"Like" không cứu nổi mạng người

PHƯƠNG LINH 10/11/2013 02:11 GMT+7

TTCT - “Hãy bảo là bạn thích tôi đi”. Nếu nhận được đề nghị đó trong đời thật, hẳn bạn sẽ thấy rất phản cảm. Vậy mà nó là chuyện thường ngày trên mạng xã hội Facebook, nơi không hiếm khi ai đó nhắn bạn: “Nhấn like mình đi”.

Phóng to
Minh họa: Bích Khoa

Nút “Like” (yêu thích) nhỏ bé bỗng được cung cấp một thứ quyền lực mạnh mẽ khi gắn liền với sự biểu lộ về xúc cảm, nhận thức, xu hướng - những gì thuộc về bản ngã con người.

Chỉ với một biểu tượng giản dị mà tiếng nói của người ta lại có thể được phát ngôn một cách gọn gàng, nhanh chóng và thầm lặng đến thế. Bao trạng thái tinh thần hỉ nộ ái ố cũng theo đó mà biểu hiện đầy phong phú, phức tạp.

Like: sẻ chia, khích lệ

Ngày nay mạng xã hội đang trở thành một trong những kênh chủ chốt nơi người ta thỏa sức bộc lộ tâm trạng, và việc tìm hiểu về tâm ý, tính tình của đối phương, cũng ít nhiều biểu hiện thông qua việc “lướt”, xem xét trang cá nhân thuộc về họ.

Vui, buồn, hờn, giận, bức xúc, những xúc cảm rất con người, ít nhiều khó bộc lộ thoải mái ngoài đời thật thì nay chỉ cần đôi dòng chữ thổ lộ, vài câu thơ trữ tình, hay một đoạn trích bóng gió xa xôi, muôn mặt tế vi của tâm tư đã được hiện lên trong phần cập nhật tin tức tại Facebook bạn bè.

Do vậy, nếu như đăng tâm sự là một trạng thái chia sẻ với thế giới rằng tôi đang trải nghiệm, hạnh phúc, sầu thương, khó chịu ra sao, thì hành động bấm “Like”, chưa kể bình luận, lại có thể được phiên dịch đa nghĩa (chung vui, chia buồn, đồng cảm, động viên...), mà nghĩa nào cũng có thể khiến chủ thể được khích lệ hay an ủi thêm nhiều phần.

Niềm vui ấy càng được duy trì, bồi đắp khi nhờ vậy, ta biết được ai đâu đó, bạn bè nào luôn để tâm đến những cảm nghĩ, hành động của mình, thông qua việc họ bấm “Like” thường trực nơi những dòng trạng thái có lúc đời thường, có lúc vu vơ của ta.

Dường như chỉ một hành động đơn sơ, một thứ mang tính khoảnh khắc trên thế giới ảo, lại đầy đủ khả năng đem đến niềm vui âm ỉ nào đó rất thực, khi mối dây thấu hiểu và cộng cảm đã lại được thiết lập rất xa, từ những màn hình máy tính.

Quả thật, không chỉ sẻ chia cái tôi, Like còn là động thái kết nối những tâm hồn đồng điệu, qua sự gắn bó cùng một ý niệm, ý thích. Mặt khác, khả năng động viên và đánh giá của chính hành động trên cũng được ghi nhận. Như bạn tôi, đam mê nhiếp ảnh và đặc biệt có năng khiếu, chính những lượt Like trên các tấm ảnh, trên trang fanpage bạn thực hiện, là nguồn ủng hộ mạnh mẽ để cậu dám rời bỏ một công việc an toàn đi theo đuổi đam mê thật sự.

Những lượt bấm nút “yêu thích” ấy không hề là sự câu kéo hay xin xỏ, nó hoàn toàn tự nguyện khi người xem hài lòng với tác phẩm mà cậu đem lại. Like, ở đây, cũng gần với một sự cảm ơn, một lời thừa nhận.

Tuy nhiên, sau một thời gian, nút Like đã bộc lộ cả hai mặt giá trị của nó, bên cạnh những hiện tượng đẹp.

Mỗi Like là một...

Không ít người khi đã dấn thân quá sâu vào thế giới ảo, bắt đầu nảy sinh hiện tượng lệ thuộc vào sự đồng cảm, động viên hay ngưỡng mộ từ những nickname trên mạng. Họ thường xuyên cập nhật mọi vấn đề cá nhân, thậm chí những yếu tố vô cùng nhạy cảm, và cả thực hiện nhiều hình thức thu hút sự chú ý nhằm có nhiều Like.

Số lượng Like trở thành mối quan tâm hàng đầu và từ đó cũng nảy sinh vô số cái lố bịch, bi kịch hay trạng thái “ăn mày cảm xúc” và đào sâu thêm khoảng cách giữa con người với thế giới thực.

Hơn nữa, chính trong nút Like - nơi bày tỏ quan niệm và sở thích cá nhân, cũng là chỗ có thể sinh sôi xu hướng tâm lý bầy đàn. Có những cái Like theo quán tính, theo thói quen, theo ý nghĩ “thấy mọi người Like mình cũng Like cho đông vui, cho sành điệu, cho ra vẻ am hiểu, nhanh nhạy” mà không cần quan tâm đến nội dung thật sự người khác muốn chia sẻ.

Đôi khi có những dòng cập nhật đầy tâm trạng, buồn bã khi chia sẻ những sự việc không vui lại cũng nhận được nhiều lượt Like mà không có bất kỳ dòng chữ an ủi, động viên, hỏi han nào bình luận phía dưới.

Nhiều trang fanpage đã lợi dụng tâm lý đám đông trong cách hoạt động trên thế giới ảo để câu kéo lượng Like. Dạo gần đây, những tấm ảnh hoặc fanpage với nội dung: Like nếu bạn yêu mẹ/bố/gia đình; Bỏ qua không Like nếu bạn không yêu nước; Thấy đúng thì cho một Like; Nếu không Like tức là bạn không có trái tim, 1 triệu Like để..., 1 Like là 1 gạch ném vào..., 1 Like là X tiền ủng hộ cho..., Like để giúp đỡ..., xuất hiện ngày một phổ biến và thu hút lượng Like khổng lồ.

Sau đó, khi đã đạt được số người yêu thích lớn, một số trang đã bị bán lại và biến thành những địa chỉ kinh doanh online với lượng fan sẵn có. Cá tính của công dân mạng, đôi khi, có thể bị lợi dụng và mua bán một cách nhanh chóng như vậy.

Mới đây, Unicef đã tung ra một số video giáo dục cộng đồng với thông điệp: “Bấm Like không cứu nổi mạng người”. Thay vì chỉ chia sẻ, Like và bình luận bày tỏ sự thông cảm, tiếc thương, bức xúc cho một thân phận, hoàn cảnh, tình hình; chúng ta hãy bắt tay vào những hành động thiết thực như quyên góp, cứu trợ, lên tiếng (*).

Một nghiên cứu vừa được công bố trên Proceedings of the National Academy of Sciences, cho thấy việc thống kê và phân tích những lượt Like của ai đó trên Facebook có thể chỉ ra rõ nét con người họ về chủng tộc, giới tính, chỉ số IQ, cá tính, văn hóa. Chúng ta có thể truy cập vào website: www.youarewhatyoulike.com để thử đánh giá về bản thân trong một ứng dụng do chính các nhà khoa học cung cấp dựa trên nền tảng nghiên cứu này.

Có thể nói Like chính là một động thái sống, một hành vi văn hóa, một kênh biểu thị cái tôi và là sự hồi đáp của xã hội đối với một hiện tượng. Do vậy, dù ở bất cứ môi trường nào, thực hay ảo, thì mọi hành động cá nhân, bao gồm cả những lượt Like đơn giản, cũng cần được thực hiện một cách sáng suốt, nhân bản, văn minh và có trách nhiệm.

Mặc dù có thể xuất phát từ mục đích động viên hay đồng cảm thì nhu cầu “like” lắm khi cũng phai nhạt tính hồn nhiên và chân thành của nó, để trở thành một thứ kỹ xảo giao tiếp. Đã xuất hiện một số sách cẩm nang hướng dẫn việc làm sao... thu hút nhiều like trên mạng xã hội về: hình tượng bản thân, sản phẩm tiếp thị... Bỏ qua những nội dung về việc sử dụng kỹ thuật tin học nhằm tăng lượng like, view... thì các lời khuyên nhằm “được nhiều like”, hay thu được nhiều comment (bình luận), share (chia sẻ), “viết status (trạng thái)/đăng ảnh Facebook được nhiều người like” cũng xuất hiện ngày một phổ biến. Chẳng hạn, trên một trong những “cẩm nang” có bán ở các hiệu sách thành phố, người viết dẫn ra nhiều biện pháp tâm lý học, khảo sát xã hội học để chứng minh: nếu đăng những nội dung ngắn gọn, đúng trọng tâm, có liên quan đến bản thân, vào buổi trưa thứ bảy,... thì xác suất được like của bạn sẽ tăng lên (!). Có thể thấy hành động like ngày càng được chú ý về mặt số lượng và có thể với nhiều động cơ khác hơn là mục đích giải trí, sẻ chia đơn thuần.

(*): http://www.telegraph.co.uk/technology/facebook/10041713/Likes-dont-save-lives-charity-hits-out-at-Facebook-slacktivists.html

Vào Facebook, người ta dễ dàng gặp những bức ảnh đăng một em bé bị tật nguyền, ung thư, một người ăn xin cực khổ... với lời kêu gọi là hãy chia sẻ cho nhiều người cùng biết để giúp đỡ hoàn cảnh này. Tôi thật sự không hiểu những nút “share”, nút “like”, những bình luận có giúp được những hoàn cảnh đó không, chỉ biết rằng qua hành vi này, người ta đã có thói quen làm từ thiện trên mạng.

Tôi phân biệt rõ những trường hợp chia sẻ những hoàn cảnh khó khăn trên Facebook.

Đầu tiên là những bức ảnh, status chia sẻ các hoạt động thiện nguyện “offline” vừa diễn ra của một bạn nào đó và kêu gọi mọi người tham gia các hoạt động tiếp theo. Hoặc những hoàn cảnh nghèo khó có thật, có địa chỉ hẳn hoi để mọi người biết mà giúp đỡ.

Khi xem những bức ảnh hoặc đọc status này, nhiều người ủng hộ và hoan nghênh, nhiều người tự nguyện tham gia và rủ người khác cùng làm. Từ thế giới mạng, nhiều người trẻ đã bắt tay hành động thực tế.

Nhưng cũng nhiều người thích sống “online” hơn là “offline” với những bức ảnh đau thương của những người khốn khó nhưng đã được chia sẻ trên rất nhiều diễn đàn, không rõ về thực tế của người này, họ còn sống không, họ đang ở đâu và muốn giúp họ thì như thế nào? Thường thì đây là những “chiêu trò” của một số fangape nhằm “câu like”, “câu view” để kiếm lợi.

Nhưng điều đáng tiếc là một số bạn không biết đã thi nhau chia sẻ, bình luận và ngộ nhận mình đã làm từ thiện, trong khi chính mình không bao giờ bắt chuyện với một bà cụ bán vé số, một em bé ăn xin hay chưa từng đi thăm hỏi một mái ấm tình thương. Đây là một biểu hiện cho sự thích nhìn, ngắm, bình luận hơn là đi và làm của nhiều bạn trẻ.

Không phải tự nhiên mà tổ chức UNICEF ở Thụy Điển đã gọi các cư dân chuyên làm từ thiện trên mạng là “Slacktivist” (ghép từ chữ: slack - bê trễ và activist: người hoạt động tích cực). Đó là người có những cảm xúc rất máy móc, khi thấy người nào khốn khó thì lập tức gõ bàn phím “Trời ơi, tội nghiệp quá”, “Mong sao cuộc sống của em sẽ tốt hơn”... một cách sáo rỗng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận