Măng Đen cần người và công nghệ

MAI VINH 25/07/2018 20:07 GMT+7

TTCT - “Cần 10 năm hoặc lâu hơn để có được vị thế tương đương Đà Lạt hiện nay trong lĩnh vực nông sản” - ông Trần Văn Chương, phó giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum, dự báo.

*** Error ***
Do thiếu lao động nên kỹ sư được tuyển từ TPHCM cũng phải làm thêm công việc đơn giản trong nông trại. Trong ảnh: Kỹ sư làm việc trong nông trại YATA. Ảnh: Mai Vinh

 “Không lao động, không vật tư nông nghiệp và không có đầu ra cho nông sản ngay tại địa phương” - ông Phạm Văn Lịch, chủ nông trại YATA, đúc kết sau 3 năm khởi sự trồng rau ở đất Măng Đen. Toàn bộ kỹ sư và người chăm sóc vườn ở nông trại lớn của ông phải tuyển từ TP.HCM và từ các tỉnh khác.

Những con số 0...

Hiện diện tích dành cho nông nghiệp công nghệ cao của Măng Đen khoảng 1.300ha, bằng 1/5 vùng nông nghiệp Đà Lạt. Tuy nhiên dân số chỉ bằng 1/17 (hơn 24.000 dân, năm 2014) so với Đà Lạt, trong đó 85% là người đồng bào dân tộc thiểu số. 

Kỹ sư Trần Văn Thắng (24 tuổi) vừa ghi chép nhật ký nông trại xong lại đi tỉa lá cà chua. Anh cười: “Muốn có người phụ việc làm vườn mà quá khó kiếm nên tự mình phải làm tất cả. Các kỹ sư làm trong vườn tự phân công nhau, lúc thì làm kỹ thuật, lúc làm việc thuần công nhân”.

Bà Nguyễn Thiện Mỹ (60 tuổi) là người gốc Sài Gòn lên Măng Đen làm nông đã 10 năm. Dự tính ban đầu của bà là đưa nguyên mô hình Đà Lạt sang Măng Đen. Nhưng sau giai đoạn thử nghiệm bà mới tá hỏa: “Cực nhất khi làm những khu vườn tự động, không mua được thiết bị”. 

Bà Mỹ về Kon Tum rồi qua Gia Lai hỏi nhưng chỉ mua được máy bơm, ống nước. Bà lại phải về Đà Lạt để mua đầu phun, các bộ hẹn giờ tưới, màng nhà kính và phân bón, giống... Con đường hiểm trở đã làm chậm bước chân nông nghiệp công nghệ cao của bà Mỹ và những người đến Măng Đen đầu tư mở nông trại.

Nếu những nông dân trồng rau như bà Mỹ khó khăn về giống một thì những người trồng hoa phải chịu gấp mười nỗi khó ấy. Đối với rau, việc thay đổi giống không nhiều do cần độ ổn định. Nhưng đối với hoa, giống phải thay đổi thường xuyên theo thị hiếu của khách hàng. “Vùng trồng hoa ở đây nhỏ nên phải dựa vô Đà Lạt. 

Khốn nỗi, giống phù hợp với Đà Lạt nhưng chưa hẳn đã cho kết quả tốt nếu trồng ở Măng Đen. Muốn trồng phải thử, bởi vậy vùng hoa Măng Đen phải đi sau Đà Lạt, chỉ đụng được đến những thị trường nhỏ” - nông dân Trần Xuân Ngọc nói.

...Và khoảng trống đầu ra

Đầu ra đối với sản phẩm của Măng Đen là khoảng trống lớn. Hiện những nông hộ ở Măng Đen trồng rau công nghệ cao hay theo kiểu cũ đều bán cho thương lái với giá rau chợ. 

Những công ty lớn từ Hà Nội hoặc TP.HCM đến Măng Đen mở nông trại lớn thì tự tổ chức đầu ra, dựa vào những hợp đồng với những đơn vị phân phối ở các thị trường lớn trên cả nước hoặc xuất khẩu.

 Ông Chương nói Măng Đen chỉ mới hình thành một quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, thành công bước đầu nếu sản xuất quy mô nhỏ và thử nghiệm. Nếu muốn sản xuất lớn như Đà Lạt, cần bàn tay của Đà Lạt và TP.HCM, có những nhà kinh doanh, làm nông đã có kinh nghiệm hợp tác sản xuất. Và cần nhất là dữ liệu sản xuất, kinh nghiệm canh tác nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Dương Anh Hùng, trưởng Ban quản lý khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, cho biết: “Chúng tôi đang mời các đơn vị cung ứng nông sản lớn của Đà Lạt đến Măng Đen lập dự án sản xuất. Những đơn vị đã dấn thân trong ngành nông nghiệp trước tiên tổ chức sản xuất tại Măng Đen để đưa đến các thị trường đã tạo lập. Về sau, việc tổ chức liên kết với nông dân địa phương hình thành thì các đơn vị này sẽ phát triển thành các cơ sở thu mua và cung ứng nông sản”. 

Ông nói: “Giá trị nông nghiệp tại Măng Đen tăng lên thì người dân tập trung về đây tìm cơ hội cũng tăng và sẽ giải quyết được chuyện thiếu lao động”.

Ông Nguyễn Văn Lân, chủ tịch UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), cho biết qua thăm dò đã xác định thị trường của Măng Đen là các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Quan trọng nhất là miền Trung vì có lợi thế về đường vận chuyển ngắn, dưới 400km.

 Tuy nhiên, ông lo lắng việc tổ chức sản xuất nông sản, hoa quy mô lớn gặp khó khăn do Măng Đen có nhiều vùng tiểu khí hậu. Vùng ôn đới hiện đã quy hoạch sản xuất có diện tích khoảng 1.300ha, phần còn lại là nhiệt đới. Đặc điểm khí hậu như vậy khó hình thành vùng sản xuất theo hướng tương tự với “cánh đồng mẫu lớn”. 

Do đó Măng Đen chú trọng đa dạng sản phẩm nông sản tương ứng với từng vùng tiểu khí hậu và phát triển cây dược liệu để tạo điểm nhấn.

Ông Phan Thanh Sang, chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, kể khi khởi nghiệp, ông phát hiện những loài hoa lan mà ông đang trồng phát triển nhanh, mạnh ở xứ nóng và nở hoa đẹp ở xứ lạnh. Ông quyết định mở trang trại nhỏ ở Đà Lạt, Đơn Dương làm nơi “nghỉ dưỡng” cho hoa. 

Trang trại lớn ông mở tại huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), nơi có khí hậu nóng và giáp với huyện Đơn Dương, có khí hậu mát. Cây hoa được chăm sóc phát triển thật tốt đến khi sắp trổ bông thì ông đưa về nơi “nghỉ dưỡng” cho hoa “ăn” cái lạnh và ra hoa. 

Hoa lan từ trang trại của ông Sang được đánh giá là loài hoa có chất lượng vượt trội so với hoa được sản xuất thuần tại Đà Lạt.■

Để tìm vùng có khí hậu ôn đới tương đồng như Đà Lạt và Măng Đen rất khó. Cho nên phải xem đó là “báu vật” và phát triển phù hợp. Phát triển nông nghiệp đơn thuần không thể mang lại giá trị cao và tạo sự khác biệt. Một thời gian dài Đà Lạt phát triển nông nghiệp ồ ạt thiếu kiểm soát chặt về sử dụng phân bón nên đất thoái hóa nhiều, ít cơ hội phát triển nông nghiệp hữu cơ. Măng Đen là vùng ôn đới chưa ở trong hoàn cảnh như Đà Lạt nên có cơ hội này trong tay. Để tạo nền tảng cho nông nghiệp hữu cơ thì phải đặt mục tiêu giữ đất sạch và phát triển nông nghiệp sạch trên cơ sở quản lý chặt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nông sản hữu cơ không chỉ VN mà thế giới đang cần.

Kỹ sư Shugo Hama (Nhật Bản)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận