Khuyến khích người trẻ tự do thể nghiệm

QUỲNH TRUNG 29/04/2017 01:04 GMT+7

TTCT - Nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, tiến sĩ Kerry Healey, hiệu trưởng Đại học Babson (trường đào tạo kinh doanh uy tín nhất nước Mỹ) và là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị này, đã chia sẻ với TTCT câu chuyện khuyến khích khởi nghiệp từ môi trường đại học…

Bà Kerry Healey
Bà Kerry Healey

 Tiến sĩ Kerry Healey: Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của tôi đến Việt Nam. Chúng tôi đến đây bởi vì chúng tôi đánh giá cao tiềm năng kinh doanh lớn ở Việt Nam.

Chúng tôi đang tìm cách kết nối và hợp tác với Đại sứ quán Mỹ, Chính phủ và các trường đại học, trung học ở Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác về đào tạo kỹ năng cho các doanh nghiệp.

Nghiên cứu gần đây của Global Entrepreneurship Monitor cho thấy 73% người trưởng thành ở Việt Nam có một cái nhìn tích cực về việc chọn lựa kinh doanh như một cơ hội nghề nghiệp và 57% nhìn thấy rất nhiều cơ hội kinh doanh xung quanh.

Theo tôi, luôn nhìn thấy cơ hội xung quanh mình là điều vô cùng quan trọng đối với các doanh nhân, qua đó hình thành văn hóa khởi nghiệp. Tôi tin tưởng rằng chính thái độ tích cực này sẽ giúp Việt Nam nhìn thấy sự gia tăng số lượng doanh nghiệp mới trong thời gian sắp tới.

Những gì tôi muốn kiến nghị với Chính phủ Việt Nam chính là một nghiên cứu thuộc chương trình 10.000 doanh nghiệp nhỏ [10,000 Small Businesses Program] của tập đoàn tài chính đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) khẳng định rằng cơ hội lớn nhất để chính phủ gia tăng công ăn việc làm và mở rộng nền kinh tế phụ thuộc vào việc chính phủ ủng hộ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) như thế nào.

Nếu chủ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được chính phủ hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, sẽ giúp cải thiện kỹ năng kinh doanh của mình, từ đó có thể hình thành kế hoạch kinh doanh rõ ràng và thuyết phục các ngân hàng cho vay tiền.

Những công ty này có thể nhanh chóng trở thành những nơi tạo thêm công ăn việc làm và kiếm thêm nhiều lợi nhuận cho giới chủ.

Theo bà, Việt Nam có thể học gì từ mô hình phát triển start-up ở Mỹ?

- Tôi nghĩ một trong những yếu tố giúp các doanh nghiệp start-up ở Mỹ thành công chính là tạo ra những không gian làm việc chung (co-working space) và vườn ươm khởi nghiệp (incubator) cho những người khởi nghiệp ngồi cùng nhau và chia sẻ những ý tưởng, những bài học cả về thành công lẫn thất bại, qua đó thúc đẩy văn hóa lập nghiệp.

Chúng ta thấy rất nhiều không gian làm việc chung và vườn ươm khởi nghiệp ở sân trường của các trường đại học.

Chúng ta cũng thấy rất nhiều co-working space và incubator ở San Francisco và Thung lũng công nghệ cao Silicon. Nó cho phép các doanh nhân tìm hiểu về nhau cũng như tạo điều kiện cho những người thầy đến và chia sẻ với những doanh nhân trẻ.

Tôi được biết Việt Nam cũng có những không gian tương tự như thế ở Hà Nội và TP.HCM. Các bạn nên tiếp tục duy trì và phát triển chúng.

Với sự hỗ trợ từ chính phủ và các ngân hàng, bạn có thể nhìn thấy những doanh nghiệp nhỏ trở thành những doanh nghiệp lớn hơn theo thời gian. Và hãy nhớ cách tốt nhất để tạo ra hàng triệu công việc là tạo ra hàng triệu doanh nghiệp và mỗi doanh nghiệp này đóng góp bằng cách tạo ra một công việc mới.

Nhưng thông thường những ý tưởng của sinh viên chỉ được biết đến trong phạm vi trường, trong các cuộc thi, thí nghiệm hẹp... Làm sao để thúc đẩy những ý tưởng bước đầu đó thành start-up để không bị bỏ vào ngăn kéo?

- Hầu hết các trường đại học Mỹ đều có trung tâm khởi nghiệp - và thông qua những trung tâm này, các tư vấn viên, chuyên gia, doanh nhân và khoa sẽ giúp sinh viên phát triển những ý tưởng kinh doanh và kết nối với cộng đồng các nhà đầu tư.

Một số trường có quỹ đầu tư mạo hiểm nhỏ (hoặc quỹ cho vay) mà các sinh viên có thể tiếp cận được.

Ở ĐH Babson, chúng tôi có hai nhóm các nhà đầu tư thiên thần gặp gỡ ở trường học và sinh viên luôn có cơ hội tham dự những buổi gặp đó. Một khi các sinh viên đã đủ lông đủ cánh, họ có thể đăng ký để ý tưởng kinh doanh của mình được thẩm định bởi các nhà đầu tư này.

Mô hình khởi nghiệp trong các trường đại học được khuyến khích, tạo điều kiện ra sao cho những ý tưởng, sáng tạo dù là điên rồ nhất được nảy nở? Trong đó, vai trò của người hướng dẫn, gợi ý, của trường như thế nào để các quỹ đổ vốn vào?

- Các sinh viên của trường thực hành những gì được học ở trên lớp thông qua việc kinh doanh thật sự.

Ví dụ như khi chúng tôi dạy về tìm kiếm khách hàng và nắm bắt khách hàng mục tiêu, các sinh viên thông qua một chương trình tăng tốc khởi nghiệp sẽ phải ra ngoài và tìm kiếm, nói chuyện với các khách hàng thực sự.

Chúng tôi buộc các em phải phỏng vấn 30 hay 50 người để các em có thể thật sự hiểu được vấn đề và điều chỉnh các ý tưởng của mình sát với thực tế hơn.

Hoặc chúng tôi sẽ kiểm tra giả thuyết kinh doanh của các em bằng việc yêu cầu làm ra những bản mẫu hàng hóa để thử xem mọi người sử dụng như thế nào và có những điều chỉnh cần thiết. Cũng tương tự như vậy với bất kỳ giai đoạn kinh doanh nào khác, chúng tôi đều sẽ đưa các em ra ngoài thị trường để thực hành thử.

Chúng tôi khuyến khích các em có những thử nghiệm nho nhỏ trong thế giới thực để học và tiếp tục bước tiếp theo từ những gì đã học được. Chẳng mấy chốc các em sẽ có được rất nhiều kinh nghiệm thực tế và hiểu biết vượt ra ngoài khuôn khổ trường học.

Xin cảm ơn bà! ■

 Tôi nghĩ số lượng doanh nghiệp start-up ở Mỹ ít hơn so với kỳ vọng nên chúng tôi tiếp tục khuyến khích thêm các bạn trẻ khởi nghiệp, đóng góp vào nền kinh tế nước Mỹ. Chúng tôi cần phải áp dụng những nguyên tắc khuyến khích người trẻ tự do thể nghiệm và chấp nhận rủi ro cần thiết để trở thành doanh nhân. Đó là thông điệp xuyên suốt mà tôi gửi đến hiệu trưởng các trường đại học.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận