơn vị truyền thông Hà Nội và một giáo viên đã không còn trẻ.

Minh họa: Bích Khoa

Tôi xin không đề cập đến sự kỳ thị người trẻ trong xã hội như việc nhường ghế trên xe buýt hay nhường vị trí xếp hàng vì với tôi, điều đó thuộc về quan niệm lịch sự riêng có của mỗi người.

Tôi muốn đề cập đến sự kỳ thị trong công sở: môi trường làm việc nào tồn tại sự kính già thái quá, môi trường nào người trẻ tự do cống hiến và được coi trọng? Và người già - người trẻ, ai mới thật sự là người giỏi.

Môi trường sáng tạo không kỳ thị người trẻ

Khi tôi còn làm phóng viên tại một tờ báo ngành, tôi nhớ tổng biên tập của tôi khi nói với nhân viên về chuyện vào Đảng hay lên chức đều bảo: “Mọi thứ phải có lớp có lang. Các cháu còn trẻ nên cứ từ từ, các anh chị vào làm việc trước sẽ được cất nhắc trước”.

Những người già khi làm việc thường tự hào về kinh nghiệm và các mối quan hệ của họ, viết bài hay làm việc cũng tùy tiện hơn người trẻ. Lý lẽ của họ bảo vệ cho quyền lợi ấy thường là “lao động quá khứ”. Tôi không nhớ mình đã bao lần cười trước lý lẽ đó, nhưng có lẽ vì thói quen “kính già” ở môi trường như thế khiến tôi chấp nhận chuyện ấy vô điều kiện.

Lớp vào ngay trước chúng tôi cũng cho rằng họ nghiễm nhiên phải là đàn anh, phải hơn chúng tôi về quyền lợi dù sâu xa chắc chắn họ hiểu những hạn chế của họ. Cho đến trước khi tổng biên tập của cơ quan tôi về hưu, truyền thống “có lớp có lang” vẫn được lưu truyền và thực hiện triệt để như vậy.

Làm việc trong cơ quan nhà nước như vậy vài năm, tôi chuyển qua một công ty tư nhân nhỏ làm về truyền thông và quan hệ báo chí, bất chấp sự ngăn cản của cha mẹ. Người duy nhất ủng hộ tôi khi ấy lại là người chồng hơn tôi một tuổi (chắc vì người trẻ có cách nhìn nhận giống nhau).

Công ty mới của tôi nhỏ nhưng môi trường làm việc lại rất văn minh. Ai là người làm được việc, bất kể già hay trẻ đều được trọng dụng và hưởng đúng thành quả lao động của mình. Sếp tôi từng nói: “Ở cơ quan nhà nước nhân viên phải đến chơi nhà lãnh đạo dịp tết, chứ ở công ty tư nhân sếp phải đi tặng quà cho nhân viên”.

Như vậy để thấy hoàn toàn tồn tại những môi trường không kỳ thị người trẻ ở Việt Nam, đặc biệt trong những công việc đòi hỏi sức sáng tạo. Tôi nghĩ sự kỳ thị người trẻ phần lớn diễn ra ở các cơ quan trì trệ, con người làm việc như cái máy hoặc theo công thức của những cái máy. Với những công việc đòi hỏi sáng tạo (như chúng tôi đang làm trong truyền thông và thay đổi hành vi), chúng tôi luôn cần người trẻ.

Ở lĩnh vực này, kinh nghiệm và kiến thức của một người già không có ý nghĩa bằng sự tươi mới trong suy nghĩ, khả năng tưởng tượng phong phú và can đảm dám làm những điều chưa ai làm ở người trẻ tuổi. 

Ở chỗ chúng tôi, không có chuyện ý tưởng của một người trẻ bị đặt ra rìa trước khi xem xét ý kiến của người già. Tất cả đều được đặt ngang hàng và coi trọng như nhau. Chúng tôi tự do làm việc không cần biết đến chuyện việc mình đang làm có đụng chạm ai không, có qua mặt “cây đa, cây đề” nào không. Hoàn toàn không có chuyện đó.

Nói đến đây phải kể câu chuyện làm tôi nhớ mãi khi tôi còn là phóng viên trẻ nhiệt tình, xông xáo mới vào cơ quan. Dịp ấy là gần 8-3, có thư của hội nhà báo mời các phóng viên, nhà báo nữ tham gia thi nấu ăn. Khi sếp tôi đọc thông báo, tất cả nhà báo nữ lớp già, lớp trung đều thờ ơ, không ai bảo sẽ tham gia. Thấy vậy, tôi liền xung phong đi thi dù bản thân nấu ăn không giỏi.

Cả cơ quan đều nhìn tôi là lạ nhưng tôi cũng không quá quan tâm. Đi thi xong về không có giải gì, nhưng cái làm tôi buồn cười là bẵng đi một thời gian, bạn phóng viên vào cùng đợt với tôi nói: “Hồi đó bạn đi thi là mấy cô trong cơ quan không thích đâu. Các cô bảo bạn mới vào ti toe, trẻ ranh, còn bao nhiêu người nhiều tuổi hơn bạn chưa có ý kiến về chuyện thi thố mà bạn đã tranh đi rồi. Thế là vô phép”.

Nghe chuyện đó tôi mới vỡ ra vì sao mọi người nhìn mình là lạ, các bạn vào cùng, các chị hơn tuổi cũng không hưởng ứng. Đơn giản vì họ biết “kính già” khi cần thiết, còn tôi làm điều gì cũng chẳng nghĩ trước sau, chỉ đơn giản thấy mọi người không tham gia phong trào thì mình tham gia cho vui. Hóa ra, người già im lặng là vì họ đợi một lời mời tham gia từ cơ quan chứ không phải họ không muốn đi.

Già là giỏi, trẻ là non?

Chính vì chuyện “kính già” mà người già tự cho họ quyền điều khiển người trẻ, phê bình và phản bác ý kiến của người trẻ với các lý do chung chung như “không khả thi”, “không hợp lý”, “không thể thực hiện được”.

Nhưng thực tế, ẩn trong đó là sự tự ti của người già trước người trẻ. Bạn đừng nghĩ người già giỏi hơn người trẻ. Nghiên cứu mới nhất về giai đoạn đỉnh cao cuộc đời của tiến sĩ Joshua K. Hartshorne - Học viện Công nghệ Massachusetts - cho thấy không có một tuổi nào chúng ta giỏi về mọi thứ hoặc về hầu hết mọi thứ. Bạn đạt đỉnh cao sáng tạo khi còn trẻ.

Phần lớn những phát minh được giải Nobel được nghĩ ra ở tuổi khoảng 40. Qua thời điểm đó là hết điểm đỉnh của khả năng sáng tạo và chất xám sẽ suy thoái dần (các kỹ năng khác vẫn tiếp tục phát triển, ví dụ như khả năng đọc hiểu và toán tiếp tục hoàn thiện ở tuổi trung niên...).

Chúng ta không chối bỏ sự kính trọng người già trong cuộc sống, nhưng cũng cần phải thật sự coi trọng người trẻ. Khả năng nhận thức (và cả kiến thức) của người trẻ hiện giờ nhìn chung đã vượt lên người già bởi người trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin, có thể tiếp cận vấn đề họ quan tâm đa chiều và toàn diện (chứ không còn bị hạn chế như trước đây).

Chưa kể khả năng tư duy của họ cũng hoàn thiện hơn, năng lực hiểu biết của họ sâu sắc hơn thế hệ đi trước.

Một khi người già và xã hội nói chung thừa nhận khả năng của người trẻ, thay đổi cách đánh giá, cất nhắc và thăng tiến theo kiểu có lớp có lang, xã hội mới có thể phát triển một cách văn minh và bền vững. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận