Gởi lòng cho men ngọc

TRỊNH TÚ 07/10/2013 00:10 GMT+7

TTCT - Cái bí ẩn, ngẫu nhiên của nghệ thuật là một trong những điều hấp dẫn nhất cho những kẻ dấn thân hết mình. Nó cũng là phần thưởng ngọt ngào cho những gian truân nhọc nhằn của sáng tạo.

Đó là điều không chia sẻ, không dạy bảo được. Và trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ gốm chứa đựng điều này nhiều hơn cả, bởi bản chất của lửa là bí ẩn.

Phóng to
Trần Quốc Khanh

Tôi càng tin như thế khi ngắm những tác phẩm gốm men ngọc của nghệ nhân Nguyễn Việt (*). Men ngọc vốn là thứ men công phu nhất trong nghề gốm, hình thành từ thời Lý, và luôn là đích đến của bất kỳ ai nặng duyên với nghề. Men ngọc như cô gái đến tuổi trăng tròn, sớm hay muộn đều không thành.

Cuộc đời của Nguyễn Việt đến với men ngọc cũng đầy thử thách, công phu, ông đã bỏ ra hơn chục năm xế chiều đời mình để có được buổi trưng bày này. Nó như khúc vĩ thanh của một nghệ sĩ nặng lòng với đời.

Ông vốn là một biên đạo múa có tiếng tăm từ những ngày đầu của ngành múa Việt Nam. Đã hết mình cho vũ điệu rồi đột ngột ngừng hẳn để chơi với đất, với lửa. Từng thành công với đề tài men Lý - Trần, năm 1991 ông sang châu Âu, sau khi tận mắt thấy bộ sưu tập men Celadon Đông Thanh ở Brussels (Bỉ), ông sang Pháp, khi tình cờ lang thang trên đồi Montmartre Paris, trong một quán cà phê ông bắt gặp một bức tranh trường phái lập thể được vẽ từ những năm 1930.

Ý tưởng nảy ra từ đó: men ngọc có nhiều lối thể hiện nhưng với lối vẽ lập thể, ta có thể khắc chìm như lối khắc chìm trong bộ sưu tập Celadon Đông Thanh nhà Lý ở Bảo tàng Brussels, như con chim chân cao, mỏ dài trên chiếc hũ đựng cốt giống, như trên chiếc thạp Đào Thịnh trong nền văn minh kỳ vĩ Văn Lang... Ông đã tìm đến lối vẽ của Lê Thiết Cương để thực hiện ý tưởng đó của mình...

Trần Quốc Khanh

Ở lần trưng bày này, tác phẩm của ông có thể chia làm hai phong cách biểu hiện, cho dù đều là những họa tiết hoặc nổi hoặc chìm trên lọ. Một là những môtip trang trí không giấu giếm sự hồn nhiên, dễ dãi như tính cách ông, và hai là ông mô phỏng những tác phẩm hội họa của họa sĩ Lê Thiết Cương một cách duyên dáng, kín đáo.

Cả hai cách đều có những hiệu quả thẩm mỹ riêng. Nhưng trên hết là nước men ngọc óng ả ông đã dày công tìm kiếm. Ngày khai mạc, khuôn mặt ông rạng ngời hạnh phúc, như thể một lớp men mới phủ lên 80 năm tuổi đời người nghệ sĩ đã hết lòng cho men ngọc.

Dòng men ngọc cổ Celadon Đông Thanh có từ thời kỳ nhà Lý (thế kỷ 9-12). Ít ai biết đến dòng men này, có biết cũng chỉ biết qua một vài cổ vật lẻ tẻ, thi thoảng cũng có người may mắn được ngắm nhìn cả bộ, nhưng lại phải sang tận Bảo tàng Brussels (Bỉ). Chỉ bảo tàng này mới có bộ sưu tập đồ cổ Celadon Đông Thanh khá hoàn hảo do một người Bỉ buôn đồ cổ ở Sài Gòn đã mua lại từ các ông Tây cai trị nước ta khi họ cho làm con đường sắt Bắc - Nam (vào những năm đầu của thế kỷ 20) và “vớ” được món đồ “béo bở” ở địa phận Hàm Rồng, Thanh Hóa.

(*): Triển lãm diễn ra tại Gallery 39 Lý Quốc Sư, Hà Nội từ ngày 28-9-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận