“Làng Đà Lạt” trên đất Măng Đen

MAI VINH 25/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT- Giữa cao nguyên Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), những trang trại nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đã được lập. Không khí sản xuất chưa rôm rả như Đà Lạt, nhưng ước vọng về một vùng nông sản công nghệ cao kiểu Đà Lạt lộ rõ trong câu chuyện của những người đầu tiên khởi sự làm nông ở Măng Đen.

Trồng rau ứng dụng công nghệ vi sinh đang là một hướng phát triển được chú ý tại Măng Đen. Trong ảnh, người dân phun chế phẩm vi sinh thay cho thuốc bảo vệ thực vật để cây phát triển tốt nhưng vẫn đảm bảo độ sạch.-Ảnh: Mai Vinh
Trồng rau ứng dụng công nghệ vi sinh đang là một hướng phát triển được chú ý tại Măng Đen. Trong ảnh, người dân phun chế phẩm vi sinh thay cho thuốc bảo vệ thực vật để cây phát triển tốt nhưng vẫn đảm bảo độ sạch.-Ảnh: Mai Vinh

 

Măng Đen nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Nhiệt độ trung bình 16-20oC. Đây là vùng có những điều kiện cơ bản tương đồng với Đà Lạt và nhiều nông dân đã tìm đến đây trong bối cảnh giá đất nông nghiệp ở Đà Lạt tăng quá cao.

Vùng rau ôn đới

Anh Trần Xuân Ngọc, chủ một trang trại hoa ở Măng Đen, nhận định: Măng Đen độ ẩm cao hơn và có thời gian mưa dài hơn ở Đà Lạt nhưng độ màu mỡ đất đai thì ngang nhau, thậm chí Măng Đen có phần nhỉnh hơn do chưa bạc màu. Để dẫn chứng, anh Ngọc khoe vườn dưa Nam Mỹ Pepino (loại dưa rất được ưa chuộng và trồng thành công đầu tiên ở Đà Lạt năm 2016) của mình. Anh trồng dưa lẫn trong cỏ dại, không chăm sóc nhưng quả vẫn to, căng mọng như những quả dưa hạng nhất đang được chào bán. Theo những phân tích định lượng mới nhất về độ sạch và màu mỡ mà anh Ngọc có được, chất lượng đất ở Măng Đen phù hợp để làm nông nghiệp hữu cơ.

Khắp Măng Đen, nhiều khu đất bằng phẳng đã được phát quang trồng cây ăn quả, xà lách Mỹ, cà chua với nhiều giống khác nhau. Một diện tích lớn nhà kính chuyên dùng trồng hoa và các loại nông sản cao cấp đã được xây dựng và đang cho thu hoạch mỗi ngày. Khu nhà kính rộng lớn của nông dân Phạm Văn Lịch được xem là khu đầu tư bài bản và “chuẩn” nhất.

Đồng ý cho chúng tôi xem bên trong những khu nhà kính nhưng ông Lịch yêu cầu phải dùng bao nilông bọc bên ngoài giày để không làm bẩn bên trong khu sản xuất. Khách tham quan vừa bước qua khu cửa hai lớp, một kỹ sư yêu cầu chỉ được nhìn, không được chạm vào những quả cà chua cocktail giống ngoại nhập, có kích thước chỉ bằng 1/4 quả cà chua giống đang bán đại trà. “Làm kỹ vậy để hạn chế mọi nguồn gây bệnh và làm bẩn nông trại” - ông Lịch giải thích. Ông Lịch vốn là một thương nhân ở Bình Định. Ông đến Măng Đen làm nông vì mê những câu chuyện nông nghiệp, cạnh đó là máu phiêu lưu muốn chinh phục vùng đất mới mà giới làm nông sản chưa chú ý đến nhiều. “Ở đây độ ẩm cao hơn những nơi khác nên tôi và những kỹ sư bầm giập hết hai năm mới có được lứa cà chua đẹp. Anh em tìm đủ mọi cách khử ẩm và thử nhiều loại giống nhập ngoại mới thành công” - ông nói. Quả cà chua nhỏ nhưng căng mọng.

Đang dở câu chuyện, đồng hồ báo “bíp bíp” một hồi dài, ông Lịch gọi điện thoại vào bên trong nhà điều hành, dặn kỹ sư trích dữ liệu sản xuất mới nhất gửi đi. “Tụi tui hợp tác với kỹ sư Nhật để trồng cà chua nên tới giờ làm việc của nhóm kỹ sư bên Nhật là tụi tôi gửi dữ liệu nông trại mới nhất cho họ theo dõi và có ý kiến” - ông giải thích và kể thêm kỹ sư Nhật đi làm nông khắp thế giới nên có nhiều giống để thử nghiệm cũng như kinh nghiệm xử lý các vấn đề hóa sinh. Còn kỹ sư VN thì giỏi thực hành trong điều kiện ở địa phương.

Ở Măng Đen dữ liệu sản xuất còn ít nên những nhà đầu tư đều xác định vừa làm vừa nghiên cứu, làm nhỏ để thử nghiệm trước. Tương tự ông Lịch, nhiều nông trại tại Măng Đen chọn lối hợp tác với chuyên gia nước ngoài hoặc những nông dân dày dạn kinh nghiệm đến từ Đà Lạt để xử lý những vấn đề công nghệ sản xuất nông sản.

Ông Trần Hùng Cường, một nông dân từ Đà Lạt đến Măng Đen hợp tác trồng hoa bán đi các tỉnh miền Trung. Trầy trật hơn hai năm, ông Cường mới có hoa đúng chuẩn để xuất bán mặc dù ông đã có 10 năm trồng hoa ở Đà Lạt với hàng trăm loài. “Tôi chỉ dùng được phân nửa kinh nghiệm từ Đà Lạt, còn lại phải nhờ kỹ sư ở Đà Lạt qua theo dõi giúp. Giờ thì ổn rồi - ông kể và cắt một cây hoa khoe - Xem thử coi, hoa Đà Lạt cũng cỡ này đây, cánh dày, lá mọng, thân khỏe. Giống hoa tôi mang từ Đà Lạt qua nhưng phải điều chỉnh lại chế độ phân”.

Cây thuốc giữa rừng

Ông Dương Anh Hùng, giám đốc Ban quản lý khu NNCNC Măng Đen, cho rằng mang nguyên những phát triển NNCNC từ Đà Lạt đến Măng Đen thì không thể, nhưng bình nguyên này có những lợi thế để tạo sự khác biệt và tăng giá trị nông nghiệp. Đây là một vùng đất đặc biệt, vùng lạnh nằm ngay trong khu vực nóng ẩm đặc thù của miền Trung. Ông Hùng nói đây sẽ là “thánh địa” của cây dược liệu, nhiều đơn vị nghiên cứu dược liệu đã đến Măng Đen thực hiện các đánh giá khoa học và nhận định như vậy. Và Măng Đen cũng nằm chung trong vùng quy hoạch 500ha trồng loài sâm danh tiếng Ngọc Linh.

Hai năm gần đây, những cây thuốc như đương quy, tam thất, đảng sâm, hồng đẳng sâm... được các trung tâm dược liệu nhân giống và đưa vào rừng trồng, một số khác trồng tại vườn của người dân địa phương, chủ yếu là vườn của người Xơ Đăng, Rơ Măm, Mơ Nâm.

Ông Nguyễn Văn Lân, chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết chủ trương của huyện là doanh nghiệp kết hợp với người dân địa phương để phát triển vùng dược liệu và trồng dược liệu dưới tán rừng. “Vùng nông nghiệp mới nên việc quy hoạch cũng không khó, chúng tôi muốn sinh kế của đồng bào không nằm ngoài những dự án đầu tư, đặc biệt là nông nghiệp” - ông nói và nhận định phát triển nông nghiệp dưới tán rừng không những tạo việc làm cho đồng bào mà còn đưa họ ra khỏi công việc “đi rừng” vốn chứa nhiều rủi ro.

Ông Lân “khoe” tuy mới đầu tư vào dược liệu nhưng ở huyện đã sản xuất được đông trùng hạ thảo, một loại dược liệu không dễ sản xuất và cũng mới thành công ở quy mô lớn ở Đà Lạt vào năm 2014. Công trình này do Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn - Phân viện Tây Nguyên thực hiện. Đứng giữa những tủ nuôi đông trùng hạ thảo hiện đại, ông Nguyễn Văn Thọ, đại diện phân viện, cho biết: “Sản xuất dược liệu ở Măng Đen dễ hơn những nơi khác. Chúng tôi chỉ lo chăm chút để cây có hàm lượng dược liệu tốt nhất”.

Theo ông Lân, tỉnh Kon Tum đã tham khảo các chuyên gia quy hoạch vùng dược liệu ở Măng Đen theo độ cao và đặc điểm khí hậu từng vùng nhỏ. Hiện một số loài cây như đinh lăng, cà gai leo đã khảo nghiệm và cho kết quả tốt. “Chúng tôi đang dồn đổi đất đai để có quỹ đất xây dựng cánh đồng lớn chuyên canh cây dược liệu, diện tích khoảng 150ha. Ngoài diện tích đang dồn đổi, hiện đã có 74ha cây dược liệu được bà con chuyển đổi từ những cây trồng ít hiệu quả”.

Kon Tum đã xác lập Măng Đen là vùng NNCNC và có những kế hoạch dài hơi để phát triển nông nghiệp tại đây. Hiện 1.300ha đã được quy hoạch để sản xuất rau hoa ôn đới. Đến năm 2020, diện tích này sẽ được nâng lên 2.000ha, trong đó 1.500ha chuyên canh rau, còn lại trồng hoa. Những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của những nông dân đều rõ một điều: sẽ dựng một vùng nông sản Đà Lạt ở Măng Đen! Hay nói một cách khác, nơi đây sẽ là cánh tay nối dài của vùng nông nghiệp Đà Lạt với những giá trị tương đồng và cộng thêm. ■

“Khi quy hoạch nông nghiệp ở Măng Đen, chúng tôi tham khảo những ưu và nhược điểm trong hoạt động nông nghiệp ở Đà Lạt, luôn cẩn trọng không để nông nghiệp phá vỡ hệ sinh thái ở đây, nhất là quản lý nhà lưới nhà kính. Chúng tôi cân bằng giữa nông nghiệp và du lịch sinh thái theo định hướng của Chính phủ khi phê duyệt quy hoạch Măng Đen, lưu ý nông nghiệp dưới tán rừng, đầu tư sâu vào dược liệu. Khí hậu Măng Đen đặc biệt nên chỉ sản xuất những loại nông sản đặc biệt có giá trị cao, điều sẽ nâng giá trị sản xuất nông sản trên một diện tích đất. Nông nghiệp hữu cơ đang là sự quan tâm của Măng Đen khi đón các dự án đầu tư. Đã có một trang trại trồng nghệ theo phương pháp hữu cơ để xuất khẩu. Nuôi dê phương pháp hữu cơ đang được thử nghiệm vào tạo giống với hơn 10.000 con nhập khẩu. Sữa dê không bán thô mà chế biến thành thực phẩm và mỹ phẩm”.

Ông Trần Văn Chương (phó giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận