Huyền thoạitrên nhánh sông cụt

HẢI DƯƠNG - NGUYỄN DUY 30/06/2017 01:06 GMT+7

TTCT - Khi con sông Đà bị chặn dòng để làm thủy điện Hòa Bình, có một thung lũng ở Phù Yên, Sơn La bỗng chốc biến thành nhánh sông.

đồng lúa chín
Đồng lúa đẹp mê hồn


Để hôm nay ngược bến phà Vạn Yên lên phía bắc trên cung đường phượt Mộc Châu - Tà Xùa huyền thoại, chúng tôi được cảm ngắm một Đà giang khác, nơi dân bản địa gọi là “nhánh sông cụt”.

Nếu tính về độ dài khi chảy trên đất Việt thì sông Đà đứng thứ hai với 543km (sông Hồng 551km). Vượt qua bao thác, ghềnh, núi non hoang sơ, sông Đà đã tạo ra những bức tranh phong cảnh hùng vĩ, hung hiểm miền Tây Bắc. Đà giang chính là cảm hứng để Nguyễn Tuân viết ký sự để đời: Người lái đò trên sông Đà.

Vẫn cảnh núi non trùng điệp, nhưng dòng sông Đà đã trở nên hiền hòa

 

Chuyện một con sông

Sau hành trình dữ dội, khi chảy đến xã Tân Phong, huyện Phù Yên và xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La), sông bất ngờ tách thành đôi ngả. Nhánh sông chính tiếp tục xuôi xuống phía nam để thành lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Còn một nhánh ngược lên phía bắc, uốn lượn qua các bản làng, thôn xóm của huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La). Vẫn cảnh núi non trùng điệp, nhưng dòng sông Đà đã trở nên hiền hòa. Ở nơi giao nhau của hai huyện, Đà giang phình ra với khu ngã ba sông.

Ngay sát ngã ba sông là bến phà Vạn Yên. Theo nhiều người đã đi khắp dải đất Tây Bắc, phà Vạn Yên trên quốc lộ 43 thuộc loại lớn nhất với lưu lượng trung chuyển hàng nghìn lượt người và xe mỗi ngày.

Bến phà Vạn Yên nằm trên cung đường phượt ưa thích Mộc Châu - Tà Xùa (hai điểm thắng cảnh nổi tiếng của Sơn La), vì vậy mà trở nên quen thuộc với nhiều người. Để qua sông, bạn có hai lựa chọn: muốn đi nhanh thì chọn thuyền nhỏ chạy máy dầu, còn nếu muốn thảnh thơi ngắm cảnh bốn phía, hãy chọn phà.

Đi phà chậm, bạn sẽ có khoảng 20 phút cảm ngắm, hòa mình vào đất trời Tây Bắc. Vào sáng sớm, trên mặt sông thường có một lớp sương bay nhẹ, phía xa xa là những áng mây quấn quanh ngọn núi, nắng mới làm bầu trời ửng hồng, những chiếc thuyền đánh cá lúc ẩn, lúc hiện trong làn sương mờ ảo làm cảnh vật như ở chốn thiên đường miền sơn cước.

Nếu gặp chuyến phà chiều khi mặt trời sắp khuất núi, bạn sẽ thấy mặt sông bừng lên sắc đỏ tía của bầu trời in bóng xuống nước. Những con gió thổi làm mặt sông gợn sóng, ánh hoàng hôn lấp lánh đẹp lạ thường. Những con thuyền nhỏ của kiếp vạn chài lững lờ thả lưới giữa khung cảnh huyền ảo lãng mạn ấy.

Không ai nghĩ rằng trên ngã ba sông mênh mông, thanh bình này từng có một thị trấn sầm uất. Bác Mai, bán quán bên bến phà Vạn Yên, kể: Trước năm 1977, khi chưa có thị trấn Phù Yên thì Vạn Yên chính là thị trấn huyện lỵ của Phù Yên (Sơn La).

Khi đó ở khúc ngã ba sông có những xóm nhà thuyền dưới sông, chợ phiên họp trên sóng nước rất tấp nập. Ở đôi bờ là những bản người Mường, Dao, Tày và cả người Kinh đông đúc, náo nhiệt.

Bến thuyền chợ Vạn Yên bên sông Đà
Bến thuyền chợ Vạn Yên bên sông Đà

 

Theo nhánh Đà Giang cụt

Người dân bản địa vẫn quen gọi đoạn sông Đà dài khoảng 30km chảy ngược lên phía bắc từ xã Tân Phong đến xã Gia Phù, huyện Phù Yên là “nhánh sông cụt”. Trong chuyến hành trình, chúng tôi may mắn được quen bác Đoàn Liên Hoan, cựu cán bộ quản lý đường bộ huyện Phù Yên, người đã có hơn 50 năm công tác và sinh sống ở Phù Yên.

Qua bác Hoan, chúng tôi được biết nhánh sông cụt trước đây là con suối Tấc và suối Bùa chảy từ thượng nguồn vùng núi Phù Yên qua thung lũng phì nhiêu rồi đổ ra sông Đà.

Khi sông Đà bị chặn dòng xây đập thủy điện Hòa Bình, nước dâng lên nhấn chìm cả một vùng thung lũng dài 30km men quốc lộ 43. Vậy nên mới thành nhánh sông cụt rộng lớn như hiện nay.

Từ bến phà Vạn Yên đi ngược phía bắc, chúng tôi đã có những trải nghiệm thú vị. Cung đường xuất hiện các khúc cua tay áo men theo sông. Có lúc đường chạy sát mép nước, một bên là sông Đà lăn tăn sóng nước, một bên là vách đá dựng đứng do người ta xẻ núi để làm đường.

Chợ phiên trên bến, dưới thuyền
Chợ phiên trên bến, dưới thuyền

 

Có đoạn đường uốn cong hình chữ C, đoàn người đi lại hai bên có thể thấy nhau qua dòng sông mênh mang.

Đi đúng vào mùa lúa chín (cuối tháng 5, đầu tháng 6 dương lịch), ta sẽ mãn nhãn với khung cảnh tuyệt đẹp của cánh đồng lúa Tường Hạ vàng óng.

Ruộng lúa bậc thang thoai thoải bên bãi sông và những vuông cá, tôm, chòi canh thủy sản, xa xa là núi thẳm trời cao, cảnh trí gieo vào lòng lữ khách những bồi hồi, xúc động lạ lùng.

Ngắm một Đà giang khang khác chính là đây. Lên Tây Bắc có thể ngắm được sông Đà hiểm trở, có thể săn được ruộng bậc thang hùng vĩ, nhưng những cánh đồng lúa bạt ngàn bên dòng sông rộng mênh mông thì phải đến Phù Yên mới gặp được.

Những nơi không thể trồng được lúa khi lòng sông đã chiếm trọn thung lũng thì con người bắt đầu chuyển sang nghề sông nước. Nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản rất phổ biến và trở thành cuộc mưu sinh chính của cư dân trên nhánh sông cụt.

Có hàng trăm vuông nuôi cá, tôm và điểm đặt vó bắt cá tự nhiên trên dọc 30km sông nước. Đó là nơi có thể ngắm một sông Đà lung linh vào đêm khi hàng nghìn bóng điện ở các chòi canh thủy sản, vuông nuôi trồng, điểm thả vó bừng sáng.

Những hộp cá chua giá 50.000-60.000 đồng/hộp
Những hộp cá chua giá 50.000-60.000 đồng/hộp

 

Nhánh sông cụt này cũng trở thành điểm giao thương buôn bán đường thủy nổi tiếng. Hai chợ phiên mà những kiếp thương hồ trên sông Đà đều lui tới là chợ Pa (xã Tường Tiến) họp các ngày 5, 15, 25 và chợ Vạn Yên (Tân Phong) họp các ngày 6, 16, 26 (đều theo lịch dương).

Ngoài ra còn nhiều phiên chợ nhỏ ở các thôn, xã khác họp thường xuyên bên sông Đà. Chợ phiên bên sông không chỉ là nơi giao lưu buôn bán mà đã trở thành nét văn hóa độc đáo ở nhánh sông Đà này.

Sáng sớm, chúng tôi khám phá phiên chợ Pa. Khi vài con thuyền lớn chở đầy hàng chúc đầu vào nhau đậu sát mép nước thì một chợ phiên trên bến dưới thuyền thực sự diễn ra. Người trên thuyền đem những thực phẩm, hàng hóa, đồ khô... vác lên bờ bày bán phục vụ nhu cầu dân bản địa. Người bản địa đem nông sản, gia cầm, gia súc do nhà trồng, nuôi được ra bán.

Tiếng cười nói, ngã giá, hỏi han, cùng vịt, gà, chó, lợn kêu inh ỏi... phút chốc biến khúc sông trở nên ồn ào, huyên náo. Cũng nhiều người đi chợ chỉ để mua lạng tép khô, đôi dép hay thảnh thơi ngồi kéo vài hơi thuốc lào ngắm cảnh đời, dòng sông...

Cảnh sống và sinh hoạt thanh bình ven sông ấy đã trở thành nhu cầu thiết yếu của cư dân nơi đây suốt mấy chục năm qua. Mà lữ khách qua đây cũng thấy ấm lòng.■

Một cửa hàng bán rêu đá bên đường
Một cửa hàng bán rêu đá bên đường

 

Rêu đá - cá chua

Đoạn suối Bùa, suối Tấc nước chưa dâng hiện nay có rất nhiều rêu mọc trên các hòn đá. Người dân đi lấy rêu ở suối đá về bán hoặc chế biến các món ăn. Rêu được đặt trên thớt, hòn đá phẳng rồi dùng chày đập cho hết tạp chất, cát bẩn. Sau đó rửa sạch nhiều lần nước rồi cho vào chảo, thêm gia vị dầu, mắm, mì chính, sả, ớt... rồi xào chín. Nếu nướng thì trộn rêu với gia vị rồi đem gói lá chuối, lá rong cho lên bếp than hoa nướng. Bên cạnh đó còn có món cá chua. Những con cá nhỏ, còn tươi cộng thêm hành củ thái mỏng, riềng, thính rồi cho vào hộp nhựa. Món rêu xào, cá chua ăn với cơm rất ngon, lạ miệng, mùi vị thơm, cay cuốn hút.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận