Đứng lên từ “thảm họa Chanchu”

TẤN VŨ - ĐOÀN CƯỜNG 25/05/2016 19:05 GMT+7

TTCT - Chúng tôi trở lại “ngôi làng Chanchu” (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đúng 10 năm sau ngày cơn bão Chanchu thảm họa quét qua đây. Dẫu nỗi đau vẫn còn nhưng người dân Bình Minh đã và đang lần hồi gượng dậy. Tiếp sức cho họ có một phần rất lớn từ nhiều cộng đồng, những nhà hảo tâm hết lòng từ phương xa…

Ngư dân Lê Văn Kim thoát nạn từ cơn bão Chanchu, giờ quay lại với cuộc sống đi biển gần bờ  -Đoàn Cường
Ngư dân Lê Văn Kim thoát nạn từ cơn bão Chanchu, giờ quay lại với cuộc sống đi biển gần bờ -Đoàn Cường


Hàng phi lao già hứng gió biển ràn rạt giữa nắng trưa. Biển Bình Minh vẫn xanh ngắt màu ngọc bích. Ông Nguyễn Thanh Lâm (52 tuổi, thôn Hà Bình, xã Bình Minh) đang lui cui sửa lại chiếc tàu nhỏ chuẩn bị cho một đêm cào nghêu bãi cạn.

“Không được giúp sức chắc tôi chết”

Ông Lâm bảo 10 năm nay, từ ngày hai con của ông là Nguyễn Thành Tâm và Nguyễn Thành Sự vĩnh viễn nằm lại trong cơn bão Chanchu, ông chưa một lần ra khơi xa. Bỏ hẳn nghề cá, ông chuyển sang cào nghêu nuôi người vợ bệnh tật. Nhắc đến hai đứa con, người đàn ông gầy nhom, da đen nhẻm, tóc đã bạc màu vội vã kéo áo lau những giọt nước mắt chảy trên đôi má khô sạm.

Rít một hơi thuốc dài, ông nói: “Nhanh quá, mới như chuyện ngày hôm qua. Nếu còn sống, năm nay Tâm đã 32 tuổi và Sự đã 27 tuổi rồi!”. Ông Lâm bảo năm nay làm ăn thất bát nên đám giỗ hai đứa con trai, ông chỉ làm mâm cơm nhỏ cúng, mời bà con dòng họ.

Ngày giỗ Chanchu ở xóm biển này chẳng ai mời ai vì hầu như nhà nào cũng cúng. Có hơn 80 cái đám giỗ cúng từ ngày 18 đến ngày 22, nên chẳng ai đi dự được đám giỗ nhà người khác. 

Nhắc chuyện cũ, ông Lâm bảo ngày đó ông không còn nhớ mình như thế nào, làm gì khi hay tin con trai của mình vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Ông Lâm khóc nhiều đến nỗi mắt trái bị mù hẳn. “Mọi người cứ nghĩ tôi sẽ tự tử nên theo tôi suốt ngày. Ngày đó, nếu không có bà con, đoàn thể, chính quyền, cộng đồng giúp sức chắc tôi chết thật rồi!” - ông Lâm tâm sự.

Bà Trương Thị Hường, vợ của ngư dân Nguyễn Văn Chín (ở tổ 8, thôn Hà Bình, xã Bình Minh), có lẽ là người đàn bà can trường nhất nhì trong “xóm Chanchu”. Khi ông Chín mất, bà đang mang bầu đứa con thứ năm và phải nuôi bốn đứa con nheo nhóc trong đống nợ nần.

Người đàn bà khô ráp ngồi trước mặt chúng tôi kể về những ngày gian khổ: “Anh ấy chết để lại bốn đứa con, đứa lớn nhất mới 11 tuổi. Tôi mang bầu nhưng sáng nón úp chiều nón ngửa đi mượn gạo chòm xóm về ăn. Cứ 4g sáng là chạy ra biển tranh nhau mua cá bán kiếm lời ngày vài chục ngàn mua gạo. Làm thuê, cuốc mướn, phụ hồ... nghề gì cũng làm để kiếm cái nhai cho lũ trẻ.

Bây giờ già rồi, không giành mua cá được thì tiếp tục đi làm thuê”. Mười năm qua, niềm an ủi của bà Hường là những đứa con chăm ngoan và học giỏi. Cô con gái lớn học Đại học Sư phạm Quảng Nam sắp ra trường, con gái thứ hai đang học năm 2 Đại học Kinh tế Đà Nẵng.

“Năm đó, bà con cô bác phương xa, chính quyền... cho gia đình tôi 150 triệu đồng. Số tiền này trả nợ làm nhà trước khi anh mất. Khoản tiền còn lại được vài ba năm thì cạn kiệt. Cũng may nhờ bà con tiếp sức, nếu không chắc tôi không sống được tới ngày hôm nay” - bà Hường tâm sự.

Bài viết xúc động liên quan đến cơn bão Chanchu trên báo Tuổi Trẻ năm 2006
Bài viết xúc động liên quan đến cơn bão Chanchu trên báo Tuổi Trẻ năm 2006

 

Vượt lên số phận

Cô bé Lê Thị Thanh Sa, người có cha mất trong cơn bão Chanchu và ít hôm sau thì người mẹ của Sa cũng đột ngột qua đời vì không chịu được nỗi đau quá lớn. Sa cùng bà nội phải nuôi bốn đứa em nheo nhóc với hai vành khăn tang trên đầu.

Sau những bài viết trên báo Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc đã tìm đến gia đình Sa để cưu mang và giúp năm đứa trẻ ăn học, nên người. Trở lại nhà của Sa, đón chúng tôi là chàng thanh niên cứng cỏi, đôi mắt to đen nghị lực.

Đó là Lê Thành Nhân (23 tuổi), em ruột của Sa. Nhân từ TP.HCM về công tác cho Trường Quốc tế Hoa Kỳ - APU chi nhánh tại Đà Nẵng.

Ký ức kinh hoàng

Ngư dân Lê Văn Kim (57 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) mỗi lần nhắc đến cú chết hụt trong cơn bão Chanchu, ông lại rùng mình: “Chưa bao giờ sóng bạc đầu, gió rít điên cuồng đến thế. Khi gió từ vòng ngoài của cơn bão bắt đầu, phía chân trời vần vũ mù mịt, 34 bạn trên tàu bắt đầu hoảng. Chúng tôi dùng dao chặt hết giàn phơi mực, gần 30 thúng chai cũng hất tung xuống biển để tàu gọn gàng, không cản sức gió. Thuyền trưởng hạ lệnh neo tàu. Trời mù mịt, không còn biết ngày hay đêm. Dây neo chỉ một lúc sau bị đánh bật, gió tạt toạc cabin, nước tràn vào...”. Lúc này, những bạn tàu vừa hoang mang vừa cố hết sức tát nước trong tàu ra. Cứ như vậy, suốt một ngày một đêm vật lộn với cơn bão, 34 con người trên tàu ông Kim thoát qua cơn đại nạn một cách kỳ diệu…


Thắp nén nhang trên bàn thờ ba mẹ, Nhân bảo xem cô Thy Bình như người đã sinh ra chị em mình lần nữa. Bây giờ, chị Sa của Nhân có chồng ở quê và yên bề gia thất.

Hai đứa em gái là Lê Thị Thanh Hậu và Lê Thị Thanh Năm đều là sinh viên năm 2 và năm 1 của Trường đại học Mỹ tại VN của cô Thy Bình.

Đứa em út đang ở nhà với bà nội và học lớp 8. Nhân quyết định quay về Đà Nẵng làm việc vì còn thời gian chăm sóc nội già yếu và lo cho đứa em út nên người.Nhân kể ngày cha mẹ mất cậu mới học lớp 8.

“Cha mất tích, mẹ em cũng ra đi ngay sau đó. Năm chị em chít khăn tang trên đầu chưa biết về đâu thì cô Trần Nguyễn Thy Bình - chủ tịch HĐQT Trường Quốc tế Hoa Kỳ APU và Trường đại học Mỹ tại VN - nhận năm chị em vào TP.HCM nuôi nấng, ăn học. Cô Thy Bình xem chị em em như con.

Em ra sức học mong ngày sau trả ơn cô và giúp những người có hoàn cảnh không may mắn như mình” - Nhân tâm sự.

Lê Thành Nhân giờ là một chàng trai chững chạc -TẤN VŨ
Lê Thành Nhân giờ là một chàng trai chững chạc -TẤN VŨ

 

Gần 10 năm qua, thông qua chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ, mỗi năm có hàng chục em học sinh ở “làng biển Chanchu” lần lượt vào đại học.

Trở về “làng Chanchu” trong những ngày này, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay lớn ở ngôi làng biển. Những con đường cát nóng bụi mù ngày nào giờ là những con đường đổ bêtông. Những căn nhà mái ngói, cổng ngõ đã có thể trụ vững vàng trước những cơn bão ở miền biển.

Ông Trương Công Bảy, phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, khoe: “Bình Minh có được như ngày hôm nay nhờ những tấm lòng của bà con phương xa. Chính quyền và người dân chúng tôi rất biết ơn điều đó. Nếu không có sự giúp sức của xã hội trong những ngày Bình Minh tang tóc thì rất nhiều gia đình còn tan tác hơn nữa” - ông Bảy nói.

Ông Bảy cho biết 10 năm qua, chính quyền xã đã tổ chức đào tạo 12 lớp thuyền trưởng, máy trưởng cho 380 ngư dân; tư vấn cho hơn 640 thanh niên về đào tạo việc làm. Đặc biệt mở lớp tập huấn cho dân quân và ngư dân sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo với 800 người. Đến nay Bình Minh có đội tàu đánh bắt xa bờ rất lớn: từ 4-5 tàu xa bờ năm 2006, đến nay toàn xã có trên 150 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 1.000 ngư dân đang bám biển.

“Chúng tôi ý thức rằng trong cái đau thương ở Bình Minh không có nghĩa là mọi thứ dừng lại. Chúng tôi phải mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn để việc đánh bắt trên biển không còn những thảm kịch đau thương như 10 năm trước” - ông Bảy nói.■

Siêu bão Chanchu

Bão Chanchu (bão số 1) là siêu bão, hình thành ngày 5-5-2006 và tiến vào Biển Đông ngày 13-5. Mặc dù bão không ảnh hưởng trực tiếp tới VN nhưng đã gây ra hậu quả khủng khiếp cho hàng trăm ngư dân đang hành nghề trên khu vực Biển Đông. Thời điểm bão vào có 43 tàu với hơn 700 ngư dân VN đang hoạt động tại vùng cơn bão đi qua.

Tính đến ngày 28-5-2006, có 273 người chết, mất tích (mất tích gần 200 người, riêng xã Bình Minh có đến 87 người chết) và 17 tàu chìm. Theo cơ quan chức năng Đà Nẵng, cơn bão Chanchu gây tổng thiệt hại về tài sản của ngư dân (tàu chìm, ngư lưới cụ...) khoảng 24 tỉ đồng. Không chỉ gây thiệt hại nặng cho ngư dân miền Trung VN, siêu bão còn tàn phá ở Philippines, Trung Quốc khiến hàng chục người thiệt mạng. Thông qua báo Tuổi Trẻ, bạn đọc đã ủng hộ nạn nhân bão Chanchu số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận