Hành trình cận tử (Kỳ cuối): Những số phận bị che khuất 

ĐẶNG HOÀNG GIANG 27/01/2018 18:01 GMT+7

TTCT- Trong những giấy phút cuối cùng của cuộc đời, họ vẫn có thể dẫn dắt ta đi qua những cánh cửa chật chội của định kiến, chứng minh trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình bằng tình yêu thương. Và khoảng trống mênh mông của chăm sóc giảm nhẹ ở Việt Nam – điều chúng ta nợ họ.

.

                         (Bức tranh "Pain in my heart" của Ines Klich (Đức).

Cuối tháng tư, một lần nữa tôi tới nhà Vân, lần này tôi đi cùng nhóm thực hiện chương trình Ngày mai tươi sáng của VTV1. Từ mấy năm nay, mỗi tuần một lần, chương trình kể lại câu chuyện của một bệnh nhân ung thư để “tiếp sức mạnh, nghị lực và hi vọng sống” cho những người khác.

Tôi không rõ điều gì đã khiến bố mẹ Vân xuôi lòng và chấp thuận. Họ đã thấy sự đày ải của cô lớn hơn nỗi đau của bản thân họ nhiều lần? Họ đã nhìn thấy khao khát của cô và rồi cái thương lớn hơn cái sợ?

Chúng tôi ngồi quanh bàn nước. Bố Vân ngồi đối diện, cái nhìn của ông chỉ hướng tới khách một tích tắc rồi lại trượt ra không gian đằng trước. Có những tiếng rên khá to và kéo dài vọng ra từ phòng Vân - mẹ Vân đang thay áo cho cô. Không, đó không phải là tiếng rên, nó là tiếng gầm, tiếng khóc than bị nén chặt. Giờ đây phần trên của cánh tay trái cô đã phình ra như có một quả bưởi cỡ vừa bên trong, làn da căng bóng và trắng xanh, các mạch máu chạy chằng chịt. Khó mà hình dung được là da người lại có thể đàn hồi tới như vậy.

Bỗng chốc, căn nhà trở nên đông đúc. Nhiều phụ nữ lớn tuổi, khuôn mặt khắc khổ, nắm chặt tay nhau, quan sát. Camera đang quay cảnh Vân trình bày nguyện vọng hiến tạng của mình với bố mẹ chồng, vừa nói vừa khóc. Cô xúc động thực sự.

Bố Vân buông thõng tay, đứng ngoài ngó vào phòng Vân. Tôi nhìn cái lưng lực lưỡng, hai bàn tay gân guốc và đẹp của ông và nghĩ rằng một cuộc sống có ý nghĩa là một cuộc sống mà người ta có đủ bản lĩnh để trải qua những thử thách. Ý nghĩa của cuộc sống là gì nếu như không phải là để đi qua các phép thử của Tạo hóa mà không bị phá hủy? Trong đám đông nhốn nháo, trẻ con luồn lách, những phụ nữ bấu vào nhau, mặt méo xệch, bố mẹ cô như hóa đá trên những chiếc ghế nhựa đỏ, cô đơn tột cùng.

Hôm nay Vân hoạt bát và nhanh nhẹn, khó mà hình dung là sự hoạt bát này có thể tới từ một người đã liệt tới ngực. Cô nhắc lại với tôi mong muốn hiến tim không thành của mình, theo cái cách người ta hay nói về một đam mê hay tham vọng. Lúc này Vân có trạng thái của người làm chủ cuộc sống, người đang tự tin sắp xếp cho một chuyến đi, hài lòng với bản thân, biết là cuộc sống của mình có ý nghĩa.

Dường như khi ý định hiến giác mạc của cô được lắng nghe, được chính thức hóa, được xác nhận, ghi nhận thì cô cảm thấy được trao quyền, cô thấy mình độc lập, mạnh mẽ. Tôi nhận ra rằng cảm giác mình có ích đem lại sự hài lòng và thanh thản lớn nhất cho người sắp ra đi. Mặt Vân toát lên vẻ tự hào. Cô với tay qua đầu lấy cuốn sổ để cho tôi xem bài thơ cô mới viết tặng mẹ. Nhưng cô dừng cánh tay trên không và bật ra một tiếng rên. Morphine đã bắt đầu nhạt.

Trong lúc cậu quay phim thu dọn đồ nghề, một phụ nữ có tuổi vẫy tôi lại gần, chỗ mấy bà đang ngồi im lặng quan sát. “Chú ơi, cho tôi hỏi một chút. Thế lấy giác mạc thì có phải lấy cả con mắt đi không?”. Tôi giải thích lại những gì tôi đã đọc: người ta chỉ lấy cái màng mỏng trong suốt ở đằng trước con ngươi, sẽ không nhìn thấy sự thay đổi. Một bà khác nói: “Thế thì yên tâm rồi, họ không khoét mắt đâu. Để tôi nói với bà cố của Vân, bà cố năm nay chín tư tuổi rồi, bà cứ sợ cháu mình bị khoét mắt”.

Không cần phải tới khi hai đứa con Vân lớn, điều gia đình cô lo sợ đã xảy ra. Gần như chỉ đợi xe của nhóm truyền hình lăn bánh rời đi, người trong làng đồn ầm lên là Vân bán nội tạng. Một số người tới gặp bố mẹ chồng cô, nói rằng vì cô muốn tỏ vẻ cao thượng nên làm khổ gia đình. “Cháu bị oan ức quá chú ơi - Vân viết cho tôi - Họ tìm cách để bố mẹ chồng ghét bỏ cháu”.

Hai tuần trước đó, Thúy, người vẫn an ủi khi Vân khóc cả tiếng đồng hồ trong điện thoại, từ Hà Nội vào thăm Vân. Thúy làm kinh doanh, cuộc sống bận rộn và đầy đủ. Hai người không có điểm gì giống nhau, nhưng dường như có một duyên nợ đặc biệt gắn kết họ ngay từ lần gặp đầu. Hôm đó, Thúy tặng Vân hai cái nhẫn, mỗi cái một chỉ, coi như của để dành cho hai đứa con cô. Thúy biết rằng Vân vẫn đau đáu với tương lai của chúng. Chuyện lan ra bên ngoài. Người ta bảo chắc chắn là Vân bán giác mạc. Làm gì có ai tốt tới mức đi từ Hà Nội vào để cho vàng như vậy. Lần đầu tiên trong đời Vân bị tấn công như vậy. Cô khóc nhiều và trầm hẳn đi.

Tâm trạng Vân chỉ tốt lên khi giữa tháng Năm, tụi trẻ con mang kết quả học tập về nhà. Nguyệt hết lớp hai, tuy không được ai kèm cặp nhưng nó được học sinh giỏi cấp huyện và giải ba vở sạch chữ đẹp của trường. Vân nhắn tin một mạch cho tôi, đầy hạnh phúc. Cái Bép bốn tuổi, cũng được "Bé giỏi, bé ngoan".

Tháng trước, Vân nhờ cậu em trai đóng cho cái tựa, trông giống một cái laptop bằng gỗ. Nó phải nặng tới mấy cân, nhưng cô để nó trên ngực, đặt cuốn vở lên, những khi đỡ đau thì viết lại những lời dặn dò cho hai đứa trẻ. Chồng cô tốt tính nhưng nóng nảy với chúng, ông bà hai bên thì quá chiều khiến cô không yên lòng.

Chị gái Vân từ Kon Tum hay gọi điện ra. Hai người chỉ cách nhau một tuổi nên rất gần nhau. Kon Tum là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Vân. Cô vẫn hay mở điện thoại ra xem lại ảnh và để mình trôi ngược dòng thời gian. Hai chị em hay ăn cơm cùng nhau, ôm nhau kể chuyện thời nhỏ, cho trẻ con ra cà phê hay đi hát karaoke. Hôm "Ngày mai tươi sáng" phát phóng sự về Vân, căn nhà nhỏ của chị cô ở Kon Tum chật ních hàng xóm tới xem. Vân được mọi người quý.

Một lần Vân kể cho tôi về một giấc mơ. Trong mơ, cô là một người xấu. Nhưng sau đó, Vân thay đổi được, cô làm được việc tốt. Cụ thể là gì, tôi không biết, một cơn đau kéo đến khiến Vân phải buông điện thoại, và rồi câu chuyện trôi đi. Vân chỉ viết là, trong mơ, khi cô làm được việc tốt, “nó làm cháu rất vui, cháu cười to”.

Một cô bạn thân của Vân nói với tôi là cô hay giúp người. Ở Kon Tum, thỉnh thoảng cô lại nhặt đồ trong nhà cho người khác. “Trong đó người ta còn nghèo hơn mình chú ạ”. Nhưng tôi không hình dung là nỗi lo lắng của cô rằng mình không phải là người tốt lớn tới mức nó ám ảnh cả vào trong giấc mơ.

 Một buổi chiều cuối tháng Năm, Vân gọi điện cho tôi. Hầu như Vân không bao giờ gọi điện, nên mỗi lần số của cô hiện lên, tôi lại giật mình. Có phải cô đã qua đời, và Hoàng dùng máy để báo tin?

Vân ở trong trạng thái bị kích động. Lúc này cô đã cần tới gần mười ống morphine một ngày, nhưng bệnh viện huyện, nơi Hoàng vẫn mua thuốc, khước từ bán cho cậu số lượng đó. Hoàng đã phải lùng sục cả ngày trong bệnh viện để hỏi mua thuốc thừa từ các bệnh nhân khác. Vân nói rất to và hốt hoảng vào trong máy: “Không có thuốc thì không biết cháu sống thế nào đây chú ơi”. Rồi cô bảo là mình đã bị nghiện. Hoàng nói với cô như vậy, bởi thấy cô ngáp nhiều, chảy nước mắt và bị ngứa.

Tôi vội vã lên mạng và tìm được một số thông tin tiếng Việt ít ỏi và sơ sài về việc dùng morphine cho bệnh nhân ung thư, để cho cô thấy nó không có nguy cơ gây nghiện như người ta vẫn hay đồn. Càng ngày tôi càng nhìn thấy khoảng trống mênh mông mà đáng lẽ hệ thống y tế phải lấp đầy. Những người như gia đình Vân bị bỏ rơi, không thông tin, không lời giải thích, không có thuốc, không có tiền.

Nhưng Vân không quan tâm tới những bài báo nữa, cô tiếp tục nhắn tin dồn dập, thôi thúc, khiến tôi cũng bị kích động theo. “Chú ơi, cháu không biết nói điều này với ai cả, cháu chỉ nói với chú thôi. Cháu muốn hỏi xem có cách chết nhân đạo không?”.

Tôi không được chuẩn bị cho tình huống này. Để lấy thời gian, tôi hỏi về tình trạng của Vân, và nghe những điều tôi đã biết từ lâu. Búa đập trong đầu, nhức nhối ở các khớp xương, mất ngủ ròng rã nhiều ngày đêm vì đau.

Nhưng Việt Nam chưa cho phép chết nhân đạo đâu cháu”.

Vân gửi một cái emoticon nước mắt giàn giụa.

Chú ơi, dùng thuốc ngủ liều cao cũng được phải không chú?”.

Tôi lúng túng.

Người nhà cháu có dám giúp cháu không? Hoàng đã tìm hiểu chưa?”. Cuối cùng, tôi hỏi lại. “Bác sĩ thì không ai dám giúp rồi”.

Anh ấy không dám, vì thương cháu. Nhưng cháu thật sự muốn. Chú tìm hiểu giúp cháu được không”.

Cô tiếp tục gửi những câu dài không dấu, sai chính tả, lộn xộn, không rõ nghĩa. Đại ý cô có cảm giác mọi người trong nhà đã mệt mỏi, chỉ tiếp tục bên cô vì trách nhiệm. Lần đầu tiên cô nói về hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình mình, về vùng quê nghèo của cô. Mọi người phải lo cơm áo gạo tiền, họ đã mệt mỏi lắm rồi, cô không muốn vì cô mà họ phải gồng lưng nữa.

Chú ơi - Vân tha thiết - Chú giúp cháu tìm hiểu và mua thuốc ngủ được không ạ. Cháu biết ơn chú nhiều lắm”.

Câu cuối của Vân khiến tôi bủn rủn chân tay. Tôi phải làm gì trước lời van xin này? Chưa bao giờ Vân nhờ tôi điều gì, mỗi lần ở nhà cô tôi đều phải rất chật vật mới khiến họ nhận chút tiền hỗ trợ từ tay tôi. Lời nhờ đầu tiên của Vân tới tôi cũng là lời nhờ giúp cô được chết. Tôi có thể khước từ lời cầu khẩn của một người sắp chết?

Trong một tích tắc, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ giúp cô. Tôi thấy khó khăn để tiếp tục chứng kiến sự đày ải này. Trong đầu, tôi đã hình dung ra việc mình tìm cách mua thuốc ngủ, rồi gửi vào Thanh Hóa. Nhưng rồi tôi lắc đầu xua tan hình ảnh đó. Tuy tôi cho rằng ý định của Vân là hợp lý.

Sự tủi thân trong Vân lại trỗi dậy. Có lần cô bày tỏ mong muốn mẹ ở bên mình nhiều hơn, nhưng bà còn phải lo chuyện cơm áo, bà trả lời vậy. Câu nói làm cô đau đớn. Tôi biết trong hoàn cảnh như của Vân, người ta đặc biệt nhạy cảm. “Cháu ơi, cháu hãy yêu thương và biết ơn mẹ, và không oán trách bản thân. Cháu đã làm tất cả những gì cháu có thể làm được - tôi viết cho cô - Sẽ không có ai trách cứ cháu cả”.

Nhưng Vân muốn ra đi để giải thoát cho mọi người, cô không muốn họ phải chứng kiến cô đau đớn. Nam (cậu bé trong loạt bài Hành trình cận tử kỳ trước - chú thích của BTV) cũng từng xin lỗi mẹ vì cậu làm mẹ vất vả. Khi những người sắp chết nghĩ tới người xung quanh, họ tuyệt đẹp.

Tôi nói với cô rằng không ai điều khiển được cái chết của mình.

Theo chú, giờ cháu nên làm gì ạ?”.

Đây là lần đầu tiên tôi khuyên nhủ một người cận tử, tôi cảm thấy có một trọng trách đặc biệt. “Cháu cố gắng có thuốc để giảm đau, cháu đọc kinh cho thanh thản, và gửi yêu thương tới người thân của mình - tôi cố gắng tìm những lời lẽ giản dị - Cháu không nên có cảm giác có lỗi, vì cháu không có lỗi”.

Dần dần Vân dịu đi. “Cháu cảm ơn chú”.

Những ngày tiếp theo, Hoàng trở nên căng thẳng và cáu bẳn khiến Vân sợ hãi. Chồng thuốc trên bàn càng vơi, Hoàng càng có cảm giác bị dồn vào chân tường. Cậu tiếp tục nói với Vân là cần hạn chế dùng thuốc, nếu cô không muốn thành con nghiện. Có thể cậu nghĩ thật vậy, có thể đó chỉ là cách nói để cậu giảm lượng thuốc dùng mỗi ngày. Người nhà Vân chia nhau tìm trong xã những gia đình mới có bệnh nhân ung thư qua đời, hỏi mua thuốc thừa. Hoàng nhờ người bạn làm ở hiệu thuốc báo tin nếu có ai đem thuốc tới trả. Vân liên tục gọi cho tôi, rên rỉ cầu cứu, lúng búng những câu mà tôi không hiểu.

Tôi đã quen Vân được hai tháng, hai tháng dài như cả thế kỷ. Bao giờ thì sự tra tấn này dừng lại? Vân đã mắc tội gì? Một buổi tối, tôi gọi vào máy Vân. Mẹ cô bốc máy, đằng sau bà là những tiếng rên ai oán, “Ôi mẹ ơi...”. Những âm thanh này sẽ còn đeo bám tôi dài dài như những con bướm vờn quanh đầu làm tôi chóng mặt. Đây không phải là tiếng rên bình thường nữa, nó là tiếng gầm gừ của một con thú kiệt sức. “Ôi MEEEEẸ ƠƠƠI...”. Tôi cầm chai bia lạnh áp lên trán, lẩm bẩm. “Mẹ kiếp, mẹ kiếp, mẹ kiếp...”. Tôi không muốn nghĩ gì nữa, không muốn phân tích, viết lách gì nữa. Tôi muốn buông trôi.

Người bệnh giai đoạn cuối đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ. Trời càng nóng lên thì cái đau của Vân càng mạnh. Đầu tháng 6, miền Bắc và miền Trung bước vào đợt nóng kỷ lục trong vòng bốn mươi năm qua. Hơn bốn mươi độ trong bóng râm, gần năm mươi độ ngoài nắng, gần sáu mươi độ trên mặt đường. Độ ẩm xuống dưới năm mươi phần trăm, khiến người ta có cảm giác hít lửa vào trong phổi. Nhà Vân trơ trọi trên một khu đất trống, xung quanh không một bóng cây. Mái ngói và những bức tường trở thành các lò nung. Mẹ Vân cởi hết quần áo cho Vân, đắp lên người cô mấy cái khăn mặt ướt.

Một buổi sáng, Hoàng buộc một túi đá vào trước cái quạt nhỏ ở cuối giường Vân, rồi chạy xe máy bảy mươi kilômet xuống thị xã trong khí nóng làm xây xẩm mặt mày. Ở huyện, người ta lại nói với cậu là hết thuốc, không biết bao giờ có lại. Đường phố thị xã vắng tanh, Hoàng ngồi dưới gốc cây trước cổng bệnh viện tỉnh, đợi tới giờ làm việc buổi chiều. Ở nhà, Vân há mồm thở như cá trên cạn. Không gõ được điện thoại, cô gửi cho tôi một voice message. “Chú à, nóng lắm chú ạ... Cháu mệt lắm... Cháu chả biết cháu còn được có lâu không nữa, nhưng cháu xin gửi lời chân thành cảm ơn tới chú...”.

Vân phát âm không rõ, các chữ bị dính bết vào nhau. Tôi hiểu đây là một lời chào.

Chiều hôm đó, Hoàng đã đợi vô ích, bác sĩ có thẩm quyền kê đơn morphine không đi làm. 

 
 Bức tranh In to the life của J.S.Ellington

 Ở Việt Nam có vô vàn số phận như của Vân và gia đình cô, tôi đoán vậy. Nhưng càng đi sâu vào thế giới của cái chết và sự chết, tôi càng bất ngờ trước những éo le, chúng còn kỳ lạ hơn mọi hư cấu. Câu chuyện của Hùng, một cậu bé hai mươi tuổi ở Bắc Giang, là một ví dụ.

Một cuối tuần, tôi về thăm cậu. Hùng nằm trên giường trong bộ đồng phục Man United. Tuy đã có thâm niên ba năm làm phụ nề xây dựng nhưng cậu vẫn giữ được sự trong trẻo và chưa bị cuộc đời làm thô ráp. Nhiều lúc cặp mắt sáng của cậu vẫn lóe lên hồn nhiên, xóa đi cái u ám.

Bị ung thư bàng quang từ năm 17 tuổi, cuối năm ngoái Hùng được bệnh viện trả về nhà sau khi các bác sĩ cắt bỏ bàng quang và chọc hai ống xông theo niệu quản vào bể thận để nước tiểu chảy ra. Từ đó, cậu hoàn toàn biến mất khỏi hệ thống y tế, hằng ngày lủi thủi trong căn nhà trống trơn cùng bố mẹ, hai người nông dân cũng bất lực y như cậu.

Vị trí oái ăm của khối u ở bụng khiến Hùng bị đau khi ăn vào, cái đau mà cậu mô tả là “như có con gì cắn xé trong bụng”. Để đỡ đau, cậu phải nhịn. Hùng triền miên đấu tranh giữa chịu đau và chịu đói. Ăn cũng chết mà nhịn ăn cũng chết. Cậu uống nước lọc căng bụng. Đôi khi thèm quá, cậu chén một bữa, mỡ bóng quanh mép, rồi lại hối hận ôm bụng co quắp trên giường.

Vào những đợt đau dữ dội, cậu nhịn ăn cả mười ngày. Trong điện thoại của Hà (mẹ Nam) đầy những tiếng kêu của thằng bé. “Cháu đau wá, cuống rùi. Cô ơi, cháu chừa rồi. Nhà nước thật wá đáng, để bệnh nhân đau như này mà không có tiêm chết não”.

Hùng chửi bới bố mẹ, cậu chửi cả ông trời. Năm ngoái, Hùng đeo hai cái túi xông lủng lẳng bên hông, đi xe máy ra chợ mua năm lọ thuốc chuột. Nhưng cậu không chết. Sau bốn hôm nôn và mê man thì Hùng tỉnh dậy, gọi mẹ và kêu khát. Mùi thuốc chuột ám ảnh cậu tới tận bây giờ.

Hùng ác cảm với morphine, cậu không muốn bị coi là dân chích choác. Mà kể cả có muốn dùng thì nhà cậu cũng không có tiền để mua, và cũng sẽ không mua được. Không ai trong hệ thống y tế hỏi tới cậu, dù chỉ một lần, để chỉ dẫn, giải thích, cung cấp thông tin hay an ủi. Chỉ có Hà và bạn bè chị tặng cậu cái điện thoại cũ để cậu vào Facebook, thỉnh thoảng chuyện trò cho cậu đỡ buồn, và hỗ trợ bố mẹ cậu tiền thay bông băng và ống xông hằng tháng.

Khi những cơn đau dịu xuống, Hùng ngồi ngoài sân ban đêm với ấm trà và điếu thuốc, ngắm sao cho tới khi gà gáy, cố quên đi cái đói. Trong giấc ngủ chập chờn vào tảng sáng, cậu liên tục mơ thấy được ăn uống. Trong mơ, mọi thứ sống động, thật hơn cả thật, thơm ngon rực rỡ, khiến cậu ngơ ngác hồi lâu khi tỉnh dậy. “Ơ, ơ, sao lại không có gì thế này?”.

Hùng kinh ngạc trước số phận oái ăm của mình, “Cháu chưa thấy ai phải nhịn ăn để chết như cháu - cậu nói - Cháu thấy tù nhân trước khi chết cũng được ăn no mà!”.

Cái đau làm người ta không biết trốn đi đâu được. Nhiều người sợ đau hơn sợ chết”. Bác sĩ Đoàn Lực nói, trong một buổi chiều đầu hè. Bên ngoài, tấm thảm âm thanh của hàng ngàn con ve sầu dâng lên hạ xuống mềm mại. Là trưởng khoa chống đau của Bệnh viện K, ông là một trong những người đầu tiên được tiếp cận lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư. Tôi gặp ông để tìm hiểu về hiện trạng ở Việt Nam, không ngờ rằng có ngày ông sẽ đóng một vai trò trong câu chuyện của Vân.

Ở giai đoạn cuối, trọng tâm của các can thiệp không nằm ở chữa bệnh nữa, mà hướng tới việc giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống cao nhất trong thời gian còn lại của họ. Ở các nước phát triển, sẽ có một nhóm liên ngành làm việc này. Nhân viên xã hội giúp người bệnh giải quyết khó khăn tài chính, hướng dẫn hoàn thành các thủ tục giấy tờ, hỗ trợ tổ chức sinh hoạt hằng ngày. Chuyên gia tâm lý tháo gỡ các lo lắng, băn khoăn trong tâm tư, tình cảm. Giáo sĩ hay nhà sư giúp người bệnh có sự thanh thản tâm linh và tìm được ý nghĩa trong cái chết của mình. Bác sĩ và điều dưỡng đưa ra các biện pháp kiểm soát đau và các triệu chứng khác như nhiễm trùng, khó thở hay nôn. Tất cả là để hướng đến “the good death”, một cái chết thanh thản, nhẹ nhàng về thể xác, yên ổn về tinh thần. Ngược với nó là “cái chết thảm”, theo chữ của bác sĩ Việt Hương, những cái chết trong đau đớn, trong nỗi canh cánh cho người ở lại, trong sự khánh kiệt. Ở Việt Nam, chúng xảy ra hằng ngày, hằng giờ, trong bóng tối, không có cái nhìn nào của xã hội soi rọi vào.

Ở Việt Nam, những người như bác sĩ Đoàn Lực lẻ loi. Không chỉ trong xã hội, kể cả trong giới chuyên môn, sự hiểu biết về chuyên ngành này còn vô cùng hạn chế. Tôi kể cho ông câu chuyện của Vân và Hoàng và cuộc khủng hoảng morphine của họ. “Có cách nào giúp đỡ họ được không anh?”.

Bệnh viện K có thể kê đơn, ông nói, nhóm lên trong tôi một tia hi vọng. Nhưng bệnh nhân cần vào viện để bác sĩ nhìn thấy, ít nhất là cho lần kê thuốc đầu. “Quy định của Nhà nước để lập hồ sơ. Yêu cầu pháp lý”.

Nhưng làm sao những người như cô Vân có thể ra Hà Nội để bác sĩ thấy hiện trạng và kê đơn? - tôi kêu lên - Chỉ cần lật nghiêng người để lau chùi đã khiến cô ấy đau tới mức la hét”.

Mà Thanh Hóa thì quá xa cho chúng tôi”, ông Lực nói khẽ, quá xa để người của ông có thể tới. “Còn nhiều cái bất cập lắm anh ơi”.

Vài tháng sau đó, tôi có dịp chuyện trò về chủ đề này với Eric Krakauer. Krakauer là phó giáo sư chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ của Trường đại học Harvard và đã lăn lộn nhiều năm để giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông vẽ một bức tranh toàn cầu khiến tôi choáng váng: Kiểm soát đau được coi là một quyền con người, và morphine nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành, nhưng 80% dân số thế giới, thường tập trung tại các quốc gia nghèo, không nhận được các biện pháp giảm đau thích hợp. Các nước phát triển chỉ chiếm 17% dân số thế giới, nhưng tiêu thụ tới 94% tổng số thuốc opioid (thuốc có chất thuốc phiện) toàn cầu.

Ông Krakauer nói về chứng opiophobia, tâm lý sợ thuốc phiện, phổ biến tại Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác. Cả cán bộ quản lý lẫn người dân, những người như Hùng, như Vân, ác cảm và sợ hãi với morphine. Dư luận cho rằng nó gây trầm cảm, gây nghiện, và dưới tác động của truyền thông, liên tưởng ngay tới các tệ nạn xã hội, xã hội đen và các thành phần vô đạo đức khác. Các bác sĩ hạn chế kê đơn morphine, do đó Nhà nước không nắm được nhu cầu thực tế, dẫn tới khối lượng nhập khẩu thấp, dẫn tới việc thiếu morphine để bán, điều mà Hoàng thường xuyên gặp ở huyện của cậu. Năm 2004, Việt Nam chỉ xếp thứ 122 trong 155 quốc gia về khối lượng sử dụng morphine cho mục đích y tế. Lo ngại về việc morphine bị dùng sai mục đích, người ta đưa ra những quy định khắt khe về kê đơn, chấp nhận hi sinh những bệnh nhân như Vân. Nhưng điều đó chỉ làm béo bở cho những kẻ cung cấp hàng ở chợ đen. Một người nhà bệnh nhân nói với tôi rằng ở cổng Bệnh viện K, cô phải trả hai trăm nghìn cho mỗi ống, gấp hai mươi lần giá trong hiệu thuốc cách đó mấy chục mét. Ở vùng quê, nhiều người tìm tới thuốc phiện đen, biết rằng mình có thể vướng vào vòng lao lý.

Trong ngành, người ta gọi những người như Vân, như Hùng, những người cần tới chăm sóc giảm nhẹ mà không được biết tới, là “những mảnh đời nằm trong bóng tối” - hidden lives. Bên ngoài phòng làm việc của bác sĩ Đoàn Lực có một cái apphich đã bạc màu vì nắng. “Không một ai là vô hình!”. Nó chạy khẩu hiệu, và cung cấp thông tin: 6% những người cần tới chăm sóc giảm nhẹ cuối đời là trẻ em. Hãy hình dung, chúng bị đau như Vân, như Hùng, chỉ khác là chúng tám tuổi, bốn tuổi, hai tuổi.

Ông Krakauer say mê trình bày. Tôi được nghe từ một bác sĩ trẻ, người đã tham gia một số lớp học do ông tổ chức ở Việt Nam, là “thầy Eric có một lời thề với một bệnh nhân ung thư Việt đã qua đời”. Ông thề là ông sẽ làm việc để giảm đau đớn cho các bệnh nhân ở đây.

Trở ngại mang tính cấu trúc lớn nhất ở Việt Nam hiện nay là hệ thống y tế cộng đồng, cấp xã, cấp thôn, chỉ tập trung vào phòng bệnh, còn chữa bệnh thì để cho cấp huyện trở lên. Việt Nam chưa đưa chăm sóc giảm nhẹ vào mạng lưới y tế cộng đồng, trong khi đa số những người có nhu cầu, những người bệnh giai đoạn cuối, lại ở nhà.

Trong hình dung của ông Krakauer về một tương lai tốt đẹp, các nhân viên y tế cộng đồng đến nhà thăm người bệnh, giống người ta vẫn tới để tuyên truyền về việc phun thuốc muỗi. Họ xác định nhu cầu morphine, gỡ bỏ những e ngại và định kiến nếu có, báo lên cấp huyện để bệnh nhân được kê đơn và người nhà có thể mua được mà không phải đi quá xa, hướng dẫn cách dùng morphine hợp lý, điều chỉnh liều lượng khi các triệu chứng thay đổi.

Sau nửa ngày đào tạo là các nhân viên y tế cộng đồng đã có khả năng làm những việc này”. Ông không mệt mỏi nói với các quan chức Bộ Y tế. Hầu hết các cơn đau, các triệu chứng đều có thể được chữa trị hiệu quả với những loại thuốc rất đơn giản và rẻ tiền mà người sử dụng không cần phải được hướng dẫn nhiều. Theo kiến nghị của WHO, các huyện không bao giờ được hết morphine. “Đây là một loại thuốc rất rẻ” - ông nhấn mạnh lần nữa.

Tôi kể lại hình ảnh Hùng ngồi ngoài sân ban đêm, ngắm sao cho quên cơn đói. Ông Krakauer buồn bã lắc đầu: “Không thể chấp nhận được... Họ không cần phải chịu đau đớn như vậy”. 

.

(Tranh của họa sĩ người Mỹ Nancy Eckels)

Sau lần gặp đầu tiên, tôi không buông tha ông Lực. Tôi năn nỉ, tôi gửi phóng sự VTV1 về Vân cho ông. Một tuần sau, ông đồng ý để Hoàng lên Hà Nội gặp, ông sẽ xem xem “có làm được gì không”.

Tôi đón Hoàng ở bến xe Mỹ Đình. Sáng hôm đó, một cơn mưa đầu hạ trút xuống thành phố, không quá lâu nhưng cũng đủ cho đường phố Hà Nội ngập và đầy ứ xe cộ. Một tay Hoàng cầm cái phong bì nhựa đựng giấy xuất viện của Vân cùng tờ xác nhận của xã là cô còn sống, tay kia là túi nem chua, quà của gia đình Vân cho tôi. Ngồi trong phòng của ông Lực, cậu trình bày về hoàn cảnh của mình, ngắc ngứ vì quá hồi hộp trước giây phút quyết định này. Tôi ngồi cạnh, căng thẳng. Ông Lực ký cho cậu một tờ giấy giới thiệu, bằng một nhát bút, kéo Vân và gia đình cô ra khỏi cửa địa ngục. Ba tiếng sau, Hoàng rời phòng phát thuốc, tay ôm sáu mươi ống thuốc trong lòng như một món đồ quý giá. Từ nay, cứ mười ngày cậu lại phải lên Hà Nội một lần để mua cho đợt tiếp theo, nhưng cậu không có lựa chọn nào khác. Ở cổng bệnh viện, Hoàng gọi cho Vân, giọng dịu dàng và hạnh phúc: “Được rồi em ạ”. Đứng bên cạnh, tôi có cảm tưởng đang nghe một đôi vợ chồng trẻ nói chuyện về việc xin học cho con. Cảm giác vui vẻ, được giải tỏa, tự hào vì thắng được nghịch cảnh, lây sang tôi. Cho tới khi tôi nhận ra Vân vẫn đang sắp chết.

Elisabeth Kuebler-Ross nói rằng sự chết cho người ta cơ hội cuối cùng để lớn lên, để trưởng thành. Những ngày cuối đời, giống như cảnh kết của một bộ phim, có thể đem lại ý nghĩa cho tất cả những gì xảy ra trước đó. Điều đó đã xảy ra với Vân. Trong bốn mươi tuần cuối cùng của mình, Vân đã chuyển hóa từ một cô gái thôn quê chưa học hết phổ thông, lặng lẽ, nhút nhát, thành một con người độc lập và quả cảm. Thuyết phục được gia đình đứng sau mình trong mong muốn hiến giác mạc, một việc tiên phong ở môi trường của cô, cô đã thay đổi cả những người quanh mình, cùng họ vượt qua sự sợ hãi và nỗi đau của bản thân, vượt lên những dị nghị, đàm tiếu xung quanh. Nằm trên giường, nhưng cô đã dẫn dắt mọi người trong nhà bỏ lại sự chật chội của định kiến, hé mở một cánh cửa để họ thấy rằng có thể sống cuộc đời theo một cách khác.

Vân và Hoàng cũng đã chứng minh rằng trong hoàn cảnh khốn cùng nhất, người ta vẫn có thể đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của mình bằng tình yêu thương. Khi tôi mới quen Vân, cô buồn bã cho rằng mình đã thất bại trong hôn nhân. “Cháu đã từng nói với chồng là sẽ làm gia đình mình hạnh phúc, nhưng không ngờ kết hôn rồi mới biết hai vợ chồng không hiểu tính nhau. Cháu luôn cảm thấy mình nói mà không làm được”. Nhưng tuyệt vời thay, bệnh Vân càng nặng thì tình cảm của hai người lại càng gắn bó. “Em thương anh lắm nhưng biết làm sao được, em phải đi rồi”. Tình yêu của hai người đã được nuôi dưỡng bởi sự kiên cường của Vân và lòng kiên nhẫn khổng lồ của Hoàng. Trong chín tháng, Hoàng đã lau chùi cho Vân hàng trăm lần, tiêm thuốc cho cô hàng ngàn lần, xoa bóp cho cô hàng ngàn giờ. Cậu đã trải qua phép thử khổng lồ của cuộc đời với tất cả lòng tự trọng và phẩm giá.

 
 

 Vân đã qua đời vào đầu tháng 10-2017, hai tháng trước khi cô tròn 28 tuổi. Mong ước hiến tạng của cô đã được gia đình thực hiện. Hiện nay, giác mạc của cô đang đem lại ánh sáng cho hai người đàn ông, một ở Nghệ An và một ở Hà Nội.

Sau giỗ 49 ngày của Vân, Hoàng bắt đầu làm phụ xây dựng tại các công trình trong huyện. Hai đứa trẻ chủ yếu sống với ông bà. 

 

Có một điều quan trọng nữa để người ta có thể đến được một cái chết thanh thản, giáo sư Eric Krakauer chia sẻ. Đó là khả năng bày tỏ lòng biết ơn và tình thương của người ra đi với người ở lại, để cả người đi và người ở khép lại một cách hoàn chỉnh và trọn vẹn quan hệ của mình.

Trước kia Vân không dám thổ lộ tình cảm của mình với mẹ. Cô vốn kín đáo, nhà lại đông anh em, mà hầu như bố mẹ cô không có mặt ở nhà. Không có ai hướng dẫn cho cô, nhưng tới cuối đời, cô thay đổi.

Một hôm, cô nói với mẹ:

Mẹ ơi, mẹ ôm con đi”.

Mẹ Vân nằm xuống, vòng tay nhè nhẹ qua người cô, bà sợ cô đau.

Mẹ ơi, mẹ nằm sát vào con đi. Không việc chi mô mẹ à”.

“Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ”, Vân lại nói.

Con xin lỗi cái chi? Cái chi mà xin lỗi? Con cố gắng sống nha”.

“Con thương mẹ lắm... Con thương mẹ lắm...”.

“Con thương thì con để ở đâu?” - mẹ Vân vừa khóc vừa cười.

Con để trong bụng” - Vân cũng cười, hạnh phúc như một đứa trẻ.

Mẹ ở nhà cũng đau đớn lắm. Nếu mà con đi Tây Phương cực lạc thì con mang điện thoại, con điện về cho mẹ nha”.

“Con không mang mô, con để điện thoại cho mẹ đó”.

“Thế thì thôi, con đi trước rồi mẹ đi sau nha”.

“Mẹ không đi được đâu. Con về phù hộ cho mẹ. Mẹ sống mà hưởng tuổi già thôi. Mẹ không đi được đâu”.

Vân với tay lấy cuốn sổ đưa cho mẹ, nó hơi dính máu. Trong đó có bài thơ cô đã viết dặn dò mẹ từ hồi mùa xuân:

“...Con của mẹ sẽ về chốn bồng lai

Sống cuộc sống chu du tự tại

Ơ nơi đó có non sông hùng vĩ

Cánh đồng hoa trải khắp ngôi nhà con

Và ở đó con không còn lo nghĩ

Đến trần gian lắm đỗi muộn phiền

Mẹ ơi mẹ! Mẹ yên tâm mẹ nhé

Đừng lo cho con gái mẹ nữa mà

Mẹ thương con, con xin mẹ hãy nhớ

Con gái mẹ vẫn ổn mẹ à...”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận