Mẹ ơi, chuyện nhỏ ấy mà!

MINH AN 12/07/2017 06:07 GMT+7

TTCT- Bà dì tôi có con gái tuổi cập kê, chuẩn bị đi học xa nhà. Sau khi lo lắng sắp xếp mọi thứ cho con gái cưng từ chuyện ăn ở, đi lại, tiền nong..., bà dì bỗng giật mình chợt nhớ còn một chuyện vô cùng quan trọng phải dặn dò con: quan hệ giới tính!

không chú thích
 

 

Con gái dì vốn là cô bé xinh đẹp, học giỏi, ngoan ngoãn và luôn ở trong vòng tay bao bọc của gia đình từ bé đến lớn, nay lần đầu tiên xa nhà. Nghĩ về chuyện con sống độc lập, xa nhà, đối diện chuyện trai gái với cám dỗ và... cạm bẫy, bà không khỏi lo lắng:

“Nhỡ nó... có bầu thì chết!” và loay hoay tìm cách nói chuyện với con. Bà vừa chật vật mở lời, cô gái nhỏ nói với mẹ tỉnh bơ: “Mẹ ơi, chuyện ấy là chuyện nhỏ mà! Chúng con... biết hết rồi!”.

“Không nên, nhưng không có gì là xấu!”

Chuyện “biết” của cô bé em tôi thật ra không phải là cô bé đã quan hệ tình dục rồi (dì tôi thở phào), mà là cô bé và bạn bè mình đã biết được những thông tin về giới tính thông qua sách báo, âm nhạc, phim ảnh, các trang web, mạng xã hội, các diễn đàn, game online... từ lâu.

Cô lý giải với mẹ rằng giới trẻ bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh, lại còn “WiFi free” ở khắp nơi nên chuyện tiếp cận những thông tin được cho là nhạy cảm chẳng có gì là khó với họ.

Tức là người lớn đừng có tỏ ra hốt hoảng lên như vậy, hoặc ngây thơ nghĩ rằng con em mình còn... ngây thơ. Vấn đề bây giờ không còn là chuyện “con có biết chuyện đó” hay không, mà là “con có biết chuyện đó một cách đúng đắn” hay không.

“Mà sao người lớn cứ cho rằng những chuyện đó là xấu xa, là cấm kỵ, là nhạy cảm?” - cô bé em họ của tôi hỏi tôi.

Cô cho rằng chuyện giới tính và quan hệ tình dục là những điều rất tự nhiên trong quá trình trưởng thành của con người, ai rồi cũng phải trải qua, sao nhiều người lại xấu hổ khi nói về nó? Sao lúc nào cũng phải nói giảm nói tránh, hoặc thậm chí nói sai bản chất, đánh tráo khái niệm?

Sex không có gì là xấu cả, chỉ là nên hay không trong từng thời điểm mà thôi. Cô bé học sinh phổ thông vừa ngấp nghé cổng trường đại học khiến tôi không khỏi ngạc nhiên vì cái sự “già bà cố” trong suy nghĩ về giới tính của mình.

Khi nào nên, khi nào không?

“Không nên khi chưa đủ tuổi và nên khi xác định là yêu nhưng phải biết cách tránh thai” - cô bé em họ trả lời nhanh gọn khiến dì tôi lấm tấm mồ hôi hột.

Tôi vội trấn an dì, nói với dì rằng giới trẻ bây giờ thông minh hiện đại, năng động, ngoại ngữ, vi tính đều giỏi, lại có cơ hội đi du lịch chỗ này chỗ kia, làm sao trách chúng nó không “khôn” sớm?

Cái dì cần làm bây giờ không phải là ngăn cấm hay lo lắng vì có cấm có lo cũng không quản lý nổi, ngược lại nên cố gắng trò chuyện với con về chuyện ấy thoải mái và tôn trọng.

Nếu thấy con còn thiếu kiến thức ở chỗ nào thì giải thích thêm cho rõ và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp an toàn. Dì tôi hỏi: “Vậy là từ giờ phải sống chung với lũ sao?”. Biết sao được, đừng căng thẳng quá.

Chính thái độ và cách nhìn nhận chuyện giới tính quá khắt khe của các bậc cha mẹ ở VN càng khiến các bạn trẻ muốn tự mình tìm hiểu và khám phá. Bởi ở đời cái gì càng bị cấm thì càng gây tò mò, càng khó thì càng kích thích.

Cha mẹ phải nghĩ như con nghĩ!

Bạn trai của tôi là người Đức. Có lần tôi kể anh nghe chuyện em trai út của tôi đang học đại học nhưng đã có bạn gái từ hồi lớp 10 và đến nay vẫn còn thắm thiết lắm, rồi nêu thắc mắc: “Không biết chúng nó sex chưa nhỉ?”.

Anh cười nắc nẻ bảo: “Ôi trời, tất nhiên là rồi chứ!”. Rồi anh kể ở Đức, tuổi trung bình để bắt đầu quan hệ tình dục thường là 14-15...

Tôi cũng ngại, không dám hỏi thẳng em trai mình chuyện tế nhị đó, nhưng tôi đoán các cô cậu trẻ tuổi ở VN bây giờ cũng gặp “áp lực còn trinh” không khác gì các bạn ở nước ngoài.

Thậm chí trên một vài diễn đàn dành cho giới trẻ còn lan truyền những khẩu hiệu đầy tính thách thức như: Thích là yêu, Yêu là cho, Chưa là kém. Tức đã gọi là tình yêu thì phải cho nhau thân xác! Nếu không...

Tôi không tiện nêu ra đây những cách hiểu của các em kẻo các phụ huynh có thể sốc và... “ném đá” rằng chỉ đường cho hươu chạy. Nhưng có một thực tế là nhiều bạn trẻ có tư tưởng rất “thoáng”, chuyện còn trinh không còn là điều tự hào mà ngược lại, còn khiến họ thấy... kém cỏi.

Thực tế này buộc người lớn chúng ta phải biết để có cách chuyện trò với con mình, giúp chúng đúng hướng.

Tuổi mới lớn là giai đoạn các bạn trẻ bắt đầu chú ý tới những biến đổi về cơ thể và tâm sinh lý của mình, đồng thời quan tâm nhiều hơn đến bạn khác phái và nảy sinh tình cảm nam nữ.

Việc tò mò về giới tính và muốn khám phá cơ thể của chính mình và người kia sẽ luôn là một đề tài hấp dẫn.

Thêm vào đó, phim ảnh, sách báo, âm nhạc, mạng xã hội luôn đầy ắp thông tin rõ ràng, cụ thể, chi tiết, phong phú về những đề tài mà các bạn quan tâm như: cơ thể con người, cấu tạo bộ phận sinh dục, các tư thế quan hệ, quá trình thụ tinh, các biện pháp tránh thai, các bệnh lây lan qua đường tình dục, thủ dâm, phá thai...

Vấn đề là những thông tin trên Internet không phải cái nào cũng đúng và đủ, nhưng vì những kiến thức đó không được dạy chính thống tại trường, lại cứ hay bị các bậc cha mẹ né tránh nên có những hậu quả đáng tiếc cũng là điều dễ hiểu.

Vậy nên trong khi người lớn vẫn còn hoang mang, không biết con em mình biết về chuyện ấy đến mức nào thì trong cặp các em đã có sẵn bao cao su hoặc thuốc ngừa thai khẩn cấp rồi! Thực tế là vậy và bài học nói chuyện giới tính có thể cần bắt đầu từ các bậc cha mẹ. ■

Chúng ta không thể lấy mấy bài giáo dục công dân được biên soạn từ 20 năm trước để dạy cho thế hệ 9X bây giờ. Các giá trị đạo đức tất nhiên vẫn cần được tôn trọng và giữ gìn, nhưng hãy thực tế một chút. Đối với sex, chúng ta đừng lên án hay quá cực đoan, nhưng cũng đừng lạm dụng hoặc dễ dãi. Nếu cha mẹ nào cứ cho rằng tình dục là xấu xa thì chắc chắn họ không bảo vệ được con mình.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận