Không đối thoại, đã như thể một chọn lựa

HUYỀN MINH 31/05/2016 20:05 GMT+7

TTCT - Không thể nói chuyện với nhau thì không hiểu nhau và đương nhiên không thể mở lòng... Không mở lòng thì làm gì có trao đổi, đối thoại. Đầu tiên, mọi người xem đó chỉ là những chuyện con con, “ổn mà!”. Nhưng lâu dần, nó kết chuỗi và tắc tị...

Minh họa: Cao Thị Được
Minh họa: Cao Thị Được


Thằng bé hàng xóm mới 16 tuổi nhưng cao to và già dặn. Một ngày, cháu qua nhà chúng tôi chơi và khi nghe tôi hỏi về mẹ, về bố, về những quan hệ với những người thân, cháu nói: “Đã rất lâu ở gia đình cháu không đối thoại và cháu thấy mọi người trong nhà vẫn sống ổn thôi mà”. Giả như, ba chữ sau trong câu nói của cháu không hạ thấp đến thế, chắc tôi đã không níu cháu ngồi lại lâu hơn, chỉ để chuyện trò.

Tôi khá rõ về gia đình của cậu bé này. Một người bố to cao và muốn giữ con lại để hỏi nói một cái gì đó, đều phải sử dụng đến đôi bàn tay to bè và khỏe khoắn. Chẳng phải để đánh đập gì đâu, mà là bấu chắc lấy hai vai con, níu giữ suốt lúc trao đổi. Mà khoảng thời gian này mới ngắn ngủi sao! Mới ít ỏi... Bố cháu nói không thế thì nó trượt thoát khỏi mình và biến ngay.

Và mẹ cháu? Người phụ nữ này tâm sự: “Mình thấp nên nói với nó phải ngước đầu, nhưng phải như con chịu đứng lại và nghe mẹ chừng dăm phút. Nghe, không phải theo cái kiểu cũng biết vâng lời khi bố mẹ sai biểu một việc gì đó. Mà nghe như cách muốn trò chuyện với bố mẹ”.

Lắp ráp những khập khễnh nơi mối dây ràng buộc gia đình của họ, tôi rõ hơn về cái sự ổn thôi mà, ở câu trả lời nhiều lấp liếm và đầy gượng gạo của cháu. Và tôi tin cả ba thành viên trong ngôi nhà đó đều không hề muốn cái sự ổn này. Một “sự ổn” quá nhiều bấp bênh chỉ bởi đã không thể kết nối cùng nhau.

2 Nhà đấy có hai cây ghita. Một của người cha và là đàn Tây Ban Nha rất đắt tiền. Cây đàn còn lại là của đứa con gái. Mua cho cháu tập và chưa tới triệu bạc. Bình thường, đàn của ai người ấy sử dụng.

Cơ sự chỉ xảy ra khi có người muốn có thêm một cây ghita nữa để cùng chơi với chủ nhà cho rôm rả. Họ, đang trong một cuộc nhậu và uống cũng đã sần sần. Đi học về không thấy cây đàn trong phòng lại nghe trên lầu ồn ào giọng khề khà bia rượu và tiếng ghita vọng xuống. Cô nhỏ chạy lên, trố mắt nhìn ba mẹ một lúc rồi giật cây đàn trong tay bạn của ba.

Sự việc chỉ vậy theo như hai bậc phụ huynh kể nhưng tôi biết nào chỉ vậy. Cháu im lặng với ba mẹ suốt một tuần sau đó. Sau cú tát tai của ba và mấy câu chửi rủa gì đó của mẹ giữa mọi người buổi ấy. Suốt bảy ngày đêm cô bé chỉ nói câu này, một lần, khi được gặng hỏi mãi: “Đàn của con, vậy mượn chơi đã hỏi con chưa?”, “Vẫn kịp để ba mẹ nói, khi con đi học về, sao không ai chịu nói với con một tiếng?”.

Tôi cũng hỏi lại mẹ cháu câu nói đó và người phụ nữ này lúng túng vì ở nhà chị lâu nay, chẳng ai chịu nghe ai và chẳng ai chịu nói với ai một cái gì cho ra hồn ra vía.

Hỏi đáp, khi thật cần và kiệm lời lắm kìa! Cô bé cũng không là ngoại lệ, cho tới khi sự cố cây đàn xảy ra. Không thèm nghe và không chịu nói.

Có nghĩa: không đối thoại. Đúng chưa? Và đó, hậu quả. Mà chị, giáo viên văn thao thao trong những tiết dạy tại trường và ở các buổi dạy thêm. Còn anh làm trong ngành du lịch và vốn là một người ăn nói rất lưu loát. Thế mà với đứa con duy nhất của mình, sao quá khó khăn. Không phải họ đã rất thèm được trò chuyện với con sao! Không phải họ đã rất khao khát được thấy con mở lòng?

3Vợ chồng chú Út nhà tôi sinh được ba đứa con gái. Hai đứa chị rất bình thường, còn bé em hơi khang khác một tí. Từ hình dáng bên ngoài cho đến tính cách, năng khiếu... Cái gì cũng xoắn vào đầu con bé một dấu hỏi và nó rất bực nếu không được giải đáp thỏa đáng.

Nhưng đâu phải ai cũng rảnh rang và rành rọt để làm thứ công việc này. Bố mẹ đã quá mệt để kiếm tiền, về đến nhà lại bị con hỏi cái này cái khác. Rầy rà thật thế là sinh cáu. Còn hai con chị của nó thì thấy cái đầu em mình nó bị làm sao ấy.

Thế là em hỏi, chị nạt. Em hỏi, chị trừng mắt. Chị tức và em bực cứ ngúng nga ngúng nguẩy với nhau suốt. Sự thiếu thuận thảo trong tình chị em nảy sinh những bất hòa, mâu thuẫn trong gia đình. Từ một chút cỏn con như thế kéo dài và kết chuỗi. Chúng tôi có nghe kể lại và được chứng kiến dăm lần nên bảo: “Thôi! Cuối tuần đưa nó sang đây”.

Quả thật, chúng tôi vui hẳn khi có con bé và thú vị vô cùng với những thắc mắc của nó. Đúng là so với một học sinh đang học lớp 2 thì cái não của cháu có dôi hơn các bạn nhiều. Nhưng đâu sao... Trong những lúc cùng ăn uống, chơi đồ hàng, coi phim hoạt hình... chúng tôi đã trò chuyện nhiều và tôi thật bất ngờ khi nhận ra điều này: không ai trong gia đình chịu lắng nghe cháu.

Mà có nghe cũng cho có chứ không phải là muốn trao đổi thật sự. Muốn đối thoại. Cháu thấy ấm ức, vì đó. Và nỗi niềm này ngày càng phình to trong tâm trí cháu. Rất may, bác cháu tôi còn có những cuối tuần tuyệt vời. Để qua cháu, tôi được tham dự vào thế giới trẻ thơ. Để từ cháu, tôi phải học lại những thứ tôi đã vứt bỏ, lãng quên. Nhưng trên hết, cháu tôi thoát khỏi những ức chế. Và rất vui.

4Chẳng hiểu sao mà tôi lại được mấy đứa con của bạn bè rất tin cậy và thích chia sẻ. Tôi hay gọi mình là người phiên dịch kỳ quặc. Kỳ quặc là sao? Là không cần sử dụng tới một thứ ngôn ngữ thứ hai, ngoài tiếng Việt. Giả như, bạn tôi muốn nói gì với con, nói qua tôi và ngược lại.

Vì sao ư? Bạn tôi nói, đứa con đốp một phát bỏ vô phòng đóng cửa hay cúi gằm mắt vào cái iPhone. Rồi con bạn mới cất có ba tiếng, cái tai của bạn đã gờn gợn đã gai gai lên rồi. Vậy là ào ào...

Có quá nhiều bất ổn trong một mái nhà, hiện nay. Đó là những điều tôi nhặt nhạnh được khi làm người phiên dịch bất đắc dĩ. Bất hòa, bất ổn, bất hạnh... Những bi kịch gia đình (có thể gọi như thế được chăng) tất nhiên là không thể giống nhau, nhưng đều bắt nguồn từ sự thiếu chung cùng. Không ăn chung những bữa cơm, mỗi ngày.

Cha con không cùng đi tắm biển sớm sớm. Mẹ con không cùng chợ búa nấu nướng. Cả nhà không cùng coi một bộ phim hoặc giải quyết một sự cố... Vậy là khỏi đối thoại và lâu riết, khỏi thấy cần. Dù học được nhiều điều hay từ bao câu chuyện của người nhưng nói thật, tôi không hề thích công việc này. Một công việc chẳng được trả tiền mà lại tốn tiền. Nhưng nào có đáng kể gì so với những thất vọng của tôi, những nỗi buồn, những trăn trở... sau mỗi lần được làm người phiên dịch.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận