Kế thừa và tự lập

KIM OANH (TP.HCM) 13/07/2014 09:07 GMT+7

TTCT - 1. Tuổi Trẻ Cuối Tuần số ra ngày 15-6-2014, chuyên mục Câu chuyện cuộc sống có đăng lá thư của học sinh M.T. và bài viết của Ngọc Ý ghi lại tâm sự của một cặp vợ chồng có con sắp thi vào đại học năm nay (tr.18&19).

LTS: Tham gia câu chuyện của bạn M.T. kỳ này là ý kiến của hai độc giả - phụ huynh với những đồng cảm với cha mẹ của bạn M.T.. Dưới đây là lập luận chia sẻ của họ, TTCT xin giới thiệu.

Nỗi ăn năn của tôi...
“Cuộc chiến của con”: Biết rõ tố chất của chính mình
Tôi sợ hãi và lạc lối...

Minh họa: Bích Khoa

Nội dung lá thư của cháu M.T. và tâm sự của hai người làm cha mẹ là hai trường hợp ngược nhau gần như hoàn toàn: một bên, người con vừa rất muốn tự quyết định tương lai đời mình vừa muốn nghe theo cha mẹ để tỏ lòng hiếu thuận; một bên, cha mẹ có sẵn mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con kế thừa sự nghiệp cao quý nhưng không làm cách nào thuyết phục được con nối nghiệp cha mẹ.

Đúng là hai nỗi khổ tâm khác nhau nhưng cùng giống nhau ở chỗ không biết làm thế nào cho trọn vẹn giữa kế thừa và tự lập.

Tương truyền, cụ Nguyễn Cư Trinh có cặp câu đối rất hay như sau: Phụ nghiệp, tử năng thừa. Quân ân, thần khả báo (Sự nghiệp của cha (mẹ), con có đủ khả năng kế thừa. Ơn vua, bề tôi có thể báo đáp). Người xưa cũng luôn quan niệm rằng gia đình nào mà con cái nối nghiệp cha mẹ (dĩ nhiên là sự nghiệp vẻ vang hoặc nghề nghiệp lương thiện) thì gia đình đó có truyền thống tốt, nếu con cái lại vượt cha mẹ trong sự nghiệp thì quả thật có phúc lớn.

Từ xưa đến nay, nhiều gia đình, đại gia đình hoặc cả dòng họ có nhiều đời kế tiếp nhau hành nghề, nhiều đời lưu danh tốt. Không thiếu những minh chứng cụ thể về trường hợp con cháu kế thừa sự nghiệp vẻ vang của cha ông mà không hề chịu mặc cảm “núp dưới cái bóng của cha mẹ thành đạt” bởi vì họ thật sự có tài và được may mắn kế thừa “gia tài trí thức và kinh nghiệm của cha ông”.

2. Vợ chồng tôi rơi đúng vào trường hợp hai vợ chồng trong bài của Ngọc Ý, nhưng chỉ khác họ ở chỗ vợ chồng tôi không có đủ điều kiện tuyệt vời như họ. Vì vậy, cả ba đứa con của chúng tôi đều: 1/Không theo nghiệp cha mẹ, 2/Không ở lại quê mà vào TP.HCM lập nghiệp, định cư luôn tại đó.

Khi biết rõ ý định của các con, vợ chồng tôi - nhất là tôi - rất buồn nhưng không cố sức ngăn cản hay ép buộc mà rất nhẹ nhàng đồng ý với lời dặn dò: “Các con cố gắng học và làm việc cho tốt theo nghề đã chọn”. Cho đến nay sau 5-15 năm, cơ bản các con tôi đã thực hiện tốt.

Tôi biết có một trường hợp con trai độc nhất của vị giáo sư y khoa - nhà phẫu thuật người Việt nổi tiếng thế giới không chịu theo sự nghiệp lẫy lừng của ông nội và cha mà theo nghề... người mẫu. Lại có rất nhiều trường hợp ông bà, cha mẹ là những người nổi tiếng trong lĩnh vực của mình nhưng con cái chìm khuất đâu đó dù vẫn theo nghiệp cha ông hoặc được nâng đỡ, dìu dắt, chăm lo chu đáo của gia đình, thậm chí của Nhà nước.

Chưa kể ngày nay, nhiều trường hợp cậu ấm cô chiêu cậy cha mẹ giàu có, nhiều quyền lực nên đâm ra hư hỏng, dù được cho ăn học, sau đó chạy chọt xin điểm, mua bằng hoặc được “cơ cấu, quy hoạch” ưu ái nhưng vẫn khó thành công, nếu không muốn nói là thất bại.

Do vậy, không hẳn kế thừa sự nghiệp hay công việc của cha mẹ để lại là một sự đảm bảo thành công, nếu con cái thật sự không ham thích hoặc không có khả năng. Cũng đã có rất nhiều trường hợp người trẻ thành công khi tự quyết định con đường đi của mình. Cái chính là bản thân con cái phải thật sự hiểu mình yêu thích cái gì, có hay không có năng khiếu.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tâm lý của một bộ phận khá đông lớp trẻ ngày nay ưa “chống đối ý muốn của cha mẹ” vì tính ngông ngạo của lứa tuổi ưa làm người lớn nhưng vẫn rất trẻ con. Trong trường hợp đó, cha mẹ cần nhờ cậy nhiều người lớn có uy tín hoặc bạn bè tốt thân thiết với con mình để khuyên nhủ. Đôi khi gặp phải “hòn đá tảng cứng đầu” khó bảo, cha mẹ cũng cần phải liều theo kiểu “để cuộc đời dạy cho một bài học” thì con mới mở mắt ra, hoặc “muốn biết bơi phải nhảy xuống nước”.

3. Riêng với cháu M.T., bác đoán rằng hình như cháu cũng có phần ưa thích học ngành y. Chỉ là vì không muốn bị cha mẹ sắp đặt theo kiểu chạy chọt không quang minh chính đại.

Nếu quả vậy, bác nghĩ cháu nên mạnh dạn thưa rõ với cha mẹ: “Con sẽ cố gắng học để thi vào ngành y (tại Trường đại học Y dược TP.HCM hoặc Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) nhưng nếu chẳng may năm nay con thi rớt, cha mẹ chớ buồn rầu rầy la con. Con sẽ cố gắng ôn tập để thi lại kỳ sau”.

Và cháu phải kiên trì, kiên quyết thực hiện lời hứa của mình với cha mẹ, cũng chính là lời hứa với tương lai cuộc đời cháu.

Trường hợp cháu thật sự không thích hoặc không có khả năng học ngành y, cháu cũng nên mạnh dạn nhưng nhẹ nhàng nói rõ hoặc năn nỉ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để cha mẹ mềm lòng cho mình theo học ngành nghề mình yêu thích hoặc có khả năng thành công.

Học cho mình chứ không vì cha mẹ. Cha mẹ lo cho con cái đôi khi quá mức nên sinh ra chuyện ép buộc con theo ý mình, cuối cùng tạo nên những chàng bác sĩ, kỹ sư... hư việc, những cái cây mãi chẳng lớn lên vì bị núp kín dưới bóng cha mẹ.

Mong và hi vọng cháu M.T. sáng suốt tìm ra lối thoát cho đời mình, chớ đắm chìm vào lo âu quá mức. Cuối cùng, chúc cháu may mắn và thành công.

PHẠM XUÂN PHỤNG (Huế)

“Cải mệnh”

Theo dõi tuyến bài “Cuộc chiến của con” đến nay, tôi rất đồng ý với tác giả Lan Hương (TTCT, 22-6-2014) rằng “công bằng chỉ là tương đối”, hơn thế nữa, tôi ủng hộ cách hành xử của bố mẹ T. cố gắng hết sức bù đắp công bằng cho T. so với dân thành phố.

Không ai chọn được cửa sinh ra, và từ chiếc cửa ấy sẽ dẫn dắt đến những lối rẽ duyên phận dường như định sẵn của riêng nó. Do đó bằng cách nào mà không quá vô đạo đức, vô liêm sỉ nếu thay đổi được cung đường tiến lên những đích đến tươi sáng hơn (theo quan điểm của người trong cuộc) thì cũng nên lắm chứ.

Vì vậy, hoàn toàn thông cảm cha mẹ T. đã bằng trách nhiệm lớn lao của bậc sinh thành và tình yêu thương con vô bờ bến mà chấp nhận rời xa quê quán thân thuộc (khi tuổi không còn trẻ) để đưa con hội nhập vào đô thị văn minh nhất nước, tiếp đến bằng mọi giá chạy lo cho con chiếc hộ khẩu thành phố để con có thể dự thi vào Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Việc làm này có vẻ như hơi ma mãnh, thiếu thật thà nếu chiếu theo quy chế tuyển sinh của trường và có lẽ sẽ bất công nếu như T. thi đỗ vì nhỉnh hơn điểm một thí sinh “thành phố chính gốc”, xem như T. đoạt mất cơ hội học y khoa Phạm Ngọc Thạch của một công dân “chính chủ”.

Song nhìn xa hơn sẽ thấy bất công này bắt nguồn từ quy định rất không công bằng khi đều là học sinh Việt Nam mà T. không được dự thi trường của địa phương khác chỉ vì rào cản hộ khẩu. Có công bằng, khách quan không?

Trong thời gian dằn vặt đợi chờ những người có thẩm quyền điều chỉnh các bất cập thì mình đành phải “tự cứu trước khi trời cứu vậy”. T. còn quá trong sáng nên áy náy khi thấy bố mẹ mua cho mình một quyền ưu tiên mà nhìn ở góc độ khác chỉ là mua lại cho mình một phần công bằng lẽ ra là đương nhiên. T. không phải hổ thẹn vì gia đình không dùng tiền bạc để đổi chác học hàm, học vị hay tình cảm cho T..

Chuyện thường thôi, như người ta cải mệnh bằng cách dùng tiền mua nhan sắc (phẫu thuật thẩm mỹ) hay mua sự yên tâm (bảo hiểm). T. là học sinh đầy tự trọng, là người con thấu hiểu được bố mẹ đã nhọc nhằn đến tận cùng cho mình, vậy hãy cố gắng trở nên thành đạt và hạnh phúc thật sự, trước mắt là chăm lo học hành, đó là sự báo đáp hữu ích thiết thực thay vì lăn tăn vặt vãnh.

Nguyện vọng của T. là sẽ thi hoàn toàn bằng năng lực của mình vào Trường đại học Y dược TP.HCM (không cần cậy nhờ hộ khẩu) sẽ rất khó, trong khi T. thừa biết mình chưa đủ sức. Nghĩa là xác suất cao năm nay thi nháp, sang năm tìm việc làm để kiếm tiền thi thêm lần nữa.

Suy nghĩ đơn giản quá, trường khó như vậy sang năm vừa làm vừa ôn liệu có kham nổi không? Sau thi rớt còn ý chí cao nữa không? Qua năm sau có bất trắc gì xảy ra thì sao? Tình nguyện mất một năm thử nghiệm việc này tuy không quá dài so với đời người nhưng có xứng đáng hay không? Mất một năm tuổi trẻ rực rỡ là mất bao cơ hội, mà với sự trải nghiệm của cha mẹ không mấy ai đành lòng để con cái làm vậy.

Ở đây còn là cách nhìn bị chệch giữa hai thế hệ. Lứa tuổi mới lớn thường muốn khẳng định mình, muốn thoát khỏi cái bóng của bậc sinh thành, nhất định thích khác, chưa vội quan tâm đúng - sai. Cha mẹ lại luôn muốn bảo bọc cho con, muốn con sống hộ mình những thèm khát ngày xưa. Nhất định thích con đi theo lộ trình mình dày công vạch sẵn cho lành, không dám để con thử sức vì sợ bị trả giá.

Vậy T. hãy thuyết phục cha mẹ đi, chứng minh bằng bảng điểm thể hiện năng lực học tập chỉ phù hợp với khối A, chứng minh bằng sở thích với ngành nghề cụ thể nào đó chứ không phải làm bác sĩ, chứng minh bằng sự nghiêm túc và nghị lực từ bé đến giờ, chứng minh bằng kế hoạch học tập rõ ràng để quyết tâm thi đỗ vào trường/ngành mình thật sự yêu thích và có năng lực.

Không có nghề nghiệp nào mà sống tử tế hết lòng với chúng lại chẳng đem đến thành đạt và hạnh phúc cho bạn cả. Đó đích thực là ước nguyện lớn nhất cha mẹ dành cho con chứ đâu nhất thiết áp lực trở thành bác sĩ cho oai!

Còn nếu chính T. cũng chưa biết mình thích ngành gì và cũng không chối từ nghề bác sĩ, thì nên để bố mẹ giúp mình chiếc hộ khẩu là được dự thi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch sẽ vừa sức hơn, hoặc T. thi vào khoa y Trường đại học Quốc gia TP.HCM mới thành lập vài năm nên lấy điểm không quá cao cũng không kén hộ khẩu (chính T. cũng có dự định thi y và chưa đủ khả năng thành sinh viên Trường Y dược TP.HCM).

Nếu chưa có chính kiến thì tạm vâng lời cha mẹ sẽ khá an toàn trong giai đoạn đầu đời.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận