Giữ gìn sự trong sáng cho tên khoa học

LÊ MY 20/11/2020 18:11 GMT+7

TTCT - Các nhà tự nhiên học sống vào thời kỳ Khai sáng ở phương Tây đã quyết định sử dụng tiếng Latin để thể hiện tên khoa học của muôn loài. Toàn là những cái tên xa lạ, dài ngoằng khó nhớ, nhưng không vì thế mà có thể thay chúng bằng những thứ dễ nhớ hơn.

Ruồi Deadpool (hay Humorolethalis sergius), ám chỉ sự hài hước.
Ruồi Deadpool (hay Humorolethalis sergius), ám chỉ sự hài hước.

Theo tờ Telegraph, ở Anh gần đây rộ lên một kiểu tiếp thị cây trồng mới: đặt biệt danh cho các loài cây. Người mua hàng có thể yêu cầu một chậu công chúa tóc dài “Rapunzel” thay cho Epipremnum aureum (một loại trầu bà), hay một cây “Ben” thay vì Ficus benjamina (xứ ta gọi là cây sanh).

Nhà bán lẻ cây trồng trực tuyến Patch Plants ở London đã thành công lớn với chiến lược đặt tên các loại cây theo tên khách hàng và nhân viên. Trưởng bộ phận tiếp thị Franky Athill cho biết đây là một quyết định cẩn trọng trong nỗ lực kết nối người dân thị thành hoặc giới trẻ với chuyện trồng trọt, khiến cho lĩnh vực này gần gũi hơn với họ. 

Nó cũng giúp những người bình dân trót mê sinh vật cảnh không còn phải “trẹo” lưỡi với các cụm từ khó đọc mà dễ quên, đôi khi chẳng khác gì một “món salad với toàn các chữ cái”.

Thế nhưng, Nevile Gwynne, một tên tuổi lớn về tiếng Latin tại Anh, chỉ trích cách làm này đang “cắt bỏ quá khứ”. Ông nói mọi người nên cố gắng học ngôn ngữ khoa học, “bạn không muốn kéo người dân đi thụt lùi, bạn muốn đẩy họ lên những trình độ cao hơn. Bất kỳ ai sẵn sàng nỗ lực cho việc này đều có thể vui vẻ làm tốt”.

Vì sao dùng tiếng Latin?

Telegraph dẫn lời lý giải của Nevile Gwynne khi phản đối phong trào đặt biệt danh cho cây trồng: “Trong trường hợp của thực vật, tên của chúng mang những ý nghĩa có thể được nhận biết trong mọi ngôn ngữ. Chúng được lựa chọn một cách xuất sắc. Và lý do tại sao tiếng Latin và tiếng Hi Lạp (cổ đại) trở thành ngôn ngữ hoàn hảo cho việc này hơn bất kỳ ngôn ngữ nào khác chính là vì ý nghĩa của chúng không thay đổi; chúng đều là tử ngữ”.

Ở góc độ lịch sử, tiếng Latin, cùng với tiếng Hi Lạp cổ từng là ngôn ngữ chính thức của Đế chế La Mã hùng mạnh, trở thành ngôn ngữ thống trị trong khoa học và chính trị ở phương Tây suốt nhiều thế kỷ. Thế nhưng, không phải tất cả danh pháp khoa học ngày nay đều sử dụng tiếng Latin “nguyên chất 100%”. 

Thay vào đó, người đặt tên có thể lấy cảm hứng từ một tên riêng hay từ vựng của ngôn ngữ khác, sau đó dịch hoặc biến đổi sao cho đúng ngữ pháp Latin (chia giống, số ít, số nhiều…). 

Ví dụ rõ nhất là loài ruồi quý hiếm với phần đuôi vàng lung linh mang tên Scaptia beyonceae lấy cảm hứng từ cô ca sĩ nước Mỹ Beyoncé.

Dù hệ thống đã có từ hàng trăm năm trước, việc đặt tên khoa học luôn đi kèm với những thách thức, trong khi đó chúng ta chỉ mới gọi tên và miêu tả gần 20% trong số khoảng 10 triệu loài sinh vật trên Trái đất (theo bách khoa toàn thư Britannica). “Vì vậy chúng ta cần một số quy tắc chung” - tiến sĩ Amber Beavis, từng là nhà phân loại học tại Bảo tàng Tây Úc, viết trên ABC News.

Quy tắc đầu tiên là mỗi sự kết hợp giữa tên chi và tên loài phải là duy nhất trong mỗi giới (kingdom), dù nhiều từ có thể cùng lúc được sử dụng ở các giới khác nhau. Thứ hai, tên khoa học không được mang tính xúc phạm trên bất kỳ cơ sở nào, theo tuyên bố của Ủy ban Quốc tế về danh mục động vật học (ICZN), mặc cho một số bậc tiền bối tinh hoa khi xưa đã gây chiến với nhau bằng cách này. Cuối cùng, theo vị tiến sĩ, không ai tự lấy tên mình để đặt cho một loài, vì như thế sẽ thật kỳ quặc.

 
Có nên thay đổi tên khoa học?

Đặt tên cho các loài sinh vật mới, bao gồm cả động thực vật, là một trong những phần thú vị nhất của ngành phân loại học. Mỗi cái tên khoa học bao gồm hai phần, được in nghiêng hoặc gạch chân (khi viết tay). Phần đầu xác định tên chi (genus) mà loài đó thuộc về, được viết hoa chữ cái đầu tiên. Phần sau là một tên cụ thể, phân biệt các loài (species) trong cùng một chi. Hãy liên tưởng đến cách đặt họ trước, tên sau của người Việt Nam.

Một ví dụ điển hình là tên gọi của chúng ta - Homo sapiens, cho thấy con người hiện đại thuộc chi Homo (người) và cụ thể là loài sapiens (thông minh), phân biệt với một loài người đã tuyệt chủng là Homo erectus. “Cha đẻ” của hệ thống đặt tên loài này được cho là Carl Linnaeus, nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Thụy Điển vào thế kỷ 18.

Đặt tên cho các loài là một quá trình tỉ mỉ, vô cùng quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn và các lĩnh vực khác. Amber Beavis tin rằng khả năng xác định và phân biệt các loài cho phép các chuyên gia hiểu sâu hơn về thế giới và “giúp cứu sống chúng và chính chúng ta”. Danh pháp của một loài có thể sống mãi như chính loài đó, thậm chí tồn tại lâu hơn nữa.

Ở chiều ngược lại, thay đổi tên khoa học là một việc không dễ làm, và có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Thomas Pape, chủ tịch của ICZN và là một nhà động vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Đan Mạch, cho rằng việc thay đổi tên khoa học “bởi vì chúng tôi thích cái tên khác hơn” sẽ làm tăng công việc và khiến các nhà nghiên cứu khó tìm kiếm tất cả thông tin đã công bố về một loài nhất định.

Cũng với lý do này, người mua cây “Rapunzel” ở London có thể sẽ bỏ sót cả một kho kiến thức ngoài kia về loài trầu bà Epipremnum aureum.■

Trong một bài đăng cuối tháng 10 trên tạp chí Communications Biology, Len Gillman và Shane Wright (Đại học Auckland) lập luận rằng các quy trình phân loại sinh vật nên cho phép các tên khoa học trên toàn thế giới được thay đổi để phản ánh các tên gọi bản địa lâu đời.

Chẳng hạn, Prumnopitys taxifolia (thuộc họ Thông tre) là một loài cây lá kim to lớn, đặc hữu của New Zealand, được hầu hết người dân địa phương gọi là “mata” (ám chỉ sự nổi bật hoặc sự lãnh đạo). Cái tên Latin của nó có nghĩa là “giống lá cây thanh tùng châu Âu (English Yew)”. Theo Gillman, đây là một kiểu miêu tả rất “Âu tâm” và không thật sự hữu ích cho sinh viên ngành thực vật học ở New Zealand, vì nhiều người, dù có gốc Maori hay không, chẳng thấy quen thuộc gì giống cây English Yew kia.

Nếu một sinh vật được đặt nhiều tên khoa học bởi những nhà nghiên cứu khác nhau, ai đặt “đúng” và công bố sớm nhất sẽ giành quyền “ưu tiên”. Shane Wright chỉ ra rằng trong nhiều trường hợp, tên gọi do người thổ dân đặt đã tồn tại hàng trăm năm, lâu hơn mọi công bố khoa học, “đó mới là điều xứng đáng được ưu tiên”!

Trong tầm nhìn của Wright và Gillman, quá trình đặt lại tên sẽ do người dân bản địa dẫn dắt. Sandra Knapp, một nhà thực vật học tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Anh, cho rằng “đó là một ý tưởng rất thú vị, nó sẽ gây gián đoạn, nhưng thực ra là sự gián đoạn đáng có”.

Có thể học ngôn ngữ của cây trồng chứ?

Câu trả lời là có, và tại sao không? Tiếng Latin trông có vẻ khó hiểu, nhưng những cái tên dài ngoằng kia có thể “mở cánh cửa bước vào thế giới thực vật, theo những cách bạn khó mà tưởng tượng được” - Margaret Roach viết trên The New York Times ngày 28-10.

Theo Roach, đám cây cối đang cố gắng nói với chúng ta điều gì đó qua danh pháp khoa học của chúng. Allium unifolium nói: Tôi là cây Allium (chi Hành, bao gồm hành, tỏi) với độc nhất một (uni) chiếc lá (folium). Và Aster alpinus lên tiếng: Tổ tiên Aster (thuộc họ Cúc) của tôi được sinh ra trên vùng cao, nơi cây rừng không thể sống được - bạn biết đấy, giống như dãy Alps (alpinus). Tôi sẽ không ưng những khoảng đất sét ẩm ướt trong khu vườn nhà bạn.

Không phải tất cả danh pháp khoa học đều dễ dàng cho ta manh mối về ngoại hình, điều kiện sống hoặc nơi xuất xứ của các loài cây. “Tuy nhiên, nó xứng đáng để đào sâu hơn” - Margaret viết.

Hầu hết các tên Latin đều giàu tính miêu tả, đôi khi rất rõ ràng. Bất kỳ cái tên nào có “officinalis” thông báo là cây từng được dùng cho mục đích y học, trong khi “edulis” nghĩa là có thể ăn được. Môi trường sống tự nhiên cũng có thể xuất hiện trong tên khoa học: sylvatica (của rừng), palustris (đầm lầy), maritima (bên bờ biển), hay aquatica (trong nước).

Nhưng, người trồng cây được lợi gì? Đôi khi, sự mơ hồ trong cách gọi tên loài cây không chỉ bất tiện mà còn tiềm ẩn nguy hiểm, theo Ross Bayton - tác giả cuốn The Gardener’s Botanical: An Encyclopedia of Latin Plant Names (được ví như một cuốn từ điển danh pháp với đầy hình minh họa).

Hạt dẻ ăn được (chi Castanea) và hạt dẻ ngựa (chi Aesculus) có tên gọi thông dụng giông giống nhau (true chestnut và horse chestnuts), thậm chí cả hai đều là cây rụng lá, quả thì có gai. Tuy nhiên, chúng không phải họ hàng, và quả của cây Aesculus thì chứa độc tố.

Như vậy, ta có cần những cái tên ngoằn ngoèo này không? Hẳn là có, nếu chúng ta muốn bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài bản địa, cây trồng nông nghiệp và thủy sản khỏi sâu bệnh, khám phá các loại thuốc cứu mạng, vân vân và vân vân. Tất cả trọng trách trên trở nên khả thi một phần là nhờ những cái tên khoa học độc nhất vô nhị và phổ biến toàn cầu của mỗi loài sinh vật trên Trái đất.

Tên khoa học của cẩm tú cầu (Hydrangea macrophylla) có nghĩa là lá to. Ảnh: The Gardener’s Botanical
Tên khoa học của cẩm tú cầu (Hydrangea macrophylla) có nghĩa là lá to. Ảnh: The Gardener’s Botanical

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận