Liên Bang Nga: Sau công khai thu nhập là gì?

DUY VĂN 29/05/2013 22:05 GMT+7

TTCT - Sau hạn chót kê khai thu nhập và bất động sản của các quan chức Nga vào cuối tháng 4, rải rác từ đầu tháng 5 tới nay, những khai báo của họ đã được đăng tải trên các trang web chính phủ cũng như báo chí Nga.

Phóng to
Phó thủ tướng thứ nhất Nga Igor Shuvalov được coi là giàu nhất trong Chính phủ Nga - Ảnh: KP

Từ giữa tháng 4 thì người Nga đã biết người giàu nhất trong Chính phủ Nga chính là Phó thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov (1). Ông không chỉ có nhà ở Nga mà còn ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, thu nhập năm ngoái 226 triệu rúp (tức hơn 7 triệu USD). Với thu nhập của vợ 222 triệu rúp, cả hai kiếm được gần nửa tỉ rúp (tức khoảng 15 triệu USD).

Những “bà vợ doanh nhân siêu nhân”

“Nghèo” nhất trong Chính phủ Nga hiện nay là bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên và sinh thái, người kiếm được 1,8 triệu rúp (58.000 USD) năm ngoái. Đặc biệt, báo chí Nga chỉ ra một điều lý thú: không ít bà vợ của các bộ trưởng kiếm tiền giỏi hơn cả chồng, khiến họ được báo chí gọi là “các bà vợ doanh nhân siêu nhân”. Chẳng hạn, phu nhân của bộ trưởng lao động Nga kiếm nhiều hơn chồng gấp ba lần (536.000 USD trong năm ngoái), hay phu nhân bộ trưởng giáo dục cũng kiếm khá hơn đức lang quân (hơn 760.000 USD so với hơn 500.000 USD của ông chồng bộ trưởng).

So với Chính phủ Nga, bộ máy của tổng thống Nga có vẻ “bèo bọt” hơn. Trước ngày 1-4, thu nhập của bộ máy tổng thống đã được công khai (2). Nổi trội nhất trong phủ tổng thống có trợ lý Yuri Trutnev, kiếm được hơn 6 triệu USD. Số còn lại kiếm bình quân 960.000 USD. Riêng thu nhập của Tổng thống Nga Vladimir Putin năm ngoái được công khai chi tiết là 5.790.823 rúp (chưa tới 200.000 USD).

Tài sản của đệ nhất gia đình Nga còn được bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ: ông Putin sở hữu một căn hộ ở Matxcơva, có 1.500m2 đất, bốn ôtô (hai chiếc một Niva và một xe mooc Skif). Ngoài ra ông còn thuê một căn hộ và một gara ôtô. Vợ ông, bà Liudmila Putina, bổ sung vào ngân sách gia đình hơn 120.000 rúp năm ngoái (gần 4.000 USD).

Đến ngày 15-4 thu nhập của Thượng viện Nga được công khai. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga, bà Valentina Matvienko, có thu nhập hơn 85.000 USD năm ngoái, sở hữu hai căn hộ ở Nga và nhà nghỉ trên diện tích 3.600m2, đi xe Chevrolet NIVA. Giàu nhất trong Thượng viện Nga là Dmitry Ananniev, đại diện khu tự trị Yamalo - Nenetskii, năm ngoái kiếm được hơn 22 triệu USD.

“Nghèo” nhất trong các thượng nghị sĩ Nga, ông Alexander Tatoonov ở Bắc Ossetia, thu nhập khoảng 15.000 USD, nhưng ngoài nhà ở thì vợ ông cũng sở hữu nhà ở nước ngoài (Bulgaria) dù bà này không khai báo thu nhập. Có 19 thượng nghị sĩ thừa nhận có sở hữu bất động sản ở nước ngoài. Nhiều nhất là thượng nghị sĩ vùng Bashkiria, người có tới 78 bất động sản, trong đó 76 trong nước và hai căn hộ ở Bulgaria. Nhiều ôtô nhất - 23 chiếc - là thượng nghị sĩ vùng Stavropolsk Constantin Skomorokhin.

Một thượng nghị sĩ khác, ông Viktora Pichugova có nhà ở Anh và căn hộ ở Monaco. Ngoài ra, các thượng nghị sĩ còn có nhà hoặc căn hộ ở Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Estonia, Đức, Phần Lan, Pháp, chưa kể một số phu nhân các thượng nghị sĩ cũng có của nả ở nước ngoài, như vợ của ông Paval Maslovsky có nhà ở Ý...

Cuối cùng, đến ngày 30-4, hạn chót kê khai thu nhập ở Nga, đến lượt các quan chức an ninh Nga công bố tài sản của mình. Các con số được người Nga nhận định “không ấn tượng lắm”, thí dụ người đứng đầu Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) Mikhail Fradkov kiếm được khoảng 220.000 USD/năm, những người dưới quyền ông cũng thu nhập chênh lệch không đáng kể.

Điều được báo chí Nga lưu ý là “các quan chức an ninh Nga không lấy được các nữ doanh nhân siêu nhân” bởi thu nhập của các phu nhân của họ không đáng kể. Trong danh sách các quan chức Bộ Nội vụ, báo chí Nga chỉ “lưu ý” phu nhân của người phụ trách vấn đề an ninh kinh tế và chống tham nhũng Denisa Sugrobova, chỉ trong năm ngoái đã kiếm được 23 triệu rúp, 10 lần nhiều hơn đức lang quân chỉ kiếm được 2,7 triệu rúp!

Đặc biệt, theo chỉ thị của tổng thống Nga ban hành năm 2009, các quan chức Nga phải kê khai cả thu nhập của những người con chưa tới tuổi vị thành niên. Trong số này, báo chí Nga cho biết chưa có gì “nổi trội”.

Do quy định không yêu cầu kê khai thu nhập của những đứa con trưởng thành nên báo chí Nga không có dịp “tọc mạch”, tuy nhiên tờ Sự Thật Komsomol cũng tiết lộ rằng đa số con các quan chức an ninh Nga đều đứng đầu các doanh nghiệp hoặc giữ “các vị trí cao cấp trong các cơ quan nhà nước”.

Phóng to
Trợ lý tổng thống Nga, ông Yuri Trutnev, kiếm được hơn 6 triệu USD năm ngoái - Ảnh: kommersant.ru

“Con cá ươn từ cái đầu”

Câu hỏi người ta đặt ra là: Điều gì sẽ tiếp theo sau đợt công khai tài sản này?

Điều thứ nhất, cũng rất đương nhiên, là trên cơ sở các kê khai được công bố rộng rãi này, công luận sẽ giám sát và tìm kiếm những tài sản được che giấu. Ngay sau khi các đại biểu Đuma Nga công khai tài sản đã xuất hiện những tố cáo vạch trần những quan chức chưa khai báo hết bất động sản. Ở Đuma Nga, Ủy ban điều tra thu nhập đã bắt tay vào điều tra các cáo buộc này (xem TTCT số ra ngày 1-3: “Sóng gió đầu năm ở Đuma Nga”).

Cần nhắc là những kê khai được công bố này chưa khai báo tài khoản nước ngoài của các quan chức, đại biểu quốc hội: Theo một chỉ thị của tổng thống Nga ban hành tháng 4-2013, các quan chức phải “thoát” khỏi các tài khoản nước ngoài này trước 1-7-2013. Có thể chính quyền Nga đang chờ đợi đến mốc thời gian này để “tính sổ” với những kẻ trốn thuế.

Theo dự báo của Dmitri Gudkov - một trong những đại biểu Đuma Nga, thành viên của cuộc vận động chống tham nhũng trong chính các đại biểu Đuma, “trong vòng hai năm tới sẽ có những vụ điều tra lớn về các tài khoản mà những quan chức tham nhũng giấu ở các thiên đường thuế nước ngoài, một bước ngoặt trong cuộc chiến chống tham nhũng và rửa tiền ở Nga”.

“Sự cố” ở các ngân hàng Cyprus hồi tháng 3, khi chính quyền nước này đánh thuế tiền gửi làm lộ diện 2/3 tài khoản bị đánh thuế là của người Nga, là một bằng chứng hùng hồn cho khả năng này. Tờ Kommersant số ngày 25-4 cho biết Nga đang nhìn vào thỏa thuận về việc tự động trao đổi thông tin giữa các định chế tài chính của quần đảo Cayman (lừng danh là thiên đường thuế) với cơ quan thuế các nước G5 (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý).

Theo thỏa thuận này, tên tuổi, ngày sinh, địa chỉ, tài khoản của những người gửi tiền vào Cayman sẽ được tự động cung cấp cho các nước mà người này có nghĩa vụ đóng thuế. Nga đang chờ đợi những thỏa thuận tương tự với các “thiên đường thuế” này, dù có thể sẽ không sớm hơn 2014-2015 (3). Đó cũng chính là điều chờ đợi thứ hai của người Nga.

Sau kê khai thu nhập, tới tháng 7-2013, các quan chức Nga sẽ phải kê khai những khoản chi tiêu lớn, vẫn theo một chỉ thị của Tổng thống Putin. Chắc hẳn đây cũng là một điều người Nga chờ đợi, và không chỉ để cộng trừ thu chi của các bậc phụ mẫu để xem họ trung thực tới đâu: bài toán trừ này còn giúp làm lộ diện những tỉ phú “đen” (trốn thuế).

Trong một cuộc trò chuyện tại Trường kinh tế London hôm 1-5, trả lời câu hỏi về những cáo buộc tham nhũng liên quan tới dự án xây dựng thành phố khoa học công nghệ Skolkovo, Phó thủ tướng Nga Vladislav Surkov đã nhắc lại câu ngạn ngữ Nga: “Con cá ươn từ cái đầu” để nhấn mạnh tính gương mẫu của những người đứng đầu. Tổng thống Nga Putin cũng khẳng định trong cuộc nói chuyện trực tuyến hôm 25-4:

“Chúng tôi sẽ làm tất cả để các công dân chúng ta tuân thủ luật pháp: cả những quan chức cao cấp cũng như thường dân, cả các đại diện chính quyền lẫn đại diện phe đối lập. Đó là bảo đảm chủ yếu cho thành công, khi tất cả các đối tác tiềm năng của chúng ta sẽ hiểu, ở Nga, luật pháp đứng ở vị trí thứ nhất”.

Điều này cho phép người Nga hi vọng chính phủ của họ sẽ không “đánh trống bỏ dùi” trong cuộc chiến chống tham nhũng cam go.

Phóng to
Nguồn: Cơ quan thuế Liên bang Nga

Vì sao số tỉ phú “trắng” giảm?

Cơ quan thuế Liên bang Nga ghi nhận: mặc cho kinh tế và thu nhập nói chung của người Nga có tăng trưởng, nhưng năm 2012 số người đóng thuế Nga khai báo có siêu thu nhập (trên 10 tỉ rúp), còn được gọi là tỉ phú “trắng” (tức công khai, hợp pháp), so với năm 2011 không tăng, thậm chí còn thấp hơn con số năm 2008-2009. Thí dụ năm 2011, số tỉ phú Nga có thu nhập trên 10 tỉ rúp là 27 người thì năm 2012 chỉ còn 15 người (năm 2008 là 67 người).

Vấn đề là con số này không thống nhất với con số mà tạp chí Forbes và Hãng Bloomberg công bố. Là bởi trong khi Forbes và Bloomberg tính tài sản của một tỉ phú Nga bằng cách tổng cộng cả các cổ phiếu họ sở hữu, thì thuế vụ Nga chỉ tính thu nhập mà những người đóng thuế này kê khai mỗi năm.

Mà trên thực tế, việc giao dịch cổ phiếu của các nhà giàu Nga phần lớn thực hiện ở nước ngoài, nên con số của Cơ quan thuế Liên bang Nga không phản ánh đúng thực trạng siêu thu nhập của các tỉ phú mà phần lớn đã né thuế ở Nga.

___________

(1): http://www.kp.ru/daily/ 26062/2970931/
(2):
http://www.kp.ru/online/news/1414731/
(3): http://www.kommersant.ru/doc/2183659?fp=34

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận