​Hai thế giới ở Boracay

CÔNG NHẬT 23/04/2015 04:04 GMT+7

“Đến Philippines, nếu muốn du lịch đảo hãy tới El Nido hoặc Coron, còn Boracay giờ bị thương mại hóa nhiều rồi” - những người bạn Philippines rỉ tai tôi khi gặp ở thủ đô Manila. Nhưng vì thời gian không cho phép và nghĩ chưa chắc những nhận xét kia đã đúng, tôi quyết định đặt vé bay đến Boracay.

Bình minh ở Boracay, Ảnh: Công Nhật

Boracay không có đêm

21g. Sau một tiếng ngồi trên máy bay (từ Manila đến sân bay Kalibo, Boracay) và gần hai tiếng di chuyển bằng xe buýt, 15 phút đi phà..., cuối cùng tôi cũng đặt chân lên Boracay - nơi từng được tạp chí du lịch Travel+Leisure vinh danh “Hòn đảo tuyệt vời nhất thế giới 2012”.

Frendz Resort nằm sâu hút trong một con hẻm nhỏ chỉ đủ hai người đi, đường không bằng phẳng mà lại vướng nhiều đống vôi vữa từ các công trình đang xây dở nên kéo vali vô được sảnh tiếp tân thì ai nấy đều thở dốc. Mang danh resort nhưng thực chất đây là một hostel (nhà trọ) có giá thuộc loại bình dân nhất khu White Beach, bãi biển đẹp hàng đầu ở Boracay.

Biển Boracay cho du khách những góc nhìn bất ngờ... Ảnh: Công Nhật

Tôi chọn phòng ngủ tập thể nên chỉ phải trả 14 usd/đêm, bù lại phải chia phòng với bốn người xa lạ khác. Phòng giá rẻ nên không có máy lạnh, đèn vàng hiu hắt vài bóng và mỗi người có một ngăn tủ nhỏ để chứa đồ, một cái giường chỉ đủ để ngả lưng. WiFi yếu đến mức mọi nỗ lực truy cập mạng đều bất thành.

22g, White Beach vẫn đông nghịt người và âm nhạc rộn ràng khắp nơi. Sau khi ngó nghiêng, tôi chọn một quán ăn thưa khách và không được nhắc tên trên trang TripAdvisor cũng như quyển cẩm nang du lịch mini được phát miễn phí ở cảng.

Tất cả nhà hàng, quán ăn của khu vực đều nằm ở một phía, còn bàn ghế được đặt ở bãi cát sát biển. Bàn gần biển đến mức tôi hình dung chỉ nhón chân ra chút xíu là có thể chạm được những con sóng đang rầm rì sát bên.

Múa lửa phục vụ du khách thâu đêm. Ảnh: Công Nhật

1g sáng. Đã qua ngày mới mà bãi biển vẫn đông nghịt người dẫu là ngày đầu tuần. Nhạc từ các quán bar xập xình, huyên náo cả khu vực. Đèn đường hai bên sáng choang, có thể thấy rõ vẻ mặt sảng khoái của từng tốp du khách, những cặp tình nhân dìu vai nhau qua các quán bar, cửa hàng bán đồ lưu niệm, quầy hải sản tươi... Dường như chẳng ai biết đến khái niệm ngủ vào lúc này.

Ở Boracay, các dịch vụ du lịch rất đa dạng. Ảnh Công Nhật

Bất ngờ với “mỹ nhân ngư”

Nhiều người ví Boracay hệt như “mỹ nhân ngư”, nhất là khi được khoe mình dưới cái nắng óng ánh đầu hè. Quả thật tôi đã bị “đứng hình” ngay khi bước chân ra White Beach vào bình minh hôm sau. Bờ cát trắng mịn ôm ấp từng con sóng xanh biếc vào lòng.

Trên cao là hàng dừa xếp hàng thẳng tắp, vươn mình tạo bóng râm cho những chiếc ghế bố được đặt dọc bờ biển. Bãi biển ở đây rất sạch, không hề thấy rác. Tất cả du khách khi đến Boracay đều bắt buộc phải đóng phí môi trường (75 peso) tại cảng Jetty Port. Hầu hết khách sạn đều có treo bảng nghiêm cấm xả rác ở biển, và người dân cũng ý thức được giữ biển sạch đẹp thì mới giữ chân du khách.

Có một điều du khách luôn phải nhớ rằng ở Boracay mua cái gì cũng phải trả giá, từ hải sản đến đồ lưu niệm, tour du lịch biển... Sau khi mặc cả, tôi có được một tour du lịch biển nguyên ngày với giá 1.800 peso (100 USD tương đương 4.400 peso), giá lúc “chào hàng” là 5.500 peso!

Tour đi đảo lúc được “chào hàng” có 12 người, nhưng thực tế là hơn 20 người. Người đông, thuyền khởi hành trễ hơn so với dự kiến nên nhiều người nhăn mặt, than phiền. Không khí càng căng thẳng hơn khi một số người biết mình bị “hớ”, giá mua tour cao hơn nhiều so với những khách khác.

Nhưng chỉ dăm phút sau, khi ngồi giữa lòng biển và đón nhận những đợt sóng bắn tung tóe vào mặt, sự phấn khích khiến những cái nhíu mày dần giãn ra.

Boracay thu hút khách du lịch hàng đầu của Philippines - quốc gia có hơn 7.000 đảo này. Vì thế đây cũng là “thiên đường” cho những đứa trẻ đến kiếm tiền từ du khách. Peny, 14 tuổi, còi cọc, đen nhẻm, sinh ra và lớn lên ở Boracay, làm nghề dắt ngựa đưa du khách đi dạo. Một tiếng 1.000 peso, số tiền tip cho người dẫn ngựa chỉ có 60 peso (khoảng 27.000 đồng).

Một trong những dịch vụ phổ biến nhất tại Boracay là matxa “lộ thiên” dọc bờ biển. Chỉ cần bỏ ra 350 peso (bảng giá treo công khai) là du khách sẽ được matxa trong một giờ. Không có váy ngắn cũn cỡn, áo bó... mà chỉ có những người phụ nữ cục mịch, vẻ mặt khắc khổ, áng chừng đều trên 50 tuổi.

Mát xa lộ thiên. Ảnh Công Nhật

Ghế bố cho người nằm matxa được đặt dưới chiếc dù to. Nhưng các du khách Tây lại thích nhích ghế ra khỏi dù để tranh thủ... nhuộm da. Và hai người phụ nữ matxa vừa phải gồng mình day ấn vừa tìm cách né cái nắng mà chỉ có dân Âu, Mỹ mê.

Mặc cho âm thanh xập xình, náo nhiệt hai bên đường, đâu đó vẫn có những đứa trẻ đen nhẻm, lem luốc cuộn tròn mình trên cát ngáy đều. Có lẽ đêm qua chúng phải thâu đêm vì cuộc mưu sinh. Chỉ khi có tiếng leng keng vang lên từ chiếc lon bên cạnh, chúng mới giật mình rồi trở mình...

Chuyện dọc đường:

Xoay xở khi mất hành lý

Không ít người khi đi du lịch, ra nước ngoài bị mất hành lý vì nhiều lý do khác nhau. Cách đây không lâu, trên đường về Việt Nam sau chuyến công tác tại New Zealand, quá cảnh tại sân bay Auckland tôi không tìm thấy vali của mình ở băng chuyền. Tôi cần lấy vali ngay vì chỉ sau vài tiếng nữa chuyến bay từ Auckland về Malaysia sẽ cất cánh.

Lúc ấy tôi rơi vào hoảng loạn. Không tìm thấy vali, tôi khai báo với hãng hàng không về sự cố ngay tại sân bay. Họ hứa với tôi rằng khi tìm thấy chiếc vali, họ sẽ gửi ngay về Việt Nam. Tôi đành chấp nhận tình huống và ra về với một túi xách tay nhẹ bên mình.

Suốt mấy tuần sau đó không có tin tức gì về chiếc vali. Cuối cùng, sau hơn một tháng trao đổi với hãng hàng không, tôi được đền bù một số tiền được quy định theo luật hàng không về mất hành lý đối với hành khách không mua bảo hiểm du lịch.

Câu chuyện để lại cho tôi một bài học quan trọng khi đi lại bằng máy bay. Không bao giờ để đồ đạc có giá trị trong vali ký gửi mà phải mang theo trong túi xách tay. Luôn luôn mang đồ dùng thiết yếu trong túi xách tay, bao gồm đồ vệ sinh cá nhân, các thiết bị điện tử, tiền mặt, thẻ tín dụng và áo khoác.

Điều quan trọng là phải giữ lại các hóa đơn mua sắm ở nước ngoài ít nhất cho đến khi về nước, vì hãng hàng không sẽ yêu cầu bạn trình các hóa đơn để làm bằng chứng cho giá trị đồ đạc trong vali ký gửi bị mất, từ đó xác định mức đền bù. Thứ nữa, với những chuyến bay dài và cần mang nhiều đồ, bạn nên mua bảo hiểm du lịch, trong đó có điều khoản đền bù trong trường hợp mất hành lý (bên cạnh các điều khoản đền bù khác...).

Chi phí mua bảo hiểm du lịch không quá cao, đổi lại bạn có được cảm giác an tâm hơn cho mỗi chuyến bay dài.

MINH THI

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận