​Khi những cựu binh trở lại...

THANH TUẤN 28/04/2015 20:04 GMT+7

TTCT - Chuck Palazzo vẫn nhớ như in những hình ảnh đầu tiên về Việt Nam cách đây 45 năm vào mùa thu năm 1970: những chiếc quan tài nối nhau xếp dọc đường băng ở sân bay Đà Nẵng.

Một chuyên gia rà phá bom mìn thận trọng gỡ vật liệu nổ đã nằm nhiều thập niên qua trên một ruộng rau ở Quảng Trị. Sean Kimmons - Ảnh: warlegacies.org

Khi đó chiếc máy bay thương mại Pan American đưa tay lính thủy đánh bộ mới 18 tuổi đến Việt Nam. “Đó là cảm giác thật sự đầu tiên của tôi về cuộc chiến,” Palazzo kể lại với tôi trong cuộc gặp gần đây tại nhà ông ở khu An Thượng thanh bình ngay gần bãi biển Đà Nẵng.

Những vết thương lâu

Palazzo sinh ra và lớn lên tại xứ Bronx ở New York (Mỹ). Nhưng gia đình ông có vô số rắc rối. Palazzo lớn lên chủ yếu với những trò nghịch ngợm quậy phá ngoài đường phố cùng các băng nhóm. 16 tuổi, Palazzo thường xuyên dính rắc rối với luật pháp và bỏ học trước khi tốt nghiệp phổ thông.

“Ý nghĩ gia nhập lính thủy đánh bộ khi đó của tôi chỉ đơn thuần là để trốn khỏi New York và tránh xa gia đình” - Palazzo kể lại. Người đàn ông hiền hòa nhưng đầy sôi nổi trước mặt tôi không giống gì thanh niên từng nghịch phá ngày nào ở Bronx, khu dân cư khét tiếng tại New York. “Tôi không biết nhiều về cuộc chiến. Tôi đến Việt Nam cũng chẳng phải vì lý tưởng “yêu nước” hay giải phóng tự do gì như chính phủ yêu cầu”.

Sau một năm luyện tập, cuối năm 1970 Palazzo đến Đà Nẵng và bắt đầu phục vụ tại đây. Ông vào lực lượng trinh sát đặc biệt với nhiệm vụ chính là xác minh thông tin tình báo, phục kích các điểm tên lửa của lính giải phóng và chiến đấu vào ban đêm. Ông và nhóm lính của mình thỉnh thoảng phải nhảy dù dưới làn súng xối xả.

“Tôi thường phải chiến đấu rất dữ với lính miền Bắc... và tôi mất rất nhiều người bạn (trong chiến tranh)” - Palazzo kể.

Sự hào hứng của ông với chiến tranh mất ngay khi ông đến Việt Nam. Ông thừa nhận mình là “nỗi khó chịu” đối với sếp khi luôn hỏi chất vấn vì sao nước Mỹ có quyền can thiệp vào Việt Nam - một nước có chủ quyền. “Một sĩ quan khi nói chuyện riêng cũng đồng ý với tôi rằng chúng ta đang sai và những gì làm ở đây là vô nghĩa. Viên sĩ quan bảo tôi: cứ cẩn thận rồi biến sớm ra khỏi đây đi” - ông nhớ lại.

Mười ba tháng sau, Palazzo lại xếp hàng ở sân bay Đà Nẵng để về nhà. Vì lý do nào đó, tên ông không có trong danh sách lên máy bay. Sau một hồi tranh cãi, Palazzo được thông báo nếu muốn về nhà cách duy nhất là bay cùng chiếc máy bay C-141 chở quan tài các thi thể lính Mỹ về nước.

Hình ảnh Việt Nam khép lại với Palazzo cũng bằng những chiếc quan tài và một lần nữa ông về nước với những chiếc hòm tang tóc.

Nếu thời niên thiếu của Palazzo là những ngày quậy phá, tụ tập băng đảng không sợ hãi ở ngoài đường, chiến tranh đã biến đổi ông hoàn toàn. Giống như nhiều cựu binh Mỹ, ông trở về nước Mỹ với triệu chứng của PTSD (rối loạn tâm lý sau sang chấn) và rơi vào đủ thứ nghiện ngập. Cuộc hôn nhân của ông tan vỡ và ông liên tục mất việc.

Sáu tháng sau khi rời Việt Nam, Palazzo bắt đầu có những triệu chứng của PTSD - các cơn ác mộng và giữa đêm bật dậy la hét, không thích giao du với nhiều người. Các tiếng động lớn, đặc biệt tiếng máy bay trực thăng, luôn làm tay thanh niên nghịch ngợm đường phố ngày nào sợ hãi.

“Lớn lên trên đường phố, tôi không phải là kẻ dễ sợ hãi. Nhưng tôi đã thay đổi sau cuộc chiến - Palazzo thừa nhận - Tôi rời Việt Nam với thói quen là luôn phải cầm dao hay súng theo người. Buổi tối tôi luôn có khẩu súng bên cạnh, đôi khi ngay dưới gối”.

Một đêm ở Connecticut giữa trời tuyết dày tới 12-18 inch và những tiếng cành cây gãy, tiếng những tấm tôn giãn nở vì trời lạnh, Palazzo tưởng là bị tấn công. Nửa đêm, ông vác súng đi quanh nhà như thể đang đi tuần thời còn chiến tranh. Người vợ trẻ của ông khi đó hoảng hồn thật sự.

Sau này nhìn lại, Palazzo nói chính người chú của ông, một cựu binh Chiến tranh thế giới thứ II, cũng có những triệu chứng này. “Ông cũng rất im lặng, ít giao du và hầu như không bao giờ nói về cuộc chiến”. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rõ những người đi qua các tình huống giao tranh quyết liệt, cận kề với cái chết đều dễ gặp các sang chấn về tâm lý và điều đó không loại trừ bất cứ ai.

“Có lẽ ông ấy đã quá tự hào (Chiến tranh thế giới thứ II, nước Mỹ được coi là nước đứng bên lẽ phải) nhưng PTSD thì không loại trừ ai”.

Trở lại và biết ơn

Chuck Palazzo trong cuộc gặp tại Đà Nẵng - Ảnh: T.Tuấn

Năm 2006, Palazzo nói ông có quyết định “ích kỷ” khi trở lại TP.HCM và làm công việc về công nghệ thông tin. Cũng trong những năm 2000, Palazzo bắt đầu tham gia nhiều hơn các hoạt động giúp các nạn nhân da cam Việt Nam và giải quyết vấn đề bom mìn còn sót lại sau cuộc chiến. Ông tham gia nhiều nhóm trao đổi về các vấn đề này như AOWG (Nhóm làm việc về chất da cam/dioxin - The Agent Orange Working Group) và các nhóm cựu binh.

“Mỗi ngày tôi bắt đầu bằng vài tiếng đọc và giải quyết các email liên quan tới các vấn đề này” - Palazzo nói. Ông cũng đang theo đuổi một chủ đề nóng khác: lên tiếng về sự nguy hại của việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen (GMO) mà rất nghịch lý là đang được sản xuất và cung cấp bởi chính các tập đoàn từng sản xuất chất độc da cam trước kia như Dow Chemical, Monsanto....

Năm 2009, chi nhánh nước ngoài đầu tiên của Veterans for Peace (cựu binh vì hòa bình) được lập ra ở Việt Nam với Chuck Palazzo và Chuck Searcy cùng tham gia. Nhóm của họ tổ chức đưa các cựu binh về thăm lại Việt Nam với yêu cầu mỗi người đến ngoài chi trả chi phí sẽ nộp thêm 1.000 USD để giúp đỡ nạn nhân da cam hoặc giải quyết bom mìn còn sót lại.

Cho đến nay chương trình này của nhóm đã góp được hơn 200.000 USD cho các hoạt động giúp đỡ của mình.

Palazzo là một trong khoảng 15 cựu binh Mỹ giờ quyết định chọn sinh sống tại Đà Nẵng. Ở các vùng khác tại Việt Nam, những cựu binh hay người thân của họ đã quay lại hoặc có những hoạt động liên quan tới xứ sở này.

Một trong những người tiên phong trong các chương trình về giải quyết các vấn đề bom mìn và chất độc da cam, chị Susan Hammond, giám đốc điều hành của Tổ chức War Legacies Project (WLP, dự án về các di sản của chiến tranh), là con của một cựu binh Mỹ. Ông Prentice F. Hammond Sr, bố chị, từng có mặt ở Việt Nam trong các năm 1967-1968 và 1970-1971 để thực hiện các dự án xây dựng nhà và cầu đường cho quân đội Mỹ.

Chị Susan Hammond tại Hội An trong chuyến thăm tháng 4 này ở VN - Ảnh: T.Tuấn

Susan Hammond đến Việt Nam lần đầu năm 1991 và từ năm 1997 bắt đầu hoạt động để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ. Chị là một trong những người đầu tiên làm về hoạt động da cam từ năm 2000 với vai trò phó giám đốc Quỹ FFRD (Quỹ hòa hợp và phát triển) trước khi bắt đầu Tổ chức WLP vào năm 2007, tập trung vào vấn đề chất độc da cam và bom mìn tại các nước Đông Dương.

Cha chị, ông Prentice F. Hammond Sr., bị bệnh Parkinsons từ những di chứng của việc phơi nhiễm chất độc da cam trong những năm ở Việt Nam.

“Tôi theo đuổi vấn đề về chất độc da cam vì đó là những điều tôi tận mắt chứng kiến đã ảnh hưởng đến gia đình mình” - chị giải thích. Trong nhiều năm, dự án của chị thực hiện thường giúp mang bò đến cho người dân nghèo ở các tỉnh miền Trung, các dự án giúp trẻ tàn tật, trồng cây để ngăn ảnh hưởng của chất độc da cam... Trang warlegiacies.org của chị là một trong những kho dữ liệu hàng đầu về chất độc da cam và bom mìn còn sót lại ở Đông Dương.

Ở Đà Nẵng, tôi gặp Billy Kelly, người trong nhiều năm nay thường có mặt tại Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) vào ngày 16-3 với 504 đóa hồng để tưởng niệm những nạn nhân của vụ thảm sát Mỹ Lai. Ông nói “Tôi đến chia buồn với bạn và gia đình” bằng tiếng Việt. Kelly không dính dáng đến vụ thảm sát nhưng ông từng đóng gần khu vực Mỹ Lai này. Với nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên, ông thấy mình có trách nhiệm phải trở lại vùng đất này.

Từ năm 1997, ông đều đều đi về VN vài tháng mỗi năm. Tiền dành dụm được từ chứng khoán và tiền từ chính phủ trả, ông để dành để làm các việc từ thiện. Ông lao vào xây trường học cho trẻ con, cấp học bổng cho học sinh (ông nói số tiền dành cho học bổng là khoảng 20.000 USD và thường nhờ bạn bè tìm những học sinh để trao học bổng giùm).

Ông trở lại Quảng Ngãi để tìm giúp những ngôi làng ở đó mỗi khi có dịp. Năm 2007, khi đoàn nạn nhân chất da cam Việt Nam sang Mỹ, ông đi cùng họ trên chặng đường rong ruổi ở bờ Đông cũng như khi ra tòa...

Quay lại với Palazzo ở Đà Nẵng, khi tôi hỏi cảm giác trở lại và sống tại mảnh đất này với ông như thế nào, nơi mà 40 năm trước ông hằng ngày bắn giết để cố gắng giữ cho mạng sống của mình và 40 năm sau, được sống trong ngôi nhà khang trang ở khu đô thị mới gần một trong những bãi biển đẹp, ông thừa nhận không biết diễn tả cảm giác ra sao.

“Tôi không ngờ là khi trở về nơi mình đã làm quá nhiều điều tổn hại, nơi ấy cuối cùng lại giúp tôi giảm hẳn hội chứng PTSD. Tôi đã sống cuộc sống tốt hơn rất nhiều. Nó là nghịch lý rất khó giải thích. Với tôi, VN như quê nhà mình”.            

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận