Hành trình từ cờ vua tới sinh học

HUY ĐĂNG - TẤN PHÚC 18/11/2017 17:11 GMT+7

TTCT - Những tấm huy chương ở các kỳ thi quốc gia, Olympic quốc tế, những thủ khoa đại học rồi học bổng trăm ngàn USD..., “bảng vàng” của ngôi trường danh tiếng Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM) tưởng chừng không thể bổ sung thêm thành tích nào nữa, cho đến khi cậu học trò 15 tuổi Nguyễn Anh Khôi xuất hiện...

Anh Khôi và mẹ tại Giải cờ vua trẻ thế giới 2017. -Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Khôi và mẹ tại Giải cờ vua trẻ thế giới 2017. -Ảnh: Nhân vật cung cấp

 Hôm 6-11, sau buổi lễ chào cờ ở Trường phổ thông Năng khiếu (PTNK), thầy hiệu phó Nguyễn Thanh Hùng mở đầu cuộc trò chuyện với học sinh bằng câu hỏi: “Ngày mai là kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, các em có biết vì sao gọi là Cách mạng Tháng Mười nhưng lại ở tháng 11 không?”.

Thủ khoa lớp chuyên, xin sang lớp thường

Từng có thời gian dài học ở Nga, thầy Thanh Hùng vẫn thường chia sẻ với các học sinh của mình về nền văn hóa của quốc gia này, nhưng câu chuyện dưới cờ của ngày hôm đó dẫn đến một câu chuyện cụ thể.

Nước Nga không chỉ có một nền văn hóa lâu dài, trong thơ văn, trong khoa học mà còn có truyền thống cờ vua hùng mạnh với rất nhiều kỳ thủ lừng lẫy, từ Mikhail Botvinnik, Boris Spassky cho đến Anatoly Karpov, Garry Kasparov... Cờ vua là một môn thể thao thú vị. Hôm nay, tôi muốn gửi lời chúc mừng đến một kỳ thủ cũng rất nổi tiếng ở trường chúng ta...”.

Người mà thầy Thanh Hùng nhắc đến chính là kỳ thủ 15 tuổi Nguyễn Anh Khôi - vừa trở về từ Hi Lạp sau khi đoạt 2 chức vô địch lứa tuổi U-16 ở Giải cờ vua nhanh và chớp nhoáng thế giới năm 2017.

Bất ngờ được thầy hiệu phó nhắc tới, Anh Khôi - khi ấy đang phải đứng ở góc sân vì... đi trễ không khỏi một phen đỏ mặt, và một tràng cười rộ cả sân trường. Trong mắt bạn bè ở PTNK, Anh Khôi vẫn thường là đối tượng để trêu chọc, không phải vì sự nổi tiếng mà chủ yếu bởi thành tích “nghỉ học” đặc biệt nhiều của mình.

Câu chuyện của một Anh Khôi luôn giữ thành tích học tập hàng đầu lớp đã song hành cùng sự nghiệp cờ vua của em suốt nhiều năm qua, từ khi Khôi còn là một học sinh cấp I, rồi cấp II. Nhưng càng đi lên chuyên nghiệp, việc tập luyện, thi đấu càng tiêu tốn thời gian hơn.

Vậy nên, dõi theo em một thời gian, tôi bất ngờ khi cách đây vài tháng nghe tin Anh Khôi thi đậu vào Trường PTNK. Không chỉ vậy, Khôi đậu thủ khoa lớp chuyên sinh.

Có con vào được lớp chuyên của PTNK là mơ ước của rất nhiều phụ huynh ở Sài Gòn. Nhưng ngay sau khi có kết quả thi, chị Thanh Thảo - mẹ Khôi lại lên xin ban giám hiệu cho con được chuyển xuống lớp thường.

Thầy Thanh Hùng kể đó là trường hợp lần đầu xuất hiện ở PTNK, chưa có quy chế nào cho việc này. Nhưng rồi Khôi nhận được đặc cách. “Tôi sợ con mình không theo kịp chương trình lớp chuyên vì Khôi còn phải dành nhiều thời gian cho cờ vua. Khôi theo lớp thường là tôi cũng hơi lo rồi, vì các bạn ở PTNK nổi tiếng học giỏi” - chị Thảo nói.

Nhưng sau 3 tháng nhập học, nỗi lo của chị vơi đi đáng kể. Bảng điểm của Khôi - dù vẫn còn thiếu một số cột điểm do kiểm tra muộn, vẫn rất ấn tượng với điểm trung bình 9,2. Ở PTNK, đó là một con số rất cao. Nhưng, “ấn tượng” hơn cả là trong học kỳ 1, Khôi nghỉ sơ sơ có... 1 tháng!

Thầy HÙng chúc mừng Anh Khôi

 Như cá gặp nước

“Môn nào Khôi thấy khó nhất khi theo học ở trường, với việc phải nghỉ học thường xuyên vậy?”. “Mấy môn cần chép bài nhiều như văn, mỗi lần nghỉ em lại bị dồn bài rất mất thời gian, phải có bạn cho mượn tập nữa” - Khôi cười trả lời.

Thầy Vương Trung Dũng - giáo viên dạy toán, chủ nhiệm lớp 10A của Anh Khôi - nhận định về cậu học trò nổi tiếng: “Hồi Khôi mới vào trường, tôi cũng e ngại em nghỉ học nhiều quá nên sẽ không theo kịp bài. Nhưng khi tôi hỏi về bài vở xem em hiểu tới đâu, Khôi đều nắm được hết, phải nói là Khôi rất thông minh. Nhưng quan trọng hơn cả là phong cách nghiêm túc, đĩnh đạc của Khôi khiến tôi rất có lòng tin về em”.

Nhìn vào phong cách đánh cờ của Anh Khôi, người ta có thể mường tượng cách học của em. Khôi ngồi trên bàn cờ rất thoải mái, tưởng chừng em đang đấu vui với bạn bè, nhưng thực chất đó lại là một trận tranh HCV.

Chuyện học của Khôi cũng vậy. Hỏi em có bí quyết cụ thể gì để học giỏi thì Khôi cười thật thà: “Em không biết nói sao”. Nhưng nói đến cách dạy học ở PTNK thì kỳ thủ 15 tuổi hào hứng:

Ở đây, cách dạy của các thầy cô rất thoải mái. Tuy cũng là trong sách giáo khoa nhưng thầy cô thường hay mở rộng bài giảng ra những chủ đề rộng hơn, thực tiễn hơn. Có thầy lên lớp mà không cần mang theo giáo án gì cả, khi trao đổi học sinh cảm thấy rất thoải mái, tự do”.

Là ngôi sao thể thao hàng đầu VN, Anh Khôi thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Nhưng trong một ngôi trường của những thủ khoa, những học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế, thành tích cờ vua của Anh Khôi lại không thực sự thu hút sự chú ý.

Chàng kỳ thủ 15 tuổi thích thú với chuyện này: “Bạn bè chỉ để ý em vì em nghỉ học nhiều quá, nên khi đi học lại em thường bị chọc ghẹo, đòi quà, chứ các bạn gần như không hỏi han chuyện em thi đấu cờ vua bao giờ”.

Trong học tập, không có đặc cách nào cho Anh Khôi, ngoại trừ chuyện được nghỉ học khi đi thi đấu. Em phải “trả nợ” mọi bài kiểm tra. May mắn là việc “trả nợ” được tiến hành rất linh động, khi thì làm bài, khi thì kiểm tra dưới dạng vấn đáp. Những hình thức thi cử sáng tạo như vậy càng kích thích hứng thú cho Khôi.

Anh Khôi là trường hợp VĐV cấp quốc gia đầu tiên của nhà trường, chúng tôi vì thế chưa có một quy định cụ thể nào cho em. Nhưng phong cách dạy và học ở Trường PTNK thì trước nay vẫn vậy, các giáo viên luôn được ủng hộ phương pháp dạy học sáng tạo.

Chẳng hạn, Khôi được cho thi vấn đáp vì đó là hình thức hết sức quen thuộc của ĐH ở nước ngoài. Thi vấn đáp như vậy càng dễ kiểm tra khả năng nắm bắt vấn đề của học sinh tốt hơn - thầy Thanh Hùng nói - Khôi đã là một kỳ thủ đạt đến đẳng cấp như thế thì khả năng tự học của em cũng rất tốt, các giáo viên vì thế sẽ có phương pháp định hướng cho Khôi để em tự học và sẵn sàng hỗ trợ em nếu em cần được học kèm thêm”.

Anh Khôi chơi cờ rất thoải mái, kể cả trong thi đấu

 Tự học mà thành

Mẹ Khôi cho biết Khôi chỉ phải đi học thêm môn văn vì đây là môn yếu nhất của em. Hoàn toàn tự học từ những năm cấp I, em học đều ở tất cả các môn.

Tinh thần tự học ấy dẫn em tới những quyết định... không giống ai. Lớp 9, Khôi từ chối tất cả khi được các thầy cô gọi vào đội tuyển toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh... “Tôi gặng hỏi con lý do không vào đội tuyển, Khôi nói con không thích vì vào đội tuyển các môn kia đều phải đi học luyện” - chị Thảo kể lại cái tính “gàn” của con trai mình.

Cuối cùng, Khôi chỉ chấp nhận thi môn kiến thức tổng hợp thực tiễn - môn học bao gồm kiến thức của toán, lý, hóa, sinh, tiếng Anh... vì môn này nhà trường không tổ chức học thêm. Em đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi thành phố năm đó.

Càng tìm hiểu đầy đủ bảng thành tích học tập ấn tượng của Anh Khôi, tôi càng không khỏi băn khoăn: cờ vua liệu có phải là con đường duy nhất thích hợp với cậu học trò tài năng này? Hóa ra, đây cũng là câu hỏi mà chính Khôi lẫn ba mẹ em đang phân vân.

Giành hàng loạt chức vô địch trẻ thế giới, đạt cấp kiện tướng quốc tế, Anh Khôi cho đến lúc này vẫn kiên định với mơ ước trở thành bác sĩ của mình. Những lúc rảnh rỗi, tìm tòi các kiến thức khoa học là thú vui của Khôi, chứ không phải mày mò trên bàn cờ.

Mới lần đi Hi Lạp gần đây, tôi liếc mắt xem Khôi thường hay search gì trên Internet, thấy cu cậu toàn xem nào lượng tử, nào quang học, vũ khí hạt nhân chứ rất ít khi tìm hiểu thêm về cờ” - chị Thảo kể.

Câu chuyện của Khôi có nét gì đó giống với Katie Ledecky, cô kình ngư Mỹ hiện đang theo học ngành nghệ thuật của ĐH Stanford, và Deyna Castellanos - nữ tuyển thủ bóng đá Venezuela nằm trong tốp 3 đề cử của FIFA nhưng lại đang theo đuổi ngành truyền thông ĐH bang Florida, hoặc Max Klauss - nhà cựu vô địch nhảy xa châu Âu nay là một bác sĩ lừng danh của Đức...

Đó là những minh chứng cho thấy cuộc đời của một VĐV chuyên nghiệp có thể song hành cùng con đường học vấn. Và một không gian giáo dục rộng mở, dung chứa và khích lệ cho những học trò đặc biệt có thể giúp các em tiến xa như thế nào.■

Những cột mốc của Anh Khôi:

● Năm 2012: đoạt chức vô địch U-10 thế giới cờ tiêu chuẩn tại Giải vô địch cờ vua trẻ thế giới diễn ra ở Slovenia với 11 ván toàn thắng.

● Năm 2014: vô địch U-12 cờ tiêu chuẩn Giải cờ vua trẻ thế giới diễn ra ở Nam Phi.

● Năm 2015: vượt qua rất nhiều đối thủ mạnh để vô địch cờ tiêu chuẩn Giải cờ vua vô địch Đông Nam Á diễn ra ở Indonesia. Anh Khôi (lúc đó 13 tuổi) là người trẻ nhất trong lịch sử đoạt được danh hiệu này.

● Năm 2016: đăng quang cờ tiêu chuẩn Giải vô địch quốc gia tại Huế.

● Năm 2017: giành chức vô địch cả hai nội dung cờ nhanh và cờ chớp lứa tuổi U-16 Giải vô địch cờ nhanh và cờ chớp trẻ thế giới tại Hi Lạp. Anh Khôi là kỳ thủ VN đầu tiên trong lịch sử giành được 4 HCV các giải trẻ cấp thế giới.

Tự bạch

1. Khôi thích cờ vua hay taekwondo hơn? - Trả lời: Có lẽ là taekwondo (Khôi đạt nhất đẳng huyền đai taekwondo).

2. Khôi thích thi nhất vào lớp nào của PTNK? - Trả lời: Lớp chuyên toán.

3. Khôi có sử dụng Facebook không? - Trả lời: Không.

4. Khôi đã bao giờ xem hết một bài phóng sự về mình trên báo chí chưa? - Trả lời: Thực sự là chưa.

5. Khôi yếu môn nào nhất trong các môn khối tự nhiên? - Trả lời: Có lẽ là môn tin học.

6. Chuyện gì Khôi cảm thấy khó khăn nhất ở Trường PTNK? - Trả lời: Nhớ hết tên các bạn, lớp có tới 6 bạn tên Anh, hại não lắm (cười).

7. Khôi thích đọc truyện gì? - Trả lời: Em không thích truyện lắm, chủ yếu đọc các sách báo, tạp chí về khoa học.

8. Khôi thích xem phim gì? - Trả lời: Cũng là về các chương trình khoa học.

9. Ngoài khoa học, tập võ và cờ vua, Khôi còn thích làm gì? - Trả lời: Trao đổi những chuyện xã hội với ba.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận