Làm sao xử số đồ chất đống trong đại dịch?

TỊNH ANH 10/05/2022 03:05 GMT+7

TTCT - Có những thứ cũng đến cùng đại dịch nhưng không dễ biến đi khi mọi thứ dần trở lại bình thường: hàng lô hàng lốc những đồ đạc, vật dụng đủ thể loại mà người tiêu dùng khắp thế giới phóng tay mua sắm để cải biến ngôi nhà từ chỗ chỉ là nơi ăn chốn nghỉ thành cả văn phòng, trường học lẫn điểm vui chơi giải trí.

 
 Ảnh: Paige Vickers

Với những người có điều kiện tương đối, việc phải “cách ly” trong nhà hàng tháng trời là cơ hội để mua sắm thêm vật dụng, dù đang ở nhà phố rộng rãi hay căn hộ chật hẹp. Những trục trặc như thiếu hàng, vận chuyển lâu vì chuỗi cung ứng đứt gãy chẳng làm nản lòng những người mua sắm trong đại dịch. Doanh số thương mại điện tử của Mỹ năm 2020 tăng hơn 30% so với năm 2019, theo Bộ Thương mại nước này. Cụ thể, người Mỹ đã chi 791,7 tỉ USD cho mua sắm trực tuyến trong năm đầu đại dịch, tăng 32,4% so với năm 2019. Một báo cáo tháng 3-2021 của UNCTAD, Cơ quan thương mại và phát triển của Liên Hiệp Quốc, cho biết nhờ “xúc tác” COVID-19, doanh số thương mại điện tử toàn cầu năm 2020 vọt lên mức 26,7 ngàn tỉ USD, tăng 4% so với một năm trước đó.

Trong giai đoạn đỉnh của đại dịch, khi đời sống xã hội và các hoạt động đều bị hạn chế, mua sắm “có lẽ là một trong những thứ ít ỏi mà nhiều người có thể làm để thực sự cảm thấy dễ chịu” - chuyên gia tâm lý Travis L. Osborne nói với The New York Times.

Khi mọi thứ qua đi, di sản là những đồ làm bánh, dụng cụ làm vườn, máy tập thể dục, những món hàng công nghệ, các thứ đồ chơi cho văn phòng tại gia hay giải trí tại chỗ… Mối quan hệ của con người với vật dụng giờ đã chuyển từ tìm mua rồi chất đống sang dọn dẹp và tống khứ. Nhưng ai đã từng hạ quyết tâm sẽ dọn bớt kệ sách hay tủ quần áo sẽ biết tích thêm thì dễ mà vứt bớt khó đến dường nào.

Marie Kondo: hãy tiếp tục tìm vui

Nói đến chỉnh trang nhà cửa ngăn nắp, tổ chức đời sống gọn gàng, không thể không kể đến Marie Kondo, chuyên gia người Nhật nổi tiếng khắp thế giới với 4 quyển sách bán hàng triệu bản và nhiều chương trình truyền hình riêng về dọn dẹp. Triết lý của Marie Kondo là chỉ giữ lại những thứ “thắp lên niềm vui” (tên quyển sách và chương trình truyền hình của cô), còn lại thì vứt hết đi.

“Nữ hoàng dọn dẹp” nói gì về số đồ chất đống trong đại dịch? “Khi chúng ta trở lại văn phòng hoặc hình thành mô hình làm việc mới, nửa ở nhà nửa công sở, không còn lúc nào thích hợp hơn để chiêm nghiệm xem thứ nào mang lại niềm vui (đặng còn giữ lại)” - Kondo trả lời phỏng vấn của The New York Times. 

Theo tác giả bài viết Ronda Kaysen, bà hoàng ngăn nắp người Nhật một lần nữa sẵn sàng giúp đỡ, nếu ta thực sự muốn “thanh toán” đống bừa bộn hậu mua sắm vì đại dịch. Lời khuyên của Kondo vẫn là hãy xem những món đồ mới (may mắn là) đã từng giúp ta vui vầy qua những tháng ngày giãn cách với 4 bức tường có còn mang lại niềm vui gì không, khi đời sống ta giờ đây đã có thể diễn ra bên ngoài ngưỡng cửa.

“Mọi người có lẽ đã tích trữ thêm nhiều vật dụng trong đại dịch, và chúng đúng là có khơi dậy niềm vui vào lúc đó. [Còn bây giờ], tôi khuyên mọi người hãy chọn những đồ vật khơi dậy niềm vui và hỗ trợ cuộc sống mà quý vị theo đuổi, đồng thời cảm ơn những đồ vật không còn dùng và tặng chúng cho người khác” - Marie Kondo nói.

Đừng dọn trước khi “thu gọn”

Lisa E. Bolton là giáo sư marketing và quản trị kinh doanh tại Đại học bang Pennsylvania. Trong một lần đến chơi nhà bạn, bà tình cờ thấy một cuốn sách của Marie Kondo và biết đến triết lý “thắp lên niềm vui” của chuyên gia dọn dẹp người Nhật. “Tôi không thể hình dung mình có thể làm theo những điều cô ấy nói. Tôi vật lộn với câu hỏi liệu chúng có thực sự hiệu quả hay không? - Bolton kể với báo Pittsburgh Post-Gazette. Từ sự tình cờ này, bà cùng 2 người đồng nghiệp tiến hành một nghiên cứu tìm giải pháp tốt nhất cho việc giảm quy mô và thải bớt đồ đạc trong nhà. Khi được yêu cầu tóm gọn kết luận của nghiên cứu, Bolton nói đó là “hãy lựa chọn từ đống bừa bộn”.

“Một trong những điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là ta có cần phải xếp mọi thứ gọn gàng trước khi bắt đầu chọn thứ nào cần vứt đi hay không. Thật ra, việc sắp xếp rất vất vả, và nếu đã xếp mọi thứ đâu vào đấy rồi, rất khó để chuyển sang bước vứt bỏ. Mấu chốt nghiên cứu của chúng tôi là lựa đồ để vứt đi từ đống lộn xộn là tốt nhất. Hãy để mọi thứ bừa bộn và chọn thứ cần giữ lại trong đám bừa bộn đó” - bà nói.

Bolton nói thêm rằng chỉ là chúng ta không để ý, chứ chuyện này diễn ra thường ngày chứ không có gì khó hiểu. Hãy đến kệ sách được xếp ngăn nắp và chọn những cuốn muốn bỏ đi, nhiều khả năng là số sách được chọn sẽ rất ít. “Giả sử tôi đã gấp gọn quần áo và phân theo màu. Giờ thì rất khó để đưa ra lựa chọn khi phải liên tục so sánh chúng với nhau, điều này làm tăng xác suất bạn chọn giữ chúng lại”.

Nhóm nghiên cứu của Bolton đã thực hiện một loạt thí nghiệm để đi đến kết luận này. Trong một thí nghiệm, những người tham gia được yêu cầu bỏ bớt quần áo trong tủ ở nhà và báo cáo lại cách làm cùng kết quả; trong một thí nghiệm khác, các tình nguyện viên được yêu cầu dọn bớt các gian bếp, một bên ngăn nắp và một bên bừa bộn. Kết quả là ta có xu hướng giữ lại nhiều hơn nếu phải thanh lọc các phần tử trong một tập hợp đã ngăn nắp sẵn.

 
 Ảnh: media.self.com

Vòng lặp 

Những người bắt đầu loay hoay giải quyết đống đồ đã mua trong 2 năm đại dịch có lẽ chưa quên rằng đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 3 năm họ phải xắn tay áo lên tổ chức lại nhà cửa. Lần đầu, dĩ nhiên là khi phải biến ngôi nhà thành không gian đa chức năng, có phòng làm việc cho bố mẹ, có chỗ học và chơi cho con, chưa kể các gia đình bỗng dưng phải đón những con chim đã rời tổ quay về “tá túc” vì ký túc xá đóng cửa theo trường học. Tất cả đòi hỏi phải có thêm đồ nội thất, nhiều thiết bị cùng các thay đổi cần thiết về không gian, và dĩ nhiên là nhiều thứ sẽ phải “ra đi”.

Jodi R. R. Smith (Boston, Mỹ) hiểu điều này hơn ai hết. Năm 2020, đại dịch ném vào chuyên gia nghi thức giao tiếp này bài toán: làm sao để căn hộ 3 phòng ngủ có đủ chỗ để nhị vị phụ huynh làm việc tại nhà và 2 đứa con rời trường đại học về nhà học trực tuyến. Để có đủ không gian cho tất thảy, họ phải bỏ bớt đồ đạc. “Nạn nhân” đầu tiên là các món đồ nội thất thừa thãi, sau đó là dụng cụ thể thao ở một góc tầng hầm. Nhờ đó, chồng bà Smith, một chuyên gia tư vấn máy tính, có chỗ dựng văn phòng, thực ra chỉ là một cái bàn xếp và một cái ghế. Nhiều món khác - xe trượt tuyết, bộ sưu tập hình dán, sách, ô đi biển không sử dụng, đồ trang trí ngày lễ, một lá cờ Mỹ và một bộ đồ sứ Anh Quốc - tiếp tục ra đi để bà Smith có chỗ họp Zoom.

Nhắc lại quá khứ chưa xa để thấy rồi sẽ đến lúc ta phải loay hoay tìm cách tống khứ những thứ mình vừa dày công cho vào ngăn nắp. “Mua sắm mang đến cho chúng ta những thứ mới để thanh lọc, nhưng dọn dẹp cũng mang lại cho chúng ta cơ hội mua sắm” - tác giả Kaysen của The New York Times viết.

Marie Kondon biết rõ điều này. Người chuyên tư vấn cách tổ chức đời sống ngăn nắp cũng lại là người bán hàng - những hộp đựng đồ trang sức giá 14,99 USD hay ngăn chứa hồ sơ giá 49,99 USD trên trang cá nhân và Instagram. Khi Kondon bắt đầu kinh doanh vào năm 2019, cô đã bị chỉ trích với các tít báo mỉa mai kiểu “Marie Kondo muốn bán cho bạn thứ cô ta vừa bảo bạn vứt đi”. Những món đồ này chắc hẳn là “thắp lên niềm vui” như triết lý của Kondo (tên cô đã là một động từ, có nghĩa là dọn dẹp trong tiếng Anh), và chắc chắn sẽ sớm bị thay thế, nếu cứ theo triết lý “hết thấy vui thì cho lui”.

Để an ủi, có thể nhìn mặt tích cực của vấn đề: thực sự có cái gọi là niềm vui dọn dẹp. Ta cũng thích vứt đồ đạc như khi đi mua sắm vậy. Nói đúng hơn, theo tiến sĩ Tal Ben-Shahar - giám đốc chương trình thạc sĩ mới mở về nghiên cứu hạnh phúc thuộc Đại học Centenary ở New Jersey, ta không thích căn nhà đã bỏ bớt đồ đạc bằng hành động bỏ bớt đồ đạc, bởi “hạnh phúc là quá trình chứ không phải kết quả”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận