Làm gì sau khi gọi xe cấp cứu?

THẢO TRẦN 23/03/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Sau khi gọi cấp cứu, bạn có biết phải làm gì nếu một người không phản ứng và ngừng thở không?

 
 Ảnh: Red Cross Training

“Sự sống và cái chết chỉ cách nhau một hơi thở” là một câu nói mà sau mỗi lần phải thực hiện sơ cấp cứu bất đắc dĩ cho một ai đó tôi lại càng thấy thấm thía hơn. Một kỹ năng tưởng chừng chẳng bao giờ phải dùng đến thực ra rất cần thiết và thực sự hữu ích không chỉ cho người bị nạn mà còn cho chính bản thân tôi trên rất nhiều phương diện.

Cách đây 2 năm, trong một chuyến thăm bạn ở Úc, chúng tôi trò chuyện về những kỹ năng còn cảm thấy thiếu sót và muốn học hỏi trong cuộc sống. Bạn muốn học thủ ngữ, còn tôi muốn học sơ cấp cứu từ chuyên gia và có thể ứng dụng được trong thực tế nếu gặp tình huống khẩn cấp xảy ra. Cuối cùng tôi cũng thực hiện được ý định, và dù chẳng mong muốn nhưng cũng đã có dịp thực hành những kỹ năng mới học.

Trong một cuộc khảo sát với 9.022 người được công bố trên tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ngày 24-5-2017, chỉ có 18% người trưởng thành ở quốc gia này được đào tạo về hô hấp nhân tạo trong vòng hai năm trước đó. Ở nhiều bang, việc học hô hấp nhân tạo là bắt buộc khi tốt nghiệp trung học, điều này có thể giải thích tại sao những người trẻ tuổi có xu hướng được đào tạo hô hấp nhân tạo nhiều hơn những người lớn tuổi. Tại bang Florida, dự luật yêu cầu một giờ đào tạo về hô hấp nhân tạo phải được phổ cập cho cấp lớp 9 và 11 đang chờ được phê duyệt. 

Bài học không vô ích

Ngay trước kỳ nghỉ tết, một người hàng xóm ngoại quốc sống cùng tầng trong chung cư tôi đang ở đột ngột lên cơn co giật, cơ mặt tê liệt, không cử động được miệng lưỡi, sùi bọt mép, khó thở. Tôi sang đến nơi khoảng 5 phút sau khi nghe tiếng đám đông ồn ào, quan sát thấy người nhà vẫn đang hoảng loạn, đã có người gọi xe cấp cứu và chưa có hoạt động sơ cấp cứu nào được thực hiện. Căn bản có vài thứ cần kiểm tra đầu tiên như sự tỉnh táo của nạn nhân, hơi thở, mạch đập ở cổ hoặc cổ tay, tư thế nằm an toàn.

Tôi còn nhớ người thầy trực tiếp hướng dẫn lớp sơ cấp cứu tôi theo học từng chia sẻ yếu tố con người tại hiện trường có nhiều khả năng sẽ là tác nhân gây cản trở quá trình sơ cấp cứu nếu tôi không thuyết phục được họ bằng cách giới thiệu tôi là ai, tôi có kỹ năng gì. Thoạt đầu khi vừa vào tôi thông báo cho những người có mặt trong phòng đặt nạn nhân theo tư thế nằm nghiêng, không một ai tin tôi. Người vợ quả quyết nạn nhân không thể thở nếu nằm, vẫn tiếp tục… cầu nguyện gọi to tên ông và giữ nguyên tư thế ngồi.

Tôi ra ngoài gọi nhanh số cấp cứu ở bệnh viện tôi đang làm trợ lý y khoa để xác nhận lại một lần nữa những chuyện cần làm rồi quay lại... đánh lạc hướng người nhà của nạn nhân. Tôi giới thiệu nơi làm việc (một bệnh viện quốc tế lớn) và thuyết phục những người xung quanh bằng hình ảnh tư thế nằm khi cấp cứu đột quỵ trên điện thoại, nghiêm túc yêu cầu, đồng thời giúp họ điều chỉnh tư thế nằm cho nạn nhân.

Việc điều chỉnh tư thế sau khi kiểm tra hơi thở và mạch đập là hết sức quan trọng, đặc biệt tình trạng sùi bọt mép liên tục như nạn nhân này nếu không đặt nằm nghiêng nước bọt ứ đọng nhiều sẽ gây nghẹt đường thở rất nhanh. Thật ra trong những tình huống rối ren, não bộ con người chỉ nhất thời... quên mất nên làm gì, điều người ta cần lúc này là mệnh lệnh chính xác để làm theo. Bạn muốn giúp, bạn cần có kiến thức đúng và phải bình tĩnh hơn họ.

Tôi hỏi người nhà thông tin về bệnh nhân - tên tuổi, lần kiểm tra sức khỏe gần nhất, năm bị đột quỵ lần trước, thời gian xảy ra các triệu chứng hiện tại, tình trạng giấy tờ tùy thân, bảo hiểm - rồi nhắc họ đi gom giấy tờ vật dụng cần thiết để xe đến thì đi luôn. Làm thế là để khi nhân viên y tế đến thì nhanh chóng thông báo chính xác lại những dữ kiện người nhà đã khai trước đó, giúp quá trình được đẩy nhanh hơn. Nhân viên y tế sẽ xác nhận lại và khai thác tiếp nếu cần tại hiện trường hoặc trên xe cấp cứu.

 
 Các bước hồi sức tim phổi cơ bản. Nguồn: verywellhealth.com

Học mới thấy không giống trên phim

Mong muốn được học sơ cấp cứu thật ra đã nhen nhóm trong đầu từ năm 11 tuổi khi tôi bị tai nạn giao thông nhẹ, nhưng những người lớn xung quanh hoàn toàn không có động thái kiểm tra hoặc sơ cứu cố định chỗ xương tay bị gãy. Hậu quả là tôi đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật vô cùng phức tạp và đau đớn khi được đưa vào bệnh viện sau đó.

Vì lẽ đó mà tôi luôn cảm thấy bản thân cần phải chuẩn bị kiến thức cho những tai nạn bất ngờ xảy đến, đặc biệt là nếu sự sẵn sàng của tôi không chỉ có ích cho bản thân mà còn hỗ trợ được người khác. Thật tình cờ khi người bạn năm xưa giúp ghi chép bài vở vào giai đoạn tôi nghỉ học do gãy tay cũng chính là người đã giới thiệu cho tôi một khóa học sơ cấp cứu tại Việt Nam do một chuyên gia người Úc dày dạn kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn.

Lớp học khoảng chừng 20 học viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ để thực hành sau khi được giảng giải về lý thuyết. Học phần tôi theo học bao gồm các nội dung như quy trình tiếp cận hiện trường, kiểm tra các mối nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân trước khi thực hiện sơ cứu, các thứ tự ưu tiên trong sơ cấp cứu, cách xử lý nạn nhân bất tỉnh, cầm máu, cách băng bó cố định chỗ xương gãy, xử lý bỏng, rắn cắn…

Có những thứ đơn giản không ngờ nhưng lại cũng chính là điều tốt nhất nên làm cho nạn nhân trong tình trạng nguy hiểm. Chẳng hạn như đối với hầu hết các trường hợp bỏng, điều cần thiết luôn là làm mát bằng nước sạch chứ không phải bằng… kem đánh răng hoặc các loại mỡ động vật như nhiều mẹo dân gian vẫn tin dùng. Khi nạn nhân bị rắn cắn, ta không dùng miệng hút hoặc nặn vết cắn, chỉ cần cố định chỗ vết cắn và hạn chế tối đa mọi cử động để nọc độc không lan nhanh.

Hay như động tác hồi sinh tim phổi thoạt nhìn có vẻ đơn giản, trong phim ảnh lại nhìn lúc nào cũng kịch tính, nhưng lúc thực hành trên mô hình mới biết lực ấn cần rất mạnh và tốn sức, trong vài phút tiến hành thao tác này có thể khiến bạn rất mệt, cần có người ngay lập tức thay phiên làm tiếp khi bạn dừng tay.

Vài tuần sau khóa học, tôi bất ngờ được thực hành khi gặp một tai nạn giao thông trên đường đi làm; lúc lướt qua tôi để ý thấy người bị nạn chảy máu, đang nhắm mắt và được đặt nằm ngửa. Trước kia, tôi thường phóng nhanh qua những đám đông tụ tập do tai nạn với suy nghĩ: “Tôi chẳng giúp được gì, vào xem chỉ vướng bận thêm”. Nhưng sau khóa học và hiểu hành động sơ cứu kịp thời có thể ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc điều trị về sau, tôi thực sự bớt đi rất nhiều phần do dự và đã vòng xe lại hỗ trợ kiểm tra tình trạng của nạn nhân trong khi chờ xe cứu thương và tiến hành làm theo các bước như đã học.

“Khoảng 70% trường hợp ngừng tim xảy ra tại nhà. Nếu điều này xảy ra với vợ, chồng hoặc người thân của bạn, có phải bạn sẽ thấy thật tồi tệ vì không biết phải làm gì không?” - tiến sĩ Charles Pozner, phó giáo sư y tế khẩn cấp Bệnh viện Brigham and Women's, viết trên tạp chí Harvard Health. Viễn cảnh thật ám ảnh, nhưng cũng khiến tôi tin mình đã đúng khi giờ đây đã biết phải làm gì sau khi gọi xe cấp cứu.■

Một số các lớp hồi sức tim phổi hiện đại phần lớn dạy hô hấp nhân tạo bằng hơi thở thường là cho nạn nhân chết đuối hoặc dùng ma túy quá liều. Các chương trình học từ căn bản đến nâng cao có thể sẽ bao gồm thêm những hạng mục khác như sơ cứu sự cố sức khỏe phổ biến như đau tim, đột quỵ, chảy máu, té ngã, hóc dị vật.

Thông thường thực hành hô hấp nhân tạo chỉ dùng tay đẩy mạnh và nhanh đều đặn vào giữa ngực trên thân mô hình bằng cao su. Hành động này có thể giữ cho máu lưu thông cho đến khi tim của người đó có thể bị sốc trở lại nhịp bình thường bằng máy khử rung tim. Nhân viên cấp cứu sẽ mang theo và sử dụng thiết bị này.

Nếu bạn chứng kiến một ca tim ngừng đập ở nơi công cộng, hãy nhờ một ai đó thử tìm máy khử rung tim tự động bên ngoài (AED). AED sử dụng lời nhắc bằng giọng nói, đèn chiếu sáng và tin nhắn văn bản để hướng dẫn người dùng qua các bước cần thiết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận