Lạc bước nơi hẻm núi thần ưng

HOÀNG OANH 22/02/2019 02:02 GMT+7

TTCT- ​Con đường của thần ưng là con đường của trái tim, trực giác và tính nữ. Còn con đường của đại bàng là con đường của lý trí, nền công nghiệp và tính nam.

Thần ưng xuất hiện. Ảnh: Hoàng Oanh
Thần ưng xuất hiện. Ảnh: Hoàng Oanh

 

Kền kền khoang cổ (Andean condor) là một loài chim thuộc họ kền kền Tân thế giới, sống trong những hẻm núi thuộc dãy Andes hùng vĩ. Chúng được xem là loài chim bay được lớn nhất thế giới với chiều dài thân lên đến 1,3m, sải cánh dài trên 3m, đuôi cứng, mỏ sắc nhọn và ánh mắt sát thủ. Vì những đặc điểm này, chúng được mệnh danh là chúa tể bầu trời Nam Mỹ, hay còn gọi là thần ưng Andes.

Thần ưng Andes đã trở thành biểu tượng trên quốc huy của nhiều nước trong khu vực này, là niềm tự hào của con cháu người Inca, là huyền thoại trong những câu chuyện kể đầy mê hoặc về sức mạnh và tự do. Giờ đây để được tận mắt nhìn thấy thần ưng, người ta phải đứng trên mép vực Colca Canyon ở miền Nam Peru, nơi có quần thể lớn của loài Andean condor còn lại trên thế giới, thổi tù và rồi chờ chúng bay lên từ đáy vực.

Hồi hộp "diện kiến" thần ưng

Xe đưa chúng tôi đi sâu vào thung lũng Colca, đường đi hiểm trở, không khí càng lúc càng loãng gây khó thở. Và rồi, đột ngột Colca Canyon vĩ đại hiện ra trong sương sớm, tôi choáng ngợp đứng trên hẻm núi sâu gấp đôi Grand Canyon ở Mỹ, không thể rời mắt trước một kiệt tác thiên nhiên tuyệt đẹp được xem là nơi huyền thoại về loài chim ưng dũng mãnh bắt đầu.

“Thần ưng sống ở đây, đó là biểu tượng dân tộc của người vùng Andes chúng tôi! Thậm chí bộ lạc Chumash còn tin rằng nếu thần ưng bị tuyệt chủng thì sắc dân Chumash cũng sẽ bị tiêu diệt!” - anh hướng dẫn viên Alejandro tự hào nói.

ẻm núi Colca. Ảnh: Hoàng Oanh
Hẻm núi Colca. Ảnh: Hoàng Oanh

 

Có khá đông những đoàn khách du lịch khác đã đến đây từ sớm, ai cũng cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng tốt để có thể quan sát toàn cảnh hẻm núi tuyệt đẹp như tranh và chờ mấy con chim xuất hiện. Khi mặt trời đã lên cao và chiếu những tia nắng hòa cùng màn sương bảng lảng phủ vàng ươm thung lũng, bỗng có tiếng kêu “quác quác” vang vọng đâu đó từ phía dưới vực sâu.

Mọi người còn đang lao xao thì đột nhiên một cái bóng màu đen rất lớn lao vút lên, xòe đôi cánh dài rộng thẳng tắp mà nhìn từ xa cứ ngỡ như một chiếc máy bay cỡ nhỏ. Bóng đen lượn nhiều vòng ngay trên đầu đám người đang há hốc mồm giương máy ảnh bên dưới. Ít lâu sau, từ dưới vực sâu lại có thêm nhiều bóng đen lao lên nhanh như tên bắn.

Giờ đây cả một vùng hẻm núi Colca hùng vĩ đang trở thành vũ đài lộng lẫy nơi thần ưng Andes phô diễn những cú bay điệu nghệ và mạnh mẽ như xé toạc nền trời xanh.

Anh chàng hướng dẫn viên Alejandro luôn miệng nói với chúng tôi đây là chim ưng chứ không phải đại bàng bởi hai loài này hoàn toàn khác nhau nhưng hay bị nhầm lẫn.

Anh kể về một lời tiên tri Amazon cổ xưa cho rằng xã hội loài người sẽ tách thành hai con đường, một là của đại bàng, và một là của thần ưng. Con đường của thần ưng là con đường của trái tim, trực giác và tính nữ. Còn con đường của đại bàng là con đường của lý trí, nền công nghiệp và tính nam.

Lời tiên tri nói rằng vào thế kỷ 13 sẽ bắt đầu một giai đoạn 500 năm khi mà người đại bàng sẽ trở nên mạnh mẽ và gần như xóa sổ những người thần ưng, tức là cuộc chinh phục và tàn sát dân bản địa châu Mỹ của châu Âu đã kéo dài suốt 500 năm.

Nhưng 500 năm sau đó bắt đầu từ thế kỷ 20, loài đại bàng và thần ưng sẽ chia sẻ bầu trời và bay lượn cùng nhau, rằng một ngày nào đó vùng đất Tân thế giới này sẽ phát triển mạnh mẽ và sánh vai cùng các cường quốc châu Âu. Alejandro tin là vậy.

Đường đi Colca Caynon. Ảnh: Hoàng Oanh
Đường đi Colca Caynon. Ảnh: Hoàng Oanh

 

Không vội ở Cusco

Cusco nằm ở độ cao 3.400m so với mặt biển, từng là cố đô lịch sử của đế chế Inca thịnh vượng với đường biên giới trải dài khắp một vùng Nam Mỹ rộng lớn, hiện là thành phố du lịch hấp dẫn nhất Peru với 2 triệu lượt khách mỗi năm. Thật ra, mọi người chỉ đến Cusco vài ngày vì đó là nơi xuất phát để đến thánh địa Machu Picchu.

Gần như không ai chọn ở đây một tháng như tôi cả, bởi Cusco nhỏ xíu và chỉ trong hai buổi chiều tôi đã đi gần hết những con dốc nhỏ lát đá, những tiệm cà phê xinh xắn, những nhà hàng đáng yêu nằm khuất trong những ngôi nhà cổ...

Nhưng dù sao thì tôi là một người du lịch chậm, tôi thích cảm giác sống trong một thành phố hơn là chỉ du lịch đến đó.

Quảng trường Plaza de Armas ở Cusco. Ảnh: Hoàng Oanh
Quảng trường Plaza de Armas ở Cusco. Ảnh: Hoàng Oanh

 

Tôi kết bạn với vài người địa phương và chúng tôi hay hẹn nhau ở quảng trường Plaza de Armas. Xung quanh quảng trường này là các nhà thờ Công giáo và những tòa nhà hành chính đồ sộ được người Tây Ban Nha xây dựng bằng đá đỏ trong thời kỳ thuộc địa. Điều đáng nói là chúng được xây ngay trên nền móng của những công trình Inca cổ hàng ngàn năm.

Anh bạn Carlos cho rằng đó là “một cơn trụy tim buồn bã nhất” của kinh thành Cusco lừng lẫy, nơi từng là trái tim của đế chế Inca, nơi từng không có gì nhiều bằng... vàng.

Thành trì Cusco sụp đổ dưới sự xâm chiếm, cai trị và đồng hóa của người da trắng khiến cho cả một vùng Nam Mỹ rộng lớn với lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo hàng ngàn năm thoắt cái trở thành thuộc địa Tân thế giới, nói cùng một thứ tiếng Tây Ban Nha và thờ chung một Chúa Giêsu. “Không có gì khiến một người to khỏe gục ngã nhanh bằng một cơn trụy tim!”, Carlos khẳng định.

Người bản địa ở Cusco. Ảnh: Hoàng Oanh
Người bản địa ở Cusco. Ảnh: Hoàng Oanh

 

Thỉnh thoảng chúng tôi men theo một con đường đá ngoằn ngoèo dẫn lên một quán rượu nhỏ trên đồi cao. Ngồi uống bia ở đó có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố từ trên cao trong dáng hình một con báo đen linh thiêng của vùng núi Andes. Nhưng phía dưới kia, bên trong lòng con báo ấy, tất cả đã thay đổi.

Trong các cẩm nang du lịch Nam Mỹ, Cusco được nhắc đến như là một nơi để người ta đến tìm chút dấu tích còn sót lại của nền văn minh Inca cổ xưa, cụ thể là ta sẽ tìm đến một bức tường cổ còn được giữ lại nguyên vẹn trong thành phố và chụp một vài tấm hình.

Thành Cusco
Thành Cusco

 

Nó được xây bằng kỹ thuật chồng các phiến đá lớn lên nhau khớp đến nỗi ngay cả một lưỡi dao cũng không thể lách vào. Ngày nay khoa học vẫn chưa lý giải được bằng cách nào người Inca có thể làm được điều đó. Ngày nào cũng có rất đông khách du lịch đứng ở đó để ngưỡng mộ bức tường.

Tuy nhiên, Carlos lại cho rằng để chính xác hơn thì nên nói thế này: Cusco là nơi để người ta đến và chứng kiến văn hóa Inca cổ xưa bị cưỡng đoạt bởi người châu Âu như thế nào, rồi theo thời gian thì các con cháu của thần Mặt trời có lẽ đã quen với điều đó và thấy... thôi cũng được.

Ở Cusco, có lần tôi bấm bụng đặt bàn ở nhà hàng ChiCha của đầu bếp người Peru nổi tiếng nhất thế giới là Gaston Acurio. Bữa tối thật đắt đỏ nhưng lại vô cùng đáng giá, bắt đầu bằng bánh mì nóng giòn ăn với bơ trộn ngò để khai vị, sau đó là món ceviche (gỏi cá đặc sản Peru) với nguyên liệu cá hồi từ thung lũng Urubamba ăn với hoa atiso, bắp rang và nấm rừng hấp trong thứ nước sốt hồng hồng có vị chua tuyệt hảo.

Rồi món chính được dọn lên là thịt cuy nướng ăn kèm với hạt quinoa hầm cùng trứng và cà rốt. Nhân tiện, cuy là thịt chuột lang vốn là một món ăn nổi tiếng của các tộc người bản xứ ở vùng núi Andes vì có hàm lượng protein cao và ít cholesterol hơn thịt gà, lợn hay bò.

Sau khi người Tây Ban Nha đặt chân tới Nam Mỹ, chuột lang được đưa sang châu Âu và thuần hóa thành thú cưng. Những vị khách phương Tây khi đến Nam Mỹ thường nhăn mặt khi thấy người bản địa ăn thú cưng của họ, chắc cũng thất kinh như khi họ thấy người châu Á ăn thịt chó, mèo.

Sau cùng chúng tôi tráng miệng bằng món trứng nướng sôcôla và kem hoa đậu biếc, rồi tợp thêm một ngụm rượu vang hồng địa phương. Chúng tôi nhâm nhi tất cả những thứ này một cách chậm rãi cứ như lo sợ rằng bữa ăn tuyệt tác này sẽ biến mất.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận