Khi nhà báo là rắc rối lớn nhất của cảnh sát

HẢI MINH 19/04/2017 21:04 GMT+7

TTCT- Trong 14 hạng mục báo chí của giải Pulitzer, chỉ một hạng mục được trao kèm tấm huy chương vàng: giải Phụng sự cộng đồng (Public Service). Năm nay, giải thuộc về loạt phóng sự của tờ New York Daily News và trang tin propublica.org vì đã vạch trần những thủ đoạn của Sở Cảnh sát New York (NYPD) đẩy nhiều người dân ra đường.

Sarah Ryley-New York Daily News
Sarah Ryley-New York Daily News

Loạt bài của Sarah Ryley được đăng tải cách đây đúng một năm, vào hạ tuần tháng 4-2016 (bản tiếng Anh ở địa chỉ www.propublica.org) mô tả chi tiết cách thức NYPD tận dụng kẽ hở luật pháp để đuổi người dân ra đường.

Theo đó, không cần qua quy trình tố tụng đầy đủ thông thường, theo luật xử lý sai phạm vặt (nuisance abatement law), cảnh sát có thể cấm những người chưa hề phạm tội vào nhà hay nơi kinh doanh của họ, với cáo buộc những nơi này đang được sử dụng vì mục đích bất hợp pháp.

Ban đầu, đây chỉ là cách thức để nhà chức trách ngăn chặn nạn mại dâm ở khu trung tâm thành phố, quảng trường Thời đại.

Tuy nhiên, nó dần trở thành công cụ lạm quyền của cảnh sát, khi họ muốn xử lý một vụ việc theo kiểu đi ngang về tắt, không phải qua những rắc rối kiểm tra tư pháp ở tòa án hay cơ quan công tố.

Ryley, trong loạt bài, chỉ ra rằng những công dân chưa hề phạm tội vẫn bị trục xuất khỏi nhà họ. Tình hình rất nghiêm trọng, với khoảng 1.000 vụ mỗi năm ở New York, gần như tất cả diễn ra ở những cộng đồng da màu.

Theo đuổi đề tài này suốt hơn một năm trong vai trò biên tập dữ liệu và phóng viên điều tra của New York Daily News, Ryley, sau khi nghiên cứu kỹ luật pháp và thấy không thể làm một mình, đã hợp tác với ProPublica.

Đó thực sự là một kiểu phụng sự công luận sẽ tạo được cảm hứng cho nhiều nhà báo và có thể nhiều tòa soạn.

Arthur Browne, tổng biên tập đương nhiệm của New York Daily News, giải thích tầm quan trọng của loạt bài: “Điều tra này là ví dụ xuất sắc về việc truyền thông hoàn thành sứ mạng giám sát sự công bằng của hệ thống pháp luật. Ban đầu được thiết kế để đóng cửa các cơ sở chứa chấp tội phạm, luật xử lý sai phạm vặt rốt cuộc lại trao cho cảnh sát quá nhiều quyền lực, quyền lực mà họ đã sử dụng sai trái nhắm vào người dân, không có sự kiểm tra hiệu quả từ nhánh tư pháp. 

Nhờ vào cuộc điều tra này, New York có thể thấy một đạo luật trao quyền quá nhiều, hành động quá mức của cảnh sát, việc không tham vấn người dân, và các thẩm phán lơ là nhiệm vụ có thể hủy hoại việc thực thi công lý ra sao”.

Giải thưởng đã đặt loạt bài của Ryley bên cạnh những siêu phẩm báo chí từng nhận giải thưởng danh giá này trong quá khứ, như loạt bài sau vụ 11-9 của The New York Times (nhận giải năm 2002), loạt bài về Edward Snowden và Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) của The Guardian (2014), hay phóng sự điều tra năm ngoái của AP về tình trạng lao động cưỡng bức trong việc cung cấp hải sản cho các siêu thị Mỹ.

ProPublica, tự nhận trên trang chủ là “một tổ chức phi lợi nhuận tận hiến cho tin tức không vì lợi nhuận và báo chí điều tra”, sau khi được Ryley liên lạc, cắt cử ba chuyên gia nghiên cứu lục tung đống dữ liệu cực kỳ tiêu tốn thời gian, dò qua từng vụ việc trong một năm rưỡi trước đó, 1.162 vụ cả thảy, tìm hiểu từng bước đi của quy trình pháp lý, kiểm tra chéo hàng trăm trường hợp ở tòa án và với các cơ quan hữu quan.

Một phóng viên ảnh của ProPublica, thông thạo tiếng Tây Ban Nha, cũng được cử riêng đảm nhiệm công việc hiện trường của dự án, ghi lại hình ảnh những gia đình và chủ kinh doanh bị đuổi ra khỏi nhà, phỏng vấn các nạn nhân chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha ở những khu Nam Bronx và Đông Harlem.

Các biên tập viên từ ProPublica sau đó hợp tác với Ryley cấu trúc lại câu chuyện, dự án dài hơi đầu tiên trong sự nghiệp nhà báo của cô.

Sau khi vạch trần những vụ lạm dụng quyền lực đáng báo động của NYPD bằng dữ liệu không thể tranh cãi, cuộc điều tra đưa tới những kết quả quan trọng.

Vài tuần sau khi bài báo lên trang, NYPD đã phải ban bố những quy định mới khiến các vụ trục xuất người dân ra khỏi nhà giảm hẳn.

Các phát hiện của loạt phóng sự gây sốc cho nhiều chính trị gia kỳ cựu của thành phố, những người nói họ không ngờ luật xử lý sai phạm vặt lại trao cho cảnh sát nhiều quyền hành như thế.

Trích dẫn bài báo của Ryley, Hội đồng thành phố New York thông qua gói 13 đạo luật trong năm 2017 cải cách mạnh mẽ quy trình thực thi luật xử lý sai phạm vặt của NYPD.

Có hiệu lực mới từ tháng 3 vừa rồi, luật mới loại trừ gần như mọi trường hợp cảnh sát có thể trục xuất người dân, chỉ để lại trường hợp chứa chấp mại dâm và vi phạm các quy chuẩn xây dựng có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho cộng đồng.

Kiểu làm báo hợp tác này chính là những gì ProPublica muốn khi chúng tôi ra mắt 9 năm trước - Robin Fields, tổng biên tập ProPublica, nói sau khi nghe tin loạt bài được giải - Bằng cách tăng cường năng lực chuyên môn cho Sarah Ryley qua nghiên cứu, biên tập và các yếu tố đa phương tiện, chúng tôi đã rọi ánh sáng vào những vụ lạm quyền mà cô phát hiện và tối đa hóa tác động tiềm tàng của nó”.

Cựu tổng biên tập Jim Rich chia sẻ: “Loạt bài là tiếng nói thay những người đã phải hứng chịu sự bất công vô lương tâm dưới tay một chính sách công tệ hại”.

Nguồn lực tất nhiên là quan trọng, bởi lẽ ở thời buổi của tin tức giả mạo cùng mạng xã hội này, không còn mấy tòa soạn đủ sức lực và đủ kiên nhẫn làm báo theo kiểu tỉ mẩn như thế nữa, nhưng mỗi năm, tới mùa giải Pulitzer được trao, với những nhà báo như Ryley được vinh danh, người ta lại có dịp nhận ra rằng báo chí tử tế sẽ luôn còn đất sống!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận