Lựa chọn mới điều trị trầm cảm

ĐỨC TÍN 16/03/2017 21:03 GMT+7

TTCT - “Tôi nghĩ anh cần một liều Botox” - bác sĩ Norman Rosenthal chỉ định điều trị cho bệnh nhân của mình. Bệnh nhân này mắc chứng trầm cảm kéo dài và có ý định tự tử, mặc dù đã uống thuốc đầy đủ và khám bệnh đúng hẹn.

Thử nghiệm mới?
Thử nghiệm mới?

 

Độc chất, dược chất

Botox là một loại thuốc độc thần kinh được tiết ra từ vi khuẩn Clostridium botulinum. Khi đi vào cơ thể, Botox sẽ ngăn chặn dẫn truyền từ dây thần kinh đến cơ, làm cơ không co được.

Do đó, thức ăn bị nhiễm loại vi khuẩn trên có thể gây ngộ độc vì Botox tác động lên hệ cơ của cơ thể, gây yếu cơ, liệt vận động và thậm chí tử vong do bị liệt cơ hô hấp. Tuy nhiên, chính nhờ tác dụng giãn cơ, Botox lại có nhiều ứng dụng trong y học.

Trong những năm 1970, công dụng chữa lé mắt của Botox tình cờ được một bác sĩ người Mỹ tên Alan B. Scott phát hiện.

Đến năm 1989, công dụng này được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng trong chữa trị lé mắt và các tật co thắt mí mắt khác. Những năm sau đó, Hãng dược Allergan (Ireland) đã tiến hành nhiều nghiên cứu về tiềm năng của Botox trong ngành thẩm mỹ.

Năm 2002, FDA chấp thuận việc dùng Botox trong điều trị nếp nhăn trên da, đánh dấu lần đầu tiên một loại thuốc được cấp phép sử dụng thuần túy cho mục đích thẩm mỹ. Kể từ đó Allergan đã kiếm được tiền tỉ từ Botox.

Từ phát hiện tình cờ

Người ta thường nghĩ các phát hiện mới về thuốc đều gắn liền với các phòng thí nghiệm khổng lồ và những cuộc thử nghiệm lâm sàng gian nan. Tuy nhiên, đối với Botox, những công dụng lại khởi đầu từ việc sử dụng ngoài chỉ định (off-label use).

Ngoài công dụng chữa tật mắt lé như trên, Botox đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu mãn tính, và đây là một phát hiện hoàn toàn tình cờ.

Theo quan sát của một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại Beverly Hills (Mỹ), những người trị nếp nhăn bằng Botox nhận thấy rằng họ ít bị nhức đầu hơn. Nhận xét về một sự việc và một hiện tượng tưởng chừng không có mối liên hệ gì với nhau này đã dẫn lối cho những nghiên cứu về công dụng mới mẻ này của Botox.

“Việc tìm ra vị trí và liều thích hợp để tiêm thuốc (điều trị đau nửa đầu) đã tốn rất nhiều thời gian” - bác sĩ Mitchell Brin, phó trưởng phòng phát triển dược liệu của Allergan, cho biết.

Trong một số trường hợp khác, các bác sĩ đã chủ động kê đơn ngoài chỉ định. Bác sĩ Linda Brubaker, trưởng khoa y Đại học Loyola (Chicago), đã thực hiện một nghiên cứu độc lập về điều trị bàng quang tăng hoạt bằng Botox.

Bà Brubaker cho biết nhiều phụ nữ bị mắc bệnh trên không muốn phải uống thuốc điều trị lâu dài. Vì vậy, bà đã chủ động điều trị cho họ bằng Botox, ngay cả khi y văn chưa ghi nhận công dụng này.

Bác sĩ Brubaker cho biết 70% số phụ nữ được điều trị bằng Botox báo cáo số lần rò rỉ nước tiểu trung bình là ba lần/ngày so với năm lần/ngày trước khi tiến hành điều trị. “Đây là một sự lựa chọn mang lại hiệu quả to lớn” - bà nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc này vẫn còn gây tranh cãi.

Nghiên cứu trên bệnh nhân trầm cảm

Việc chỉ định Botox cho bệnh trầm cảm tuy có vẻ rất lạ lùng nhưng lại không phải là không có tiền lệ. Năm 2014, Rosenthal và Finzi - hai chuyên gia về tâm thần học tại khoa y ĐH Georgetown và ĐH Y George Washington (Mỹ) - đã công bố một nghiên cứu mới cho thấy những người bị trầm cảm được điều trị với Botox sẽ có ít triệu chứng hơn người được dùng giả dược (placebo).

Hơn 70 người mắc bệnh trầm cảm được mời tham gia nghiên cứu. Ngẫu nhiên trong số họ sẽ có những người được sử dụng Botox, số còn lại được dùng giả dược.

Sau sáu tuần, 52% số người được tiêm Botox cho biết các triệu chứng trầm cảm của họ đã thuyên giảm đáng kể, so với chỉ 15% số người được tiêm giả dược có nhận xét tương tự. “Hơn 50% số bệnh nhân có đáp ứng, đó là con số lớn” - bác sĩ Finzi cho biết.

Đối với nhiều nhà nghiên cứu, vẫn còn nhiều dấu chấm hỏi xung quanh tác dụng chống trầm cảm của Botox.

Cơ chế giãn cơ có thể giải thích cho công dụng xóa nếp nhăn và điều trị lé, nhưng đối với các trường hợp khác (như đau nửa đầu và trầm cảm), các nhà khoa học vẫn còn rất lúng túng trong việc giải thích mối liên hệ giữa Botox và sự thuyên giảm các triệu chứng của bệnh.

Rosenthal và Finzi cho rằng tác dụng chống trầm cảm của Botox đến từ thuyết phản hồi biểu cảm gương mặt. Thuyết này cho rằng nét biểu cảm trên khuôn mặt có thể ảnh hưởng trực tiếp lên tâm trạng.

Chỉ một nụ cười có thể giúp cuộc đời tươi sáng hơn; tương tự, nếu không thể làm khuôn mặt ủ rũ được (với tác dụng làm liệt cơ của Botox), có lẽ người ta sẽ cảm thấy bớt lo âu, bớt buồn.

Một số nhà khoa học khác lại cho rằng Botox có thể có nhiều cơ chế phức tạp hơn mà giới khoa học chưa nghĩ đến. Một nghiên cứu thực hiện năm 2008 cho thấy khi tiêm Botox vào cơ của chuột, có sự hiện diện của thuốc trong hành não.

Ngoài ra, khi tiêm Botox vào một bán cầu não, thuốc sẽ lan sang bên bán cầu đối diện. Quan sát thú vị này đặt ra giả thuyết Botox có thể có một tác động nào đấy lên hệ thần kinh trung ương và não.

Dù vậy, việc sử dụng Botox trong bệnh lý trầm cảm cho đến nay vẫn chưa được công nhận bởi bất kỳ cơ quan y tế nào. Allergan đang nỗ lực trong việc thử nghiệm trên lâm sàng. Nếu kết quả phù hợp với công bố của Rosenthal và Finzi, loại thuốc gắn liền với ngành thẩm mỹ này mở ra một hướng mới trong điều trị trầm cảm.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận