Hai người phụ nữ làm chứng cho công lý

THÁI BÁ DŨNG 30/05/2018 18:05 GMT+7

TTCT - Cuối tháng 4 vừa qua, hai người phụ nữ cùng tên Nguyễn Thị Thanh - hai nhân chứng sống sót trong các vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc gây ra cách đây 50 năm tại các làng quê miền Trung của VN - đã có cuộc đối chứng đẫm nước mắt tại Hàn Quốc.

Bà Thanh (Phong Nhị) đối chất, làm chứng trước tòa giả định tại Hàn Quốc tháng 4-2018. 
Ảnh: Bá Dũng chụp lại
Bà Thanh (Phong Nhị) đối chất, làm chứng trước tòa giả định tại Hàn Quốc tháng 4-2018. Ảnh: Bá Dũng chụp lại

“Ngày 12-2 năm Mậu Thân 1968, khoảng 8h sáng nghe tiếng súng nổ dội vào cánh đồng. Người lớn cùng trẻ con chạy tán loạn, kêu thất thanh. Tiếng nổ lộp độp của cây tre khô trong những ngôi nhà bị cháy khiến chúng tôi khiếp sợ. Mẹ tôi gánh hàng đi qua Hội An để bán về đong gạo nuôi chúng tôi. Trong nhà lúc ấy còn tôi, anh trai tôi là Nguyễn Đức Sang, dì ruột của tôi cùng đứa con của dì đang bế trên tay...

Khi dì dắt chúng tôi xuống căn hầm hình chữ S dưới nền nhà để trú ẩn thì lính Hàn tìm tới. Họ ra hiệu yêu cầu chúng tôi đi lên, rồi những quả lựu đạn được ném xuống hai đầu hầm, sau đó là những loạt súng rải xuống chỗ chúng tôi đang nằm” - bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân của vụ thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), bật khóc nhớ lại.

“Hòa bình cũng khốc liệt không kém”

Dì của bà Thanh ngã vật xuống, đứa con bế trên tay rơi xuống đất. “Tôi cùng mấy anh em chạy ra thì chỉ nghe thấy những tiếng nói của lính Hàn là “mề xi, mề xi”, nghĩa là Việt cộng, Việt cộng. Rồi họ xả súng, tôi nằm vật ra đất, khi tỉnh lại thì tôi bị bắn toác bụng, ruột xổ ra bên ngoài, xung quanh mình thấy nhiều người thân đã chết” - bà Thanh kể.

Dù bị thương rất nặng nhưng bà Thanh vẫn cố kéo anh trai Nguyễn Đức Sang chạy ra đường cái để tìm người cứu chữa. Ông Sang và bà đã may mắn sống sót. Cuộc tàn sát của lính Hàn tiếp tục rảo qua các ngôi nhà khác... Bà nói: “Từ ngày mẹ tôi, người thân tôi bị giết, tôi sống lang thang khắp nơi. Cuộc đời tôi coi như đã chết phân nửa”.

Cùng chuyến đi làm chứng tại Hàn Quốc với bà Thanh (Phong Nhị) có một phụ nữ cũng tên Nguyễn Thị Thanh, từng sống tại làng Hà My (phường Điện Dương, Điện Bàn, Quảng Nam). Bà là nhân chứng của vụ thảm sát do lính Hàn gây ra tại làng Hà My vào ngày 25-2-1968.

Trong lúc đi càn, một nhóm lính quân đội Hàn Quốc đã tập hợp người dân tại Hà My thành từng nhóm rồi xả súng. Cuộc thảm sát ấy khiến 135 thường dân, chủ yếu là người già, trẻ em chết oan uổng. Gia đình bà bị lính Hàn giết tổng cộng 5 người, bà may mắn sống sót khi được mẹ dùng cơ thể của mình phủ lên che làn đạn. Lúc đó bà mới 11 tuổi.

Bức thư mà bà Thanh (Hà My) đọc trong hàng nước mắt trước các cuộc gặp gỡ tại Hàn Quốc có đoạn: “Chiến tranh khốc liệt mà hòa bình cũng khốc liệt không kém”. Hỏi về ý nghĩa của câu nói ấy, bà Thanh quặn thắt: “Chiến tranh đã vô cùng khốc liệt, gieo bao đau thương không gì bù đắp nổi cho chúng tôi. Nhưng tới hôm nay, qua hơn nửa thế kỷ chúng tôi đến Hàn Quốc để làm chứng, kể lại những sự thật ấy thì những cựu binh Hàn Quốc từng cầm súng tại VN còn đe dọa, đòi tấn công chúng tôi”.

Bà Thanh (Phong Nhị) nói sau khi bị lính vào bắn giết 74 người làng của bà, bà được đưa ra Đà Nẵng cứu chữa, được người dân ở đó cưu mang. Ngày quê hương giải phóng, bà được chú thím đưa về quê rồi tới 20 tuổi thì lấy chồng, dựng nhà ở tại làng cũ tới nay. Còn anh trai bà đang sống tại TP.HCM, nhưng thân thể bị dính đạn nặng. “Mấy chục năm nay chưa đêm nào tôi ngủ tròn giấc, quá khứ qua đi nhưng nó luôn ám ảnh” - bà nói.

Còn bà Thanh (Hà My) nói khi lính Hàn rời đi, bà cũng được đưa ra Đà Nẵng cứu chữa, rồi đi giúp việc trong nhà người dân. Hòa bình về lại quê hương, bà được đi học lại, làm công nhân tại xí nghiệp in ở Đà Nẵng và lập gia đình năm 1987.

“Đi làm chứng cho sự thật...”

Lá thư của công dân yêu chuộng hòa bình Hàn Quốc gửi tặng các nhân chứng chiến tranh VN. Ảnh: Bá Dũng
Lá thư của công dân yêu chuộng hòa bình Hàn Quốc gửi tặng các nhân chứng chiến tranh VN. Ảnh: Bá Dũng

Đã có những nỗ lực của cả hai Chính phủ VN - Hàn Quốc để hàn gắn nỗi đau chiến tranh, gác lại quá khứ và hướng đến tương lai hòa hợp, hòa bình. Tuy nhiên phía Chính phủ Hàn Quốc và những người lính từng tham chiến tại VN vẫn chưa lên tiếng thừa nhận lịch sử và gửi lời xin lỗi.

Câu chuyện ấy đã làm day dứt và đánh thức sự lương thiện mạnh mẽ của những nhân sĩ, trí thức tiến bộ yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng VN. Sự ra đời của tổ chức Quỹ hòa bình Hàn - Việt đã kết nối và tìm đến những nhân chứng sống sót của lịch sử. Một trong những cách để đấu tranh cho sự thật ấy chính là việc vận động, đưa hai phụ nữ cùng tên Nguyễn Thị Thanh qua Hàn Quốc để nói chuyện, làm nhân chứng.

Bà Thanh (Phong Nhị) nói bà không thể ngờ: năm 2014, 2015 những đoàn viếng thăm của các nhà báo, luật sư, đại biểu Quốc hội Hàn Quốc lại về tới Phong Nhất, Phong Nhị để tìm bà. “Năm 2014 tôi thấy họ tới một lần, tự tìm tới và coi mặt mũi họ thế nào. Tôi sôi máu, căm hận vô cùng. Nhưng rồi họ cúi đầu và òa khóc như những đứa trẻ trước mặt tôi. Giọt nước mắt nóng hổi ấy đã làm tôi mềm lòng, lâu dần sự gắn bó, tin tưởng xích chúng tôi lại gần nhau. Tôi đã đồng ý bắt đầu hành trình lịch sử: làm nhân chứng thảm sát” - bà nói.

Bà cho biết qua nhiều chuyến qua lại, làm thủ tục và vận động, các thành viên phong trào Xin lỗi VN, Quỹ hòa bình Hàn - Việt đã ngỏ ý muốn bà trực tiếp qua Hàn Quốc để nói chuyện với dân chúng, với báo chí, với Quốc hội sở tại để đấu tranh đòi Chính phủ Hàn Quốc xin lỗi. Tháng 4-2015, bà Thanh lần đầu tiên đến Hàn Quốc.

Trước khi đi, anh bà, người thân và cả cán bộ xã đều can ngăn. Họ lo bà sẽ bị đánh đập, gặp nguy khi qua Hàn Quốc làm nhân chứng. “Không hiểu ai xui khiến, tôi bỏ qua mọi sợ hãi để qua đó. Những gì tôi được đối xử làm tôi quá bất ngờ. Người dân, trí thức Hàn Quốc phần lớn đều ủng hộ tôi, họ bảo vệ tôi từng bước đi, đưa đón và chiêu đãi thân tình...”.

Sau chuyến đi lần đầu vào năm 2015, tháng 4 vừa qua, một lần nữa Quỹ hòa bình Hàn - Việt lại tìm đến bà Thanh (Phong Nhị) và bà Thanh (Hà My), vận động để đưa cả hai người qua Hàn Quốc nói chuyện với người dân, đối chất trước tòa giả định. Chuyến đi kéo dài gần hai tuần.■

Nhân chứng làm gì tại Hàn Quốc?

Những ngày tại Hàn Quốc, hai bà Thanh đã gặp gỡ các cụ bà Hàn Quốc từng là nạn nhân nô lệ tình dục cho lính Nhật, viếng thăm Quốc hội và họp báo với báo giới Hàn Quốc, tọa đàm tại Quốc hội, khám sức khỏe, đối chất tại phiên tòa giả định mang tên “Hòa bình của nhân dân”, thăm đảo Jeju, tiếp chuyện với ông Kang U IL - chủ tịch Quỹ hòa bình Hàn - Việt...

Buổi làm việc gây tiếng vang nhất, thu hút sự chú ý của công chúng Hàn Quốc là chương trình đối chất các nhân chứng tại tòa giả định “Hòa bình của nhân dân”. Phiên tòa có sự theo dõi của hơn 500 người, có các luật sư, thẩm phán và “bị cáo” là những người đóng thế cho những người lính Hàn Quốc đã trực tiếp bức hại nhân dân VN.

Bà Thanh (Phong Nhị) và bà Thanh (Hà My) lần lượt được mời lên, kể lại trong nước mắt những hình ảnh rùng rợn của 50 năm trước. Đối diện với hai bà, những người lính Hàn Quốc đã cúi đầu, họ phủ nhận tội lỗi nhưng trong trạng thái lúng túng và vụng về, họ đổ lỗi cho sứ mệnh của những người lính chỉ thực thi nhiệm vụ. Nhưng phiên tòa đã khép lại với sự thắng lợi của công lý, của sự thật. Tất cả đều vỡ òa trong những hàng nước mắt, những vòng tay ôm.

“Kính gửi các cựu binh Hàn Quốc từng tham chiến tại chiến trường VN!

(...) Chiến tranh đã kết thúc, cuộc đời tôi và cô Thanh (Phong Nhị) tan nát. Tôi đến Hàn Quốc chỉ muốn trò chuyện hòa bình với người Hàn Quốc, trong đó có các ông, chứ nào phải vì để muốn trả thù hay chỉ trích chuyện các ông đã làm năm xưa. Tôi nghĩ rằng các ông cũng là nạn nhân của cuộc chiến VN. Chiến tranh có lẽ là một nỗi đau quá lớn đè nặng lên đôi vai một thời tuổi trẻ của các ông.

Từng trải qua mới biết được, nỗi đau khổ nào cũng vơi đi một khi đã trút bỏ được bên ngoài, hơn là cứ giữ vào bên trong. Tôi mong các ông sớm trút bỏ được khối buồn hận, và mong sao chính phủ các ông cũng sẽ đón nhận để xoa dịu bớt nỗi đau của các ông.

Tôi đã bước vào cái tuổi để dọn dẹp lại cuộc đời đầy sóng gió của mình. Các ông cũng vậy, nếu chúng ta từng gặp nhau ở đâu đó, không phải là chiến trường VN thì biết đâu chúng ta đã có thể gọi nhau là anh em. Giờ đây, chúng ta phải hàn gắn vết thương của quá khứ để có thể để lại cho những đứa con của chúng ta một cuộc sống hòa bình, tốt đẹp hơn. Các ông có nghĩ như vậy?”.

Trích thư ông Nguyễn Tấn Lân (xã Tây Vinh, Tây Sơn, Bình Định), nhân chứng sống trong vụ thảm sát do lính Hàn gây ra. Ông Lân được mời qua Hàn Quốc làm chứng năm 2015 cùng bà Thanh (Phong Nhị)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận