Khi khoai tây lên bàn ngoại giao

HẢI MINH (TỔNG HỢP) 19/02/2014 03:02 GMT+7

TTCT - Những món quà ngoại giao được trao tay trong các cuộc gặp cấp cao đã là thông lệ quốc tế hàng trăm năm qua, nhưng các nhà ngoại giao và những nguyên thủ đôi khi có lựa chọn kỳ lạ đến kinh ngạc.

Hai củ khoai tây ông Kerry tặng ông Lavrov đã tạo ra nhiều nụ cười trên bàn đàm phán Nga - Mỹ - Ảnh: businessinsider.com

Vào giữa tháng 1, trong những nỗ lực giảm bớt căng thẳng giữa Nga và Mỹ trước cuộc hội thảo về Syria, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ đã mang cho người đồng cấp Nga Sergei Lavrov... hai củ khoai tây cỡ đại, một sản vật đầy tự hào của bang Idaho, Mỹ.

Những củ khoai tây của John Kerry

Từ một chiếc hộp cáctông, ông Kerry rút ra hai củ khoai tây khổng lồ và nhắc lại một cuộc điện đàm của ông với ông Lavrov về đề tài này. Ông Kerry trước đó đã đi nghỉ Giáng sinh với gia đình ở căn nhà nghỉ dưỡng của họ tại thị trấn trượt tuyết Ketchum, Idaho và đã gọi điện cho ông Lavrov từ đó. Ông Lavrov đề cập tới danh tiếng của khoai tây bản địa, nên ông Kerry mang theo hai củ tới Paris.

Hai củ khoai đó, với hình dáng khá nhạy cảm, được ông Lavrov bình luận là “rất ấn tượng”. Đáp lại, đoàn Nga đã tặng cho nữ phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, Jen Psaki, một chiếc mũ “ushanka” màu hồng (kiểu mũ lông Nga với phần che tai dài) và một ngôi sao đỏ đằng trước, “để giữ ấm ở Thế vận hội mùa đông Sochi”.

Các nhà ngoại giao và nguyên thủ đã trao đổi quà tặng từ rất xa xưa. Các pharaoh Ai Cập tặng những chiếc thuyền bằng đá khắc giũa cầu kỳ cho những người Hittite láng giềng. Các hoàng đế Trung Hoa nhận quà tặng là voi, lông chim trĩ, sừng tê và các sản vật khác từ Đông Nam Á.

Tuy nhiên, với riêng nước Mỹ, vốn ngay từ khi lập quốc đã là một nền dân chủ, các món quà ngoại giao thường gây ra sự khó xử. Khi vua Pháp Louis XVI tặng cho tổng thống Mỹ Benjamin Franklin một chiếc hộp cẩn hàng trăm viên kiên cương vào năm 1785, Franklin chỉ nhận món quà để tránh một vụ bê bối ngoại giao.

Cũng năm đó, John Jay, chánh án tòa tối cao đầu tiên của nước Mỹ, nhận một chú ngựa từ vua Charles III của Tây Ban Nha khi hai nước đang thỏa thuận một hiệp ước. Quốc hội Mỹ sau đó thừa nhận hai món quà nói trên là “không thể không nhận” và đã chấp nhận cho Jay cũng như Franklin.

Ngay từ thời đó và cho tới tận ngày nay, các món quà có giá trị tặng cho cá nhân tổng thống Mỹ đều phải được nộp lại cho Cơ quan Lưu trữ quốc gia. Ngày nay, mọi quà tặng cho tổng thống Mỹ có giá trị từ 335 USD trở lên đều phải khai báo ở quốc hội. Biên bản công khai quà tặng cho các nhân viên nhà nước của Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2009 cho thấy ông Obama đã nhận được tổng cộng 54 món quà giá trị hơn 160.000 USD.

Quà tặng cho ông bao gồm từ những thứ khá thiết thực, như một hộp đựng đĩa CD bằng gỗ của tổng thống Nga (khi đó) là Dmitry Medvedev cho tới những món cực kỳ xa xỉ như chiếc bút chì trị giá 395 USD của Jose Manuel Durao Barroso, chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Vua Saudi Arabia Abdullah là người tặng món quà giá trị nhất, một tấm huy chương bằng vàng lớn, một chiếc đồng hồ bằng đồng và kính, một chiếc bệ đỡ cẩm thạch có các cây cọ và chú lạc đà bằng vàng trị giá tổng cộng 34.500 USD. Nhà vua còn tặng cho đệ nhất phu nhân Michelle Obama một chiếc vòng 33 viên ngọc trai trị giá 14.200 USD và một bộ trang sức hồng ngọc và kim cương trị giá 132.000 USD.

Bảo hiểm “cá sấu tấn công”

Trong khi việc trao đổi quà là rất dễ hiểu trong thế giới ngoại giao đầy căng thẳng, một số tặng phẩm thật sự rất kỳ lạ.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II từng tặng ông Obama một bức ảnh đóng khung của chính bà, đổi lấy một máy nghe iPod. Năm 2009, Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Hillary Rodham Clinton trao cho người đồng cấp Lavrov một “nút khởi động lại” màu đỏ, ngụ ý bắt đầu một giai đoạn hòa hoãn hơn trong qua hệ Nga - Mỹ sau cuộc chiến Gruzia.

Có lẽ món quà kỳ lạ nhất của mọi thời là từ cố lãnh đạo Saddam Hussein tặng cho ông Donald Rumsfeld trong một chuyến thăm của ông này tới Iraq năm 1983. Ông Saddam trao cho đặc phái viên của Mỹ một đoạn băng video dài ba phút chiếu cảnh các thanh niên Syria đập đầu những con rắn, không hiểu là có ngụ ý gì không.

Một món quà kỳ lạ khác dành cho ông Obama trong một chuyến thăm Úc. Tổng thống Mỹ được trao một bảo hiểm “cá sấu tấn công”, đảm bảo vợ ông, bà Michelle, sẽ được nhận 50.000 AUD (hơn 50.000 USD) nếu chồng bà bị cá sấu tấn công. “Tôi phải thừa nhận khi chúng tôi đang cải cách hệ thống bảo hiểm y tế ở Mỹ, chúng tôi chưa tính tới chuyện cá sấu tấn công” - ông Obama đùa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận