Góc chuyên gia: Bạn tranh luận với con như thế nào?

Có bao giờ bạn rơi vào một cuộc tranh cãi rồi không cách nào dừng lại? Nhiều bậc phụ huynh và con cái họ gặp phải vấn đề này.


Ảnh: http://blog.thepalaceschool.com

- Con không được đi chơi với bạn, chấm hết!

- Mẹ của bạn A cho bạn đi, còn con sao mẹ không cho đi?

- Mẹ không quan tâm mẹ bạn A làm gì. Và mẹ đã bảo con đừng đem chuyện bạn bè ra nói với mẹ, con không được đi.

- Vậy là bất công. Mẹ không bao giờ cho con làm việc những bạn khác được làm. Mẹ ác lắm!

- Câm ngay! Con lúc nào cũng đẩy quá giới hạn. Mẹ không chấp nhận!

Cuộc cãi vã này có giống với cuộc cãi vã của bạn với con mình không? Có bao giờ bạn rơi vào một cuộc tranh cãi rồi không cách nào dừng lại? Nhiều bậc phụ huynh và con cái họ gặp phải vấn đề này.

Là cha mẹ, chúng ta đã rất nỗ lực để duy trì nhịp sống gia đình, làm việc, lo âu và phần lớn là sống chung với stress. Mà khi bị căng thẳng, ta thường dựa trên khuôn mẫu hành xử như sau: cứ lặp đi lặp lại một cách làm, kể cả khi biết nó không hiệu quả. Vì quá bận rộn, chúng ta quên mất rằng chính cách thức tranh luận là phương cách chủ yếu để giữ liên hệ với con cái.

Nếu bạn thường xuyên cãi vã với con, dưới đây là năm điều bạn không nên làm:

Đừng xem nhẹ khuôn mẫu trong mối quan hệ của bạn với con cái, bởi chúng ta chỉ có thể ngưng làm một việc gì đó khi nào ta hiểu rõ được nó và có thể quan sát nó.

Đôi khi dễ nhất là quan sát khuôn mẫu hành xử của người khác, chẳng hạn bà mẹ và con gái cãi nhau về chiếc quần jeans nào nên mua ở siêu thị, rồi giận nhau và rời cửa hàng mà không nói chuyện với nhau cả ngày. Hay bạn của bạn và con trai anh ấy cãi nhau hầu như trong từng việc nhà, bất kể lớn nhỏ.

Bạn có nhận ra khuôn mẫu đó trong quan hệ giữa bạn và con gái không? Bạn kêu con rửa chén và nó lắc đầu bảo không phải việc của nó. Bạn bắt nó làm, nó khăng khăng không. Bạn bắt đầu la mắng con. Nó la hét lại. Bạn tống con vào phòng sau khi kể lại một loạt tội lỗi của nó trong tuần.

Chìa khóa ở đây là nhận ra được khuôn mẫu. Hãy để ý xem nó xảy ra khi nào, như thế nào, bắt đầu bằng cái gì, và leo thang ra sao. Tất cả những thông tin này sẽ giúp bạn thay đổi.

Đừng cho rằng con bạn sẽ thôi cãi lại hoặc bạn không cần thay đổi cách hành xử của chính mình.

Trẻ con luôn học cách làm sao để có được thứ nó cần. Lúc nhỏ nó khóc khi đói, lên ba nó luẩn quẩn bên chân bạn để lôi cuốn sự chú ý của bạn, vào tuổi teen nó sẽ cãi lại bạn trong mọi việc.

Bằng việc đòi ăn, luẩn quẩn bên chân bạn, đứa con của bạn đã học được cách lôi cuốn sự quan tâm của bạn mà không cần cãi vã.

Và bởi vì những cuộc cãi vã sẽ không thể xảy ra nếu không có hai phía cha mẹ/con cái, nên bạn cũng cần thay đổi nếu muốn con mình thay đổi. Ở đây có thể bạn cần được giúp đỡ: từ thầy cô của con, từ chồng hay vợ bạn, chuyên gia tư vấn học đường, một người bạn đáng tin hay một cặp phụ huynh khác...

Không khó để tìm ra cách liên hệ với con cái, mà tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác để có được sự thay đổi thường là bước đi đầu tiên.

Đừng quên ưu tiên của bạn: loại quan hệ cha mẹ - con cái nào bạn đang muốn có. Chúng ta đều mơ trở thành cha mẹ tốt, nhưng thực tế cuộc sống khiến chúng ta dần đánh mất những ưu tiên.

Nhưng bạn có thể tìm lại được chúng và đưa vào quỹ đạo cuộc sống. Nấu ăn không phải là ưu tiên, nhưng nhờ nó bạn đặt ra những giới hạn và khiến bọn trẻ có trách nhiệm. Và đừng quên có những vai trò cha mẹ khác: bạn có thể chuyển từ vai trò “người la rầy” sang làm “người thầy”, “người huấn luyện” hay “người giải quyết vấn đề”.

Đừng để bất đồng tóe lửa. Tuy là cha mẹ, nhưng chúng ta ít khi đặt kế hoạch hay có chiến lược đối phó với cách hành xử sai trái, nên khi mọi việc xảy ra chúng ta lại trở về với những khuôn mẫu cãi vã cũ, dễ khiến bạn nổi nóng và bùng nổ. Khi mà bạn thay đổi và không còn la hét, con bạn cũng sẽ không tự động bùng nổ trở lại. Tuy có thể chính nó sẽ lôi bạn vào cuộc cãi vã, bạn vẫn phải nhất quán với thái độ không đôi co của mình.

Đừng từ bỏ quyết tâm thay đổi. Một khi đã lao vào những cuộc cãi vã, bạn khó mà dừng lại. Bạn cảm thấy bất lực, vô vọng, lúc nào cũng gây gổ. Nhưng cả khi những cuộc chiến đã ăn sâu trong mối quan hệ giữa bạn và con cái, vẫn còn hi vọng. Với thời gian, sự hỗ trợ của gia đình, các nhân viên tư vấn, và nhất là sự sẵn sàng thay đổi của bạn, bạn và con cái vẫn có thể hòa hợp và sống tốt hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận