Học để tiến thân và học để dấn thân

TTCT - Năm nay 43 tuổi, đã học qua ít nhất là ba chương trình thạc sĩ toàn phần và hai chương trình tiến sĩ cùng nhiều loại chứng chỉ khác nhau, tôi vẫn đang tiếp tục học.

Có lúc tôi đi học để kiếm việc làm lương cao và có lúc lại học chỉ để thỏa mãn sự tò mò của bản thân.

Nhìn lại quãng đời 25 năm qua, tôi có thể chia sẻ một điều rằng từ sau ngày tốt nghiệp trung học phổ thông, con đường học vấn của tôi không còn đơn giản và thẳng một mạch như trước nữa.

Khởi đầu từ một kỹ sư ngành tự động học sang làm sinh viên ngành quản trị kinh doanh và tạm thời dừng lại với nghiên cứu về xã hội học để bắt đầu với những tư duy triết học cơ bản, con người tôi luôn phải cố gắng để cân bằng giữa ham muốn cá nhân muốn khám phá và hiểu cặn kẽ điều mình quan tâm với bên kia là nhu cầu cấp thiết của cuộc sống bắt buộc phải đi làm kiếm tiền nuôi thân, trả tiền nhà, dạy con và có trách nhiệm với gia đình.

Không phải lúc nào cũng có thể duy trì hai thái cực này, chưa nói gì đến điều hạnh phúc là có thể kiếm được một công việc cùng lúc bảo đảm hai yêu cầu đó, mà chuyện cơm áo gạo tiền luôn là đòi hỏi không thể làm ngơ được, cho nên tôi luôn hiểu rằng rất khó đem sự thành đạt của người này sang làm thước đo sự thất bại của người khác.

Cho nên nếu bạn là một học sinh trung học hay sinh viên đại học đang tìm hướng đi cho cuộc đời mình, hãy tìm câu trả lời trước hết từ chính bản thân mình. Bạn muốn vào đại học kiếm mảnh bằng để đi làm lương cao, hay để tích lũy kiến thức và trở thành người tri thức phụng sự xã hội?

Nhìn từ góc độ kinh tế, cuộc đời của mỗi chúng ta là một quá trình đầu tư liên tục và tùy thuộc sự kỳ vọng của mỗi gia đình mà cần tập trung thời gian và tài chính vào nơi chốn phù hợp. Trên mạng có một câu chuyện cười về một em bán khoai lang được cả nhà dồn sức cho những năm tháng đại học để rồi cầm mảnh bằng đó về bán khoai lang tiếp.

Tôi cũng từng gặp một em sinh viên kể chuyện thời cấp III đi bán vé số, cho nên đó thật sự là câu chuyện để chúng ta phải suy nghĩ về điều kiện của mình, giống như khi nghiên cứu để trình bày một dự án đầu tư vậy.

Em phải biết cách sử dụng kinh nghiệm bán hàng của mình để trở thành một chuyên gia môi giới tài chính trong ngân hàng, hay nhân viên tiếp thị cho các tập đoàn lớn, hay trở thành một chủ doanh nghiệp khoai lang và vé số trên toàn quốc - đó chính là những bằng cấp và kiến thức em cần phải học trong những năm đại học để đầu tư cho bản thân mình.

***

Để thành công trong nghề viết báo, tôi không ngại vào học chui trong khoa báo chí. Để làm nghề phiên dịch, tôi không ngại tìm theo những khóa đào tạo miễn phí để học lại những bằng cấp cơ bản nhất trong tiếng Anh. Để kiếm được một suất học bổng mới hay một khoản tài trợ nghiên cứu, tôi sẵn sàng đầu tư thời gian đọc hàng chục quyển sách giáo khoa và bước sang một ngành học hoàn toàn mới.

Đó không phải là hoàn cảnh của riêng tôi mà chính là xu thế của xã hội hiện nay.

Một đồng nghiệp của tôi ở Bộ Nội vụ Anh từng làm việc 20 năm trong ngành thiết kế hệ thống điện tử cho tàu ngầm. Khi tất cả máy móc đều dùng vi mạch thì tấm bằng kỹ sư về bóng bán dẫn của anh bị vất vào thùng rác, và người đàn ông sắp tới tuổi hưu phải chọn lựa đi theo công ty về một nơi khác để làm một việc khác, hay là chọn một công việc hoàn toàn mới là hằng ngày tiếp xúc với di dân, phải học từ đầu cách viết báo cáo, cách phỏng vấn và nghiên cứu về tâm lý con người cũng như văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc.

Tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ và xã hội khiến nhiều bằng cấp mà khi ta học xong thì không còn nhiều người cần nữa, nên có khi ta phải thay đổi ngay từ khi còn đang học năm thứ ba đại học và chuẩn bị viết luận văn tốt nghiệp.

***

Nếu bạn là bậc cha mẹ thì có lẽ nên bắt đầu tìm hiểu chính con mình và chia sẻ kinh nghiệm từ những thất bại của bản thân, và nếu thấy mình không đủ tầm để giúp con đưa ra quyết định lớn thì đừng ngại nhờ vả bạn bè cùng lứa, hay những người có trình độ từ các mối quen biết.

Thời của chúng ta không có nhiều thông tin về thế giới bên ngoài nên những ai đi trên con đường mới đều rất mất công, mất sức và dễ thất bại. Những gì ta đang biết thật sự không đủ để quyết định thay cho con cái về tương lai sau này được. Bạn có tin rằng mỗi ngày tôi vẫn đang học tiếng Anh từ chính con gái chưa đầy 6 tuổi của tôi không?

Sinh ra và lớn lên ở quê nhà, phát âm và đặt câu chuẩn xác, dùng từ đúng ngữ cảnh là điều tôi thua kém con mình, chưa kể đến những sự mới lạ từ hệ thống giáo dục tiên tiến mà tuổi thơ 40 năm trước của tôi chưa hề được biết.

Vì vậy tôi cũng sẽ bắt chước má tôi dồn hết tình thương và công sức để tạo điều kiện cho con cái, và vui vẻ đón nhận mọi thành công dù nhỏ bé nhất. Nếu con học xong đại học mà không kiếm được việc làm vừa ý, tôi sẽ không ngại động viên và giúp đỡ con đi làm một công việc tay chân như mình thời còn trẻ, và khuyên con hãy xem kiến thức học được như một vốn quý cho suốt cả đời mình và cho con cái của mình nữa.

Chúng ta còn đòi hỏi gì hơn từ mái trường đại học?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận