TTCT - Chưa giàu có, nhưng VN đang làm thế giới ngạc nhiên vì khả năng tiêu dùng những món hàng xa xỉ. Chúng ta đang vay tiền và bán tài nguyên để trình diễn lối sống như những người giàu có?

Nỗi băn khoăn của bạn đọc Viên Thông được chọn mở đầu loạt bài mới cho chuyên mục Câu chuyện cuộc sống kỳ này. Mời các bạn cùng tham gia. Tin bài xin gửi về ttcn@tuoitre.com.vn, mục Câu chuyện cuộc sống.

Phóng to

Chưa giàu có, nhưng VN đang làm thế giới ngạc nhiên vì khả năng tiêu dùng những món hàng xa xỉ. Thống kê những bài viết được đọc nhiều nhất trên báo mạng sẽ thấy phần lớn là tin về xe hơi đắt tiền, nhà cửa, quần áo, trang sức của các loại “sao”. Những phát ngôn hợm hĩnh, gây sốc về tiền bạc, tài sản của các nhân vật “nổi tiếng” tràn ngập trên báo lá cải, và được nhiệt tình tung hứng trong sự tham gia sôi nổi của dân chúng. Chúng ta đang vay tiền và bán tài nguyên để trình diễn lối sống như những người giàu có.

Các loại “sao” mới

“Điều cần nói là lớp thanh niên ngày nay sẽ nói như thế nào khi nền văn hóa của họ bị “bán tuốt” ngay khi họ đang sống với nền văn hóa ấy?... Bản sắc của một thế hệ gần như là một món hàng được đóng gói sẵn, và việc tìm kiếm bản ngã luôn được tạo ra bởi một lối tiếp thị thổi phồng... Sự mất đi không gian xảy ra bên trong từng cá nhân mỗi người. Đó là quá trình “thực dân hóa” không chỉ về thực thể mà cả về không gian tinh thần...”.

Mối quan hệ cá nhân trong xã hội hiện nay dường như được xác lập thông qua trao đổi hàng hóa. Hàng hóa trở thành đại diện cho con người, và chúng ta chỉ cần quan hệ với nhau thông qua những hàng hóa - vật thể ấy như đại biểu cho mình. Hàng hóa cùng với định chế sản xuất hàng hóa đã đứng trung gian ngăn cản mối quan hệ trực tiếp giữa những cá nhân. Khi con người quan hệ với nhau, đánh giá nhau thông qua hàng hóa, tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả họ bất chấp tất cả để có được hàng hóa cần thiết.

Ảo tưởng về giá trị có được khi sở hữu hàng hóa làm nhiều người mất đi ý thức tự do lựa chọn hành động của mình. Món hàng đó có thể là xe hơi, nhà cửa, tiền bạc, chứng khoán... và thậm chí là bằng cấp giả. Không cần biết là thật hay giả, có được bằng cách nào, nhưng người ta tin rằng chúng sẽ giúp họ có được vị thế tốt hơn trong xã hội.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sùng bái hàng hóa ngày càng gia tăng. Người ta chơi với nhau vì cùng đam mê một loại điện thoại, tôn trọng nhau vì ở một căn nhà đắt tiền, đánh giá sự thành công dựa theo thu nhập, sợ hãi người khác vì họ đi trên chiếc xe hơi trị giá hàng triệu USD.

Rất nhiều nhãn hàng xa xỉ như Porsche, LV, Hermes... đã có cửa hàng tại VN, thỏa mãn nhu cầu dùng hàng hiệu để xây dựng hình ảnh cá nhân của những người Việt mới thoát khỏi đói nghèo chưa lâu. Bạn vẫn chưa tin ư? Thì đấy, hãy nhìn những đám cưới tốn kém hàng triệu USD, những “người nổi tiếng” của giới showbiz Việt hằng ngày khoe các món hàng đắt tiền trên mặt báo.

Những năm trước đổi mới, các nghệ sĩ VN nổi tiếng và được yêu mến nhờ những vai diễn của mình. Ai cũng nhớ đến một Trà Giang đại diện cho hình ảnh phụ nữ VN thời chiến tranh chống Mỹ, một Chánh Tín tài hoa qua nhân vật chiến sĩ tình báo cộng sản Nguyễn Thành Luân trong loạt phim Ván bài lật ngửa. Họ đã từng là những nhân vật không hề cần khoác lên người những món hàng đắt tiền, không cần đi những chiếc ôtô bạc tỉ, nhưng hình ảnh của họ vẫn còn mãi trong lòng khán giả.

Nền kinh tế thị trường sau đổi mới đã nhanh chóng sản sinh ra những loại “sao” mới, những kẻ hầu như không tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật khoa học nào, mà chỉ dùng hàng hóa, xìcăngđan và truyền thông mạng để đánh bóng hình ảnh. Không biết từ khi nào, rất nhiều cô gái đã bước vào showbiz theo một công thức có sẵn: mua danh hiệu (hoa hậu, diễn viên, siêu mẫu), cặp kè đại gia để có xe hơi và đồ dùng đắt tiền. Ngay cả giới doanh nhân cũng thấy ngạt thở với chi phí mua và “nuôi” một chiếc xe hơi đắt tiền tại VN, vậy mà có những cô gái chẳng hiểu nghề nghiệp cụ thể là gì, ngoài nhan sắc trời cho, vẫn lượn lờ quanh thành phố hằng đêm trên những siêu xe.

Không chỉ giới giải trí, trong xã hội chúng ta đang có những nhân vật nổi tiếng chỉ vì là hiện thân cho những món hàng đắt giá. Nói thế bởi không ai biết họ đang làm gì, kiếm tiền thế nào, đóng góp gì cho xã hội. Tính cách cá nhân của họ cũng không rõ ràng. Cuộc đời cá nhân và ngay cả hình thức bên ngoài của họ cũng chỉ là những hình ảnh méo mó đã được tô son trát phấn, chỉnh sửa kỹ lưỡng đến mức không còn nhiều điểm chung với sự thật.

Những vai diễn trong cuộc đời này của họ thì mờ nhạt và phản cảm. Công chúng biết đến họ chỉ qua chiếc váy vài tỉ, chiếc xe vài chục tỉ, bộ trang sức vài chục tỉ, và rất nhiều hàng hóa đắt tiền khác. Nếu tách rời khỏi những món đồ đó, xuất hiện không có hàng hóa đi kèm, có lẽ họ chẳng còn giá trị gì. Nói cách khác, bản thân các nhân vật đó đã trở thành hàng hóa.

Những “vật thể mang dáng vẻ nhân cách”

Một trong những nhân vật nổi tiếng trong giới trẻ VN những năm gần đây có cái tên gắn liền với một loại ngoại tệ mạnh, có thể nói anh ta đã là một hình ảnh sống động của sự sùng bái hàng hóa khi xã hội đã không còn khả năng phân biệt được ranh giới giữa hàng hóa và con người. Con người trở thành hiện thân nhân cách (personnification) của hàng hóa và tiền bạc. Là sản phẩm của quan hệ hàng hóa, họ đã bị cơ chế sản xuất ấy tước hết nhân cách để trở thành một hình thái vật thể mang dáng vẻ nhân cách.

Phải thừa nhận rằng chính truyền thông đã đóng góp không nhỏ trong cơn sốt sùng bái hàng hóa nói trên. Từng đôi giày, giỏ xách, chiếc nhẫn, chiếc xe của “người nổi tiếng” gần như được liệt kê để so sánh ai “hiệu” hơn ai. Những nhân vật của công chúng, từ nghệ sĩ đến doanh nhân, được quảng bá hình ảnh một chiều, che giấu các góc khuất và sự thật đằng sau cách sống, cách kiếm tiền không phải lúc nào cũng minh bạch. Để rồi vài ba tháng lại bung ra một xìcăngđan về người mẫu bán dâm, diễn viên nợ nần, doanh nhân phá sản nào đó, thì công chúng mới giật mình nhận ra rằng không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng.

Vụ nợ nần bê bối gần đây của một nữ đại gia vốn nổi tiếng với việc sở hữu những món hàng siêu khủng, làm người ta nhớ đến câu ngạn ngữ “chiếc áo không làm nên ông thầy tu”, hay nói cách khác “chiếc Roll-Royces chưa chắc đã làm nên một quý bà”. Dòng xe thượng lưu chuyên dành cho giới quý tộc phương Tây này rất được ưa chuộng tại VN, nhưng rất có thể nó sẽ là hình ảnh đại diện cho các “đại gia” trốn nợ và phá sản trong tương lai gần, cùng với cuộc khủng hoảng tài chính và đóng băng nhà đất đang lan rộng chưa biết khi nào ngừng tại VN.

Nhìn lại hàng loạt bài báo ca ngợi những chiếc xe “siêu khủng” về VN trong vài năm gần đây, thấy dường như phần lớn chủ nhân của chúng đang lâm vào nợ nần, kiện tụng, phá sản, thậm chí “xù” lương, “xù” bảo hiểm của nhân viên.

Sự sùng bái hàng hóa - từng được Karl Marx nhắc đến từ thế kỷ 19 (*) - đã làm nhiều người trở thành nạn nhân. Người ta hay bị lừa vì nhầm lẫn giữa hàng hóa và chủ nhân của nó. Hình ảnh oai vệ của chiếc Roll-Royces che giấu những món nợ khổng lồ của người ngồi trong. Những chiếc vòng hột xoàn nghe nói trị giá đến hàng tỉ đồng làm quên đi xuất xứ đáng ngờ của người đeo.

Lạm dụng hàng hóa để đánh bóng hình ảnh không chỉ xuất hiện tại VN. Các ngôi sao phương Tây cũng sử dụng hàng hóa rất đắt tiền, do mức thu nhập lên đến hàng chục triệu USD hằng năm, họ có thể sử dụng dịch vụ và mua sắm hàng hóa rất cao cấp. Tuy nhiên xã hội biết đến họ trước tiên vì tài năng, vì những đóng góp cho cộng đồng, chứ không phải qua những chiếc váy, vòng đeo cổ hay siêu xe.

Nhưng ở phương Tây cũng không ít siêu lừa, điển hình là Madoff, một nhà đầu tư tài chính đã lừa đảo hàng tỉ USD của khách hàng bằng cách giả mạo giấy tờ và trình diễn một lối sống xa hoa với những món đồ siêu cao cấp.

Tất nhiên thời gian rồi sẽ lật tẩy những gì giả mạo, không có giá trị thực. Nhưng trong một xã hội có mức thu nhập trung bình còn rất thấp như VN, thì sự sùng bái hàng hóa quá mức càng đào sâu thêm khoảng cách giàu nghèo, đưa người ta đi ngày càng xa khỏi những giá trị đích thực của chân, thiện, mỹ.

__________

(*) Mục 4: tính chất bái vật giáo của hàng hóa và bí mật của nó, trang 113, chương 1, phần 1, quyển 1 (Tư bản luận - Karl Marx), NXB Chính Trị Quốc Gia, năm 1993.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận